Bài ký chơi Bàn Thành và đền Hiểu Trung
- Trần Quang Hoàng
- •
Tôi từ khi được đổi về tỉnh Bình Định là nơi quê hương này, vẫn biết là một chỗ nhiều danh lam cổ tích nên cứ ước ao làm sao cho tại được nghe, chân được bước đến những nơi dấu xưa tích cũ của ông cha ngày trước, tưởng tượng làm sao cho mắt được nhìn, tay được vẽ ra những chỗ cảnh đẹp sắc xinh của non nước đất nhà, lòng đã đinh ninh, thường vẫn hẹn hò, nay nhân đầu năm Bính Dần, thiều quang chín chục vừa mới năm mươi, là ngày lễ bái hưu hạ, ký giả cùng mấy ông bạn là ông đốc và các ông giáo trường Phù Cát, rủ nhau đi chơi thăm thành Đồ Bàn và đền Hiển Trung. Trước khi thuật chuyện đi thăm Bàn Thành và đền Hiển Trung, thì tưởng phải nên thuật qua cái lịch sử của thành và đền ấy, mới có ý vị có hứng thú, mà càng xem thì lại mới càng có cảm tình.
Thành Đồ Bàn là một cái đô thành cũ của nước Chiêm, nước Chiêm là một nước có từ khi sau cuộc phân tranh của nhà Đường nước Tàu, bắt đầu hồi chánh thống của nước Việt Nam ta, thành cũng có từ lúc thành Hoa Lư, thành Đại La của triều Đinh triều Lý nước ta, tính ra đều hơn mấy nghìn năm có lẻ, khi hưng khi suy, lúc thành lúc bại, nào những nhân vật Chiêm giỏi như Bồng Nga đánh đuổi Quý Ly, dẹp bắt Mật Ôn, như Phạm Văn và Dương Mại, xin lập giới ở Hoành Sơn, đi cầu lãnh ở Giao Châu, lại nữ liệt Chiêm như nàng My Êu khi bị bắt khảng khái nói rằng: Nước mất chồng chết chẳng biết đến ai nữa, rồi nhảy xuống sông Hoàng Giang mà tử tiết.
Nước này thành này, đánh được nhà Trần bị nhà Lê phá đi, rồi Tây Sơn dựng lại, đến quốc triều ta năm Kỷ Tỵ đức Gia Long đánh lấy được thành mới đổi đặt tên là thành Bình Định, mệnh ông Hậu quân Võ Tánh và ông Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ thành ấy, quân Tây Sơn nào đắp lũy đóng đồn cả bốn phía, nào mộ lính chiêu tài đến mấy mươi muôn, lắm lúc vây hãm, ghe phen đánh phá, mà hai ông ấy vẫn một lòng gìn giữ, không chút đơn sai, qua năm Canh Thân hai ông làm tờ mật biểu nói: Tây Sơn đương vây đánh thành Bình Định, vua nên nhân thế đánh lấy cựu kinh. Lúc đó có vợ người Phan Văn Hán tên là Nguyễn Thị Giả khảng khái xin đem biểu đi, giữa đường bị giặc bắt được, tra khảo gì cũng không nói, nhảy xuống sông mà chết. Sau lại sai người cai đội đem biểu ấy đến dâng cho vua.
Năm Tân Dậu thành bị vây đã ba năm, lương thực hết cả, vua Gia Long nghe vậy nói với các tướng rằng: Thà mất thành không nên mất người lương tướng; vua sai người mang thợ lặn nước đem vào bảo ông Võ Tánh bỏ thành kiếm đường trốn ra họp với quân nhà vua. Ông Tánh trả lời xin chịu chết giữ thành, khuyên vua nên nhân đánh lấy thành Phú Xuân (tức là thành Huế bây giờ). Rồi ông Tánh sai quân lính kiếm cây củi chất dưới lầu Bát Giác, nói với ông Ngô Tùng Châu rằng: Lương thực hết, thế cùng rồi, thành phải mất, tướng sĩ phải bị thương, ông là kẻ văn thần nên chờ mạng vua. Ông Ngô Tùng Châu đáp rằng: Thành còn thì đều còn, thành mất cũng đều mất, tướng quân biết vì nước mà chết nạn, Châu này lại không biết làm tôi chết trung hay sao. Bèn về dinh uống thuốc độc mà chết. Ông Tánh coi liệm chôn xong, mặc đồ triều phục vào trông về phía bắc lạy, rồi lên lầu Bát Giác lấy lửa tự đốt, lúc đó có một người đầy tớ tên là Nguyễn Tấn Huyên cũng nhảy theo vào lửa mà chết.
Sau khi vua Gia Long đã nhất thống đại định rồi, làm lễ tế hai ông ấy và tướng sĩ, trong bài văn tế có những câu như là: “Sửa đai mãng chầu về bắc khuyết, ngọn hỏa quang nung mát tấm trung can. Chỉ nước non thề với cô thành, chén tân khổ nhắp ngọn mùi chánh khí.” Thật là vẽ rõ cái cảnh tượng, tả đúng cái tâm sự khi chết của hai ông, vẻ vang thay! cái chết của hai ông. Rồi vua Gia Long sắc lấy chỗ lầu Bát Giác ấy xây mộ ông Võ Tánh, ban cấp phẩm vật cho bà con người cai cơ Nguyễn Tấn Huyên, và lập đền tại trước chỗ lầu Bát Giác ấy để thờ hai ông Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, tức là đền Hiển Trung hay Chiêu Trung.
Đối với thành này miếu ấy chúng tôi vẫn đã có mối cảm tưởng sâu xa, nên cuộc đi chơi này lại càng sốt sắng, sớm ngày 2 tháng 4 năm 1926, ông Đốc và các ông giáo ấy đề họp tại nhà tôi, người có xe nhà, kẻ mướn xe thuê, nào ngựa cỡi, nào xe đẹp, cùng nhau lũ lượt một đoàn ra đi, khi ấy vừng đông vừa rạng bóng ác vàng, ngọn cỏ còn nhuốm mùi sương bạc, chúng tôi lần lần xuống thấp lên cao, qua cầu vượt bãi, gần một giờ đồng hồ trải qua một đoạn đường quan từ huyện lỵ Phù Cát đến chỗ quán Đốc chừng hơn 9 kilomètres. Chỗ quán Đốc có con đường rẽ về phía tây, đường này quanh co bụi bờ, ngựa trèo thì dễ, xe đi hơi khó, đi được hơn một kilomètre, qua một tần núi đất, hỏi ra ấy là cửa tả môn của Bàn Thành đó, chúng tôi nhìn xem chỉ thấy có đường đi vào, thế là biết dạng cái cửa thành xưa, chứ chẳng còn dấu tích gì nữa, vì xét ra sách chép năm Gia Long thứ mười hai, người ta đào lấy hết đá gạch thành này đem xây tỉnh thành Bình Định bây giờ.
Đi qua tầng ấy lại đến một hòn núi đất cao hơn, hỏi dân xứ này gọi là núi Mã Tiên, trên đỉnh núi này có một tòa cổ tháp của Chiêm, tháp cao hơn mười thước tây, xây toàn bằng gạch, hình tháp vuông, chỉ phía trước mặt có cái cửa lớn, còn ba bề bít cả, xung quanh tháp có trổ những hình dài như câu đối, vuông như tấm ngói, nhọn như nóc nhà, những hoa lá cũ kỹ và những chữ của Chiêm, trên đầu tháp hình hơi nhọn nhọn, hai bên đầu tháp có trổ những hình như cái nóc nhà nhỏ nhỏ, tiếng tây gọi là lucarne, trên những nóc nhà nhỏ ấy, lại có trổ lắm hình như rìa cờ, như lông chim, đứng xa trông thấy như những cái cánh chim, nên tục gọi tháp ấy là tháp Cánh Tiên, cách kiến trúc tháp này tuy thì sơ sài mà xinh xắn, ngó thì đơn giản mà công phu, thật rõ là một nền mỹ thuật văn hóa của đời cổ sơ. Chao ôi! Một nước có đã hơn mấy nghìn năm, có lịch sử, có văn hóa, có mỹ thuật như vậy, mà ngày nay phải bị tuyệt diệt như thế kia! Thật là: Cuộc đời trông thấy mà đau đớn lòng!
Đứng trên núi Mã Tiên có thể nhìn gần khắp cả bốn phía thành, hình thành tuy hơi vuông mà khuất khúc, lúc ẩn lúc hiện, thật là hiểm trở, thành chỉ còn dấu đất dưới chân mà cao cũng đã hơn mười thước tây, thành rộng hơn mười mẫu tây (hectare) thành cách tỉnh thành Bình Định bây giờ chừng bốn kilomètres. Chúng tôi leo trèo theo quanh khắp dấu chân thành, thấy thành còn dạng năm cửa, phía trước hai cửa, bên tả một cửa, tức sách chép là Tân Khai Môn, bên hữu và sau hai cửa, tức là Vệ Môn cùng Cựu Nam Môn. Trước mặt thành có dãy núi Long Cốt, bên tả vực Bao Liệt, bên hữu núi Phong Sơn, sau lưng có nguồn Thạch Tân, trông xa ra nữa thì phía nam là núi Dương An cao ngất nghìn trùng, dài hơn trăm dặm, có đèo Cù Mông chập chồng ngoắt nghéo, phía bắc có núi Bồ Chinh, núi Thạch Bàn, to lớn lạ thường, phía tây dãy núi Trụ Lãnh cao thấp nghìn ngọn núi xanh, phía đông là cửa bể Thi Nại (tức là cửa Giã hay Quy Nhơn ngày nay) nhấp nhô một vùng bể trắng, đứng mà xem đi ngắm lại cho kỹ, thật là một nơi dụng võ hiểm cứ vô cùng, một cái thành vàng vững chắc đáo để, nên cũng có nhờ thế mà thành bị vây ba năm mà giữ gìn chắc được. Nhân dạo xem khắp thành rồi, thấy cảnh sinh tình, tôi bèn ngâm một bài rằng:
Cùng nhau dạo khắp cảnh Bàn Thành,
Thấy cảnh càng sinh mối cảm tình;
Cảm cuộc bể dâu đau đớn nhỉ,
Cảm hồi chiến đấu nghĩ càng kinh!
Được Trần Lê được là ai chủ?
Thua Nguyễn Nguyễn thua biết mấy binh!
Thua được được thua quyền Tạo hóa,
Muôn đời khôn lấp dấu uy linh.
Tôi ngâm xong lại lấy bút ra vẽ một bức cảnh có đoạn thành và tháp Cánh Tiên ấy, vẽ xong cùng nhau leo xuống thành để đi vào đền Hiển Trung. Xuống thành rồi thấy trong thành nhan nhản những đám đậu đám mè, đám ngô đám mía, trong thành phía đông nam nhân dân ở cũng khá nhiều, chúng tôi bèn rủ nhau đi tìm kiếm lấy một vài ông cụ già trong làng ấy, để hỏi thăm may có biết thêm được chuyện xưa tích cũ gì nữa chăng.
Nhân thế chúng tôi lại được xem cái che ép mía làm đường của ta, là một cái bộ máy của ông cha ta sáng tạo ra đã mấy mươi đời rồi; nhưng xem ra cũng chưa thấy có cái gì đã cải cách cho tiện lợi khéo đẹp hơn. Như thế thì ai lại bảo là người nước ta không có tính sáng khí? Hiềm vì xưa nay cứ chôn chặt nhau vào cái hầm hư danh, mà không chú ý gì đến thực nghiệp, nên công nghệ thương trường không hề phát hưng lên được đó mà thôi!
Chúng tôi đi tìm khắp trong vùng người ở đó, mà chẳng có ông nào là tuổi tác và cũng chẳng ai biết điều gì hơn cả, chỉ nói mập mờ mường tượng thế thôi. Họ bảo chúng tôi rằng: Uổng quá, ước gì các ông vào chơi hồi năm kia, thì có một cụ già hơn trăm tuổi, biết được nhiều điều xưa chuyện cũ và rõ được đầu đuôi hồi hai ông Võ Tánh, Ngô Tùng Châu giữ thành và khi tuẫn tiết. Nghe qua mà cũng đáng tiếc thật. Ôi! Một nơi như thế này, sao người ở đây lại không ai biết được cái lịch sử cái thanh danh cho đích xác, xét ra cho kỹ cũng vì người mình ít có cái tính hiếu cổ và cũng vì ít học nữa! Thật đáng buồn thay!
Hỏi không được gì, chúng tôi mới xăm xăm đi vào đền để cung chiêm. Đền ở giữa thành, ngoài có một lớp thành cao độ chừng vài thước tây, vuông vức rộng chừng một mẫu tây, có ba cửa: tiền và tả hữu, đều làm ở chính giữa lớp thành ấy, phía trước đền ngoài lớp thành ấy cách chừng năm chục thước tây có hai con voi bằng đá, mỗi con to bằng con voi con thật, con bên hữu thì lối điêu khắc của ta, còn con bên tả thì cách điêu khắc của Chàm, cả hai con đều có dấu mòn và sức xể, thật rõ là một vật rất xưa. Trước sân đền hai bên có hai cái nhà nhỏ nhỏ, hình như thờ các hàng sĩ tốt thì phải, và có những vầng cổ thụ cao mấy trăm thước, lá lảy rườm rà, da vỏ xù xì đóng rêu mốc thếch, gió đưa những nhành lá cây ấy, làm cho trong trí chúng tôi tưởng tượng như giọng quân của vua Lê đương reo đuổi người Chiêm, ngọn cờ của chúa Nguyễn đương giong dẹp giặc Tây Sơn. Sau lưng đều cách chừng hơn mười thước tây là mộ của Võ Tánh, ấy là chỗ cái lầu Bát Giác ngọn lửa thiêu người nghĩa khí ngày nọ.
Chúng tôi vào ngồi nghỉ nơi nhà người giữ từ một hồi lâu, rồi mới bảo người ấy đem lên mở cửa đền cho vào chiêm bái, đền làm lối cổ, tuy không hoa hòe lắm mà chắc chắn, người giữ từ mở cửa rồi chúng tôi bước vào, thấy gian chính giữa trên có bức biển đề ba chữ “Hiển Trung từ” bên hữu bức biển có mấy chữ Gia Long kiến tạo, bên tả mấy chứ Tự Đức trùng tu, màu sơn lối chạm tuy đã cũ mà nét vàng vẫn đương sáng chói. Án chánh giữa trong có một cái khám sơn son thếp vàng để trên cái bệ vôi, trong khám ấy tôn trí hai cái bài vị của ông Võ ông Ngô, hai gian gần đó cũng đều có hai cái khám hơi lớn hơn, thờ các hàng tướng sĩ, hai gian ngoài nữa thì có hai dãy bài vị để trên hai dãy bệ vôi dài, trở mặt qua với nhau, là thờ các hàng quân lính, những đồ thờ cũng đều là vật thường quá, lại thêm bụi bám bẩn thỉu, không có cái gì là quý trọng cả. Lại có một điều chúng tôi lấy làm lạ lắm, là một cái đền thờ những vị trung thần nghĩa sĩ như thế này, mà sao không hề có một câu đối hay bức hoành gì, gọi là của người đời sau xưng tụng cái công đức, biểu dương cái chí khí của người đời trước cả! Ôi! Nếu hai ngài này mà có cái thế lực hay phò trì huyền diệu như những cậu quận cô nường kia, thì cái đền thờ này nào là lễ vật hương hoa, nào áo xiêm trướng liễn đồng bóng tưng bừng, lạy vang rộn rịp, nào có phải vắng vẻ lãnh đạm chỉ hai cái bài vị với cái đền chống vổng như thế này đâu! Ôi! Nếu hai ngài là kẻ trung thần nghĩa sĩ của một nước văn minh Âu Mỹ, thì cái đền thờ này nào là tượng đồng bia đá, nào tranh vẽ hình chụp, khi kẻ đời sau có qua chơi thăm cũng được cung chiêm cái dung dạng, cái khí phách của các ngài, nào có phải chỉ trông thấy mấy cái bệ vôi và mấy bát nhang tàn như thế này đâu! Chúng tôi vòng tay đứng cung chiêm một hồi rồi bước đến trước án làm lễ bái ba cái gạt nước mắt mà lui ra. Tôi nhân cám cảnh xúc tình có ngâm một bài thơ rằng:
Đoái thấy Chiêu Trung luống chạnh lòng,
Chạnh lòng càng nhớ kẻ song trung!
Ngăn thành đắp lũy là ai đó?
Vì nước ngay vua có phải ông?
Thuốc đắng ngọt mồm người nghĩa khí,
Lửa nồng mát dạ kẻ anh hùng;
Nào ai Nam Việt nên nhìn đấy,
Tiếng để muôn đời với núi sông!
Ngâm xong lại lấy bút ra vẽ qua cái cảnh đền thờ, rồi mới cùng nhau ra thăm mộ ông Võ. Trước mộ có hai con kỳ lân hay là nghê bằng đá to bằng con bò lớn cách điêu khắc rất cổ, rõ là một vật xưa của Chiêm. Xung quanh mộ có lớp nền cao gần thước tây, trên nền có thành cao hơn thước tây, vuông vức rộng chừng một trăm thước vuông (mètre carré) đi xung quanh ngoài lớp thành ấy thấy đường còn cái dấu chân nền lầu Bát Giác khi xưa. Bước lên nền thấy giữa có ngôi mộ xây hình như con quy nằm, to bằng nửa cái rương sập, những trên mộ lại trổ hình nửa cái hoa sen búp, thật là một kiểu cổ sơ. Phía bên hữu dưới chân mộ lại có một ngôi mộ nhỏ, xây vuông bằng chiếc chiếu, cao chừng hơn một tấc tây, ấy là cái mộ của người nghĩa bộc cai cơ Nguyễn Tấn Huyên đó. Chúng tôi đứng đó tần ngần trót một giờ lâu, trong tâm trí thấy hình như ngọn lửa vô tình kia đương bừng bừng đốt cháy ông Võ đâu đó, rồi xụt xùi bước đến trước mộ làm lễ bái ba cái mà lui ra.
Ra trước mộ sắp nhau chụp một bức ảnh để làm vật kỷ niệm, chụp xong thì xem ra chim én đã bay về tổ, bóng chiều đà xế non tây, chúng tôi gọi người giữ từ đến cho mấy giác bạc, rồi cùng nhau lũ lượt thơ thẩn ra về. Về đến nhà đồng hồ đã hơn sáu giờ chiều, cơm nước xong rồi, song trong trí tôi vẫn cứ bồi hồi nghĩ ngợi, nhớ thành lúc nọ, cảm người lúc kia, đêm xuân trằn trọc, giấc điệp bâng khuâng, ngồi dậy chống tay với ngọn đèn mờ xanh đỏ cho đến suốt đêm dài, bèn lấy giấy bút ra chép bài này gọi là tỏ chút tình cảm tưởng đối với thành với miếu ấy và là một vật kỷ niệm trong cuộc đi chơi thăm này.
Trần Quang Hoàng
Tạp Chí Nam Phong Số 116, tháng 4-1927
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
- Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến tại thành Bình Định
- Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa kinh thành nước Chiêm
- Quá trình Chiêm Thành cầm cự trước đội quân hùng mạnh nhất thế giới
Mời xem video:
Từ khóa di tích lịch sử nhà Nguyễn Chiêm Thành