Giới biểu diễn nghệ thuật Trung Quốc liên tiếp bị thanh trừng. Bên cạnh những hạn chế và quy định khác nhau, vài ngày trước, hệ thống “chứng chỉ hành nghề” đã ra mắt. Ngay khi được công bố, thông tin này đã lập tức trở thành tìm kiếm nóng trên Weibo, khơi dậy một cuộc tranh luận sôi nổi.
Theo một báo cáo của “Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh” ngày 9/9, trong những năm 1990 của thế kỷ trước, Trung Quốc Đại Lục đã thực thi chế độ các diễn viên phải có chứng chỉ biểu diễn trước khi họ biểu diễn trên sân khấu. Sau đó, vào đầu thế kỷ này, khi các bộ phận liên quan tinh giản và phân quyền, cộng thêm việc sửa đổi “Quy định về Quản lý Biểu diễn Thương mại”, các diễn viên không cần phải có chứng chỉ này nữa. Hiện tại, chỉ có người dẫn chương trình và người môi giới trong ngành giải trí mới phải vượt qua các kỳ thi để lấy chứng chỉ hành nghề.
Ông Trương Hải Quân, chủ tịch của Hiệp hội Công nghiệp Biểu diễn Bắc Kinh, đã đề nghị trong một cuộc hội thảo ngày 26/8 rằng, các tiêu chuẩn của ngành cần được thực thi nghiêm ngặt và hệ thống chứng chỉ hành nghề nên được áp dụng cho các nghệ sĩ. “Trước khi có chứng chỉ, họ phải được đào tạo về tư tưởng, chính trị, lý luận, chuyên môn, đạo đức và thực hiện công tác quản lý đăng ký. Ai chưa đăng ký thì không được tuyển dụng trên các nền tảng khác nhau.”
Ngày 8/9, “Nhật báo Pháp quyền”, tờ báo chính thức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bài bình luận trên trang nhất, với tựa đề “Quản trị giới giải trí cần chú ý đến quản lý động.”
Bình luận chỉ ra rằng khác với người môi giới biểu diễn và người dẫn chương trình, đặc thù ngành nghề của diễn viên, quyết định khả năng diễn xuất và trình độ nghệ thuật của họ. Điều này rất khó định lượng. Họ phải có chứng chỉ hành nghề và chứng nhận còn hiệu lực về “tư tưởng, chính trị, lý luận, chuyên môn và đạo đức”. E rằng còn phải có bản thiết kế khoa học và sự tìm tòi lâu dài.
Vấn đề “chứng nhận hành nghề” được đưa ra bởi các kênh truyền thông chính thức đã ngay lập tức trở thành một chủ đề nóng trên Internet. Tính đến 10 giờ sáng ngày 9/9, chủ đề “các chuyên gia đề xuất nên áp dụng chứng chỉ hành nghề với nghệ sĩ giải trí” trên Weibo, đã thu hút được sự chú ý của hơn 420 triệu người và 34.000 lượt thảo luận.
Trong nhóm thảo luận thông tin liên quan trên Weibo, một số người có chủ trương rằng các diễn viên phải hoàn thành ít nhất 9 năm giáo dục bắt buộc mới được xin cấp chứng chỉ. Những người khác lại ủng hộ việc bổ sung “kiểm tra định kỳ.” Nhưng cũng không ít cư dân mạng tỏ ra dè dặt: “Đừng để đến cuối cùng không quản nổi. Ngược lại, lại đẻ ra một đống dây chuyền công nghiệp ‘chợ đen’. Những việc như thế này còn hiếm gặp sao?”
Một số cư dân mạng chỉ ra rằng chứng chỉ này không thể thay đổi được điều gì. Một kẻ xấu thì không thể sử dụng chứng chỉ để biến họ thành người tốt. Xét về bản chất, việc có được chứng chỉ hành nghề có rất ít tính ước thúc đối với nghệ sĩ, thậm chí là không có. Bởi đối với các nghệ sĩ, việc lấy được chứng chỉ không hề khó và rất dễ sa vào hình thức.
Một số cư dân mạng còn cho rằng đây là một điển hình của thói lười biếng. Hễ nảy sinh vấn đề, bèn tìm “cấp trên” xử lý, điển hình là nắm cái lớn, bỏ cái nhỏ. “Ngành công nghiệp giải trí không phải là vấn đề của một vài nghệ sĩ. Đó là vấn đề của toàn bộ hệ thống, cộng với sự pha trộn của tiền vốn. Chỉ là việc này bùng phát từ một vài nghệ sĩ có tên tuổi, còn rủi ro lớn hơn lại nằm ở phía sau. Nếu thực sự cần các minh tinh xin chứng chỉ hành nghề, chi bằng yêu cầu các nhà sản xuất phim, hãng phát hành, ban lãnh đạo cao nhất của công ty môi giới và các ông chủ lớn trong toàn ngành phải có giấy phép. Có thể thực hiện được điều này không?”
Có người viết: “Nói chung quyền lực và trách nhiệm nên thống nhất. Nếu nghệ sĩ đã được sự đồng ý của bộ phận cấp chứng chỉ, kiểm tra đủ tư cách, dẫu nhận chứng chỉ thì kết quả vấn đề vẫn nảy sinh. Phải chăng ban ngành cấp chứng chỉ và người chịu trách nhiệm kiểm tra, cũng đều cần chịu một số trách nhiệm liên đới? Cùng chấp nhận hình phạt như nhau? Nếu không phải chịu trách nhiệm, nhưng lại nắm trong tay tấm bùa hộ mệnh của hàng ngàn nghệ sĩ, thì cũng đủ để quyết định sự nghiệp diễn xuất của họ. Đây chẳng phải là một món hời béo bở từ trên trời rơi xuống hay sao?
Gần đây, các quan chức Trung Quốc đã mạnh tay chấn chỉnh làng giải trí. Sau Trịnh Sảng và Ngô Diệc Phàm, nhiều nghệ sĩ như Triệu Vy và Cao Hiểu Tùng cũng bị nêu tên.
Ông Nhiếp Thần Tịch (Nie Chenxi), Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ, kiêm Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, đã tham dự “Hội nghị chuyên đề dành cho các nghệ sĩ phát thanh, truyền hình và nghe nhìn trực tuyến” do Tổng cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, tổ chức ngày 7 tháng này. Ông yêu cầu những người làm văn học nghệ thuật phải “luôn luôn yêu Đảng. Coi việc yêu Đảng, yêu nước là nghĩa vụ và bổn phận của mỗi người.” Một loạt các động thái này đều thu hút sự chú ý của công chúng.
Lý Tiểu Quỳ, Vision Times
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…