Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau khi thoát khỏi chính sách phòng chống dịch “Zero-COVID”, thì khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng và lan sang ngành tài chính. Tầng quyết sách kinh tế của Trung Nam Hải đã không còn lực ứng phó trong tình huống tài chính cạn kiệt, nhưng lại không muốn thất bại hoàn toàn.
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden không trả lãi trái phiếu đô la Mỹ như dự kiến khiến thị trường hoảng loạn, trong khi cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Sino-Ocean, một doanh nghiệp trung ương, bất ngờ nổ ra, các quỹ tín thác đầu tư bất động sản đối mặt với rủi ro cao hơn, các công ty thuộc Zhongzhi Enterprise Group vỡ nợ. Rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc đột nhiên tăng mạnh. Tất cả những điều này cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng và lan sang ngành tài chính.
Trong hai năm qua, hàng chục công ty bất động sản Trung Quốc ít nhiều đã bị vỡ nợ. Trước đó, Evergrande Group đã trở thành tâm bão trong cuộc khủng hoảng nợ do vỡ nợ nhưng chính quyền Trung Quốc đã không ra tay giải cứu. Lần này, các khoản nợ của Country Garden đang gặp nguy hiểm và phản ứng của chính quyền Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài.
Ngoài ra, ngày 17/8, Tập đoàn Evergrande và các công ty con đã nộp đơn lên Tòa án New York xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 của Luật Phá sản. Luật cho phép các tòa án Mỹ công nhận các thủ tục phá sản hoặc tái cơ cấu nợ liên quan đến các công ty nước ngoài, bảo vệ tài sản của các công ty nước ngoài tại Mỹ tránh bị các chủ nợ xâm phạm, đồng thời tiến hành tái cơ cấu nợ.
Ông Dương Vũ Đông (Yang Yudong), tổng biên tập của trang tin tài chính kinh tế Yicai (của Yicai Media Group), nói rằng một cuộc khủng hoảng nợ tương tự như Evergrande Group chắc chắn không phải là điều mà một công ty niêm yết hoặc một công ty tư nhân có thể đối mặt. Chúng ta không muốn nhìn thấy tình huống cuối cùng chúng ta mất tất cả, cho nên cần có nhận thức rõ ràng về vấn đề này.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả kinh tế tại “Viện Thông tin và Chiến lược”, một tổ chức phi chính phủ ở Washington, đã phân tích trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) và chỉ ra rằng điểm gây tranh cãi không phải là liệu chính quyền Trung Quốc có ra tay giải cứu hay không, mà là chính quyền đã “lực bất tòng tâm, và tài chính của nó đã cạn kiệt”.
Ông Nhậm Tùng Lâm (Ren Songlin), một nhà bình luận chính trị ở Mỹ, người đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin trong một thời gian dài, nói với RFA rằng tính toán đầu tiên của ĐCSTQ là an ninh chính trị, thứ hai là xã hội và cuối cùng mới đến kinh tế. Khoản nợ của các công ty bất động sản đối với ngân hàng có thể lên tới 2000 hoặc 3000 tỷ nhân dân tệ, điều mà ĐCSTQ lo lắng nhất hiện nay là giá bất động sản sụt giảm.
“Tuần báo kinh tế” (WirtschaftsWoche) của Đức cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản, giảm phát, lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Trung Quốc… Danh sách các tin tức tiêu cực hàng đầu ở Trung Quốc ngày càng dài, và khả năng nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng toàn diện ngày càng gia tăng. Nhưng không có nhà đầu tư nào ngạc nhiên trước sự phát triển này, vì có đủ dấu hiệu cảnh báo.
Tờ Berliner Morgenpost của Đức cho rằng sự phá sản của Evergrande Group chỉ là phần nổi của tảng băng. Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng xấu đi, và giờ đây có một tín hiệu khác cho thấy kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc đã hoàn toàn kết thúc.
Tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ cho rằng khi đối mặt với khủng hoảng, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không làm gì cả vì họ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: một mặt, chính phủ tránh thực hiện các hành động giải cứu có tác động tiêu cực sâu rộng đối với các công ty gặp khó khăn; mặt khác, họ phải hỗ trợ ngành nghề mà khi sụp đổ nó có khả năng khiến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Bắc Kinh ngày càng có vẻ như đang loay hoay trong khủng hoảng hơn là thúc đẩy các chính sách kinh tế nghiêm ngặt.
Tờ Le Monde của Pháp cho rằng khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là nghiêm trọng và nó sẽ lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc, chính các địa phương nợ nần chồng chất của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do doanh số bán đất giảm sút. Sống lưng của các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước rất cứng, nhưng một số cơ quan tổ chức tài chính thì không như thế. Tất cả những điều này có thể trực tiếp làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm và có thể gây ra nguy cơ về một vòng luẩn quẩn trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ trong năm nay, nhưng con số này khác xa so với tốc độ tăng trưởng 8% của 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản Trung Quốc đã âm ỉ trong nhiều năm.
Bắc Kinh dường như miễn cưỡng đáp lại những lời kêu gọi trong và ngoài nước về hành động táo bạo, quyết đoán để thúc đẩy thị trường bất động sản và bảo vệ nền kinh tế khỏi sự lây lan của khủng hoảng. Trong một bài phát biểu vào tháng 2, nhưng mới được công bố gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, “Chúng ta phải duy trì sự kiên nhẫn mang tính lịch sử, kiên trì được tiến bộ trong khi duy trì sự ổn định”.
Trong một bài phát biểu công khai vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói thẳng rằng nền kinh tế Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm lại là một “quả bom hẹn giờ”.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…