Trung Quốc Đại Lục có 2 streamer nổi tiếng nhất trên Internet: Một là Vy Á (Wei Ya) năm ngoái bất ngờ bị chính quyền trừng phạt; hai là Lý Giai Kỳ (Li Jiaqi) mới đây trước ngày 4/6 đã bất ngờ lên sóng với chiếc bánh kem hình xe tăng, sau đó bị ‘cắt sóng’ và ‘mất tích’. Việc này đã thu hút sự chú ý của nhiều người trẻ ở Trung Quôc Đại Lục vốn không hiểu hình tượng chiếc xe tăng biểu thị điều gì và nhiều kênh truyền thông quốc tế. 

id13752627 f00814dffaa2d230ac2355e923db8f4c 600x400 1
Trên Internet lan truyền nóng buổi livestream của Lý Giai Kỳ bị chặn. (Ảnh chụp màn hình Internet)

Việc Lý Giai Kỳ bị cắt sóng livestream là do chạm vào “lằn ranh đỏ” chính trị Thiên An Môn, nhưng động thái của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại gây tác dụng ngược khi khơi dậy tò mò của các cư dân mạng trẻ tuổi ở Trung Quốc làm họ bắt đầu tìm kiếm những nội dung liên quan đến Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Sự kiện này đã được các phương tiện truyền thông lớn của nước ngoài như CNN, BBC, Wall Street Journal, Bloomberg, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), và Đài phát thanh nước Pháp (RFI) đưa tin.

Theo Đài VOA, trong quá trình livestream vào tối ngày 3/6, anh Lý Giai Kỳ đã mang ra một chiếc bánh kem hình xe tăng, ngay lập tức video bị gián đoạn. Weibo của Lý Giai Kỳ thông báo rằng bị lỗi kỹ thuật, nhưng 2 giờ sau streamer này tiếp tục cập nhật rằng không thể livestream được vì lỗi thiết bị. Sau đó cả trang cá nhân trên Weibo của Lý Giai Kỳ cũng không còn cập nhật thông tin.

Cách xử lý vụ việc của cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát cảm thấy vô lý, nhiều người chỉ ra rằng dưới hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ thì ngày càng khó để tránh chạm vào lằn ranh đỏ chính trị.

Phóng viên Liu Lingda của Bloomberg cho rằng có lẽ hầu hết người trẻ Trung Quốc ngày nay không biết về vụ Thảm sát Thiên An Môn, vì Bắc Kinh đã làm mọi cách để xóa bỏ bi kịch lịch sử do ĐCSTQ gây ra này. Vấn đề Lý Giai Kỳ sau đó “mất tích” càng minh chứng “lằn ranh đỏ” nhạy cảm Thiên An Môn mà nhà cầm quyền không muốn lưu giữ trong ký ức mọi người.

Phóng viên Yuan Li của tờ New York Times (Mỹ) cho biết, một bằng chứng khác cho thấy bất kể một doanh nghiệp Trung Quốc lớn đến đâu thì dưới cai trị của ĐCSTQ đều có thể biến mất bất cứ lúc nào.

BBC đưa tin rằng Lý Giai Kỳ đã không xuất hiện trong sự kiện livestream dự kiến ​​vào thứ Bảy và Chủ nhật, một điều khá bất thường trong thời gian lễ hội mua sắm nhộn nhịp.

p3162201a820391770
(Ảnh chụp màn hình)

Một số lượng lớn khán giả trẻ tỏ ra hoang mang về vấn đề này, họ để lại lời nhắn “xe tăng có nghĩa là…”, trong khi một số cư dân mạng đã sử dụng ngôn ngữ khó hiểu để truyền đạt một cách ẩn ý. Hiện nay khi tìm kiếm từ khóa “Lý Giai Kỳ” trên Taobao đã không còn sản phẩm nào liên quan đến tên của anh này, nhưng các tài khoản của Lý Giai Kỳ trên Weibo, Douyin và Bilibili vẫn tồn tại.

Không rõ ai đã ra lệnh dừng livestream của Lý Giai Kỳ và chưa biết số phận tương lai của anh ra sao, nhưng sự việc một lần nữa cho thấy dù đã 33 năm trôi qua nhưng biến cố Thiên An Môn ngày 4/6 vẫn là lằn ranh đỏ rất nhạy cảm trong chính trường Trung Quốc.

Tờ Wall Street Journal đưa tin, một trong những nhân vật nổi tiếng trên Internet có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc với một lượng lớn người hâm mộ trẻ tuổi là Lý Giai Kỳ đã giẫm phải “quả mìn chính trị” trong việc quảng cáo kem, nhưng chính điều này cũng làm dấy lên làn sóng tìm hiểu về cuộc đàn áp của ĐCSTQ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Do những fan hâm mộ này còn quá nhỏ tuổi nên không thể hiểu câu chuyện quá khứ, nhiều fan suy đoán có thể Lý Giai Kỳ bị trừng phạt vì trốn thuế, cũng có nhiều người bắt đầu đào sâu sự thật nhưng cũng không thể tìm thấy câu trả lời trong sách giáo khoa Trung Quốc, còn người thân lớn tuổi trong nhà cũng chỉ cho biết xe tăng là một chủ đề nhạy cảm, tuy nhiên cũng đã có không ít fan tìm tòi biết được biến cố Thảm sát Thiên An Môn và chia sẻ khiến sau đó tài khoản đã bị khóa.

Nhờ vượt được tường lửa internet của ĐCSTQ, thế hệ cư dân mạng trẻ tuổi ở Trung Quốc Đại Lục không ít người biết rằng xe tăng là biểu tượng cấm kỵ của ngày 4/6, nhưng những nhận xét liên quan sẽ sớm bị “biến mất” dưới kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Phóng viên Liu Lingda của Bloomberg cho biết hầu hết những người trẻ tuổi ở Trung Quốc không hề hay biết về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vì ĐCSTQ làm mọi cách xóa sổ thông tin này. Việc Lý Giai Kỳ “mất tích” một lần nữa chứng tỏ ngày 4/6 đã trở thành “quả mìn chính trị vô hình” như thế nào.

Phóng viên độc lập Sum Lok-kei tại Hồng Kông tin rằng Lý Giai Kỳ có thể không biết chiếc bánh hình xe tăng có nghĩa là gì. Trước đây không ít nhân viên của các tờ báo Trung Quốc cũng từng sơ hở trong việc kiểm duyệt các quảng cáo liên quan đến ngày 4/6 vì họ không biết chuyện gì đã xảy ra.

Theo các nguồn tin truyền thông bên ngoài Trung Quốc, Lý Giai Kỳ có biệt danh “Ông hoàng livestream” với lượng fan tới 170 triệu người và từng đạt kỷ lục cùng một lúc hàng trăm triệu người xem trực tuyến. Tối 3/6 khi anh đang livestream một chiếc bánh hình chiếc xe tăng thì video ngay lập tức bị ngắt sóng. Lúc đầu Lý Giai Kỳ đăng trên Weibo: “Sự cố kỹ thuật hậu trường, chúng tôi đang khẩn trương xử lý, vui lòng đợi một lát”. Nhưng 2 tiếng sau anh lại đưa ra lời xin lỗi, nói rằng chương trình livestream không thể tiếp tục do lỗi thiết bị bên trong. Kể từ đó, Weibo của Lý Giai Kỳ không được cập nhật.

Về vấn đề này, cư dân mạng Trung Quốc đã thảo luận sôi nổi: “Tại sao lỗi này lại mất nhiều thời gian để sửa chữa, có ai giải thích được xảy ra vấn đề gì không?” Một số cư dân mạng hy vọng nhận được tin nhắn riêng từ những người biết tình hình đã để lại lời nhắn “Xe tăng có nghĩa là gì?”. Trong khi có những cư dân mạng đã sử dụng “ngôn ngữ riêng” để chia sẻ vấn đề này.