“Thông báo Đỏ” của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), là một hệ thống cảnh báo để phục vụ cho việc bắt giữ, buộc hồi hương những “tội phạm” đào tẩu. Nhưng “Thông báo Đỏ” không phải là lệnh truy nã quốc tế, tất cả các quốc gia thành viên của Interpol đều có thể đăng ký công bố, cũng có thể tự quyết định cách phản hồi ra sao. Tuy nhiên có nhận định cho rằng hệ thống “Thông báo Đỏ” này đã bị các nước độc tài lợi dụng, vi phạm nhân quyền.
“Lúc đầu, cảnh sát một tuần đến nhà của chúng tôi hai lần, sau đó hai hoặc ba lần một tháng, mỗi lần một đến hai giờ… Họ thích đến là đến, hành vi cứ như bọn lưu manh. Họ đe dọa vợ tôi, nói rằng nếu cô ấy không làm những gì họ yêu cầu, cô ấy sẽ bị cầm tù… Mỗi lần vợ tôi gọi điện cho tôi là cô ấy lại khóc và cầu xin tôi quay về nước”.
“Không biết bao nhiêu lần họ cho gọi anh chị em của tôi, trong đó có các cơ quan công an huyện và tỉnh… Hôm thì triệu tập chị và em tôi, hôm sau thì là cháu gái của tôi,… (cảnh sát) đe dọa họ, nếu tôi không trở về, họ sẽ bị bắt hết.”
“Thu giữ tất cả tài sản của nhà tôi, bao gồm cả căn nhà mà vợ con tôi đang sống. Giờ đây họ thành người vô gia cư. Hai mẹ con rơi vào cảnh tuyệt vọng.”
“Cha mẹ tôi, cha mẹ vợ tôi, anh chị em tôi, anh chị em của vợ tôi và tất cả các con cái của họ, tất cả đều bị ‘cấm xuất cảnh’. Con trai tôi là học sinh đã theo học được hơn một năm tại một trường trung học ở Anh. Nhưng sau kỳ nghỉ hè về nước, không có cách nào để quay lại Anh để theo học tiếp.”
Đây là những lời tự bạch của một số người bị “Thông báo Đỏ” của Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ và Canada.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW), một tổ chức phi chính phủ, đã thu thập các tài liệu nói trên, và ngày càng nhiều nhà phê bình lên tiếng cho rằng hệ thống “Thông báo Đỏ” đã bị các nước độc tài lạm dụng. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, chính quyền này không chỉ sử dụng “Thông báo Đỏ” để tấn công những người bất đồng chính kiến hiện sống lưu vong ở nước ngoài, mà còn khiến gia đình họ ở Trung Quốc bị liên lụy.
Gần đây, nỗi lo ngại này đã lan rộng trong giới chính trị Mỹ.
Ngày 26/4, bảy thượng nghị sĩ của Thượng viện Mỹ đã gửi thư chung cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions, dò hỏi liệu Bộ Tư pháp có cho điều tra các vấn đề liên quan không, trong đó có các quan chức Trung Quốc hoặc người thay mặt nào đó của họ đã quấy rối hoặc ngược đãi người nhà của người bị “Thông báo Đỏ”, cũng như gây áp lực đối với một số người bất đồng chính chiến sống ở Mỹ để buộc họ phải trở về Trung Quốc hay không. Những nghị sĩ này cho biết, ngay cả khi Thông báo Đỏ là hợp lý thì cũng không thể xem là lý do để gây ảnh hưởng đến người thân gia đình của người bị “Thông báo Đỏ”.
Họ cũng đã viết trong bức thư rằng, Điều III của Hiến chương Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế cấm tổ chức can thiệp và thực hiện các các hoạt động có tính chất chính trị, họ chất vấn Bộ Tư pháp có đánh giá vấn đề chấp hành quy định này để đảm bảo rằng người bị dẫn độ về Trung Quốc không bị giam giữ, tra tấn hoặc ngược đãi vô nhân đạo một cách tùy tiện không.
Bức thư cũng đề cập đến việc liệu Chủ tịch hiện tại của Interpol là ông Mạnh Hùng Vĩ (Meng Hongwei) có bảo đảm tính trung lập của Interpol hay không, bởi vì ông ta còn có thân phận khác là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), một nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu sống ở Mỹ đã hoan nghênh hành động của các Thượng nghị sĩ Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng đây là hành động rất quan trọng”, ông nói, “vì Interpol bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát đã nhiều năm. Chủ tịch hiện nay của Interpol là người của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và đã được ĐCSTQ chu cấp một số lượng lớn tiền. Interpol đã trở thành một công cụ của ĐCSTQ. Trong trường hợp này, hệ thống tư pháp của Trung Quốc có thể thâm nhập vào Mỹ thông qua Interpol. Như vậy, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phải cho điều tra điều này.”
Trong những năm gần đây, Ngụy Kinh Sinh trở thành một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại Interpol, nhiều lần đàm phán với tổ chức này, từng kháng nghị trước trụ sở chính Interpol tại Lyon Pháp, cũng đã tổ chức họp báo và diễn thuyết. Dưới áp lực, Interpol đã rút lại một số tên trong danh sách “Thông báo Đỏ”.
Trên Tiếng nói nước Mỹ (VOA), ông Ngụy Kinh Sinh cho biết mối quan tâm của ông với Interpol đến từ một trải nghiệm cá nhân của ông vào năm 2006. Vào thời điểm đó, ông được mời tham dự Hội nghị Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Tại biên giới Thụy Sĩ, ông và trợ lý của ông bị hai cảnh sát giam giữ tùy tiện. Hành lý của họ bị lục tung ra. Sau khi họ lấy ra giấy tham dự Hội nghị Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng hai viên cảnh sát Thụy Sĩ có vẻ vẫn mù tịt không hiểu lắm.
“Họ dùng tiếng Pháp nói chuyện với nhau. Họ không biết trợ lý của tôi lớn lên ở Paris, tưởng ông là người Trung Quốc sẽ chỉ nói tiếng Anh tốt. Một người nói, hình như đây không phải phần tử khủng bố. Một người khác nói, dù gì đây cũng là Interpol thông báo cho chúng ta, chúng ta vẫn phải giữ họ lại đã”, Ngụy Kinh Sinh nhớ lại.
Đây là lần đầu tiên ông biết rằng ông nằm trong danh sách “Thông báo Đỏ” của Interpol. Mặc dù sau đó cả hai đã ra đi thuận lợi, nhưng kể từ đó, tổ chức quốc tế lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Liên Hiệp Quốc) với 190 quốc gia thành viên này đã ngày càng khiến Ngụy Kinh Sinh phải quan tâm.
“Sau đó, tôi phát hiện ra rằng nhiều người Trung Quốc đã gặp rắc rối vì Interpol, bao gồm các bạn ở Tân Cương, Tây Tạng, cả những người dân tộc Hán nhưng bất đồng chính kiến”, ông nói, “Nhiều người bất đồng chính kiến sau này xuất hiện là vì Thông báo Đỏ có tên họ, hoạt động của họ tại Mỹ bị hạn chế, thỉnh thoảng lại bị cảnh sát bắt.”
Diệp Ninh (Ye Ning), một luật sư ở New York từng làm đại diện cho nhiều trường hợp “Thông báo Đỏ”. Theo quan điểm của ông, “tội phạm hóa các vấn đề chính trị” là một biện pháp mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng.
“Một trong những khách hàng của tôi, gia đình ông ấy từng có vị thế nổi bật trong ĐCSTQ. Chính phủ Trung Quốc đã phát Thông báo Đỏ đối với ông ấy. Trụ sở chính ở Lyon không công bố vấn đề này, nhưng trong hồ sơ của Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận vấn đề này có trong Thông báo Đỏ của Interpol. Rõ ràng đây là một trường hợp chính trị. Bản thân ông và gia đình ông rõ ràng là nạn nhân của cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ”, luật sư Diệp Ninh cho biết.
Khách hàng mà ông mô tả trên chính là ông Lệnh Hoàn Thành (Ling Wancheng), doanh nhân người Hoa chạy trốn sang Mỹ. Anh trai Lệnh Kế Hoạch của ông ta thời đỉnh cao quan lộ từng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, là thư ký riêng của cựu lãnh đạo tối cao ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh Kế Hoạch đã bị “ngã ngựa” vào năm 2015, bị khai trừ Đảng, loại khỏi hệ thống công chức, và bị kết án tù chung thân.
>>Anh trai của Lệnh Kế Hoạch chính thức bị khởi tố
Năm 2016, một luật sư người Hoa khác ở New York là Cao Quang Tuấn (Gao Guangjun) tiết lộ trên VOA rằng, từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã cử hơn chục người đến Mỹ để gây áp lực đối với ông Lệnh Hoàn Thành, nhưng đều bị FBI Mỹ trục xuất.
Tháng Chín năm ngoái, luật sư Cao Quang Tuấn chia sẻ trên tờ Minh Kính (Mingjing) tiếng Trung tại Mỹ rằng, theo lời của thân chủ của ông, chính phủ Trung Quốc ép buộc người bị “Thông báo Đỏ” về nước là “chiêu lừa đảo tàn độc”.
Ông nói với đài VOA: “Tôi có một khách hàng, cơ quan an ninh điều ba người đến khách sạn thân chủ tôi tạm trú ở New Jersey, họ nói rất hay rằng quay trở về cùng lắm chỉ bị giữ một tháng, nhưng vừa xuống sân bay đã bị áp giải đi và cuối cùng bị kết án tù 7 năm.”
Một số khách hàng của ông đã gặp cảnh tương tự: Tại Mỹ, các quan chức Trung Quốc cho họ các tài liệu giấy trắng mực đen, ghi rõ sẽ không bị kết án sau khi trở về Trung Quốc, nhưng vừa xuống máy bay họ đã bị bắt ngay. Khi họ hỏi tại sao các quan chức Trung Quốc không giữ lời hứa, câu trả lời là “Đây là chiến lược của chúng tôi”.
“Có nghĩa là, tôi lừa bạn là một chiến lược. Tôi có một số khách hàng đã bị lừa về nước”, ông nói.
Vào tháng 4/2015, chi nhánh Trung Quốc của Interpol đã công bố danh sách 100 người trong “Thông báo Đỏ”, trong đó có doanh nhân Khâu Cảnh Mẫn (Qiu Yumin) người Chiết Giang hiện đang sống ở Mỹ. “Áp lực lên tôi quá lớn; nhưng áp lực của gia đình tôi còn lớn hơn tôi, quá kinh khủng”, trong một cuộc phỏng vấn trước đó ông chia sẻ với VOA rằng, “vợ và con gái ông suốt ngày như con chim sợ cành cong”.
Bà Luduka Shaffer là cố vấn pháp lý và chính sách cấp cao của “Hội đồng xét xử công bằng”, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính ở Anh. Tổ chức cam kết bảo vệ quyền cơ bản của những người bị cáo buộc là tội phạm trên toàn thế giới và thúc đẩy cải cách Interpol. “Một trong những vấn đề về Thông báo Đỏ của Interpol, không chỉ làm những người lưu vong sống trong sợ hãi và nguy hiểm, cũng làm cho tất cả 190 quốc gia thành viên của Interpol trở thành đồng lõa của nạn quấy rối này”, bà cho biết.
Đầu năm nay, dưới những nỗ lực kéo dài gần một thập kỷ của “Hội đồng xét xử công bằng”, Interpol đã rút Thông báo Đỏ đưa ra 21 năm trước đối với nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) Dolkun Isa. Ông Dolkun Isa là một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ ủng hộ quyền tự quyết dân tộc và hiện là Chủ tịch của Đại hội Đại biểu người Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ông là một kẻ khủng bố.
Bà Shaffer nói, một thời gian dài Interpol đã từ chối cung cấp thông tin về trường hợp của Dolkun Isa, “họ chỉ trả lời, xin lỗi, Trung Quốc không cho chúng tôi nói bất cứ điều gì”. Nhưng vào năm 2016, Interpol đã thực hiện một số cải cách, bây giờ họ đồng ý xem xét nghiêm túc hơn việc Trung Quốc từ chối tiết lộ thông tin.
Tuy nhiên, đối với đại đa số người, “Thông báo Đỏ” của Interpol vẫn là một vết đen. Sophie Richardson, người phụ trách Ban Trung văn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gọi nó là “một tổ chức mờ ám đầy hôi thối”.
Theo báo cáo phát hành vào tháng Giêng năm nay của HRW, ngoại giới không thể biết trong những năm gần đây Interpol đã đưa ra bao nhiêu “Thông báo Đỏ” theo yêu cầu của Trung Quốc, có bao nhiêu người mà “Thông báo Đỏ” đến nay vẫn còn hiệu lực. Bởi vì nhiều Thông báo Đỏ chỉ có các cơ quan thực thi pháp luật trong nước là biết đến, nhiều người không biết rằng họ có trong Thông báo Đỏ.
Trong số đó bao gồm nhà hoạt động nhân quyền Ngụy Kinh Sinh. “Không có cách nào để biết. Họ không công khai danh sách này. Mọi người đều không biết ai đang nằm trong đó. Đối với chúng ta việc này còn đáng sợ hơn”, ông nói.
“Interpol đã thực sự trở thành một phần mở rộng của chủ nghĩa khủng bố quốc gia Trung Quốc, đã mở rộng sang các nước phương Tây”, ông chia sẻ thêm.
Hiện nay nó vẫn đang mở rộng. Richardson nói, cánh tay của cộng sản Trung Quốc đã kéo dài đến tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Quốc. Nhóm nghiên cứu của Richardson đã dành hơn một năm để ghi lại cách các quan chức và các nhà ngoại giao Trung Quốc quấy rối các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và yêu cầu họ không viết những thông tin tiêu cực về Trung Quốc.
“Mục đích của tổ chức này là bảo vệ quyền con người, nhưng bây giờ nó đã bị kẻ xấu thao túng”, Richardson cho biết.
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm và lập trường cá nhân tác giả)
Tiêu Vũ
Xem thêm:
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…