Trong những năm gần đây có một xu hướng dễ nhận thấy trong xã hội chúng ta là người Việt bắt đầu thể hiện sự quan tâm tới văn hóa đọc bằng các hành động cụ thể. Nhiều hội sách được tổ chức, hoạt động xuất bản, phát hành sách trở nên sôi nổi hơn với nhiều đầu sách quý, thể tài phong phú, các câu lạc bộ, các nhóm dân sự đã tích cực hoạt động để đưa sách về nông thôn và trường học.
Đấy là những chuyển động tích cực. Nó thể hiện một sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của quốc gia và kiến tạo cuộc sống hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ với gia tốc ngày càng lớn và xu hướng toàn cầu hóa ngày càng rõ, hòa nhập trở thành con đường tất yếu để phát triển quốc gia và đảm bảo hạnh phúc cũng như những giá trị của con người.
Cho dù xét ở góc độ cá nhân hay nhìn ở phương diện quốc gia, đọc sách đều là một cách thức, một phương tiện để hội nhập.
Nhìn trong lịch sử sẽ thấy, quá trình giao lưu tiếp xúc với nước ngoài, với một nền văn hóa khác để học hỏi thường gắn liền với sự chuyển dịch của văn hóa đọc và sự hiện diện của những cuốn sách mới.
Xin lấy một vài ví dụ.
Người Nhật đã học hỏi văn minh của nhà Đường (Trung Quốc) thông qua việc gửi sứ vượt biển tới đây. Đoàn sứ thần này ngoài nhiệm vụ ngoại giao còn gánh trên vai sứ mệnh học hỏi các giá trị văn hóa, văn minh bởi thế trong đoàn không thể thiếu những học trò có trí tuệ, ham học cùng các nhà sư. Khi trở về Nhật Bản, họ mang theo rất nhiều sách. Những cuốn sách đó đã lan tỏa những tri thức của Trung Quốc, khơi gợi cảm hứng để người Nhật học hỏi, nghiên cứu, cải biến chúng tạo ra văn hóa kiểu Nhật đặc sắc.
Từ cuối thời Edo (1603-1867), những người Nhật thức thời bao gồm các võ sĩ, thương nhân và trí thức đã chú ý tới văn minh phương Tây. Họ đã nhiệt tâm nghiên cứu và tiếp nhận văn minh phương Tây thông qua việc học tiếng Hà Lan để đọc sách của người Hà Lan. Sau đó, họ lại nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh và tìm hiểu những sách viết bằng tiếng Anh một cách say mê.
Trong khoảng thời gian đó, người Nhật đã say mê đọc và dịch, viết lại rất nhiều cuốn sách của phương Tây. Những cuốn sách của người phương Tây và những cuốn sách do người Nhật viết ra dưới ảnh hưởng của văn minh phương Tây khi đó đã tạo ra cuộc cách mạng trong nhận thức của người Nhật.
Tôi đã từng đọc một cuốn sách của người Nhật biên soạn viết rằng khi gặp một du học sinh đồng thời cũng là một học giả của Trung Quốc ở châu Âu, Fukuzawa Yukichi, người vốn được mệnh danh là “Voltaire” của Nhật Bản, đã hỏi người này: “Nước ông có bao nhiêu người đọc được chữ ngang?” (Ý chỉ tiếng Hà Lan, tiếng Anh, Pháp…). Du học sinh người Trung Quốc nhẩm tính rồi đáp: “Khoảng 50” và hỏi lại Fukuzawa xem nước Nhật có khoảng bao nhiêu người tương tự. Fukuzawa đáp: “Khoảng 500”. Nếu ta hình dung ra mức độ chênh lệch giữa diện tích và dân số hai nước khi đó cũng như số phận của hai nước về sau ta sẽ thấy hai con số trên có ý nghĩa như thế nào.
Cuộc Duy tân Minh Trị của nước Nhật không giản đơn chỉ là một cuộc cải cách từ trên xuống và các giá trị văn minh được tạo ra một cách dễ dàng bằng một vài sắc chỉ của minh quân – thiên hoàng Minh Trị khi đó mới 16 tuổi.
Thực chất, nhìn ở góc độ văn hóa, Duy tân Minh Trị là một cuộc cách mạng trong văn hóa đọc. Đó là sự chuyển dịch mạnh mẽ và dứt khoát từ việc chỉ đọc sách của Trung Quốc sang đọc các sách của phương Tây. Đó cũng là quá trình chuyển dịch chủ thể đọc. Nếu như trước kia chỉ có những người thuộc tầng lớp thượng lưu đọc và họ coi đọc sách như một thú vui tao nhã, phong lưu, thể hiện đẳng cấp thì giờ đây, trong giai đoạn này, cùng với sự phổ cập của giáo dục, đọc là sinh hoạt thường ngày của dân chúng và là con đường tiếp cận chân lý của giới tinh hoa. Sự phát triển của ngành xuất bản hướng đến phục vụ đại chúng và số lượng sách khổng lồ được in ra, phát hành trong giai đoạn này đủ chứng minh cho điều đó. Những cuốn sách của Fukuzawa Yukichi như “Khuyến học”, “Tây Dương sự tình” đã trở thành sách bán chạy, bán được cả triệu bản và làm cho rất nhiều người say mê.
Nước Nhật đã làm cuộc cách mạng chuyển mình vĩ đại và ít đổ máu với một lực lượng trí thức, võ sĩ thông tuệ Đông-Tây và với gần 50% dân số biết đọc, biết viết. Sau năm 1945, trong khi dân chủ hóa đất nước và trở lại với những giá trị phổ quát như dân chủ, hòa bình, tôn trọng con người, sách và văn hóa đọc cũng đóng vai trò tương tự.
Nhìn vào lịch sử của dân tộc mình chúng ta cũng sẽ thấy hiện tượng tương tự. Cùng với quá trình tiệm cận văn minh, hòa nhập, đóng góp vào thế giới văn minh của dân tộc là quá trình phát triển của văn hóa đọc. Ông cha ta đã đọc các sách vở của Trung Quốc trong một thời gian dài trước khi quan tâm và có khả năng đọc được các sách của phương Tây. Bởi thế những người thức thời nhất và ưu tư nhất với vận mệnh của dân tộc trong thời cận đại là những người đọc cả hai thứ sách đó.
Những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XX, xét ở góc độ văn hóa là thời kì người Việt làm quen và tiếp nhận văn minh phương Tây. Sách viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và đặc biệt là sách dịch đã có ảnh hưởng lớn.
Những trí thức lớn, thiết tha với nước nhà thời đó cũng là những người cổ vũ nhiệt thành và không mệt mỏi cho việc học và đọc. “Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách đến như mưa” – câu thơ nói về sinh hoạt học thuật – văn hóa ở trường Đông Kinh nghĩa thục là một phác họa rất cảm động về quãng thời gian ấy.
Trong những ngày này, khi nhìn lại lịch sử đã đi qua, nhìn vào sự phát triển của thế giới xung quanh cũng như những gì chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn vai trò của sách và văn hóa đọc.
Chúng ta đang có gần 90 triệu người, hàng chục triệu học sinh, hàng triệu giáo viên các cấp với trên 90% dân số biết đọc, biết viết nhưng tính trung bình mỗi năm mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc chưa đầy một cuốn sách và chủ yếu lại là sách giáo khoa.
Đấy là một hiện thực buồn bã đồng thời cũng là động lực thôi thúc chúng ta hành động.
Chúng ta hãy biến việc đọc sách thành thú vui của cá nhân, thành sinh hoạt thường ngày của gia đình. Đấy là một cách để chúng ta hòa nhập với thế giới văn minh và tạo ra các giá trị nhân văn bền vững.
Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, 8/11/2017
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm: Đọc sách và sống lương thiện khiến gia tộc hưng thịnh
Mời xem video:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn bà Brooke Rollins từ tiểu bang Texas…
Có thể bạn chưa nghe kể về nhà nguyện Sistine, nhưng chắc hẳn là bạn…
Từ ngày 26/11, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, đến đêm chính…
Từ chỗ hết lòng nghiên cứu Tây y, bác sĩ Vương Nguyên Phủ tiếp xúc…
Tùng Thiện vương có số lượng sáng tác rất phong phú bao trùm các lĩnh…
Ông Piotr Kulpa, cựu Thứ trưởng Ba Lan, khẳng định rằng Ukraine không nhận được…