Sau khi Mỹ và Hàn Quốc triển khai dịch vụ 5G, Trung Quốc Đại Lục cũng đã sẵn sàng triển khai mạng 5G vào tháng 11, ban đầu sẽ ra mắt tại khoảng 50 thành phố lớn. Trước hiểm họa ngày càng lớn từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về mạng 5G và chế định các quy chuẩn liên quan mang tầm toàn cầu, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua hai dự luật về mạng 5G.
Trung Quốc Đại Lục cũng đã sẵn sàng triển khai mạng 5G vào tháng 11, ban đầu sẽ ra mắt tại khoảng 50 thành phố lớn (Ảnh: Getty Images)
Theo nguồn tin từ truyền thông ĐCSTQ, tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào ngày 31/10 vừa qua, ông Thứ trưởng Trần Triệu Hùng của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã công bố rằng dịch vụ 5G của ba nhà mạng không dây hàng đầu của Trung Quốc (China Mobile, China Telecom, China Unicom) sẽ chuẩn bị được chính thức ra mắt tại khoảng 50 thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải.
Theo thông tin, gói phí hàng tháng 5G của China Telecom chính thức ra mắt vào ngày 1/11, đến nay dự kiến có hơn 10 triệu người dùng.
Dù vậy giới quan sát có nhận định rằng, tại Đại Lục khu vực thực sự có thể kết nối được 5G rất hạn chế, còn hoạt động kinh doanh 5G cũng mới chỉ bắt đầu, ngoài ra còn vấn đề trong mức sống của đa số người dân Trung Quốc thì giá cước 5G của Trung Quốc cao hơn khá nhiều so với 4G, vì vậy tình hình chuyển đổi thực tế như thế nào thì còn chờ theo dõi.
Theo thông tin, gói cước thấp nhất mạng 5G tại Trung Quốc Đại Lục là 128 RMB (nhân dân tệ) một tháng, rẻ hơn nhiều so với 5G của hãng viễn thông Verizon (Mỹ) có mức thấp nhất cũng là 85 USD (đô la Mỹ) một tháng (khoảng 599 RMB); hoặc ở ba công ty viễn thông hàng đầu Hàn Quốc thì mức phí bình quân tháng thấp nhất cũng là 55.000 Won (khoảng 333 RMB).
Ở tầm quốc tế liên quan đến mạng 5G, giới quan sát cũng đặt vấn đề rằng lâu nay sự phát triển mạng 5G của Trung Quốc đã bị các nước phương Tây nghi ngờ và lo lắng. Bởi vì mạng 5G không chỉ gắn kết điện thoại di động và thiết bị gia dụng thông minh của người dân, mà cơ hội tương lai còn kết nối với camera giám sát trên đường phố, đèn giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, kho hồ sơ lưu trữ chính phủ và hệ thống vũ khí quân sự; như vậy vượt xa phạm vi về riêng tư cá nhân, liên quan đến an ninh trật tự xã hội.
Đối với tranh luận về bảo mật mạng 5G, phía Mỹ hiện đặc biệt chú ý nhà cung cấp thiết bị mạng Huawei của Trung Quốc. Bởi vì chính phủ Mỹ lo lắng rằng các thiết bị, chip và sản phẩm phần mềm mạng 5G của Trung Quốc sẽ có cửa sau (Backdoor) giám sát người dùng, sau này trở thành như “con ngựa thành Troia” trong mạng internet toàn cầu.
Ngày 28/10, Tổng thống Mỹ Trump cho biết, Mỹ phản đối việc sử dụng 5G để gây những vấn đề an ninh cho người tiêu dùng trong nước cũng như trong hoạt động đối ngoại tầm quốc gia. Mặc dù ông không trực tiếp nêu đích danh ĐCSTQ, nhưng khi TT.Trump trao đổi điện thoại với nhà lãnh đạo nhiều nước bao gồm Thủ tướng Anh Johnson, đã hối thúc họ không để Huawei Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của họ, cáo buộc Huawei bị chính phủ Trung Quốc sử dụng làm công cụ gián điệp.
Hôm thứ Tư (30/10), Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua hai dự luật về mạng 5G để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của ĐCSTQ về mạng 5G và chế định các quy chuẩn gây tác động toàn cầu.
Đài VOA (Mỹ) đưa tin, “Dự luật Thúc đẩy vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ trong mạng 5G” (Promoting United States International Leadership in 5G Act) do Michael McCaul là Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Nghị sĩ Liên bang thuộc đảng Cộng hòa đề xuất, nhằm yêu cầu Chính phủ Mỹ nâng cao vai trò “đại diện và lãnh đạo” trong các tổ chức quốc tế phát triển 5G và các tiêu chuẩn truyền thông di động trong tương lai.
Trong phiên điều trần xem xét dự luật, ông chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn muốn đạt được mục tiêu bá quyền toàn cầu thông qua việc sử dụng tin tặc, tấn công mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp. Xét thấy những hành động mà ĐCSTQ đã và đang làm có thể giúp ĐCSTQ thống trị thế giới về mạng 5G, các thiết bị kết nối và lưu trữ đám mây, gây nguy cơ không thể chấp nhận được đối với Mỹ, vì vậy Mỹ phải có hành động tương ứng.
Xét về 5G, Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Chính phủ Mỹ đã cấm sử dụng các thiết bị và sản phẩm của Huawei, đồng thời đang thuyết phục các đồng minh không cho Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vì cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng thiết bị Huawei để tham gia các hoạt động gián điệp, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
Thông tin chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc mà tiêu biểu là Huawei đang rất tích cực tham gia xây dựng các tiêu chuẩn 5G toàn cầu, hiện nay giới kỹ sư từ Trung Quốc chiếm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn truyền thông quốc tế. Nếu công nghệ của Trung Quốc trở thành tiêu chuẩn quốc tế, có nghĩa là ĐCSTQ sẽ nắm vao trò chi phối về mạng 5G.
Báo cáo hồi tháng Tư năm nay của Ủy ban Đổi mới Quốc phòng (Defense Innovation Board) của Mỹ cho biết, nếu ĐCSTQ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát 5G trên toàn cầu, khi đó dù trong nước Mỹ hoàn toàn không sử dụng thiết bị của Trung Quốc thì hoạt động của Mỹ tại các nước dùng công nghệ 5G Trung Quốc cũng chịu rủi ro bảo mật nghiêm trọng.
Vấn đề tiêu chuẩn 5G cũng được đề cập trong một dự luật 5G khác được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua hôm thứ Tư. “Dự luật Bảo đảm an ninh 5G và vấn đề khác liên quan” (Secure 5G and Beyond Act) do Nghị sĩ Dân chủ Abigail Spanberger bang Virginia đề xuất, yêu cầu chính phủ Mỹ xây dựng các chiến lược để đảm bảo an ninh hạ tầng truyền thông 5G cho Mỹ và các đồng minh. Về chiến lược, dự luật yêu cầu đảm bảo tính độc lập toàn vẹn của các tổ chức chế định quy chuẩn quốc tế, để không bị tác động do áp lực chính trị.
Spanberger nói: “Từ lâu nay người Mỹ đã dẫn đầu những thành tựu tiên phong của thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, khi chúng ta và các đồng minh thúc đẩy xây dựng và phát triển mạng 5G và cơ sở hạ tầng liên quan thì hiểm họa do thiết bị và hệ thống mà nước ngoài sản xuất và kiểm soát ngày càng nổi lên.”
Để hai dự luật này trở thành luật thì cần Hạ viện, Thượng viện thông qua và cuối cùng có được chữ ký của Tổng thống.
Thượng viện Mỹ cũng có một số dự luật liên quan đến mạng 5G đang chờ xem xét, tiêu biểu như “Dự luật lãnh đạo 5G của Mỹ” (United States 5G Leadership Act) do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger F. Wicker bang Mississippi đề xuất. Dự luật cũng nêu vấn đề yêu cầu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại phải ưu tiên dùng nguồn tài trợ liên bang để tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các tổ chức tiêu chuẩn truyền thông quốc tế như Liên minh Truyền thông Quốc tế và 3GPP.
Những người đồng sáng lập dự luật này là Mark Warner thuộc đảng Dân chủ bang Virginia và Thượng nghị sĩ Marco Rubio đảng Cộng hòa bang Florida đã cùng gửi thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, yêu cầu công bố báo cáo về sự tham gia của Trung Quốc trong tổ chức chế định tiêu chuẩn quốc tế 5G, chỉ rõ các tiêu chuẩn do Trung Quốc dẫn dắt gây tác động đối với kinh tế và an ninh của Mỹ như thế nào.
Trong một sự kiện công khai hồi tháng Chín, ông Werner trong vai trò là Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện đã trả lời câu hỏi của Đài VOA, chỉ ra các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn có Trung Quốc “tham gia” không phải là bất hợp pháp hoặc không phù hợp, vì trong thế kỷ 20 các công ty phương Tây cũng làm vậy, nhưng vấn đề là cuối cùng các công ty Trung Quốc sẽ tuân theo chính phủ Trung Quốc, một chính phủ không có hệ thống luật pháp và tư pháp độc lập.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…