Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp trung ương Trung Quốc liên tiếp vỡ nợ trái phiếu
- Lý Chính Hâm
- •
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden không trả lãi trái phiếu đô la Mỹ như dự kiến khiến thị trường hoang mang, trong khi khủng hoảng nợ của Tập đoàn Sino-Ocean có bối cảnh là doanh nghiệp trung ương bất ngờ bùng phát, các quỹ tín thác đầu tư bất động sản đối mặt rủi ro cao hơn. Các công ty thuộc “Zhongzhi Enterprise Group” cũng vỡ nợ, rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc đang tăng mạnh.
Doanh nghiệp trung ương Sino-Ocean Group vỡ nợ trái phiếu, khủng hoảng nợ của doanh nghiệp tư nhân Country Garden đang đến gần
Sino-Ocean Group của Trung Quốc, được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, đã thông báo rằng họ không thể trả lãi cho trái phiếu được đảm bảo 6% đáo hạn vào năm tới và tạm dừng giao dịch do vỡ nợ. Đây là nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán trong năm nay do vỡ nợ.
Trái phiếu này là trái phiếu đô la Mỹ do Sino-Ocean Group phát hành năm 2014, quy mô 700 triệu USD, giá phát hành 98,892 USD, lãi suất trái phiếu 6%, ngày đáo hạn 30/7/2024 và thời hạn ân hạn lãi suất là 14 ngày. Tập đoàn này đã không trả lãi được với tổng số trái phiếu trị giá 20,94 triệu vào ngày 30/7, và sau 14 ngày, tức là vào ngày 13/8.
Trước vụ vỡ nợ này, Sino-Ocean Group đã yêu cầu hoãn trả lãi cho đến ngày 30/9. Tuy nhiên, do không nhận được sự chấp thuận của hơn 75% trái chủ và Sino-Ocean Group không có khả năng thanh toán, nên hiện tại các khoản nợ của Sino-Ocean Group đã chính thức vỡ.
Trong tiếng Trung Quốc thuật ngữ “vỡ nợ” được gọi là “baolei“, đây là một từ thông dụng trong lĩnh vực tài chính trên Internet, thường chỉ việc công ty thanh toán quá hạn hoặc quản lý kém, không trả được gốc và lãi cho nhà đầu tư, dẫn đến ngừng kinh doanh, thanh lý, đại diện pháp nhân bỏ trốn, nền tảng mất liên lạc, phá sản, v.v.
Sino-Ocean Group là một công ty sở hữu hỗn hợp có nền tảng doanh nghiệp trung ương, là một trong những công ty bất động sản có số tiền đầu tư vào quỹ bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc trong 10 năm qua, cổ đông lớn nhất là Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance), nắm giữ 29,59% cổ phần, cổ đông lớn thứ hai là Bảo hiểm Nhân thọ Đại Gia (Daijia Life Insurance), nắm giữ khoảng 29,58% cổ phần.
Trước khi Sino-Ocean Group vỡ nợ, thị trường vốn Trung Quốc đã cho rằng các công ty bất động sản có nền tảng là doanh nghiệp nhà nước và trung ương là an toàn, nhưng giờ đây Sino-Ocean Group đã chính thức vỡ nợ đã phá vỡ nhận định này.
Ngày 15/8, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, bà Hạ (He), trưởng phòng cho vay của chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông, cho biết hoạt động kinh doanh chính của Sino-Ocean Group là phát triển bất động sản. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS khó trả nợ, ngân hàng chịu áp lực lớn. Bà nói rằng: “Lần này, các trái phiếu của Sino-Ocean không thể trả lãi và hiện tượng này sẽ lần lượt xuất hiện ở các công ty khác.”
Ông Trần (Chen), một người làm truyền thông ở Quảng Châu, nói với RFA rằng nếu ngay cả các doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ chính thức cũng vỡ nợ, điều đó cho thấy Chính phủ không còn khả năng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, và tình hình mới trong tương lai sẽ càng khó lường hơn: “ĐCSTQ có chính sách thiên vị giữa doanh nghiệp trung ương và cái gọi là doanh nghiệp tư nhân, tôi đoán [trong tình hình hiện tại] họ dù muốn cứu cũng không cứu được doanh nghiệp trung ương.”
Ngoài ra, Country Garden, công ty bất động sản tư nhân lớn của Trung Quốc, đã không thanh toán được đúng hạn hai trái phiếu đô la Mỹ với tổng trị giá 1 tỷ USD, gây ra sự hoảng loạn trên thị trường vốn.
Dù Country Garden tuyên bố “vẫn còn trong thời gian 30 ngày ân hạn trả lãi”, nhưng các nhà đầu tư lần lượt bỏ chạy. Vào ngày 14/8, giá cổ phiếu của Country Garden giảm mạnh 18,36% trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, đóng cửa ở mức 0,8 đô la Hồng Kông/cổ phiếu, mức thấp kỷ lục. Giá cổ phiếu bằng đồng đô la Mỹ cũng giảm. Vào ngày 15/8, giá cổ phiếu của Country Garden đóng cửa ở mức 0,81 đô la Hồng Kông.
Trong hai năm qua, hàng chục công ty bất động sản Trung Quốc ít nhiều đã bị vỡ nợ. Trước đó, Evergrande Group đã trở thành tâm bão trong cuộc khủng hoảng nợ do vỡ nợ nhưng giới chức Trung Quốc đã không ra tay giải cứu. Lần này, các khoản nợ của Country Garden đang gặp nguy hiểm và phản ứng của chính quyền Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài.
Ông Lý Hằng Thanh, học giả kinh tế tại “Viện Thông tin và Chiến lược”, một tổ chức phi chính phủ ở Washington, nói thẳng rằng điểm gây tranh cãi không phải là liệu Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) có hành động hay không, mà là chính phủ cũng đã “lực bất tòng tâm”, nguồn tài chính đã cạn kiệt.
Đầu tư tín thác bất động sản đối mặt rủi ro cao, các công ty thuộc Zhongzhi Enterprise Group cũng vỡ nợ
Đồng thời, tập đoàn tài chính tư nhân lớn nhất Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group gần đây cũng bị bất động sản liên lụy. Theo Caixin đưa tin, 4 công ty quản lý tài sản (Hang Tang Wealth, Xinhu Wealth, Datang Wealth, Gaosheng Wealth) trực thuộc Zhongzhi Enterprise Group đã vỡ nợ trên diện rộng. Cốt lõi của cuộc khủng hoảng nợ này – Zhongrong International Trust đã thất bại trong việc đầu tư vào bất động sản, ước tính một cách thận trọng rằng khoản lỗ lên tới 300 tỷ – 500 tỷ nhân dân tệ. Các nhà đầu tư liên tiếp nhận được thông báo ngừng thanh toán các sản phẩm tài chính, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tín dụng các doanh nghiệp thuộc Zhongzhi Enterprise Group.
Vào ngày 15/8, tờ “Người quan sát kinh tế” (The Economic Observer) có nền tảng là phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã biết được từ những người thân cận với Zhongrong International Trust rằng việc ngừng trả lãi một số một số sản phẩm thực sự là có thật. Theo nguồn tin tiết lộ, các sản phẩm được bán bởi các công ty quản lý tài sản bên thứ ba và các dự án góp vốn đã bị ảnh hưởng do dư luận tiêu cực hiện đang bị đình chỉ.
Các quản lý cấp cao của Zhongrong International Trust cũng trả lời các nhà đầu tư rằng hiện tại các sản phẩm tạm dừng là các sản phẩm thuộc “nhóm tài sản góp vốn”.
Những người trong ngành dự đoán, do phần lớn sản phẩm thuộc nhóm “góp vốn” là những gói tài sản khó thành hiện thực trong ngắn hạn, chẳng hạn như bất động sản, nên sẽ mất nhiều thời gian để lập phương án và xử lý tài sản.
Theo Reuters, ngân hàng đầu tư quốc tế JPMorgan Chase cảnh báo rằng áp lực tài chính gia tăng đối với các quỹ tín thác đầu tư bất động sản của Trung Quốc sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Các nhà phân tích của JPMorgan do Katherine Lei dẫn đầu trước đây đã nói: “Không giống như các ngân hàng có thể chuyển hạn tín dụng để chờ các vấn đề được giải quyết cuối cùng, quỹ tín thác sẽ vỡ nợ khi các nhà đầu tư trong quỹ tín thác không sẵn sàng gia hạn sản phẩm của họ.”
JPMorgan Chase cảnh báo rằng nguy cơ vỡ nợ tín thác ngày càng tăng sẽ trực tiếp kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 0,3 – 0,4 điểm phần trăm.
Các nhà phân tích của Nomura Securities cho biết: “Chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhưng tốc độ quá chậm và lực độ quá nhỏ”.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện