Trung Quốc quyết tâm kiểm soát mạng công nghệ không dây thế hệ thứ năm (5G), đặt ra mối đe dọa cho các công ty viễn thông Mỹ và gia tăng quan ngại về an ninh quốc gia. Một chuyên gia công nghệ viễn thông mới đây đã dấy lên cảnh báo rằng chính phủ Mỹ phải hành động nhanh nếu không sẽ lặp lại trận Trân Châu Cảng trên không gian mạng như hồi Thế Chiến II.

Declan-Ganley
Ông Declan Ganley, nhà sáng lập và CEO của Mạng Rivada

Không gian mạng được coi là trận địa chiến tranh chiến lược thứ năm, cùng với các miền tác chiến truyền thống khác như đất liền, trên biển, trên không và trong không gian vũ trụ. Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào mạng 5G và trợ cấp nhà nước đáng kể cho hệ thống này như là một phần trong kế hoạch chi tiết công nghiệp toàn diện của nhà nước Trung Quốc nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh và củng cố sự thống trị toàn cầu của nước này trong cuộc đua 5G.

Ông Declan Ganley, một doanh nhân viễn thông người Ailen và là nhà sáng lập Mạng Rivada, so sánh mối đe dọa của Trung Quốc về không gian mạng hiện nay với trận Trân Châu Cảng. Vào 77 năm trước, Nhật Bản đã tấn công vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, qua đó kéo Mỹ vào tham chiến trong Thế Chiến II.

Ông Ganley nói: “Chúng ta đang ở vào một trong những thời khắc như vậy của lịch sử, nơi mà bạn cần biết những gì ngay trước mắt mình.”

Ông Ganley giải thích rằng vào buổi sáng Chủ Nhật trước cuộc tấn công của Nhật Bản, nhân viên vận hành radar của Quân đội Mỹ thực sự đã phát hiện một số lượng lớn máy bay tiếp cận nhanh. Tuy nhiên, họ kết luận đó là các máy bay B-17 của Mỹ đang bay tới từ đất liền và phớt lờ chúng.

Tương tự như vậy, ngày nay người Mỹ không nhận ra những gì đang xảy đến với họ, ông Ganley nói và nhấn mạnh: “Bây giờ, nó đang ẩn khuất khỏi tầm nhìn rõ ràng và để đánh bại nó, bạn phải hành động ngay.”

Chính phủ Mỹ đã cấm hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc – Huawei và ZTE bán thiết bị mạng của họ tại thị trường Mỹ, viện dẫn nguy cơ về an ninh quốc gia. Washington cũng đã tìm cách ngăn chặn các đồng minh của họ sử dụng dịch vụ 5G của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính phủ và các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc đang nỗ lực đi đầu trong việc sản xuất các thiết bị cho công nghệ mới này. Theo công ty tư vấn Deloitte, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong việc chi tiêu cho công nghệ di động.

Báo cáo của Deloitte cho biết: “Hãy nhìn về phía trước, kế hoạch kinh tế 5 năm của Trung Quốc đã xác định chi 400 tỷ USD vào đầu tư liên quan tới mạng 5G”. Deloitte cũng nói thêm rằng chiến lược của Trung Quốc là sẽ tạo “sóng thần 5G” và khiến cho Mỹ không thể bắt kịp.

Kỷ nguyên mới

Công nghệ thế hệ thứ năm đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp mạng di động không dây. Thế hệ mới này sẽ thay thế mạng di động thế hệ thứ tư (4G). Mạng 5G có tiềm năng thay đổi cuộc sống của chúng ta bằng việc tăng tốc độ dữ liệu và đường truyền internet. Thế hệ mạng không dây mới này cũng cho phép mở rộng các thiết bị kết nối thông qua vạn vật kết nối (Internet of Things).

Công nghệ mới không chỉ ứng dụng cho điện thoại. Máy móc công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, ôtô và nhiều thiết bị khác trong tương lai cũng sẽ sử dụng công nghệ 5G.

Ông Ganley cho biết: “Nó sẽ chạm tới mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Và miền [tác chiến] này là miền không gian mạng.”

“Đó là nơi các trận Trân Châu Cảng của tương lai sẽ diễn ra. Và bất cứ ai thống trị được kiến trúc 5G sẽ giành được an ninh chiến lược to lớn và chắc chắn đạt được cả lợi thế về kinh tế”, ông Ganley khẳng định.

5G và các công nghệ tiếp theo được dự báo sẽ mang lại hàng nghìn tỷ về lợi ích kinh tế. Truyền dữ liệu nhanh hơn và kết nối đáng tin cậy hơn có thể cải thiện tăng trưởng năng suất trên toàn bộ nền kinh tế.

“Đó là một sự chuyển dịch công nghệ mà có khả năng bổ sung ít nhất 0,75% đến 1% vào tăng trưởng GDP của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ năm nào. Đó là một sự chuyển dịch kinh tế lớn”, ông Ganley nói.

Chiến lược của Trung Quốc

Tiêu chuẩn 5G quốc tế sẽ được thiết lập vào năm 2019 và dự kiến triển khai thương mại quy mô lớn vào năm 2020. Các công ty của Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để đảm bảo lợi thế người đi đầu trong cuộc đua 5G này.

Chế độ Bắc Kinh đã thừa nhận những lợi ích kinh tế khổng lồ mà công nghệ 5G mang lại và họ đã xác định đây là ưu tiên quốc gia, được vạch rõ trong kế hoạch chi tiết “Made in China 2025”. Vì thế, Trung Quốc ủng hộ tối đa các nỗ lực của các nhà mạng và các công ty sản xuất thiết bị viễn thông của họ để xâm nhập thị trường toàn cầu.

Hiện nay, các công ty của Mỹ như Qualcomm, Intel, Cisco, Amazon và Goole là những doanh nghiệp dẫn đầu về phát triển mạng thế hệ tiếp theo. Nhưng các chính sách được dẫn dắt bởi nhà nước Trung Quốc đã làm suy yếu sức cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Theo ông Ganley, chế độ Bắc Kinh đã phát hiện cơ hội để thống trị không gian mạng toàn cầu qua công nghệ 5G. Để xây dựng mạng 5G, Trung Quốc đã sử dụng các nhà mạng di động trên toàn thế giới như những chú ngựa thành Trojan của họ để thực hiện công việc vận động hành lang cho người Trung Quốc.

“Đó là một kế hoạch sáng lạn và nó gần như đã có hiệu quả”, ông Ganley nói.

Ông Ganley giải thích rằng các nhà mạng toàn cầu muốn dùng công nghệ Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn và được chính phủ Trung Quốc trợ cấp. Họ cũng không bị phiền phức bởi những quan ngại về chiến lược.

Theo ông Bradley A. Blakeman – giáo sư về chính sách công và các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown, Trung Quốc tiếp cận thị trường viễn thông toàn cầu thông qua hai gã khổng lồ Huawei và ZTE.

ZTE là doanh nghiệp viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Họ sản xuất điện thoại di động và các chi tiết hàng hoá cho nhiều nhà sản xuất Mỹ. Họ có mối liên hệ với trên 150 công ty điện thoại không dây tại 60 nước.

Trong khi đó, Huawei là doanh nghiệp viễn thống hàng đầu thế giới. Huawei bán điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông khắp thế giới, có mặt tại 170 quốc gia. Đầu năm nay, công ty Trung Quốc này đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Samsung của Hàn Quốc.

Theo Epoch Times,

Tân Bình

Xem thêm: