Sau khi trợ thủ cũ của ông Tập Cận Bình, Thị trưởng Bắc Kinh Thái Kỳ nhậm chức Bí thư Thành ủy, thì ông Trần Cát Ninh thuộc hàng ngũ “Thanh Hoa hệ” của ông Tập Cận Bình đã tiếp nhận chức Thị trưởng đương nhiệm và sự nghiệp trở nên đầy hứa hẹn. Theo phân tích của giới truyền thông Hồng Kông, người được chọn kế nhiệm cho Tập Cận Bình đã hết sức rõ ràng, đó nhất định là ông Trần Cát Ninh, năm nay 53 tuổi. Tuy nhiên, khoảng hai năm gần đây, không ít người tranh luận xem người kế nhiệm tiếp theo liệu có quan hệ với ông Tập Cận Bình hay không. Có quan điểm cho rằng cục diện chính trị Trung Quốc có thể thay đổi bất ngờ bất cứ lúc nào.
Ngày 27/5, cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, Thị trưởng Bắc Kinh đương nhiệm, ông Thái Kỳ tiếp nhậm chức Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, còn ông Trần Cát Ninh, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường của ĐCSTQ, nhậm chức Phó Thị trưởng Bắc Kinh, quyền Thị trưởng.
Ông Thái Kỳ là thuộc hạ cũ của Tập Cận Bình ở thành phố Phúc Kiến tỉnh Chiết Giang, còn ông Trần Cát Ninh từng đảm nhận chức hiệu trưởng trường Đại Học Thanh Hoa, và được cho là người trong hàng ngũ “Thanh Hoa hệ” của Tập Cận Bình. Thêm vào đó còn có thuộc hạ cũ của ông Tập Cận Bình là ông Vương Tiểu Hồng đang nắm giữ chức Giám đốc Công an Bắc Kinh. Do vậy, ngoại giới nhận định rằng, những thay đổi về mặt nhân sự mới nhất này chứng minh rằng ông Tập Cận Bình đang kiểm soát Bắc Kinh một cách toàn diện.
Ngày 29/5, trang Eastcom (Hồng Kông) đăng tải một bài báo, trong đó bình luận rằng Bí thư Thành ủy Bắc Kinh hiện nay, Thị trưởng đương nhiệm, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ủy Ban Kỷ luật, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên giáo, và các chức vụ quan trọng nòng cốt khác… toàn bộ đều “hạ cánh”. Các quan chức Bắc Kinh trước đây đều đã bị loại bỏ hoặc điều chuyển tới các tỉnh khác, nên có thể nói chức vị quan trọng chủ chốt nhất của Bắc Kinh sẽ là do “đội quân nhà Tập” nắm giữ hoàn toàn.
Bài báo nhận định rằng, đáng lưu ý chính là ông Trần Cát Ninh hiện nay đang ở cấp Bộ, là quan chức trẻ tuổi nhất chỉ đứng sau Chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang Lục Hạo. Sau khi đảm nhận vị trí chủ chốt quyền Thị trưởng Bắc Kinh, ông này rất có thể bứt phá lên thành người được chọn kế nhiệm ứng cử cho thế hệ lãnh đạo thứ 6 của ĐCSTQ, cùng kề vai sát cánh với Bí thư Đảng tỉnh Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Đảng tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, và Chủ tịch tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thụy.
Theo một tài liệu công khai, quyền Thị trưởng Bắc Kinh đương nhiệm, ông Trần Cát Ninh năm nay 53 tuổi, là người Cát Lâm, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc và Công trình Sinh thái của trường Đại Học Thanh Hoa. Sau khi du học tại Anh, khoảng cuối những năm 1990 ông trở về và từng đảm nhiệm chức Hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa. Năm 2015, ông Trần Cát Ninh thăng chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.
Ông Tập Cận Bình cũng xuất thân từ đại học Thanh Hoa. Ông Trần Hy, một người thân cận khác, cũng chính là bạn học đại học của ông Tập, hiện là Phó trưởng ban Thường vụ Ban tổ chức Trung ương từng đảm nhiệm chức Bí thư Đảng bộ trong trường Đại học Thanh Hoa. Ông Trần Hy cũng đánh giá rất cao ông Trần Cát Ninh. Là “anh cả” của ông Trần Cát Ninh, nên ông Trần Hy liên tiếp đề bạt ông Trần Cát Ninh.
Tháng 4/2016, trang tin tức Tranh Minh (Hồng Kông) đưa tin rằng, ông Tập Cận Bình gần đây đã hủy bỏ hai người kế nhiệm được xác định từ trước, cho rằng điều đó rời xa thực tế, sắp xếp quá sớm, vô hình đã cố định hình thức thứ tự của các thành viên trong “ban lãnh đạo” cao cấp. Điều này dẫn đến việc xuất hiện căn bệnh thăng chức, xuất hiện bệnh bao che dung túng, kết cục là tạo ra bè phái băng nhóm, cái giá phải trả quá nặng nề.
Theo bài viết, vào ngày 2/3/2016, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ xem xét thông qua nghị quyết hủy bỏ bản dự thảo mà hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ban hành hồi đầu tháng 10/2012, bao gồm việc hủy bỏ các quy định liên quan đến ngăn chặn “bổ nhiệm tạm thời”.
Bài viết cho rằng, đầu tháng 10/2012, Hội nghị cao cấp ĐCSTQ đã thông qua danh sách nhân sự lãnh đạo cho Đại hội Đảng khóa 19 và khóa 20. Trong đó danh sách mà Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại Hội Đảng khóa 19 đề nghị gồm 9 người: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Lý Nguyên Triều, Lưu Kỳ Bảo, Tôn Chính Tài, Hồ Xuân Hoa, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính. Và danh sách lãnh đạo hạt nhân mà Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại Hội Đảng khóa 20 kiến nghị gồm 5 người: Lý Khắc Cường, Hòa Xuân Hoa, Tôn Chính Tài, Uông Vĩnh Thanh, Triệu Lạc Tế.
Ngày 11/8/2016, đã từng có bài viết của truyền thông Hồng Kông phân tích rằng, Đại hội Đảng khóa 19 cũng không phải là đại hội mà ông Tập Cận Bình giao ban, luôn luôn có người kiêm nhiệm là 2 quan chức cao cấp ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài “nhập thường”, cũng không đồng nghĩa với việc nhất định kế nhiệm vào năm 2022.
Ngày 15/4/2016, Đài Phát thanh Hoa Kỳ VOA cũng thảo luận về cách thức ĐCSTQ chọn người kế nhiệm Tập Cận Bình. Nhà sử học về ĐCSTQ, Cao Văn Khiêm bày tỏ rằng tình hình về người được chọn kế nhiệm trở thành thế hệ lãnh đạo thứ 6 của ĐCSTQ khá phức tạp và chưa rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu khó hoàn thành như kế hoạch.
Người sáng lập tổ chức nhân quyền “Sức mạnh công dân”, ông Dương Kiến Lợi cho rằng điểm quan trọng nhất của Đại hội 19 là có bố trí được hay không và làm thế nào để bố trí được người kế nhiệm. Ông cho rằng: “Nguy cơ chính trị lớn nhất của hệ thống chính trị chuyên chế là khủng hoảng người kế thừa quyền lực, tranh đấu quyền lực nội bộ chủ yếu xoay quanh việc tiến hành tìm người để kế thừa quyền lực, và mức độ kịch liệt có thể sẽ làm hủy diệt toàn bộ đất nước…”
Tác giả chuyên mục, nhà phân tích chính trị Trần Phá Không cho rằng, nội bộ ĐCSTQ và các phe phái đang chuẩn bị cạnh tranh quyền lực cho Đại hội khóa 19. Chế độ hiện tại của ĐCSTQ không thể giải quyết được vấn đề chuyển giao quyền lực tối cao, vì vậy luôn kèm theo tranh đấu trong ‘mưa máu gió tanh’. Nhân tố ngẫu nhiên và sự kiện bất ngờ bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện, làm thay đổi cục diện chuyển giao ban đầu.
Trong những năm gần đây, liên qua đến sự biến đổi đại cục của Trung Quốc, không ít người liên tục kêu gọi ông Tập Cận Bình loại bỏ ĐCSTQ. Giáo sư Đại học George Washington, chuyên gia lâu năm về các vấn đề Trung Quốc, ông Thẩm Đại Vỹ (David Shambaugh) đã từng khẳng định: “Ngày diệt vong của ĐCSTQ đã bắt đầu,” cải cách chính trị đã trở thành một xu hướng lớn. Ông cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình sẽ có thể mở ra cục diện thay đổi lớn của Trung Quốc.
Hoàng Quân
Xem thêm:
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…