Phong trào “Đạp xe đêm đến Khai Phong” của hàng trăm ngàn sinh viên đại học ở Trịnh Châu gần đây, đã gây ra sự hoảng loạn tột độ trong chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã bắt đầu đóng cửa trường trên diện rộng, gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong sinh viên. Họ công khai tuyên bố không muốn cửa trường học bị đóng.
Hoạt động đạp xe đêm do sinh viên tự phát tổ chức với tên gọi “Tuổi trẻ không có giá bán, đạp xe đêm ngay tại khoảnh khắc này” bắt đầu lúc 22:00 ngày 8/11. Hàng trăm ngàn sinh viên ở Trịnh Châu đã tham gia đạp xe đến Khai Phong. Có thông tin cho rằng có 100.000 người, có người nói 200.000 người, có người nói 300.000 người đã tham gia.
Một sinh viên đại học ở Trịnh Châu nói với phóng viên của tờ Epoch Times: “Đã quá muộn để (các quan chức) ngăn chặn sinh viên đạp xe ban đêm. Công ty vận hành ‘xe đạp chia sẻ’ tạm thời quy định rằng xe đạp không được phép ra khỏi vành đai 3 qua các quận và các biện pháp khác, nhưng không cách nào và không có khả năng cản được hành vi tuổi trẻ với nhiệt huyết đang sôi sục của sinh viên, đạp xe ban đêm không thể dừng lại được nữa.”
Theo tin tức trên mạng, toàn bộ xe đạp của 3 công ty điều hành xe đạp lớn ở Trịnh Châu đã được sinh viên dùng hết sạch vào đêm hôm đó. Một sinh viên ở Trịnh Châu đã đăng một bài đăng kèm theo một bức ảnh và nói: “Thôi coi như xong, tìm đến 10h đêm chỉ còn sót lại 1 chiếc này. Tôi xuất phát đây.” Hình ảnh đăng kèm bài viết là một chiếc xe đạp không có yên được dựng lẻ loi trên đường.
Bức ảnh trên nhanh chóng trở nên phổ biến trên Internet, và chiếc xe đạp không yên này nhất thời trở thành “nhân vật nổi tiếng trên Internet”.
Theo thông tin chia sẻ trên mạng, các sinh viên đã để lại nhiều xe đạp trên đường phố sau khi đến Khai Phong, tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục. Ngày 9 và 10, chính quyền địa phương phải mất 2 ngày mới giải tỏa được những xe đạp này. Và đây chỉ là một số chiếc xe đã đến điểm cuối trong hoạt động của ngày hôm đó.
Theo sinh viên tiết lộ, để ngăn chặn việc sinh viên đi xe đạp vào ban đêm, nhiều xe đạp đã bị đơn vị vận hành khóa lại, khiến sinh viên mắc kẹt giữa chừng. Chính quyền cho biết sẽ có xe buýt đưa họ về. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn chọn cách đi bộ đến Khai Phong vào lúc nửa đêm. Chính quyền cũng khuyên ngăn những sinh viên chưa xuất phát đến Khai Phong, nói rằng đường đến Khai Phong đã bị chặn, và Khai Phong không thể cung cấp thức ăn, chỗ ở cho nhiều người như vậy.
Một đoạn video về Khai Phong được lan truyền trên Internet cho thấy người dân địa phương hoan nghênh các chuyến đi xe đạp ban đêm của sinh viên, các danh lam thắng cảnh được bố trí đặc biệt để sinh viên xem biểu diễn miễn phí và cung cấp đồ ăn miễn phí.
Quy mô phong trào đạp xe ban đêm đến Khai Phong của sinh viên ở Trịnh Châu đã gây chấn động toàn bộ Internet, khiến chính quyền ĐCSTQ hoảng sợ. Sau đó, các trường đại học ở Trịnh Châu và Khai Phong bắt đầu kiểm tra ký túc xá quy mô lớn và triệu hồi những sinh viên trọ ở ngoài.
Sinh viên đại học đăng tin trên mạng rằng Viện Công nghệ Hà Nam yêu cầu sinh viên phải có giấy phép ra vào tạm thời khi rời khỏi khuôn viên trường, việc này sẽ được thực hiện bắt đầu từ cuối tuần ngày 9/11. Khi rời khỏi trường, cần xuất trình thẻ ra vào tạm thời cho nhân viên bảo vệ để kiểm tra, và báo cáo với quản lý ký túc xá khi quay lại để chứng minh rằng mình đã trở về.
Một sinh viên đại học ở Trịnh Châu tiết lộ một thông báo quan trọng do nhà trường đưa ra: “Kể từ hôm nay, từ thứ Hai đến Chủ Nhật, tất cả sinh viên nếu ra ngoài vào ban ngày thì sẽ phải xin phép, việc kiểm tra giấc ngủ sẽ được sắp xếp hàng tuần. Không được phép đi chơi đêm từ Chủ Nhật đến Thứ Năm. Nếu không ở lại trường vào tối thứ Sáu hoặc thứ Bảy, cần phụ huynh gọi điện cho giáo viên phụ đạo để báo xin nghỉ. Thứ Năm hàng tuần bắt đầu thống kê số người không ở lại trong trường vào tối thứ Sáu và thứ Bảy. Trước trưa thứ Sáu sẽ tổ chức các ủy viên báo cáo cho giáo viên phụ đạo.” (Giáo viên phụ đạo ngoài hỗ trợ sinh viên trong việc học tập và các vấn đề liên quan đến cuộc sống tại trường học, còn đóng vai trò như một người hướng dẫn và tư vấn viên cho sinh viên).
Sinh viên này nói: “Đây có phải là trường đại học không? Nó khác với trường cấp 3 như thế nào? Cấp 3 nghỉ thì vẫn có thể về nhà.”
Các sinh viên của Trường dạy nghề Cơ điện Hà Nam, có trụ sở chính đặt tại Khu đại học nam Thành phố Trịnh Châu, tiết lộ trên mạng rằng cửa trường của họ đã bị đóng và “chỉ vào không ra được, trường bắt đầu tổ chức các hoạt động vui chơi, bao gồm làm bánh bao, làm vòng, xem phim, v.v. đều có.”
Thông báo của một trường đại học ngày 9/11 cũng được lan truyền trên mạng, nêu rõ học sinh các khu vực khác ngoại trừ Khai Phong và Trịnh Châu có thể trở lại trường trước giờ họp lớp, nhưng buổi tối phải sử dụng camera để chụp ảnh điểm danh. Học sinh khu vực Khai Phong và Trịnh Châu phải trở lại trường trước 4h chiều hôm nay (ngày 9/11). Các lớp học sẽ diễn ra bình thường vào ngày mai (Chủ Nhật) theo sự sắp xếp giảng dạy của trường.
Một số sinh viên đại học ở Trịnh Châu phàn nàn trên mạng rằng cửa trường học của họ sẽ bị đóng cho đến ngày 18/11, và những sinh viên được nghỉ phép về nhà cũng buộc phải quay lại trường.
Sinh viên từ khắp Trung Quốc Đại Lục đã tiết lộ tình hình địa phương trong các nhóm trên mạng xã hội. Thông tin cho thấy việc đóng cửa trường không chỉ giới hạn ở Trịnh Châu và Khai Phong, mà đã lan rộng ra ngoài Hà Nam và ảnh hưởng đến các trường đại học trên khắp Trung Quốc.
Một sinh viên Thiên Tân đã đăng một tin vào đêm khuya ngày 9/11, “Hôm nay các bạn đã kiểm tra đăng ký ký túc xá chưa? Hôm nay tất cả các trường cao đẳng và đại học ở Thiên Tân đã kiểm tra chưa? Chuyện gì đang xảy ra vậy?”
Một sinh viên Thiên Tân khác đã đăng tin vào ngày 10/11, “Chuyện gì đã xảy ra ở Thiên Tân đêm qua? Tại sao trường đại học đột nhiên tiến hành kiểm tra giờ ngủ? Trường của bạn có tiến hành kiểm tra giờ ngủ không?”
Về việc đóng cửa trường, giáo viên phụ đạo của các trường đại học trên khắp Trung Quốc cũng đang thảo luận trong các nhóm trên mạng xã hội.
Một số giáo viên phụ đạo tại các trường đại học ở Trịnh Châu phàn nàn trong các nhóm trên mạng xã hội. Một số không hài lòng với việc nhà trường bắt giáo viên phụ đạo phải ký giấy trách nhiệm. Một số người còn chửi bới và nói: “Tôi làm việc trong lớp học tồi tàn này, tổ chức 8 cuộc họp mỗi ngày, bị sinh viên và phụ huynh la mắng”. Còn có người nói muốn từ chức.
Một giáo viên phụ đạo tại một trường đại học ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, cho biết: “Hôm nay chúng tôi nhận được thông báo hướng dẫn sinh viên không chạy theo trào lưu”.
Một giáo viên phụ đạo từ Đại học Thanh Hải cho biết: “Chuyện này lại xảy ra trên cả nước à? Hôm nay trường chúng tôi bắt đầu kiểm tra số người không ở ký túc xá của trường vào ban đêm. Tôi tò mò, bởi vì bình thường không kiểm tra, nhưng đột nhiên lại bắt đầu kiểm tra vào tối nay. Nhà trường sợ sinh viên chạy theo xu hướng sẽ gặp rắc rối”.
Việc đóng cửa các trường đại học đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong sinh viên, nhiều sinh viên đã kháng nghị trên mạng. Có người nói: “Cửa trường bị đóng rồi, tôi thực sự phục luôn.”
Cũng có sinh viên nói, “Cuối tuần cửa trường bị đóng, tôi nhẫn chịu, thứ Hai vẫn đóng cửa, đóng để làm gì? Trường chết tiệt này, tôi ra ngoài sạc xe cũng không được ư?”
Một nữ sinh viên đại học ở Hà Nam đã đăng một tin vào đêm khuya ngày 11/11 với nội dung: “Nghi cửa trường học sẽ bị đóng vì ‘phong trào đạp xe đêm đến Khai Phong’. Đừng nhé, tôi không muốn cửa trường bị đóng. Trường của chúng tôi rất xa Khai Phong, nhưng bây giờ trường chúng tôi quản lý chúng tôi rất nghiêm vì có phong trào đạp xe ban đêm. Tôi thấy rất nhiều người trong phần mềm trò chuyện của trường chúng tôi nói rằng họ sẽ quay lại lớp vào thứ bảy này để tự học buổi tối và xem phim. Cửa trường chúng tôi đã bị đóng vào Chủ nhật tuần trước.”
Cô cũng cho biết mình đã không thể ra ngoài trong 2 tuần qua: “Tôi không muốn cửa trường bị đóng, tôi không muốn”.
Một sinh viên đại học khác ở Hà Nam trả lời: “Quyết định đóng cửa các trường cao đẳng và đại học trên diện rộng cho thấy rất nhiều năng lượng tiêu cực. Tuyên truyền quá nhiều nên quá nhiều người đến, vốn nên chỉ trích việc tuyên truyền, nhưng giữa tuyên truyền và sinh viên thì lại chọn sinh viên tương đối yếu thế. Trong số các sinh viên, so với những người tương đối tích cực tham gia, mấy người lại chọn cách kiểm soát những người thật thà ở lại trường.”
Cô nhấn mạnh: “Tôi không quan tâm mấy người có bao nhiêu lý do để ‘chỉ kiểm soát những người này’, trong thực tế, thông điệp mấy người truyền tải là: người thật thà không được đối xử tốt. Và không phải là những người ngoan ngoãn, văn minh và thật thà sẽ được biệt đãi. Nếu thế, thì đừng mong mọi người sẽ tiếp tục biết lễ nghĩa. Về việc đóng cửa trường, khi các bạn sinh viên phản đối, cảm xúc của mọi người đều bùng lên, thì không ai dám tiếp tục đóng cửa nữa, và cũng không thể đóng được. Phần lớn sinh viên không có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả này.”
Sinh viên tỏ ra không khách khí đối với những người công khai bày tỏ ủng hộ việc đóng cửa trường, họ liên tiếp dùng từ “Biến đi” để đáp lại.
Cũng có những sinh viên đại học ở Chiết Giang bảo vệ quyền lợi của mình vì điều này. Sinh viên của trường đại học này đã đăng một video trực tuyến có tiêu đề “Việc kiểm phòng ký túc xá lúc 12h đêm của Đại học Sư phạm Chiết Giang là không có chút nhân tính nào”, tiết lộ trải nghiệm khi bị kiểm tra phòng ký túc xá lúc nửa đêm, đồng thời yêu cầu nhân viên nhà trường xin lỗi.
Sinh viên này cho biết trong video tự làm của mình rằng Trường Giáo dục Thể chất của Đại học Sư phạm Chiết Giang đi kiểm tra phòng ký túc xá vào lúc nửa đêm, lúc đó anh đã ngủ (vì phải dậy sớm để làm công việc tình nguyện lúc 7:30 sáng). “Tôi thức giấc vì bị làm ồn và không biết làm gì hơn khi phải tỉnh dậy, nói nhỏ nhẹ với họ rằng chúng tôi đã ngủ rồi, đừng kiểm tra nữa. Không ngờ ‘quan chức’ dẫn đầu việc kiểm tra lại nói: ‘Quan tâm anh ta là ai, cần phải kiểm tra hết!’ Trong tình huống không biết làm gì hơn, tôi bèn nói: ‘Nếu anh còn tiếp tục làm thế thì tôi sẽ báo cảnh sát!'”
“Đối phương trả lời: ‘Vẫn kiểm tra như thường, cậu báo cảnh sát đi. Tôi cũng chẳng sợ!’ Trong tình huống này, tôi chỉ có thể báo cảnh sát. Nhưng không ngờ, sau khi báo cảnh sát, họ (cảnh sát) lại thờ ơ.”
Hành động bảo vệ quyền lợi này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều sinh viên và dư luận. “Kiểm tra phòng ký túc xá của Đại học Sư phạm Chiết Giang” cũng trở thành cụm từ khóa và trở nên phổ biến trên Internet. Video bảo vệ quyền lợi đã nhận được hơn 200.000 lượt xem ngày hôm đó.
Sinh viên này đã tung video mới nhất vào tối ngày 11/11, nói rằng anh đã rất mệt mỏi trong 2, 3 ngày qua và chỉ ăn 2 bữa trong hai ngày. Ngoài ra, các bình luận trả lời không kịp thời, mong các bạn thông cảm, ngày mai sẽ có tin tức mới nhất. Cuối cùng, anh cảm ơn cư dân mạng đã ủng hộ mình và chúc mọi người ngủ ngon.
Nhiều trường đại học ở Trung Quốc Đại Lục đã đóng cửa trường do “đạp xe ban đêm ở Trịnh Châu”, điều này cũng thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Một chuyên gia thị giác đến từ Trung Quốc Đại Lục đã đăng bài phê bình vào chiều ngày 11/11 rằng: “Vì đi đạp xe đêm đến Khai Phong nên trường học đóng cửa? Tại sao tất cả đều là lỗi của sinh viên? Hãy suy nghĩ kỹ xem rốt cuộc ai đã cho phép đạp xe ban đêm, ai khuyến khích, ai luôn đánh trống hò hét, cố lên! Lần này thì xong rồi, trường học nhanh chóng đóng cửa, nghe nói có rất nhiều rất nhiều trường đóng cửa, không chỉ ở Trịnh Châu, ví như Hứa Xương, Lạc Dương, v.v.”
Xiao Daye, một huấn luyện viên và quản lý cấp cao ở Trung Quốc và là người nổi tiếng được chứng nhận tích xanh, cũng công khai ủng hộ hoạt động đạp xe đêm của sinh viên Trịnh Châu. Ông cảm thấy mình nhiệt huyết bừng bừng vì điều đó, “Tán dương giới trẻ, cổ vũ cho sinh mệnh”.
Ông lên án có giảng viên của Đại học Hoa Kiều chỉ trích hành vi của sinh viên, gọi họ là “máy sản xuất phân của các tỉnh nghèo”, “người vô tích sự” và “người vô công rỗi nghề”. Ông cho rằng những lời lẽ xúc phạm của giảng viên này khiến người ta lo lắng về chất lượng giảng viên đại học. Mục tiêu duy nhất của giáo dục là giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện và trưởng thành trong suốt cuộc đời, từ đó có được chất lượng cuộc sống cao hơn, và truyền lại vào thế hệ sau trong quá trình cải tiến liên tục.
Một nghiên cứu sinh họ Tôn đến từ tỉnh Sơn Đông cho biết, vẫn khó dự đoán liệu cơn sốt đi xe đạp sẽ kết thúc không dấu vết, hay phát triển thành một phong trào chính trị mà chính quyền không muốn thấy.
Tôn cho biết: “Hiện tại không có môi trường áp lực cao. Mặc dù hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với việc làm hoặc những áp lực khác, nhưng so với dịch bệnh vài năm trước thì không thể ‘vơ đũa cả nắm’, nhưng chúng ta không thể nắm bắt được các sự kiện lịch sử, xã hội rốt cuộc xảy ra như thế nào. Mặc dù chúng ta đã nói rằng khả năng cao là nó sẽ không xảy ra, nhưng có khả năng sẽ xảy ra những điều ngoài dự liệu.”
Việc tạm dừng “các hoạt động đạp xe ban đêm” gợi nhớ đến sự kiện cầu Tứ Thông vào tháng 10/2022. Ông Bành Lập Phát, người có tên trên mạng là Bành Tái Chu, đến từ Hắc Long Giang, đã lên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh và treo các biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình, phản đối phong tỏa vì dịch bệnh. Sau đó ông đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt đi và hiện vẫn chưa rõ tung tích. Cuối tháng 11 cùng năm, “Phong trào Giấy trắng” nổ ra ở nhiều tỉnh thành trên khắp Trung Quốc để phản đối chính sách “zero COVID”.
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một nhà khoa học chính trị độc lập sống ở Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với các phóng viên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng quy mô và động lực của hoạt động đạp xe ban đêm tiếp tục mở rộng, điều này đã động chạm đến dây thần kinh duy trì ổn định của ĐCSTQ.
Ông nói: “Chính quyền tin rằng hiện nay có nhiều người tham gia hơn, chẳng hạn như các quân nhân xuất ngũ, những người không rõ danh tính trong xã hội. Họ cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ của hoạt động này. Đây vốn chỉ là trò chơi nhỏ của vài người trẻ tuổi, nhưng sau đó nó biến thành hàng trăm, hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người tham gia. Có cảm giác như kiểu huy động này và kiểu tụ tập quy mô lớn này có thể kích hoạt một phong trào sinh viên.”
Ông lên án chính quyền không chịu rút ra bài học về việc phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh.
Ông nói: “Đây là một hoạt động rất tốt. Mọi người đều vượt lên chính mình và tìm ra cách cụ thể để thể hiện sức sống tuổi trẻ của mình. Mặc dù ban đầu nó không phải là một phong trào chính trị, và thậm chí nó cũng không phải là một sự kiện chính trị, nhưng sau khi đàn áp, các sinh viên chợt nhận ra rằng xã hội này tàn ác đến mức chúng ta chỉ có thể trở thành những con cừu non chờ bị làm thịt ở trong khuôn viên trường. Hở chút là không cho ra khỏi cổng trường. Ai cũng bị kiểm soát. Việc kiểm soát tất cả các phương diện sẽ kích thích sự thù hận và phẫn nộ của sinh viên. Không nên hở chút là đàn áp, hở chút là không cho ra khỏi cổng. Trong thời kỳ dịch bệnh đã từng làm như thế, về sau đã tạo ra Phong trào Giấy trắng. ĐCSTQ cần tích cực thay đổi bản thân, thuận theo dân ý, không nên lúc nào cũng dùng đến biện pháp đàn áp”.
Bạc Qua Qua, con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai,…
Bão Man-Yi ở vùng biển phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành siêu…
Cục Công nghiệp sẽ nghiên cứu hợp tác với phía Trung Quốc trong các lĩnh…
Mặc dù chứng tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng căn bệnh…
Artyom Dmitruk nói Volodymyr Zelensky có thể sẽ không giữ được ghế Tổng thống Ukraine…
Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đã lên kế hoạch cử người tới Hoa…