WSJ: Apple tìm cách tăng sản lượng bên ngoài Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
Nguồn tin của Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Apple đã nói với một số nhà sản xuất của mình rằng họ muốn tăng sản lượng bên ngoài Trung Quốc.
Ngày 21/5, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, nếu tình huống này xảy ra, các nhà máy không phải của Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng phát triển thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn hơn là chỉ sao chép các kế hoạch được thực hiện tại Trung Quốc.
Những người quen thuộc với vấn đề này nói với WSJ rằng Ấn Độ và Việt Nam đã là cơ sở sản xuất cho một số lượng nhỏ các sản phẩm toàn cầu của Apple. Hai quốc gia này đang được Apple xem như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, hơn 90% sản phẩm của Apple (như iPhone, iPad và máy tính xách tay MacBook), được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà thầu bên ngoài. Các nhà phân tích cho rằng việc Apple phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là một nguy cơ tiềm ẩn vì chính quyền cộng sản độc tài của Bắc Kinh đang xung đột với Mỹ.
Những người đã nói chuyện với Apple về kế hoạch sản xuất của họ cho biết, Apple coi Ấn Độ là nơi tiếp theo gần Trung Quốc nhất vì dân số đông và chi phí thấp.
Các nhà lắp ráp điện thoại Đài Loan Foxconn và Wistron đã đặt nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone chủ yếu cho thị trường nội địa của Ấn Độ. Doanh số bán hàng của Apple tại Ấn Độ đang tăng nhanh chóng. Vào tháng Tư, Apple cho biết họ đã bắt đầu sản xuất thế hệ iPhone mới nhất tại Ấn Độ, tức dòng iPhone 13.
Nguồn tin cho biết, Apple hiện đang đàm phán với một số nhà cung cấp hiện tại về việc mở rộng ở Ấn Độ, bao gồm cả sản xuất để xuất khẩu, những người này cho biết. Nhưng các nhà phân tích và nhà cung cấp cho rằng một vấn đề của Ấn Độ đó là do quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ căng thẳng, nên các nhà lắp ráp Trung Quốc đang gặp khó khăn khi kinh doanh ở Ấn Độ.
Nguồn tin cho biết, vì lý do đó, các nhà thầu sản xuất Trung Quốc làm ăn với Apple đang quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Động thái của Apple có thể khiến nhiều công ty nước ngoài làm theo
WSJ nói rằng là công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị thị trường, bất kỳ động thái nào của Apple nhằm tăng sản lượng bên ngoài Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của các công ty phương Tây khác. Các công ty đã và đang xem xét cách giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc hoặc các vật liệu quan trọng. Sự cân nhắc đó đã được các công ty phương Tây củng cố trong năm nay sau khi Bắc Kinh từ chối chỉ trích Nga xâm lược Ukraine và áp đặt phong tỏa để thực hiện chính sách “zero COVID” ở nhiều thành phố.
Vào ngày 5/5, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho biết, trong một cuộc khảo sát gần đây, các công ty châu Âu cho rằng “zero COVID” của ĐCSTQ trong phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng của họ, khiến họ buộc phải cắt giảm nhân viên, giảm dự báo doanh thu. Trong đó có gần ⅓ các công ty này cho biết họ đã thực hiện cắt giảm nhân viên.
Ông Jorg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu cho biết, ông đã chứng kiến Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, dịch SARS và Khủng hoảng Tài chính châu Á 1997, nhưng đều không thể bằng cuộc khủng hoảng vì phong tỏa lây lan COVID-19 hiện tại, cuộc khủng hoảng này gây nỗi sợ hãi kinh khủng nhất đối với thể chế toàn trị ở Trung Quốc.
Ông Wuttke, người đã sống ở Trung Quốc 33 năm, trước đây đã viết chung một lá thư với nhiều công ty châu Âu yêu cầu chính quyền ĐCSTQ điều chỉnh chính sách ‘Zero COVID’ vì cách tiếp cận này không chỉ không bền vững mà thậm chí gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với nền kinh tế Trung Quốc, thiệt hại lâu dài này sẽ ăn sâu vào các mắt xích nền kinh tế Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng nếu ĐCSTQ không thay đổi chính sách phong tỏa này thì chuỗi cung ứng sẽ dần tách khỏi Trung Quốc, bởi vì các công ty khó có thể chịu đựng được thực trạng bấp bênh do việc Trung Quốc phong tỏa.
Ông nhấn mạnh chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Một nhà lắp ráp ô tô luôn cần hàng ngàn linh kiện, nhưng chỉ cần một loại linh kiện như phanh xe mà cũng không thể cách nào vận chuyển được đến thì cả chiếc xe cũng như bỏ không bán được, vì không thể nào bán xe mà không có phanh.
Chuyên gia thương mại châu Âu này cho biết các biện pháp phòng chống dịch của ĐCSTQ cần có vùng đệm và cái gốc vấn đề là tiêm chủng vắc-xin, nhưng người dân Trung Quốc hiện đang xếp hàng để xét nghiệm axit nucleic chứ không phải tiêm chủng vắc-xin.
Ông không né tránh nói rằng các biện pháp thúc đẩy kinh tế gần đây mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra sẽ không bao giờ cải thiện niềm tin của các công ty nước ngoài, bởi vì chúng chỉ là công cụ để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường, thiếu cầu hay suy thoái kinh tế, trong khi vấn đề của Trung Quốc hiện nay là “khủng hoảng niềm tin”. Mặc dù các công ty châu Âu vẫn chưa rút khỏi Trung Quốc, nhưng họ đã xem xét chuyển các kế hoạch đầu tư mới sang các nước khác.
Ông nói: “Zero COVID sẽ không thực hiện được, bởi vì thế giới đã học cách chung sống với COVID-19 và Trung Quốc phải thay đổi chiến lược của mình. Nếu bạn không thay đổi (chính sách zero COVID), thì chúng tôi sẽ dùng chân bỏ phiếu, đi đến những nơi khác (đầu tư).”
Theo khảo sát nội bộ, 23% trong số 372 công ty được hỏi đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc có kế hoạch ra khỏi Trung Quốc Đại Lục, cao hơn gấp đôi so với khảo sát hồi tháng Một và là tỷ lệ cao nhất trong một thập kỷ. Khoảng 78% số người được hỏi cho biết Trung Quốc Đại Lục hiện kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư do cái gọi là chính sách “zero COVID”.
Ngoài các công ty châu Âu tại Trung Quốc, các công ty Mỹ tại Trung Quốc cũng hạ thấp niềm tin đầu tư do chính sách “zero COVID”.
Ngày 9/5, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết, 58% công ty Mỹ tại Trung Quốc đã hạ dự báo doanh thu hàng năm, và 51% công ty Mỹ sẽ giảm hoặc trì hoãn đầu tư vào Trung Quốc.
Ông Colm Rafferty, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nói rằng các biện pháp chống dịch của chính quyền đã đánh vào niềm tin của các công ty Mỹ khi đầu tư vào Trung Quốc, và các công ty “vẫn không thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Vào tháng Tư, Apple đã cảnh báo rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể khiến doanh thu bị tổn thất lên tới 8 tỷ USD trong quý này.
Hồi tháng Tư, khi được hỏi về chuỗi cung ứng của Apple, CEO Tim Cook cho biết: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính toàn cầu, vì vậy các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi.” Ông nói thêm, “Chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc tối ưu hóa”.
Apple đã tìm cách đa dạng hóa sản xuất từ Trung Quốc trước khi COVID-19 lan rộng ra toàn cầu vào đầu năm 2020, nhưng những kế hoạch đó đã trở nên phức tạp do đại dịch. Nhân sĩ tham gia thảo luận nói với WSJ rằng hiện Apple đang thúc đẩy một lần nữa và nói với các nhà thầu rằng họ nên xây dựng năng lực sản xuất mới ở những nơi nào.
Các hạn chế đi lại do Trung Quốc áp đặt để đối phó với dịch bùng phát khiến Apple cắt giảm việc cử quản lý cấp cao và kỹ sư đến Trung Quốc trong hai năm qua, gây khó khăn cho việc kiểm tra trực tiếp các địa điểm sản xuất. Sự cố mất điện trên diện rộng ở Trung Quốc vào năm ngoái cũng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc về độ tin cậy trong sản xuất.
WSJ dẫn lời ông Ming-chi Kuo, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại TF International Securities, cho biết trong khi nhiều công ty phương Tây phải đối mặt với những vấn đề tương tự ở Trung Quốc, quy mô của Apple cho phép họ mặc cả với các nhà thầu. Ông nói rằng: “Chỉ có công ty như Apple mới có thể thúc đẩy sự thay đổi chuỗi cung ứng như vậy.”
Môi trường sản xuất của Trung Quốc không ổn định
Ngoài chính sách “zero COVID”, nhiều chính sách khác của ĐCSTQ cũng mang lại nhiều bất ổn cho hoạt động sản xuất của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Điển hình nhất là khủng hoảng điện do hạn chế điện vào năm ngoái. Nhà sản xuất bảng mạch in Unimicron cho Apple đã phải tạm ngừng sản xuất vào tháng Chín năm ngoái sau khi khu vực Tô Châu ngừng cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp.
ESON Precision Engineering Co. Ltd., nhà cung cấp các bộ phận cơ khí chính cho Apple và Tesla, cũng cho biết trong cùng tháng rằng họ cũng đang tạm ngừng sản xuất do chính sách hạn chế điện của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, đang trong giai đoạn xuất xưởng cao điểm của dòng iPhone 13, và nhiều nhà máy trong chuỗi cung ứng của Apple đã ngừng sản xuất vì lý do “hạn chế điện”.
Bắt đầu từ đầu tháng Chín năm ngoái, “kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng” của ĐCSTQ đột nhiên leo thang, và các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh và khu vực lần lượt nhận được thông báo về việc buộc phải cắt điện, hạn chế sản xuất và tạm ngừng sản xuất.
Các cơ quan quản lý của ĐCSTQ cũng đã tăng cường đàn áp các công ty công nghệ khổng lồ trong những năm gần đây, gây ra đòn giáng mạnh vào niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc.
Từ khóa Apple Zero COVID Thị trường Trung Quốc chuỗi cung ứng