Bộ phim “Phương Hoa” liên quan đến chiến tranh biên giới Trung – Việt năm 1979 bị hủy phát sóng tại Trung Quốc vì chính quyền lo ngại có thể kích động dẫn khởi biểu tình.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 29/9 bộ phim có tên “Phương Hoa” (tiếng Anh: Youth) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tuy nhiên kế hoạch phát sóng đã đột nhiên bị hủy bỏ. Có phân tích cho rằng, bộ phim bị gấp rút yêu cầu dừng phát sóng có nguyên nhân liên quan tới chiến tranh Trung – Việt, nó có thể dẫn đến những bàn tán trong xã hội và khiến người ta lật lại lịch sử, thậm chí có thể kích động những binh lính từng tham gia chiến tranh Trung – Việt biểu tình.
Khoảng 1 giờ 37 phút sáng ngày 24/9, trên Weibo của đạo diễn Phùng Tiểu Cương đăng tải thông tin cho biết, “đã thương lượng với Cục điện ảnh và các cơ quan liên quan, Phương Hoa sẽ tiếp thu kiến nghị của các bên về thay đổi thời gian phát sóng trên CCTV, lịch phát sóng cụ thể sẽ được công bố sau!” Khoảng 3 giờ 22 phút chiều ngày 25/9, trang này tiếp tục phát đi thông tin nói, “các hoạt động từ ngày 25-30/9 liên quan đến bộ phim Phương Hoa đã bị hủy bỏ, mong các bạn hãy truyền tải thông tin này cho nhau.”
Trong cuộc họp báo về điện ảnh tổ chức tại Thượng Hải hôm 25/9, Phùng Tiểu Cương có nói về việc bộ phim Phương Hoa bị dừng phát sóng, trong lúc phát biểu ông đã nghẹn ngào rơi nước mắt, ông và đoàn làm phim nhiều lần cúi người xin lỗi. Tối cùng ngày, Phùng Tiểu Cương đăng tin lên Weibo nói, “ngày hôm nay, vốn chỉ cách ngày bộ phim Phương Hoa lên sóng CCTV 5 ngày, nhưng hiện giờ mọi thứ vẫn chưa bắt đầu, và sắp phải nói lời cáo biệt với khán giả rồi. Tôi phải thành thật nói với mọi người, tâm tình của tôi có chút bi tráng.”
Bộ phim Phương Hoa được dàn dựng dựa theo tiểu thuyết của Nghiêm Ca Linh, lấy bối cảnh những năm 70, 80 của thế kỷ 20, kể về kể về một nhóm văn công quân đội, những thanh niên tràn đầy lý tưởng làm thế nào đối mặt với thử thách chiến tranh và vận mệnh đầy rẫy những biến số không lường trước được. Bộ phim đã động chạm đến những nội dung nhạy cảm như chiến tranh với Việt Nam mà nền điện ảnh tại Trung Quốc rất ít khai thác, miêu tả nhiều việc kìm hãm sự méo mó về nhân tính và đánh giá lại thời đại, v.v.
Theo nhật báo Apple Daily (Hồng Kông) đưa tin, bộ phim Hoa Phương được quảng cáo lưu động và tung trailer tại nhiều nơi như Bắc Kinh, Thành Đô, v.v., được làm truyền thông rất mạnh. Phùng Tiểu Cương từng nói trong buổi giao lưu tại Bắc Kinh: “cuộc chiến tranh đó đã hy sinh biết bao nhiêu thanh niên, nhưng lịch sử đã xóa nhòa những con người ấy, dường như chuyện đó chưa từng xảy ra, …việc này thực sự không nên, với thân phận là đạo diễn xuất thân từ quân đội, tôi thấy mình phải có nghĩa vụ để cho mọi người biết, những liệt sĩ này, họ nên được tôn trọng, chứ không nên bị phai mờ trong lịch sử.”
Bản tin dẫn lời phân tích của người trong ngành điện ảnh nói, bộ phim này bị ngưng chiếu là do đã động chạm đến khu vực cấm trong lịch sử chiến tranh Trung – Việt, Bộ Tuyên truyền và Cục Phát thanh Điện ảnh Quốc gia lo lắng bộ phim sẽ kích động những binh lính từng tham gia chiến tranh Việt Nam đòi quyền lợi, làm khơi dậy những cuộc bàn luận tìm hiểu về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa tập thể của lớp thanh niên trong những năm 70, 80, ảnh hưởng đến Đại hội 19 sắp diễn ra. Ngoài ra còn có thông tin rằng phía đoàn làm phim đã từng thăm hỏi binh lính tham gia chiến tranh Việt Nam, có lẽ các cơ quan liên quan lo lắng trong thời gian diễn ra Đại hội 19, một lần nữa dấy lên cuộc biểu tình của nhóm binh lính này, do đó mà bộ phim bị cấm chiếu. Dự tính, sau khi bị cấm lên sóng, nhà sản xuất sẽ phải tiến hành cắt bỏ và được thẩm duyệt kỹ mới có thể chiếu công chiếu.
Trang Weibo “Phòng vé điện ảnh” lại đăng bài viết cho biết, bộ phim bị hoãn chiếu có 5 nguyên nhân: có lời thoại nói về Cách mạng Văn hóa; có tình tiết nói đến sự xúi giục thù địch; thời lượng nói về chiến tranh với Việt Nam nhiều; nói về cuộc sống sau giải ngũ đầy khó khăn của những binh lính từng tham gia chiến tranh Trung – Việt; có tình tiết liên quan tới sự hủ bại của cơ quan nhà nước những năm 80.
Ngoài ra, có phân tích chỉ ra, nguyên nhân hoãn chiếu là do doanh thu bán trước của bộ phim không được tốt, nên Phùng Tiểu Cương đang khiến dư luận quan tâm để thu hút khán giả. Về vấn đề này, Phùng Tiểu Cương đưa ra trả lời: “Về những đồn đoán này, tôi muốn nói chúng đều không phải là thật, đoàn làm phim của bộ phim này đã không ngại khó nhọc, những giọt mồ hôi được phó xuất đều là xuất phát từ tình yêu điện ảnh thuần túy, chúng tôi còn hy vọng bộ phim có thể lên sóng đúng lịch hơn cả khán giả.”
Để hoàn thành bộ phim Phương Hoa này, số vốn bỏ ra đã vượt qua con số 100 triệu nhân dân tệ (khoảng trên 15 triệu đô la Mỹ), trước khi bị hoãn chiếu, bộ phim đã bán trước được 40.000 lượt, lần hoãn chiếu này, khiến cho tổn hại trực tiếp lên đến hơn 20 triệu nhân dân tệ (hơn 3 triệu đô la Mỹ).
Cuộc chiến biên giới Trung – Việt nổ ra vào ngày 17/2/1979. Khi đó, ĐCSTQ bất mãn vì Việt Nam đưa quân sang Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ, trong khi Khmer Đỏ đang phát triển rộng chủ nghĩa Mao tại Campuchia, vì thế mà ĐCSTQ đã xuất quân tấn công biên giới Bắc bộ của Việt Nam.
Tuy nhiên phía chính quyền của ĐCSTQ lại nói, nguyên nhân phát động cuộc chiến tranh này là vì Việt Nam được sự ủng hộ của Liên Xô mà có các hành động thù địch với Trung Quốc, phía Trung Quốc gọi đây là cuộc chiến “phản kích tự vệ đối với Việt Nam”.
Theo thông tin từ chính quyền Trung Quốc, cuộc chiến tranh này khiến 7000 người của phía Trung Quốc tử vong, 14.000 người bị thương. Nhưng theo thống kê không phải của chính quyền, cuộc chiến đã làm cho 26.000 người phía Trung Quốc tử vong, 37.000 người bị thương. Số dân thường bị thương vong vào khoảng 100.000 người.
Điều đáng chú ý là, những binh lính đã từng tham gia cuộc chiến Trung – Việt, sau cuộc chiến kết thúc, họ đã bị ĐCSTQ bỏ rơi, rất nhiều người sau khi giải ngũ lại gặp phải vấn đề như thất nghiệp, cuộc sống nghèo khó. Do đó, những binh lính này thường đến các cơ quan liên quan của chính quyền các cấp để biểu tình, yêu cầu chính quyền giải quyết các vấn đề đãi ngộ đối với quân nhân giải ngũ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.