Viết xong hai chữ “lắng nghe” mình bật cười một mình, nhận ra mình đã lải nhải chủ đề này rất nhiều lần, từ lâu, lặp đi lặp lại, theo nhiều cách diễn giải khác nhau, với rất nhiều người, không nhớ đã viết bao nhiêu bài về chủ đề này rồi. Bây giờ lại tiếp tục viết. Mình như con bò nhai lại. Bởi mình nhận thức được tầm quan trọng của lắng nghe. Nếu một người không lắng nghe thì họ không thể tương tác, không thể hiểu và từ đó làm việc gì cũng hỏng, cuộc sống đầy tổn thất, khổ đau. Một xã hội có nhiều người không lắng nghe thì người không hiểu người, mất kết nối, tan rã, thiếu vắng tình thương, đồng cảm, quan tâm, sẻ chia. Một xã hội có nhiều người không lắng nghe thì người với người luôn hiểu lầm, hiểu sai nhau, xung đột, mâu thuẫn, bức bối, bạo lực, các mối quan hệ hời hợt, con người sống khổ đau từ trong gia đình cho đến cộng đồng, xã hội.
Mình được khá nhiều anh em bè bạn nhận xét là một người biết lắng nghe. Trong một thời gian dài mình cũng đã tưởng mình biết lắng nghe. Cho đến khi gặp trục trặc trong các mối quan hệ, đánh mất những người bạn thân thiết, ngập trong đau khổ và tự trách một thời gian, mình lắng yên để tự học tự nhìn bản thân trong việc lắng nghe, quan sát, tương tác… thì nhận ra mình chỉ nghe đôi phần điều người đối diện trình bày, phần lớn mình nghe tiếng nói trong đầu trong khi người đối diện đang nói.
Chị nói. “Mày đừng làm việc đó. Không thành công đâu…”
Trong khi chị vẫn đang nói thì trong đầu mình hiện lên giọng nói, hay còn gọi là suy nghĩ, nói là: “Ôi sao chị lại không ủng hộ mình. Chị chưa biết gì, chưa đủ thông tin mà sao đã phủ nhận vậy. Sao mình làm gì cũng không được chị ủng hộ vậy. Sao lại đối xử với mình như vậy…” Giọng của chị vẫn đang đều đều, chị vẫn đang nói mà không biết trong đầu mình chạy một dòng suy nghĩ phản đối ý kiến của chị. Lúc này mình chỉ nghe giọng chị đều đều chứ không thực sự nghe điều chị đang nói. Mình chủ yếu nghe giọng nói trong đầu mình. Chị vẫn nói. “Chị đã từng làm việc này rồi và không thành công…” Chị tiếp tục nói. Nhưng mình chỉ nghe câu này và trong đầu lại tiếp tục phát ra giọng nói phản đối, đưa ra lý lẽ lập luận rằng mình sẽ thành công chứ không như ý chị nói. Chị kết thúc. “Nên em suy xét cho kỹ rồi hẵng mần.” Mỗi khi giọng nói trong đầu mình cất lên thì mình bỏ lỡ câu nói của chị bên ngoài. Vẫn nghe giọng nói nhưng không thực nghe hiểu điều chị đang trình bày. Khi giọng nói trong đầu mình cất lên thì tai mình ù ù chỉ nghe giọng, lời nhưng không nắm bắt ý, mắt như có làn sương mờ che lấp, vẫn thấy gương mặt hình thể nhưng không nhìn thấy những biểu hiện trong ánh mắt trên nét mặt chị.
Mình nhờ chị nói lại một lần nữa những điều vừa nói. Chị ngạc nhiên nhưng vẫn lặp lại. Mình chú ý nghe, nhìn. “Mày đừng làm việc đó. Không thành công đâu. Thị xã này nhỏ bé, người dân chưa có kiến thức về lĩnh vực mà em muốn thực hiện nên muốn làm thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Chị đã từng làm việc này rồi mà không thành công. Nếu em vẫn muốn làm thì cần phải có những điều kiện phù hợp, cần trang bị những kiến thức nhất định, làm từng bước nhỏ thôi rồi tìm hiểu, chứ đừng đùng đùng triển khai gấp gáp. Nên em suy xét cho kỹ rồi hẵng mần.” Rõ ràng, mình đã bỏ lỡ nhiều câu, những câu thể hiện sự lo lắng và trao đổi kinh nghiệm của chị. Mình chỉ nghe mấy câu phản đối.
Đây là một phát hiện chấn động đối với cá nhân mình lúc đó. Làm một thử nghiệm khác. Mình mở một clip trên Youtube nghe một người nói chuyện, dài khoảng 5 phút. Sau một phút nghe, mình lại thấy giọng nói trong đầu mình xuất hiện, ý kiến ý cò bình luận diễn giải điều vừa nghe. Một chốc rồi giọng nói cũng ngừng. Nhìn lại thì thấy clip đang chạy đến phút thứ 3. Từ phút thứ 1 cho đến phút thứ ba, mình vẫn nghe giọng nói trên clip nhưng không hiểu ý. Mình tiếp tục nghe. Được hơn một phút thì giọng nói trong đầu lại xuất hiện đưa ra bình luận mấy câu rồi ngừng. Mình nghe hết clip. Bấm nghe lại từ đầu, nhận ra mình bỏ lỡ khá nhiều đoạn trong clip. Là những lúc mà đầu mình có giọng nói bình luận chen vô. Bấm nghe lại lần ba, lúc này trong đầu không còn giọng nói, không bình luận, không xuất hiện hình ảnh gì chen ngang cắt đoạn, thì mình mới nghe toàn bộ, trọn vẹn và nắm bắt được ý nghĩa của điều diễn giả trình bày, nhận biết cảm xúc của họ, nhận biết điều họ nói xuất phát từ động cơ nào, mục đích gì và nó đúng sai ở đâu, vì sao. Cái nhận biết này hoàn toàn khác với những bình luận vội vã của mình trước đó.
Ngồi trong một bàn ăn, nhìn và nghe mọi người nói chuyện, mình chú ý lắng nghe và nhìn họ và nhận thấy bất cứ lúc nào giọng nói trong đầu mình cất lên hoặc hình ảnh trong đầu mình xuất hiện thì ngay giây phút đó mình tai lãng mắt mờ bỏ lỡ điều đang diễn ra trước mắt. Thực nghiệm rất nhiều lần, kết quả như nhau.
Mình hỏi để biết nơi người khác. Thực nghiệm nhiều lần từ bạn bè cho đến người bệnh, từ chị nông dân cho đến anh công chức, từ nông thôn cho đến thành thị, từ người lớn cho đến thiếu niên, đều cho ra kết quả như nhau. Mỗi khi một người nghe tiếng nói trong đầu, thấy hình ảnh trong đầu thì họ bị hạn chế tầm nhìn và nghe phía bên ngoài. Nếu chìm đắm trong dòng suy nghĩ, tức là giọng nói và hình ảnh trong đầu, thì khả năng nghe, nhìn bên ngoài gần như biến mất. Nhìn đó mà không thấy, nghe đó mà không lắng nghe. Và đó là lúc mình hiểu câu này: “For they look, but they don’t really see. They hear, but they don’t really listen or understand”. Matthew 13:13. Chúng ta nghe điều mà ta muốn nghe, thấy điều mà ta muốn thấy chứ không nghe, thấy trọn vẹn những điều đang diễn ra. Không nghe, thấy trọn vẹn điều đang diễn ra thì không thể nhận biết, không thể hiểu cái gì đang diễn ra. Suy nghĩ luôn dự đoán, suy luận, lắp ghép vào những chỗ trống mà ta bỏ lỡ. Và khi làm như vậy thì vô hình chung ta đã bóp méo thực tại – điều đang diễn ra ngay trước mắt.
Bạn hoàn toàn có thể tự thực nghiệm để nhận biết nơi bản thân. Rất đơn giản, không tốn tiền, không mất gì, như trên mình đã trình bày. Chỉ cần bạn sẵn lòng cho bản thân được thử nghiệm, thực nghiệm. Để thấy ra bản thân nghe, nhìn như thế nào trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với mọi đối tượng.
Phần lớn thời gian trong ngày, giọng nói trong đầu mỗi người (tức dòng suy nghĩ) chat chat liên tục không ngừng. Bất kể người đó suy nghĩ về điều gì, cho nó một lý do khả dĩ nào đó đều không quan trọng, quan trọng là nó chạy không ngừng và khi nó chạy thì ta mất sự tinh nhạy trong mọi giác quan đối với thế giới bên ngoài lẫn cảm nhận bên trong cơ thể. Vì sao khi suy nghĩ chạy không ngừng trong đầu thì giác quan bị sụt giảm? Năng lượng. Năng lượng bị suy nghĩ chiếm qua nhiều nên các giác quan khác cũng như toàn bộ cơ thể không có đủ năng lượng để vận hành như nó vốn cần.
Suy nghĩ là một công cụ mà con người đã phát triển trong quá trình tiến hóa để phục vụ cho nhu cầu sinh tồn, phát triển. Nhưng chúng ta có cần phải suy nghĩ quá nhiều đến thế không? Con người hiện đại thường suy nghĩ quá nhiều. Một công trình nghiên cứu chỉ ra rằng một ngày đêm một người có từ 70.000 đến 95.000 ý nghĩ và phần lớn trong đó, 98% là vô nghĩa. Lắng nghe giọng nói, nhìn những hình ảnh chạy trong đầu, tức suy nghĩ của mình, một người dễ dàng nhận ra bản thân thường suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, lúc ở một mình hay khi ở cùng với người khác, khi im lặng hay khi trong một cuộc đối thoại, khi đi đường hay khi làm việc thì dòng suy nghĩ ấy vẫn vận hành không ngừng.
Quan sát cuộc sống xung quanh ta có thể thấy việc suy nghĩ không ngừng ảnh hưởng lên con người, gia đình, cộng đồng, xã hội như thế nào.
Một chị chạy xe đến sát chỗ rẽ mới vội vã bật đèn xi nhan, suýt gây tai nạn cho người chạy sau. Ấy là vì khi chạy xe chị không chú ý vào việc lái xe. Chị đang bận tâm suy nghĩ liên miên về những điều gì đó, ví dụ như: “hôm nay chợ búa quá đắt đỏ, thằng con đi học hôm nay không biết có làm bài được không, ông sếp của mình thật tham lam bắt mình làm đủ thứ mà không lên lương, không biết chiều nay ông chồng có về ăn cơm không hay lại đi nhậu…” Chị chạy xe trong trạng thái nhìn nhưng không thấy, nghe nhưng không lắng nghe, đến đoạn cần rẽ thì mới giật mình thoát khỏi dòng suy nghĩ, trở về thực tại và thế là cuống cuồng rẽ.
A ngồi nói chuyện với B. B nói chưa xong điều cần nói, A vừa nghe B nhưng trong đầu vừa suy nghĩ phân tích, bình luận điều B nói. Thông thường, A không nhịn được mà lập tức phản ứng với câu nói của B. Những điều A nói ra là những điều A suy nghĩ, lắp ghép, suy luận, tổng hợp trong đầu để đưa ra ý kiến. Những suy nghĩ của A lại xuất phát từ ký ức, kiến thức, kinh nghiệm, mong muốn, niềm tin, tư tưởng, hi vọng, cảm xúc, tâm trạng của A nên ý kiến của A chỉ thể hiện những điều này phóng chiếu ra, thể hiện qua lời nói, thái độ, bất kể A đồng ý hay phản đối với B. Ta nhìn thấy điều này rõ nhất khi B nói điều gì đó trái với ý của B. Nơi bàn trà, chiếu rượu, bàn ăn, khi nói về chủ đề cuộc sống hay chính trị, xã hội, tâm tình…, bất kể đối tượng trao đổi là trí thức hay nông dân, có bằng cấp hay không biết chữ, thì đều na ná một kiểu tương tác. Một số ít người cố gắng giữ lịch sự, im lặng khi người khác nói, không cắt lời, nhưng trong đầu họ vẫn suy nghĩ phân tích bình luận liên tục về điều đối phương đang nói hoặc tệ hơn là suy nghĩ miên man về những điều khác.
Mận kể một câu chuyện. Ổi vừa nghe vừa miên man nhớ đến câu chuyện na ná mà mình đã từng trải nghiệm hoặc được nghe ai đó kể, hoặc đã đọc qua ở đâu đó. Đầu Ổi tràn ngập giọng nói, câu chữ, hình ảnh về câu chuyện đó, Ổi không còn nghe câu chuyện mà Mận đang kể. Ổi xen vào câu chuyện của Mận hoặc nghe xong thì lập tức kể câu chuyện của mình, mà không hề quan tâm cảm giác, cảm xúc, cảm nhận của Mận khi kể chuyện, Mận muốn nói gì qua câu chuyện đó.
…
Ta có thực sự quan tâm đến điều đối phương trình bày? Ta có thực hiểu ý nghĩa điều người kia nói? Ta có nhận biết đằng sau lời nói của đối phương là gì? Ta có quan tâm đến bản thân? Ta có thực hiểu bản thân đang nói, đang biểu hiện gì? Ta tức giận nhưng lại nói không tức. Ta khó chịu nhưng giả vờ bình thường. Ta ấm ức nhưng lại che đậy. Ta buồn nhưng miệng nói không sao. Ta không thừa nhận, công nhận cảm xúc, tâm trạng của bản thân và của người.
Lắng nghe có khó không? Không. Quan sát mọi đứa trẻ con, bạn có thể thấy chúng lắng nghe một cách tự nhiên và hiểu chính xác cái gì đang diễn ra dù chưa đi học chưa biết chữ, chưa hiểu hết ngữ nghĩa của từ.
Trong lòng người mẹ đang lo lắng, căng thẳng nhưng miệng nói không sao không có gì, thì đứa trẻ vẫn “đọc” được mẹ nó lo lắng, căng thẳng, nó biết rõ mẹ đang nói dối nó. Chúng lắng nghe, quan sát mọi sự mà ít bị suy nghĩ chen vào phân tích, bình luận phê phán hay đồng tình, không bị chi phối bởi cảm tính yêu ghét nên chúng nhận biết, thấu hiểu mọi sự một cách trực tiếp, rõ ràng, rành mạch. Chúng chỉ bị mờ đi các khả năng khi chúng bị người lớn nhồi nhét quá nhiều những suy nghĩ của người lớn vào đầu chúng, bắt chúng phải vận hành theo cách của người lớn.
Làm sao để ta có thể lắng nghe, quan sát mọi sự như nó đang là mà không thêm thắt, cắt bỏ, suy diễn? Trước tiên, một người cần tự trải nghiệm, thực nghiệm để thấy ra suy nghĩ, các trạng thái cảm xúc của bản thân vận hành như thế nào khi đang nghe, nhìn, đọc, viết, làm việc, đi đứng ăn uống nằm ngồi. Tự cái thấy này là bước đầu của nhận biết. Có nhận biết thì tự khắc sẽ có sự chú ý khi lắng nghe, quan sát bên ngoài lẫn bên trong tâm trí.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Mời xem video:
Bạc Qua Qua, con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai,…
Bão Man-Yi ở vùng biển phía Đông miền Trung Philippines đã mạnh lên thành siêu…
Cục Công nghiệp sẽ nghiên cứu hợp tác với phía Trung Quốc trong các lĩnh…
Mặc dù chứng tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ em, nhưng căn bệnh…
Artyom Dmitruk nói Volodymyr Zelensky có thể sẽ không giữ được ghế Tổng thống Ukraine…
Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang đã lên kế hoạch cử người tới Hoa…