Hôm 30/6 khi Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, Đặc khu Trưởng của Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã có phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva Thụy Sĩ để ủng hộ hành vi lập pháp không thỏa đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng rõ ràng đã thất bại trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và NATO đã phản đối mạnh mẽ. Chính giới Anh cho biết sẽ thảo luận về vấn đề với đại diện nhiều nước tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chất vấn việc vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh”.
Luật An ninh Quốc gia mà ĐCSTQ áp đặt tại Hồng Kông liên quan đến số phận của 7 triệu người Hồng Kông đã được Quốc hội ĐCSTQ thông qua dưới tình trạng không công bố rõ các điều khoản, và đã được đưa vào Phụ lục III của Luật Cơ bản Hồng Kông. Trong những chất vấn mạnh mẽ nhất của quốc tế có vấn đề việc lập pháp vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh” đã đăng ký với Liên Hiệp Quốc, ngay trong ngày thông qua (30/6), Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã có một bài phát biểu trực tuyến tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc biện hộ cho hành vi của ĐCSTQ, nhưng những tuyên bố của bà Lâm bị cộng đồng mạng phản bác mạnh mẽ.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết Macao đã hoàn thành luật “Luật An ninh Quốc gia” từ đầu năm 2009, nhưng tại Hồng Kông kể từ năm 2003 khi lập pháp Điều 23 bị thất bại thì luôn không thể hoàn thành trách nhiệm lập hiến. Vì vậy lần này, 7 triệu người Hồng Kông và 1,4 tỷ người Trung Quốc cần lấp đầy “lỗ hổng an ninh quốc gia”. Bà Lâm cũng tuyên bố rằng tất cả các nước trên thế giới đều tuân theo Luật An ninh Quốc gia của chính quyền trung ương, chỉ trích “tiêu chuẩn kép” của các Chính phủ và chính trị gia nước ngoài phản đối lập pháp, qua đó kêu gọi quốc tế tôn trọng quyền của Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.
Phát biểu này đã bị đông đảo cư dân mạng chỉ trích, bác bỏ rằng bà ta không có quyền đại diện cho người Hồng Kông và người Trung Quốc: “777 người chỉ đại diện cho 777 phiếu bầu (Lâm Trịnh Nguyệt Nga một phiếu), không đại diện cho tôi, không phải do người dân bầu chọn”. “ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc, 1,4 tỷ người Trung Quốc không đồng nghĩa ĐCSTQ; đây là trò mạo danh an ninh quốc gia để đàn áp dân chủ – tự do – nhân quyền và đe dọa người dân.”
Về việc Lâm Trịnh Nguyệt Nga biện hộ “các nước đều có Luật An ninh Quốc gia”, cộng đồng mạng có phản bác rằng nguyên thủ đa số các nước dân chủ do người dân bầu chọn lên, được người dân ủy quyền, Đảng của họ không đứng trên đất nước; Chính phủ có tam quyền phân lập chứ không phải tất cả do Đảng khống chế; khi lập pháp cũng công khai các điều khoản, thảo luận công khai và cho phép thảo luận của toàn dân chứ không làm âm thầm mờ ám, không làm trò phi lý như ĐCSTQ đến trước ngày thực hiện luật vẫn giữ bí mật.
Bài phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục biện hộ cho việc lập pháp là do tình hình bạo lực không ngừng leo thang từ tháng Sáu năm ngoái khi bùng nổ chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ, cáo buộc rằng do bị kích động bởi các lực lượng nước ngoài, đề cập đến những hành vi kiểu khủng bố tại Hồng Kông (như phóng hỏa…), chỉ trích những người trẻ tuổi phá hoại quốc kỳ và tấn công Văn phòng Liên lạc ĐCSTQ nhưng lại yêu cầu nước ngoài ra biện pháp trừng phạt. Những hành vi khiến Trung ương không thể làm ngơ trước những hành động gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh quốc gia này.
Tuy nhiên, nhiều bình luận phản bác bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã cố tình xuyên tạc yêu cầu dân sự về điều tra độc lập hành vi bạo lực của cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Trả lời phỏng vấn của Vision Times, nhà bình luận thời sự Trình Tường (Cheng Xiang) tại Hồng Kông bác bỏ tuyên bố của phe thân ĐCSTQ rằng “Luật An ninh Quốc gia bị buộc đưa ra vì chiến dịch chống đối của Hồng Kông”. Ông cho biết điều này không đúng thực tế mà đây mưu đồ từ lâu của ĐCSTQ. Ông dẫn chứng ngay từ năm 2008 khi xã hội Hồng Kông chưa có tranh chấp gì nhưng Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ đã đề xuất “thành lập nhóm quản trị thứ hai”; tại Hội nghị toàn thể trung ương lần 4 ĐCSTQ khóa 18 cũng đề xuất “tích hợp Hồng Kông vào hệ thống quản trị quốc gia”. Những biểu hiện cho thấy từ lâu ĐCSTQ đã muốn thao túng và giành quyền kiểm soát Hồng Kông, vì vậy mà mới có phong trào chống ĐCSTQ.
Ngoài ra, trong phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng tuyên bố rằng việc lập pháp sẽ không ảnh hưởng đến độc lập tư pháp Hồng Kông; không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tin tức, hội họp, biểu tình của Hồng Kông; trái lại việc lập pháp chỉ thể hiện “nguyên tắc thượng tôn pháp luật” như vấn đề suy đoán vô tội và bảo vệ quyền của nghi phạm…
Trớ trêu thay, cảnh sát Hồng Kông đã từ chối đơn đăng ký của ba tổ chức xin tuần hành vào ngày 1/7; ba nhóm là Liên minh Dân chủ Xã hội (League of Social Democrats), Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền, và Liên minh Dân chủ cho Bầu cử DC (Democratic Coalition for DC Election). Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2003 hoạt động diễu hành ngày 1/7 đã bị cấm. Trước đó vài ngày, hoạt động “diễu hành lặng lẽ” phản đối Luật An ninh Quốc gia cũng bị bắt bớ bừa bãi.
Giới pháp lý Hồng Kông mà đại diện là Hiệp hội Luật sư đã nhiều lần chỉ trích Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông vi phạm Luật cơ bản Hồng Kông, nguyên tắc phân chia quyền lực, khiến tư pháp Hồng Kông mất tính độc lập. Luật An ninh Quốc gia quy định cơ quan chức năng ĐCSTQ có “quyền tài phán” trong các vụ án ở Hồng Kông, các quy định của Luật An ninh Quốc gia trùm lên luật pháp của Hồng Kông, khiến các quy định của Luật Cơ bản để bảo vệ các quyền con người trở thành giấy lộn, và thậm chí mở đường để áp giải nghi phạm về Đại Lục thẩm vấn.
Bài phát biểu của Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Liên Hiệp Quốc thực ra chỉ là lặp lại ngôn từ của phe thân Bắc Kinh. Qua những chỉ trích mạnh mẽ của các nước đối với Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông cho thấy rõ ràng những lời lẽ của bà Lâm không làm hài lòng cộng đồng quốc tế.
Theo chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc, lần này Hội đồng Nhân quyền sẽ dành thời gian khoảng ba tuần để xem xét các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Hôm 30/6, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết, ông đang chuẩn bị thảo luận về vấn đề lập pháp tại Hồng Kông với đại diện các nước tham gia tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Raab nói trước Quốc hội: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, Liên minh châu Âu và Nhóm 7 nước công nghiệp hóa (G7), chúng tôi sẽ sớm đưa ra các vấn đề về Hồng Kông với các đối tác cùng chí hướng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Ông cũng nhấn mạnh: “Thành công của Hồng Kông dựa trên quyền tự trị của ‘một nước, hai chế độ’. Một khi ĐCSTQ xây dựng Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông’ như chúng tôi đã lo lắng, điều này rõ ràng sẽ gây đe dọa. Người Anh sẽ cấp cho người mang hộ chiếu Anh (ở nước ngoài – BNO) một con đường để có quốc tịch Anh.”
Người Mỹ thì lên án động thái này vì vi phạm nghĩa vụ quốc tế, tuyên bố sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ chống lại “những kẻ kìm hãm tự do và tự trị của Hồng Kông”. Phát ngôn viên John Ullyot về Hội nghị An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố rằng: “Hiện nay Bắc Kinh đối xử với Hồng Kông như thể ‘một nước một chế độ’, vì vậy Mỹ cũng phải làm như vậy. Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh lập tức đảo ngược hướng đi của họ”.
Ngày 30/6 Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết: “Chúng tôi cực lực phản đối quyết định này… Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ tại Hồng Kông có thể làm suy yếu nghiêm trọng mức độ tự trị của Hồng Kông và ảnh hưởng xấu đến sự độc lập của tư pháp và pháp trị của Hồng Kông.”
Còn Tổng thư ký Jens Stoltenberg của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chỉ trích ĐCSTQ làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Ông chỉ ra rằng thông qua Hồng Kông giúp NATO thấy rõ hơn “Trung Quốc không được hưởng các giá trị về dân chủ, tự do và pháp trị như chúng ta.”
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ “hối tiếc” về việc thông qua Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, sợ rằng luật này sẽ làm suy yếu “một nước, hai chế độ”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tarō Kōno nói thẳng thừng rằng việc thông qua luật này sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng” đối với kế hoạch thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Y Bình
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…