Truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, sau khi Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) chính thức mở lại việc ghi danh cho kỳ thi TOEFL năm 2021 vào buổi sáng ngày 14/10/2020, thì số lượng người đăng ký ở khu vực Bắc Kinh và Thượng Hải từ tháng 1 cho đến tháng 8 đã chật kín trong vòng 5 phút đồng hồ. Theo thông tin từ nhân viên trong ngành cho biết, cho dù hiện giờ vẫn đang trong thời kỳ kiểm soát dịch bệnh nhưng hiện tượng đăng ký thi TOEFL hết chỗ trong vòng 5 phút quả thật là chưa từng thấy trong những năm qua. Trong khi vào ngày 2/10/2020, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ chính thức công bố ngừng cấp thẻ xanh và nhập tịch cho thành viên của Đảng Cộng sản và các đảng độc tài khác thì việc các thí sinh Trung Quốc càng nhiệt tình thi TOEFL quả thật là khiến người ta phải cảm thấy kỳ lạ. Có thể tổng kết hiện tượng này là: “Người Trung Quốc sính ngoại”.
Khi tin tức này được các kênh truyền thống đăng tải rộng rãi, người Trung Quốc lại được dịp nhìn lại về một khía cạnh khác trong căng thẳng Mỹ – Trung. Có thể nói rằng trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xách động dân chúng, tỏ vẻ đang trong cao trào phản đối nước Mỹ, thì người dân vẫn mong mỏi nắm lấy “giấc mơ Mỹ”. Dường như người có điều kiện không ai bảo ai, trong bụng đều nghĩ: “Nếu không chạy thì không kịp nữa”
Còn có cư dân mạng chỉ ra rằng con cái của những quan chức cấp cao như Dương Khiết Trì, Cảnh Sảng, Hoa Xuân Oánh… và con cái của những học giả Trung Cộng như Hồ Tích Tiến, Kim Xán Vinh… Hiện đang sinh sống tại Mỹ. Quả là ứng với câu nói: “Chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là cuộc sống” (Xem bài: Học giả Trung Cộng: “Chống Mỹ là công việc, đến Mỹ là cuộc sống”).
Chuyện chống Mỹ nói riêng và chống phương Tây nói chung chưa từng mờ nhạt trong việc tuyên truyền của ĐCSTQ tại quốc nội. Mấy năm trước ĐCSTQ đã từng triển khai cuộc thảo luận trên quy mô lớn với chủ đề: “Á́nh trăng ở nước ngoài tròn như ở Trung Quốc”. Tựa đề có vẻ mơ hồ và ngụy biện này là để phê phán những người Trung Quốc sính ngoại. Theo kịch bản, một số người “đi theo chủ trương của Đảng” lúc này sẽ đứng lên nói rằng: Người Trung Quốc bây giờ cũng có tiền, muốn ăn gì thì ăn nấy, muốn chơi gì thì chơi nấy, mạng 5G phát triển như thế, “tự do tự tại”, thế vì sao lại còn sính ngoại và phản Hoa?
Tuy nhiên ĐCSTQ vẫn luôn một mặt hô hào cải cách khai mở, học hỏi văn hóa phương Tây, sử dụng tiền vốn đầu tư nước ngoài, mở công ty BMW và Mercedes-Benz… nhưng mặt khác nó lại phê phán người Trung Quốc sính ngoại. Kỳ thực chủ yếu là để xả bớt lòng đố kỵ, hơn thế nữa là để tẩy não và mị dân, chứ không có gì “tự do tự tại” cả.
Cái gì là tự do? Tự do cũng như không khí vậy, khi bạn đang hít thở thì mới cảm thấy sự tồn tại và cần thiết không thể thiếu của nó.
Nếu bạn là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, Kitô giáo hay người tập Pháp Luân Công, muốn kiên trì với tín ngưỡng của mình thì có được không?
Nếu bạn có con cái bị tiêm vắc-xin giả dẫn đến bại liệt, uống sữa giả dẫn đến bị to đầu, muốn nói chuyện đạo lý với doanh nghiệp liệu có được không?
Nếu nhà bạn bị cưỡng chế di dời, nếu con bạn là nạn nhân của những ngôi trường “đậu hũ” trong thảm họa động đất Đường Sơn, liệu bạn có dám đi kêu oan không?
Nếu dịch bệnh cướp đi sinh mạng người thân của bạn, nước lũ cuốn trôi hết sạch gia sản của bạn, liệu bạn có dám nói đó là do chính sách cực đoan của chính phủ không?
….
Vào những lúc ấy người dân Trung Quốc đi tìm chính phủ vì để duy hộ quyền lợi hợp pháp của bản thân mình, thì họ liền hiểu được bộ mặt thật sự của ĐCSTQ. Sự tôn nghiêm của một con người chính thường trong họ sẽ không còn tồn tại nữa. Họ bước trên con đường thỉnh nguyện yêu cầu giải quyết vấn đề, thì sẽ đồng thời bước trên con đường bị bắt bỏ vào ngục sau khi thỉnh nguyện xong.
Người Trung Quốc rõ ràng không phải là “yêu Đảng”, mà là “sợ Đảng”, sợ nó cướp mất những gì của bản thân, sợ nó qua một đêm biến bản thân trở thành kẻ tay trắng bị nhốt trong tù chờ tra tấn.
Người Trung Quốc không ai bảo ai, đều nghĩ muốn “chạy”, chỉ là có điều kiện hay không mà thôi.
Nền dân chủ, tự do, tín ngưỡng, nhân quyền và pháp chế, sự phát triển hài hòa giữa con người và môi trường của Tây phương trước sau đều là những nhân tố quan trọng thu hút dân chúng trong nước Trung Quốc. Ngay cả khi hình tượng quốc tế của ĐCSTQ càng ngày càng tệ, dưới sự bao vây của xã hội quốc tế như hiện nay thì trào lưu xin đi định cư và du học vẫn duy trì một cách ồ ạt, người dân đổ xô đến xã hội tự do phương Tây, “chỉ sợ không kịp”.
Dữ liệu của Bộ phận Di trú Canada cho thấy, số lượng người Trung Quốc sang Canada định cư trong ba năm qua rơi vào khoảng 30 nghìn người mỗi năm. Trong hai năm nay, mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên căng thẳng do vụ Mạnh Vãn Chu, nhưng sức nóng của việc người Trung Quốc nhập cư vào Canada vẫn không hề suy giảm. Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, Bộ phận Di trú liên bang Canada công bố sẽ mở lại đăng ký định cư cho cha mẹ và ông bà kể từ ngày 13/10. Bộ phận Di trú sẽ gửi thư mời cho 10 nghìn người có con số may mắn. Năm 2019, có 20 nghìn đơn đăng ký được chọn với phương thức “ai đến trước sẽ phục vụ trước”, và toàn bộ số chỗ đăng ký đều hết sạch trong vòng vỏn vẹn 8 phút. Theo báo cáo cho biết số lượng đăng ký cho năm 2021 là 30 nghìn chỗ. Năm nay, anh Dương, một người Canada gốc Hoa tỏ ra rất vui mừng vì cuối cùng cũng có thể tham gia “rút số may mắn” để bảo lãnh cha mẹ sang định cư.
Dựa theo báo cáo của Trung tâm Báo chí Trung Quốc, trường đại học Thanh Hoa công bố bản báo cáo chất lượng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của trường vào năm 2018 cho thấy, trong số các du học sinh sang Mỹ du học của trường, chỉ có chừng 19% sinh viên lựa chọn quay về nước làm việc sau khi tốt nghiệp, 81% còn lại đều chọn ở lại Mỹ. Dựa theo “Sách trắng du học Trung Quốc năm 2019” cho biết, số lượng du học sinh Trung Quốc lựa chọn về nước làm việc ngay sau khi tốt nghiệp chỉ chiếm 28%, con số này chiếm chưa đến 30%. Báo cáo cho biết, du học sinh sau khi tốt nghiệp không muốn về nước làm việc không phải là hiện tượng chỉ xảy ra ở các trường đại học cao cấp như đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh, mà nó còn là một hiện tượng tồn tại phổ biến ở các trường đại học của Trung Quốc.
Đối với hiện tượng này, phó hiệu trưởng trường đại học Thanh Hoa giải thích như sau: “Ở lại Mỹ, thứ nhất là áp lực mua nhà cửa không lớn, sau khi đi làm vài năm là có thể vay tiền mua nhà rất dễ dàng, ở trong nước thì không làm vậy được. Ở trong nước, khó mua được nhà, có khi phải cần đến tiền dành dụm cả đời của cha mẹ và tiền dành dụm do bản thân làm việc vất vả cả đời thì mới mua được một căn nhà. Thứ hai là, vật giá ở Mỹ ổn định và cuộc sống cũng thoải mái.”
Giáo sư Hứa Thần Dương, một thiên tài toán học của trường đại học Bắc Kinh cho biết, vào lúc tuyển chọn giáo sư trong nước thì cần phải hao phí tâm sức đi tìm kinh phí nghiên cứu, chứ không thể chuyên tâm làm nghiên cứu, thêm vào đó là gian lận học thuật nghiêm trọng, giá cả gian lận quá thấp, hầu như không bị trừng phạt, cho nên nhân tài thật sự không thể chịu nổi môi trường nghiên cứu khoa học và học thuật trong nước.
Trí thức, sinh viên và giới học giả tại Trung Quốc Đại Lục ngày nay đã bị Trung Cộng nhào nặn thành kiểu người tinh vi tư lợi, “yêu nước” và chỉ chăm chú phát triển lợi ích cá nhân. Hơn nửa thế kỷ trước, giới tinh anh lãng mạn và uyên bác thời Dân Quốc vì không nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ cũng đã lưu lại những tủi nhục và đau khổ chôn vùi cuộc đời mình ở Đại Lục.
Chu Thọ Hiến lấy bằng tiến sỹ tại Hoa Kỳ năm 26 tuổi, quay về nước vào năm 1955, ông là một trong những người sáng lập ra ngành khoa học máy tính ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, ông bị nói là mắc “bệnh tâm thần” và đã bị đưa đến nông trường lao động cải tạo phần tử trí thức Thanh Hoa ở Lý Ngư Châu, Giang Tây. Năm 1976, ông đã nhảy lầu tự sát.
Tiền Tấn tốt nghiệp đại học Bắc Kinh vào năm 1944, góp phần cống hiến to lớn vào nghiên cứu chế tạo trong dự án “lưỡng đạn nhất tinh” (dự án nghiên cứu hạt nhân và không gian). Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, ông đã bị xem là đặc vụ phản cách mạng, bị đánh cho đến chết.
Đổng Kiên Nghị là tiến sỹ ở đại học Harvard, quay về nước vào năm 1952. Năm 1957, ông bị xem là phe cánh hữu và bị đưa đến trại lao động Giáp Biên Câu. Vợ ông là một du học sinh từ Mỹ về thăm chồng, nhưng chỉ tìm được thi thể với da thịt bị xẻ nát, chỉ còn cái đầu lâu treo trên bộ xương khô. Thời đó có hơn 2.800 nhân viên ở trại lao động Giáp Biên Câu, và hơn 2.100 người bị chết đói, người chết chỉ được chôn cất qua loa, xương trắng chất thành đống kéo dài đến hơn 2 cây số.
Nhà sử học Trần Dần Khác, nhà vật lý học Diệp Xí Tôn, nhà địa chất học Tạ Gia Vinh, nhà thơ Trần Mộng Gia, hiệu trưởng đại học Bắc Kinh Mã Dần Sơ, vợ chồng Tăng Chiêu Luân (cháu của Tăng Quốc Phiên), chuyên gia công trình tàu biển Vương Vinh Tân, bậc thầy truyện tranh Phong Tử Khải, nhà hóa học Tiêu Quang Diễm, vợ chồng nhà phiên dịch Phó Lôi, cha đẻ ngành khoa học hàng không Trung Quốc Ngu Quang Dụ, nhà thưởng thức thơ ca Chiêm An Thái… cũng như nhiều tên tuổi học giả và chuyên gia nổi tiếng khác, không một ai trong số họ thoát khỏi những cuộc đấu tố và vận động chính trị sau khi ĐCSTQ cướp lấy chính quyền.
Do vậy, tất nhiên là những sinh viên Trung Quốc ngày nay có thể ở lại nước ngoài thì phần lớn sẽ chọn ở lại nước ngoài.
Trong khi đó, nếu nói đến những người có khả năng “xuất ngoại” từ Trung Quốc Đại Lục, thì không ai có khả năng cao hơn con cháu quan chức. Một bài báo cáo năm 2011 của Đài Á châu Tự Do ở nước ngoài đã từng trích dẫn thông điệp của cư dân mạng đăng trên Sina Weibo như sau: “Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ, 74,5% con cái của giới quan chức ĐCSTQ cấp bộ trở lên (bao gồm cả những quan chức đã thoái vị) có thẻ xanh và thân phận công dân Hoa Kỳ, đời cháu có thân phận công dân Hoa Kỳ đạt đến 91% trở lên.”
Một nghiên cứu trong dân chúng Trung Quốc cho thấy, 91% số người trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ có người thân định cư ở nước ngoài, thậm chí là nhập tịch nước ngoài; 88% số người trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đều có con cái gia quyến định cư nước ngoài, như cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành (quốc tịch Mỹ), con trai của Trần Vân là Trần Nguyên (quốc tịch Mỹ), con gái của Lưu Hoa Thanh là Lưu Triều Anh (quốc tịch Mỹ), con gái của Viên Mộc (quốc tịch Mỹ), con trai của Bạc Hy Lai là Bạc Qua Qua, cháu gái của cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Ngô Chính Quan, con trai của Trương Vạn Niên là Trương Kiến Quốc v.v. đều định cư ở Mỹ, con trai của cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ (định cư ở Úc)…
Năm 2010, giáo sư Lâm Triết của trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ đã từng tiết lộ, chỉ trong vòng 10 năm kể từ năm 1995 đến năm 2005, ĐCSTQ có 1,18 triệu “quan chức trần trụi” (nghĩa là người đó ở lại Trung Quốc đại lục trong khi vợ hoặc con của họ đã cư trú ở nước ngoài). Năm 2012, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố “Báo cáo điều tra giám sát “quan chức trần trụi” cho biết có gần 40% cán bộ công chức thừa nhận là “quan chức trần trụi”, vợ và con cái của họ “có thể sở hữu” quốc tịch nước ngoài hoặc tư cách định cư vĩnh viễn ở nước ngoài, trong số đó có hơn một nửa số cán bộ quan chức cao cấp thừa nhận việc này, phân thành tỉ lệ lần lượt là 53,3%, 53,4%, 51,7%. Năm 2013, lưỡng hội của ĐCSTQ tình nghi có 179 đại biểu nhân dân với tư cách cư trú nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài và quốc tịch nước ngoài, chiếm tỉ lệ 6% trong số đại biểu; Ủy viên Chính Hiệp có 450 người, chiếm tỉ lệ 20% số lượng ủy viên.
Cho dù là du học, định cư hay là tham quan trốn sang nước ngoài thì Hoa Kỳ chính là “thiên đường” mà giới quan chức lựa chọn đầu tiên.
Năm 2014, quan chức Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia của ĐCSTQ đã tự vạch trần có hơn 4,2 triệu quan chức tham nhũng bị điều tra xử lý trong vòng 30 năm qua ở Đại Lục, số lượng quan chức trốn ra nước ngoài có trên vạn người. Nghiên cứu của Lý Thành Ngôn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến thiết chính phủ liêm chính của trường đại học Bắc Kinh cho thấy có gần 10 nghìn quan chức trốn sang nước ngoài mang theo số tiền không dưới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Truyền thông Hồng Kông báo cáo có hơn 7 nghìn tham quan đang trốn ở Hoa Kỳ. Tháng 7 năm 2019, sách trắng di dân do Viện nghiên cứu Hurun (Hurun Research Institute) và Dịch vụ cư trú Hội Gia (Huijia) công bố cho thấy 80% người giàu có ở Trung Quốc (sở hữu khối tài sản 29 triệu nhân dân tệ) sẽ lựa chọn Hoa Kỳ là nơi định cư số một.
Dựa theo số liệu thống kê chưa hoàn chỉnh do ĐCSTQ công bố, có 27.310 người sở hữu tài sản tư nhân trong nội địa Trung Quốc (không bao gồm tài sản nằm ngoài lãnh thổ và ở nước ngoài) vượt hơn 50 triệu nhân dân tệ, và 3.220 người sở hữu tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ. Trong đó có 2.932 người là con cái của cán bộ cao cấp, cũng có thể nói 91% triệu phú là con cái của cán bộ cao cấp, họ sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2,045 tỷ nhân dân tệ.
Vào tháng 10 năm 2018, UBS Group AG công bố bài báo cáo có tựa đề là “Báo cáo về tỷ phú năm 2018 – Tầm nhìn và thế kỷ của Trung Quốc” trên trang mạng chính thức của PricewaterhouseCoopers (PcW). Bài báo cáo cho biết, tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc có tổng cộng 373 tỷ phú. Những tỷ phú này phần lớn là các ông trùm công nghệ và bán lẻ, tổng tài sản sở hữu của họ lên đến 1,12 nghìn tỷ đô la Mỹ (khoảng 7,8 nghìn tỷ nhân dân tệ), như vậy mỗi người sở hữu khoảng 20,9 tỷ nhân dân tệ.
Wikileaks đã từng phơi bày giới quan chức cấp cao của ĐCSTQ có khoảng 5 nghìn tài khoản ở Ngân hàng Thụy Sỹ, và 2/3 trong số đó là quan chức cấp to trong chính phủ Trung ương. Từ cấp Phó thủ tướng của ĐCSTQ, chủ tịch ngân hàng, bộ trưởng cho đến ủy viên Trung ương, hầu như người nào cũng có một tài khoản ngân hàng.
Một cư dân mạng đã từng miêu tả về sự “yêu nước” của giới chức ĐCSTQ như sau: “Đọc Tuyên ngôn đảng cộng sản của người Đức, xướng Quốc tế ca của người Pháp, tuyên thệ trước cờ búa liềm do người Nga thiết kế, cầm trong tay tài khoản kếch xù của ngân hàng Thụy Sỹ, có trong tay thẻ xanh định cư và quốc tịch của Hoa Kỳ, Canada và Úc, thế mà bọn họ cứ quả quyết không chút do dự nói với dân chúng là: Chúng tôi tuyệt đối không làm theo một bộ kia của Tây phương!”
Thế nhưng, thuận theo bước tiến của “Trời diệt Trung Cộng” càng ngày càng gần, thế giới càng ngày càng không thể nhịn nổi một “bộ” của ĐCSTQ (Xem bài: Từ “Trời diệt Trung Cộng” đến làn sóng thoái xuất khỏi ĐCSTQ). Các quốc gia đã có nhận thức rõ ràng thanh tỉnh về bản chất của Trung Cộng, con đường trốn sang nước ngoài của giới nhà giàu và đảng viên Trung Cộng cũng đang bị vùi lấp.
Tin tức báo cáo vào ngày 17 tháng 10 trên mạng Guanghua cho biết, Cộng hòa Síp đã hủy bỏ ‘hộ chiếu vàng’ vào ngày 1 tháng 11, cắt đứt con đường nhập cư của giới quyền quý Trung Quốc. Báo cáo trích dẫn kết quả điều tra “Văn kiện đảo Síp” (Cyprus Papers) do kênh truyền thông Al Jazeera công bố vào hồi tháng 8 cho biết, trong những năm gần đây có gần 500 thương gia của quốc gia ĐCSTQ mượn danh nghĩa đầu tư để lấy hộ chiếu Síp, trong số đó bao gồm người phụ nữ giàu có nhất châu Á là Dương Huệ Nghiên của Country Garden (Bích Quế Viên) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác, ủy viên Chính Hiệp, giám đốc doanh nghiệp nhà nước v.v.. Báo cáo này còn cho biết, công dân Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai trong kế hoạch nhập cư bằng phương thức đầu tư này. Kế hoạch định cư ‘hộ chiếu vàng’ do Cộng hòa Síp đề xuất vào năm 2013 cam kết chỉ cần đầu tư 2,5 triệu Euro, nội trong vòng 6 tháng có thể trở thành công dân của Cộng hòa Síp. Bởi vì Cộng hòa Síp là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cho nên sở hữu quốc tịch của quốc gia này đồng nghĩa với việc được hưởng quyền lợi cư trú, di dân và công tác ở 27 quốc gia trong khối EU.
Mấy chục năm nay, ĐCSTQ lợi dụng quyền lợi tự do ở phương Tây để làm tổn hại nền văn minh pháp trị và tinh thần tự do ở Tây phương. Bảy năm qua, có đến 90% các vụ gián điệp kinh tế điều tra ở Hoa Kỳ liên quan đến ĐCSTQ, 2/3 các vụ trộm cắp thương mại có liên quan đến ĐCSTQ. Giám đốc Cục Điều tra liên bang FBI, ông Wray cho biết hiện tại cứ mỗi 10 tiếng đồng hồ thì họ cần phải điều tra một vụ gián điệp Trung Quốc. Hành vi bại hoại đạo đức ăn cơm của dân Mỹ rồi đập vỡ nồi của nước Mỹ loại này không chỉ làm dấy lên báo động cho xã hội phương Tây, mà nó còn khiến cho người Tây phương càng thấy ghê tởm ĐCSTQ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ triệt để đóng cửa các Viện Khổng Tử của ĐCSTQ ở Mỹ trước cuối năm nay. Đồng thời, giới chức giáo dục và khoa học của Mỹ đã dốc toàn lực hạn chế du học sinh của Trung Cộng sang Mỹ. Dựa theo báo cáo của kênh truyền thông nước ngoài, từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2018, số lượng công dân Trung Quốc nhận được visa công tác, du lịch và giáo dục (du học v.v.) giảm hơn 100 nghìn người so với một năm trước, giảm 13%. Tháng 6 năm 2020 chỉ có 8 du học sinh Trung Quốc lấy được visa sang Mỹ du học và 8 người nhận được visa thăm con du học. So với tháng 6 năm 2019, số lượng khác biệt rõ rệt như sau: 34.001 (năm 2019) và 5.736 (năm 2020).
Ngày 2 tháng 10, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đã ban bố chính sách mới nghiêm cấm đảng viên Trung Cộng và các cơ cấu trực thuộc của nó nhập cư vào Mỹ. Các nhân sỹ trong giới lập pháp phân tích rằng sẽ có gần 200 triệu đảng viên và đoàn viên Trung Cộng khó mà nhập cảnh vào Mỹ từ đây về sau. Cũng có học giả phân tích rằng tiếp theo đây, nước Mỹ sẽ gia tăng hạn chế đối với thân quyến của những người này, lúc đó sẽ có 270 triệu người bị đụng chạm đến.
Cùng với sự tẩy chay mạnh mẽ từ các quốc gia phương Tây, phong trào thoái Đảng sẽ dâng cao ở trong Trung Quốc và trên thế giới. Người Đại Lục vượt tường lửa, lên website tuidang.org để tuyên bố thoái xuất. Trang tuidang.org thuộc về tổ chức “Trung tâm dịch vụ quốc tế dành cho việc thoái Đảng” (Global Service Center for Quitting Chinese Communist Party, Inc. a 501(c)(3)). Việc tổ chức này cung cấp “Giấy chứng nhận Thoái Đảng” phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ cũng là điều tồn tại trong nhiều năm qua.
Đến ngày 21/4/2005, số người tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên đới đạt mốc 1 triệu. Đến ngày 22/4/2006, số người tuyên bố thoái tiến gần tới mốc 10 triệu. Đến khoảng tháng 2/2009, con số vượt mức 50 triệu. Ngày 7/8/2011, số người thoái đạt 100 triệu. Con số là 200 triệu vào tháng 4/2015, 300 triệu vào 2018, và tới 18/7/2020, đã có hơn 360 triệu người Trung Quốc tuyên bố thoái xuất khỏi chế độ. Khi thông tin về việc Hoa Kỳ có thể chế tài Đảng viên ĐCSTQ khiến lượng tìm kiếm “thoái đảng” tăng gần 100 lần.
Sau khi Sở Di trú công bố không thừa nhận tư cách định cư của đảng viên Đảng cộng sản, nhân viên tại đây cũng công khai nói với những người Hoa tới làm thủ tục rằng Hoa Kỳ chỉ tiếp nhận xem xét nhập tịch và cấp thẻ xanh nếu có chứng nhận “chủ động” thoái Đảng Cộng sản từ tổ chức phục vụ thoái Đảng quốc tế. Đây thực chất là muốn nói: Hãy thoái Đảng để được tôn trọng tại phương Tây.
Trong lịch sử Trung Hoa có một câu nói: “Võng khai nhất diện”, nghĩa bóng của nó tức là chỉ có những ai cố chấp đến độ tự mình đâm đầu vào lưới thì mới chịu thiệt mà thôi. “Võng” đã “khai” rồi, thoái Đảng trở thành con đường duy nhất giúp các Đảng viên ĐCSTQ nằm trong chế độ tà ác nhưng chưa thực sự tán tận lương tâm có thể chặt đứt nguy cơ bị quốc tế chế tài. Họ sẽ không muốn giống như tội phạm phát-xít năm xưa, dù có chạy đến bất cứ đâu cũng sẽ bị lôi ra công lý.
Đăng lại có chỉnh sửa từ Minghui.org
Tác giả: Cửu Tiêu
Mời xem video:
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…