Trình Mạc, tự Phù Sầm, là người Hạ Khuê thời nhà Tần. Ông là một nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Tần, mặc dù bị giam cầm trong tù suốt mười năm nhưng lại không ngừng kiên trì nỗ lực mà sáng tạo ra chữ lệ.
Chữ Hán có lịch sử phát triển từ rất lâu đời. Do lãnh thổ rộng lớn và nguồn tài nguyên dồi dào cùng với sự thay đổi của các triều đại nên kiểu chữ của đất nước này cũng rất phức tạp. Theo quá trình phát triển biến hóa của chữ viết, đại khái có nhiều cách phân chia chữ Hán: bốn loại chữ là “chân, thảo, lệ, triện”, năm loại chữ là “triện, lệ, thảo, hành, khải” hoặc bảy loại chữ là “cổ văn, trứu văn, tiểu triện, lệ, thảo, hành, khải”.
Lấy cách chia bảy loại chữ trên làm ví dụ, “cổ văn” bao gồm chữ giáp cốt, chữ viết trên mai rùa và xương thú; kim văn, chữ khắc trên khí cụ bằng đồng cổ; và tam thể thạch kinh tàn thạch thời Tào Ngụy. “Trứu văn” là chữ đại triện, chữ khắc trên đá hình trống thời cổ. “Tiểu triện” là kiểu chữ do Thừa tướng Lý Tư nhà Tần cùng với Trung xa phủ Triệu Cao và Thái sử lệnh Hồ Vô Kính dựa vào chữ trứu văn cải sửa lại mà thành. Với nét tròn trịa và cấu trúc chặt chẽ nghiêm cẩn, “tiểu triện” trở thành chữ viết chính thức thống nhất của nhà Tần. Tuy nhiên, chữ tiểu triện có nét bút phức tạp, khó viết nên viết không tiện. Có một câu chuyện cho rằng Trình Mạc đã tạo ra chữ “lệ thư” ở trong tù, dễ viết hơn và được các quan chức và nhân dân ưa chuộng sử dụng hơn.
Trong thời Tần, Hán, văn tự Trung Hoa đã từ chữ tiểu triện diễn biến thành chữ lệ. Điều này đã kết thúc “chữ cổ văn” và chuyển sang “chữ kim văn” gồm chữ “thảo, hành, khải”, là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của chữ Hán.
Thư pháp gia nổi tiếng thời nhà Đường, Trương Hoài Quán đã viết trong cuốn “Thư đoạn” rằng chữ lệ do Trình Mạc người Hạ Khuê thời nhà Tần tạo ra.
Trình Mạc ban đầu là quan coi ngục ở nha huyện, phụ trách các loại giấy tờ văn thư. Nhưng vì đắc tội với Tần Thủy Hoàng nên ông bị giam trong ngục Vân Dương. Lúc ấy, Tần Thủy Hoàng chế định chính sách “thư đồng văn”, công văn công vụ chọn dùng chữ tiểu triện. Trình Mạc biết rõ chữ tiểu triện nghiêm cẩn lại phức tạp, ngay ngắn khó viết, không thích hợp cho việc ghi chép nhanh trong công vụ bận rộn nên đã sưu tập các loại chữ trong dân gian, sau đó tự nghiên cứu, sửa sang lại, đổi phức tạp thành đơn giản, đổi tròn thành vuông. Trải qua mười năm cố gắng và chăm chỉ, ông đã tạo ra tạo ra ba ngàn chữ lệ thư, vừa dễ đọc vừa dễ viết, và dâng nó cho Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng nhận được thì vô cùng mừng rỡ, không chỉ đặc xá tội cho Trình Mạc mà còn phong ông làm Ngự sử. Bởi vì Trình Mạc vốn là đồ lệ (tức là quan cai ngục), hơn nữa thể chữ cải biến này ban đầu cũng được cung cấp cho lệ dịch (những người tù, nô lệ, quan ngục) sử dụng nên được gọi là “lệ thư” (chữ lệ ý chỉ lệ thuộc), hay còn gọi là “tá thư” (chữ của người phụ tá).
Việc Trình Mạc sáng tạo ra chữ lệ thư là một cải cách quan trọng trong lịch sử thư pháp Trung Hoa. Với kết cấu đơn giản, đường nét thẳng, biến phức tạp thành đơn giản, biến tròn thành vuông, hơn nữa lại xuất hiện ba trích (chỗ tàng nên gò gập lại), văn tự từ tượng hình trở thành biểu tượng. Bởi vì chữ này có ứng dụng tiện lợi cho nên được truyền lưu rất rộng rãi.
Chữ lệ thời Tần (Tần lệ) vẫn còn mang nhiều đặc điểm của chữ triện, hình chữ hoặc dài hoặc dẹt, gò gập cũng không rõ ràng. Lệ thư vào thời Tây Hán cũng đơn giản, đều được xếp vào loại chữ “cổ lệ”. Nhưng từ thời Đông Hán trở về sau, chữ lệ đã hoàn thiện hơn, có kết cấu bẹt, đặc thù nổi bật là “tàm đầu nhạn vĩ” (đầu như con tằm, đuôi như chim nhạn), được gọi là “kim lệ”, là nền tảng đặt định ra chữ khải và những chữ khác sau này.
Tuy nhiên, chữ lệ thời Tần có thực sự là do Trình Mạc sáng tạo ra hay không? Người đời sau căn cứ vào khảo cổ học đã có những thuyết pháp bất đồng. Theo một số kim văn, thẻ tre, sách lụa thời Tiên Tần mà người ta khai quật được thì có manh mối cho rằng thể chữ lệ xuất hiện từ thời nhà Chu. Chẳng hạn, tác phẩm “Tiểu khắc đình minh” từ thời Hiếu Vương nhà Tây Chu đã bắt đầu hình thành chữ lệ.
Trong sách lụa, thẻ tre thời Chiến Quốc, văn tự càng rõ ràng hơn. Năm 1980, hai tấm thẻ gỗ thời Chiến Quốc được khai quật ở huyện Thanh Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, một trong số đó còn tương đối hoàn chỉnh và có chữ viết rõ ràng. Nó được phỏng đoán viết vào năm thứ hai đời Tần Võ Vương (309 TCN), và là bút tích cổ nhất của chữ Tần lệ, hầu hết các chữ đều có bút thuận và bút thế của chữ lệ. Sau đó, người ta cũng tìm thấy ở các thẻ tre thời nhà Tần được khai quật tại một địa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc có chữ viết rất giống với chữ Tần lệ. Bởi vậy nhiều học giả suy đoán rằng từ thời nhà Tần có thể đã có chữ lệ được sử dụng thông dụng trong dân gian, Trình Mạc đã góp sức để chỉnh lý lại và hoàn thiện nó.
Ngay cả như vậy thì tinh thần kiên trì nỗ lực trong nghịch cảnh của Trình Mạc cũng khiến người ta phải ngưỡng mộ, khâm phục. Trong suốt mười năm ở tù, khó khăn khốn khổ như vậy, Trình Mạc vẫn một mực tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý văn tự và sáng tạo ra ba nghìn chữ lệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Có thể nói, tinh thần này là tấm gương “hữu chí giả sự cánh thành”, người có chí thì ắt sẽ thành công.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tĩnh Dung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…