Bức “Thiên thần bắt trói quỷ Satan”: Không chỉ là cuộc chiến Thiên đàng
- Quang Minh
- •
Trong văn hóa phương Tây có kể một câu chuyện về cuộc nổi loạn trên Thiên đàng của Tổng lãnh Thiên thần Lucifer, kẻ sau đó đã trở thành quỷ Satan và thất bại trong cuộc chiến với Tổng lãnh Thiên thần Michael. Sự kiện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm hội họa về sự đối đầu giữa thiện và ác, đặc biệt là sự lựa chọn thiện ác bên trong nội tâm của mỗi người.
Chuyện kể rằng Tổng lãnh Thiên thần Lucifer từng là vị Thiên thần có được năng lực vô cùng lớn, đứng đầu các Thiên thần và chỉ ở dưới Thiên Chúa. Bấy giờ Chúa Trời tuyên bố rằng Ngài sẽ tạo ra nhân loại, và rồi vào ngày tận thế, một vị Cứu Thế Chủ (Messiah) sẽ tới để cứu vớt con người. Chúa Trời cũng yêu cầu các Thiên thần phải phục tùng Cứu Thế Chủ.
Tuy nhiên sự kiêu ngạo và đố kỵ đã khiến Tổng lãnh Thiên thần Lucifer cảm thấy sỉ nhục. Lucifer phản lại Chúa, và dẫn theo các Thiên thần khác phát động một cuộc bạo loạn trên Thiên đàng. Lúc này, các Thiên thần trên Thiên giới chia làm ba: nhóm Thiên thần tuân theo Chúa Trời, nhóm Thiên thần về theo Lucifer, và nhóm Thiên thần bàng quan không phản ứng gì.
Kết quả của trận chiến trên Thiên đàng là Tổng lãnh Thiên thần Michael phụng mệnh Thiên Chúa, đã đánh đuổi Lucifer (lúc này bị gọi là Satan) cùng các thiên thần phản loạn ra khỏi Thiên đàng. Những kẻ phản loạn bị tước mất Thần thể thánh khiết và rơi xuống Địa ngục. Còn các Thiên thần bàng quan trước cuộc chiến thiện ác là những kẻ đau khổ nhất vì không được cả Thiên đàng lẫn Địa ngục chấp nhận, do đó không có chỗ quy túc cho sinh mệnh của mình.
Tại Địa ngục, quỷ Satan tiếp tục mối hận thù và đố kỵ của nó. Nó khiến con người bại hoại, phải rời khỏi Vườn Địa đàng, sau đó tiếp tục dùng đủ mọi cách để dụ dỗ con người xuống dốc tại nhân gian. Từ đó nó muốn lôi kéo con người chống đối lại Cứu Thế Chủ và các Thánh đồ (môn đồ của Ngài) vào thời điểm Ngài đến cứu vớt con người.
Câu chuyện trên đây không chỉ là lời nhắc nhở về cuộc chiến thiện ác mà nhân loại chỉ là một phần nhỏ bên trong. Nó cũng là lời nhắc nhở mỗi cá nhân về lựa chọn thiện ác của chúng ta trong những thời điểm quan trọng của cuộc sống.
Xem thêm:
- Tu viện Labrang và truyền thuyết về Cứu thế chủ
- Tượng Phật Lư Xá Na ở hang Long Môn và huyền cơ thời mạt thế
Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ: Nhắm mắt lại và tưởng tượng xem bạn muốn trở thành một người như thế nào. Ngoại hình? Cách cư xử? Có thể đa số sẽ hình dung ra mình là người có vẻ ngoài hoàn hảo, có nhiều tiền bạc, danh vọng hoặc quyền lực, với phong thái hào phóng và lịch sự. Tất nhiên, nhiều người cho rằng những thứ này là điều tốt nhất trong cuộc sống.
Tuy nhiên trong thực tế, những người có tiền bạc, danh vọng và quyền lực, có vẻ ngoài đẹp đẽ và cách cư xử lịch thiệp, vẫn có thể là người xấu. Lịch sử nhân loại có không ít ông hoàng bà chúa là như vậy phải không?
Bất kể những gì chúng ta có thể đạt được hay không thể đạt được trong cuộc sống, chúng ta trước tiên phải là người tốt đã. Tín ngưỡng phương Tây cho rằng chỉ những người tốt mới có cơ hội được Cứu Thế Chủ cứu vớt khi ngài đến thế gian.
Trong hội họa phương Tây, hình tượng Tổng lãnh Thiên thần Michael chiến thắng Satan trong câu chuyện trên là nguồn cảm hứng của rất nhiều họa sĩ. Bức “Thiên thần bắt trói quỷ Satan” (The Angel Binding Satan) của họa sĩ Philip James de Loutherbourg là một ví dụ.
Tổng lãnh Thiên thần Michael là tâm điểm của bức tranh. Lớp vải màu hồng phấn quấn quanh áo giáp màu xám khiến ông nổi bật trên nền trời. Chân phải của ông giẫm trên một tảng đá phía sau trong khi chân trái đang đạp lên bụng Satan. Tay phải của Michael cầm chiếc chìa khóa mở cửa Thiên đàng. Tay trái của ông nắm lấy dây xích đang trói Satan. Mái tóc vàng của ông bồng bềnh, đôi cánh Thiên thần dang rộng, tạo ra một tư thế oai hùng.
Satan được miêu tả trong tư thế bại trận. Cơ thể của ác quỷ co lại dưới cái đạp chân của Michael, tay đang cố giằng sợi xích mà vị Tổng lãnh Thiên thần quấn quanh cổ nó. Tay còn lại của Satan đang nắm chặt một con rắn. Đầu Satan không có mắt mũi mà chỉ là một cái đầu lâu lẫn thịt, đang hướng lên nhìn Tổng lãnh Thiên thần. Hai chân của Satan là đuôi của rắn, một bên chân đã chìm trong dung nham rực lửa (hoặc cũng có thể ám chỉ Địa ngục).
Quay trở lại câu hỏi ở phía trên: Bạn muốn trở thành một người như thế nào? Một người là tốt hay xấu không có liên quan gì đến tiền bạc, danh vọng, quyền lực hay vẻ ngoài của người đó. Vậy thì trong nền văn hóa truyền thống của nhân loại ở cả phương Đông và phương Tây, điều gì dùng để đánh giá một người là tốt hay xấu?
Khi xem bức “Thiên thần bắt trói quỷ Satan”, người ta sẽ dễ hình dung ra một trận chiến giữa thiện và ác, giữa Thiên đàng và Địa ngục, và rằng trận chiến này tồn tại ở một nơi nào đó “ngoài kia”, tách biệt với chúng ta. Tuy nhiên, bạn hãy dành một chút thời gian để xem xét bức tranh này như một cuộc chiến nội tâm xảy ra bên trong chính chúng ta.
Satan với hình ảnh đầu lâu và rắn, tượng trưng cho sự hủy hoại, sự cám dỗ. Satan không nổi bật so với khung cảnh xung quanh. Trái lại, dường như một phần cơ thể nó còn đang gắn với nền đá, khó có thể phân biệt đâu là nền đá, đâu là thịt của ác quỷ.
Một chân của ác quỷ ở nhân gian, còn một chân của nó nối xuống Địa ngục. Những cám dỗ trong cuộc sống hiện đại ngày nay đã lan rộng ra thế giới xung quanh chúng ta và kết nối chúng ta với Địa ngục, giống như đôi chân rắn ngoằn ngoèo của Satan.
Ngày nay, những điều khiến người ta sa ngã thật quá nhiều, tốt và xấu đôi khi khó mà nói rõ, khái niệm “đạo đức chỉ là tương đối” đang rất thịnh hành. Nhưng chỉ cần nghĩ sâu xa một chút, câu nói này thật sự giống như lời Satan đang thì thầm và dụ dỗ con người sa ngã vậy.
Nếu Satan đại diện cho các nhân tố xấu xa thì Michael đại diện cho việc kiểm soát những cám dỗ đó. Ông áp chế Satan bằng chân và dây xích. Phần cơ thể của Satan tiếp xúc với chân của Michael thật sự nổi bật rõ ràng. Điều đó cho thấy rằng dưới ánh sáng của đức tin và Thiên thượng, cái ác sẽ không thể lẩn tránh và xảo trá được nữa.
Michael nắm giữ chiếc chìa khóa mở cổng Thiên đàng. Và ông cũng đang chỉ cho người xem tranh rằng chìa khóa để con người có thể giải thoát khỏi ác quỷ nằm ở khả năng kiềm chế và áp chế cám dỗ.
Nhìn khắp văn hóa Đông Tây, đây kỳ thực chính là nền tảng của đạo đức, của đức hạnh. Con người thời xưa dùng các tiêu chuẩn được đặt định trong tín ngưỡng để làm chuẩn tắc đạo đức, thông qua việc thực hành những chuẩn tắc đó để kiếm chế và áp chế phần ác bên trong mình, từ đó đạt được sự thăng hoa trong cái Thiện chân chính. Quá trình tu dưỡng này cũng được gọi là “tu luyện”.
Vào buổi bình minh của văn minh nhân loại, có rất nhiều nhân vật đặc biệt đã xuất hiện và ảnh hưởng của họ vẫn còn kéo dài trong hàng ngàn năm sau đó. Đó là các vị Giác Giả, các bậc Thánh nhân. Họ không chỉ để lại cho nhân thế câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, họ còn thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v. mà định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.
Dựa theo “The Goodness of Heaven Is Key: The Angel Binding Satan”
Tác giả: Eric Bess
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Phó giáo sư Mỹ viết về khí công và văn hóa tu luyện cổ xưa
- Hàm ý về tu luyện trong truyện cổ tích Thạch Sanh
- Người Việt hiện đại đang khao khát điều gì?
- Cái chết ở chốn thiên đường và dự ngôn về Chúa Cứu Thế
Mời xem video:
Từ khóa Cứu Thế Chủ hội họa phương Tây quỷ Satan