Từ Hollywood đến ngành sản xuất và các công ty Internet, ngày càng nhiều công ty Mỹ đang hoặc đã tách khỏi Trung Quốc. Họ bắt đầu ngày càng tin tưởng rằng “không có Trung Quốc cũng có thể thành công”.
Ngày 2/6, Amazon đã ngừng cung cấp Kindle cho các nhà bán lẻ Trung Quốc và sẽ đóng cửa các cửa hàng sách điện tử Kindle ở Trung Quốc vào năm sau. Cửa hàng sách Amazon đầu tiên ở thành phố Seattle. (Ảnh: Stephen Brashear / Getty)
Đầu tháng Sáu, một bộ phim bom tấn của Hollywood không được công chiếu tại Trung Quốc lại gây được tiếng vang lớn tại các phòng vé. “Top Gun: Maverick” (Phi công siêu đẳng Maverick) đứng đầu doanh thu phòng vé toàn cầu với 260 triệu USD, đồng thời trở thành kỷ lục phòng vé tốt nhất của Tom Cruise từ trước đến nay.
Nhưng phim vẫn chưa được duyệt ở Trung Quốc. Trong bộ phim này, 4 lá cờ của “Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc” được thêu trên áo khoác của nhân vật nam do Tom Cruise thủ vai. Quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc là điều cấm kỵ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Hsieh Chin-ho (Tạ Kim Hà), chủ tịch của Wealth Magazine Đài Loan, nói: “Những dấu hiệu này đều cho thấy hướng gió đang thay đổi một cách lặng lẽ.” Ông cũng có phân tích cho rằng trong thế giới tương lai, các quy tắc của trò chơi ở thị trường Trung Quốc đang “lặng lẽ thay đổi!”
Vào tháng Năm, một phim bom tấn khác của Hollywood là “Doctor Strange in the Multiverse of Madness” (Phù thủy Tối thượng trong Đa Vũ trụ Hỗn loạn) cũng thành công vang dội trên toàn cầu. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, phim đã thu về hơn 200 triệu USD ở Bắc Mỹ và gần 300 triệu USD ở nước ngoài.
Nhưng đến nay bộ phim này vẫn chưa được phê duyệt trình chiếu tại Trung Quốc. Theo phân tích của giới truyền thông, điều này có liên quan đến hình ảnh hộp báo “Epoch Times” xuất hiện trong phim.
Benedict Cumberbatch, người đóng vai “Phù thủy tối thượng” (Doctor Strange) chiến đấu với Gargantos trên đường phố New York, hộp báo Epoch Times màu vàng nằm ở góc phố đã xuất hiện trong ống kính. Thời báo Epoch Times thường đưa tin về những hành vi đàn áp nhân quyền sai trái của ĐCSTQ.
Trên thực tế, kể từ năm 2019, nhiều bộ phim của Marvel đã không được Trung ương ĐCSTQ chấp thuận cho công chiếu, bao gồm “Black Widow” (Góa phụ đen), “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings” (Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân), “Eternals” (Chủng tộc bất tử) và “Spider-Man: No Way Home” (Người Nhện: Không còn nhà), v.v.
Trong số đó, phải kể đến bộ phim “Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân” của Marvel, chủ yếu tập trung vào các nhân vật châu Á do Lưu Tư Mộ và Lương Triều Vỹ đóng chính. Nhiều người đoán có lẽ bộ phim bị ĐCSTQ chặn là do liên quan đến việc Lưu Tư Mộ chỉ trích Chính phủ ĐCSTQ vào năm 2016. Ngoài ra, còn có cảnh quay trên áo của một tài xế xe buýt trong phim có ghi con số “8964“, ám chỉ vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4/6/1989, và cho rằng có thể Disney đã động đến dây thần kinh nhạy cảm của ĐCSTQ.
Một bộ phim khác là “Chủng tộc bất tử” liên quan đến việc đạo diễn Triệu Đình (Zhao Ting) chỉ trích Trung Quốc “đầy dối trá“; bộ phim “Quá phụ đen” bị nghi ngờ liên lụy do mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ nên không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc; còn đối với bộ phim “Người Nhện: Không còn nhà” thì bị nghi ngờ vì Sony từ chối làm mờ tượng Nữ thần Tự do.
Ngày 11/5, Bob Chapek, chủ tịch hãng giải trí khổng lồ Disney của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng dù không có Trung Quốc, ngay cả khi các bộ phim của chúng tôi tiếp tục khó lòng đến được đó, điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến thành công của chúng tôi.”
“Mạng lưới tài nguyên sách truyện tranh” của Canada báo cáo, giờ đây Hollywood đã không còn chiều chuộng Chính phủ Trung Quốc, “đã đến lúc hỗ trợ người dân Trung Quốc – kể những câu chuyện của họ, khám phá các giá trị và niềm tin của họ, những điều hiếm khi được kể trên màn ảnh rộng.”
Apple đã nói với một số nhà sản xuất theo hợp đồng, rằng họ muốn tăng sản lượng bên ngoài Trung Quốc, vì chính sách zero COVID hà khắc của nước này ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Các hạn chế đi lại do ĐCSTQ áp đặt cũng đã làm giảm cơ hội của Apple trong việc cử các giám đốc điều hành và kỹ sư đến Trung Quốc, khiến họ khó lòng đến các địa điểm sản xuất để kiểm tra.
Tháng Năm năm nay, Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook đã gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, bày tỏ thiện chí của Apple trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam. Ngoài ra, nhà phân tích Ming-Chi Kuo (Quách Minh Cơ) thuộc tập đoàn Quốc tế Thiên Phong cũng tiết lộ rằng AirPods Pro 2 sẽ được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam vào nửa cuối năm nay.
Vào tháng 10 năm ngoái, Apple đã công bố danh sách các nhà cung cấp toàn cầu cho năm 2020, trong đó 34 nhà cung ứng Trung Quốc đã bị loại bỏ. Ví dụ, nhà sản xuất ống kính điện thoại di động OFILM đã bị Apple chấm dứt hợp đồng vào tháng Năm năm ngoái, khiến lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm giảm 93,25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ Apple, các công ty lớn khác cũng đang rút lui khỏi Trung Quốc. Đầu năm nay, General Motors thông báo sẽ chi 7 tỷ USD để mở rộng sản xuất xe điện và pin ô tô ở Michigan.
Tháng 11 năm ngoái, ‘gã khổng lồ’ viễn thông Hàn Quốc Samsung thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD, xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Texas.
Tháng 10 năm ngoái, Micron, công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, tuyên bố sẽ đầu tư 150 tỷ USD nghiên cứu phát triển và sản xuất chip trong vòng 10 năm tới, một phần lớn trong số đó sẽ được thực hiện tại Mỹ.
Một cuộc khảo sát với 260 nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng toàn cầu do công ty nghiên cứu Gartner thực hiện vào tháng 2 – 3/2020 sau đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) cho thấy, 33% các doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc hiện đang có kế hoạch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, trên thực tế, trước đại dịch COVID-19, cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy các chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu thực hiện chiến lược rút khỏi Trung Quốc.
Tháng 5/2011, trong một báo cáo, Tập đoàn Tư vấn Boston cho biết, Hoa Kỳ sẽ giành lại ngôi vị sản xuất, “mọi người sẽ thấy ngày càng nhiều hàng hóa trên thị trường Hoa Kỳ sẽ là ‘Made in America’ (sản xuất tại Mỹ).”
Đối tác cấp cao của Công ty tư vấn Boston, Hal Sirkin cũng cho rằng kỷ nguyên Hoa Kỳ giao thầu cho Trung Quốc gia công trên quy mô lớn sắp kết thúc.
Các nhà sản xuất đã rời khỏi Trung Quốc vẫn đang hoạt động tốt.
Unionwear, một công ty dệt có trụ sở tại thành phố Newark, bang New Jersey, chuyên sản xuất mũ bóng chày, khăn quàng cổ và cặp học sinh, có chuỗi cung ứng hoàn toàn tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch của công ty, ông Mitch Cahn, nói với VOA rằng năm nay doanh thu của họ rất tốt. Nhiều công ty ban đầu nhập khẩu các sản phẩm này từ các nước khác và không đủ khả năng chi trả phí nhập khẩu đã mua các sản phẩm trong nước.
Chính sách Zero COVID nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa và hàng hóa không thể rời các bến cảng của nước này. Nhiều công ty Mỹ đang bắt đầu xem xét lại việc đặt sản xuất tại Trung Quốc có còn là lựa chọn tốt nhất của họ hay không.
Ông Cahn cho biết, trước khi xảy ra dịch bệnh, mũ bóng chày do công ty ông sản xuất đắt hơn nhập khẩu khoảng 30% – 40%, trong khi cặp học sinh đắt hơn khoảng 25%,“nhưng hiện nay, cả 2 dòng sản phẩm của chúng tôi đều hoàn toàn có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.”
Trên thực tế, một số công ty lớn của Hoa Kỳ đã rút khỏi thị trường Trung Quốc từ lâu, nhưng họ vẫn rất thành công.
Tháng 7/2019, Amazon đã đóng cửa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình tại Trung Quốc. Nhưng 7 tháng sau, giá trị thị trường của Amazon chính thức đạt 1.000 tỷ USD, chỉ đứng sau Apple, Microsoft và Alphabet của Google, và là công ty niêm yết thứ 4 của Hoa Kỳ với giá trị thị trường trên 1.000 tỷ USD.
Thông tin mới nhất là Amazon sẽ tiếp tục rút lui khỏi Trung Quốc. Bắt đầu từ ngày 2/6, hãng đã ngừng cung cấp máy đọc sách điện tử Kindle cho các nhà bán lẻ Trung Quốc và sẽ đóng cửa các cửa hàng sách điện tử Kindle tại đây vào năm sau.
Tháng 9/2012, Home Depot, một chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng gia đình, đã tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc hoàn toàn. Nhưng sau khi rời Trung Quốc, hoạt động kinh doanh của Home Depot vẫn tiếp tục được mở rộng.
Năm 2021, doanh thu thuần của Home Depot là 151,2 tỷ USD, tăng 19 tỷ USD so với năm 2020 và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 năm qua, Home Depot đã đi ngược xu hướng và đạt được mức tăng trưởng doanh thu 40 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng trong 10 năm qua (từ năm 2009 – 2018).
Ngày 23/3/2010, Google chính thức đóng cửa trang web Google.cn tại Trung Quốc Đại Lục và ngừng lọc thông tin theo quy định của ĐCSTQ. Nhưng 6 năm sau, công ty mẹ của Google là Alphabet đã vượt qua Apple về giá trị thị trường, trở thành công ty có giá nhất thế giới, với gần 520 tỷ USD.
Ông Hsieh Chin-ho nói: “Hai năm qua, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xấu đi, xuất khẩu tôm hùm và rượu vang đỏ của Úc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mọi người đều cho rằng kinh tế Úc sa sút, nhưng không ngờ Úc lại tìm được bên mua khác. Trong 2 năm qua tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Úc rất tốt”. Ông nói rằng chuyến đi lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Á, từ thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Hàn Quốc, đến 13 quốc gia thành viên khởi xướng của khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và sau đó là cuộc đàm phán Bộ tứ, chuỗi mặt trận liên kết này tất cả đều là nhằm vào ĐCSTQ. “Thế giới tương lai, có thể mọi người muốn từ từ mất đi luật chơi mới tại thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc”.
Nhà sản xuất phim Hollywood, ông Chris Fenton, nói với VOA: “Thị trường Trung Quốc đang đóng cửa đối với tất cả các công ty không phải của Trung Quốc … Hoặc chúng tôi rời khỏi Trung Quốc trước, hoặc Bắc Kinh sẽ làm điều đó với chúng tôi.”
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…