Khuất bên trong tòa biệt thự thời Pháp thuộc số 8 Chân Cầm, một tiệm gốm nhỏ bé lặng lẽ nằm tách biệt với cái náo nhiệt ồn ào của khu phố cổ Hà Nội. Khiêm tốn và bình yên, chuyện của gốm Hiên Vân khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về một dòng chảy vẫn luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta, dòng chảy của tâm hồn, dòng chảy của ký ức…
“Người yêu thích thì sẽ tìm đến với mình anh ạ”, anh chàng chủ tiệm trẻ tuổi sinh năm 91 trả lời bình thản. Trong bộ đồ và mái tóc có phần kỳ lạ, không ít lần Sơn làm tôi bối rối vì cái chân chất trong cậu chẳng thể phù hợp với vẻ bề ngoài. Gắn bó với gốm Hiên Vân từ khi còn trên giảng đường đại học, nhiều lần tưởng chừng thất bại, Sơn cùng một người bạn tri âm đã góp phần đưa dòng gốm Việt mang đậm tính mỹ thuật này đến với những người yêu gốm.
Gốm Hiên Vân cũng trẻ như Sơn vậy. Bố của Sơn, cố họa sĩ Bùi Hoài Mai, vốn là một người nghiên cứu gốm cổ. Tâm huyết với gốm và luôn trăn trở vì những thế hệ sau này không còn tiếp nối được tinh thần của gốm cổ, nhiều năm liền họa sĩ Bùi Hoài Mai mong có cơ hội được làm gốm. Trong dịp nhận được một dự án kiến trúc lớn, họa sĩ Mai đặt vấn đề đưa gốm vào công trình và được chấp nhận. Vậy là năm 2004, anh về Bắc Ninh, lập một xưởng gốm ở làng Na, xã Hiên Vân, rồi dựa trên mô típ trang trí đình làng và các tấm phù điêu bằng đá thời xưa để tạo nên những bức phù điêu gốm cho dự án.
Xưởng gốm sau đó chuyên sản xuất cho các công trình của họa sĩ Bùi Hoài Mai. Có đầu ra, anh lấy một phần thu nhập để thử nghiệm và tái hiện các loại gốm Việt thời Lý – Trần, Lê – Mạc sử dụng đúng những phương pháp truyền thống. Đó chính là những bài học kỹ thuật cơ bản đầu tiên để tiếp nối dòng chảy và định hình dòng gốm sau này. Gốm họa sĩ Mai làm ra dần dần được giới mỹ thuật biết đến và được mọi người ưu ái gọi là gốm Mai. Sau này, khi suy nghĩ nghiêm túc về xưởng gốm, họa sĩ Bùi Hoài Mai đã quyết định đặt tên dòng gốm này là gốm Hiên Vân, với ước vọng rằng Hiên Vân trong tương lai sẽ có một làng làm gốm.
Rồi một bước chuyển xảy ra, họa sĩ Bùi Hoài Mai không làm công trình nhiều nữa mà muốn tập trung đưa gốm Hiên Vân ra thị trường. Chưa có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và quá vội vã, bước chuyển ấy khiến xưởng gốm khủng hoảng, tồn hàng quá nhiều.
Bấy giờ Sơn chỉ mới tham gia vào Hiên Vân chưa lâu và cũng không hiểu rõ lắm về công việc của bố. Cảm thấy không có quá nhiều hy vọng, cậu quyết định thuyết phục bố, rồi cùng một người bạn mang tất cả đồ gốm của Hiên Vân đi bán rong hạ giá tại khu Bách Khoa và Kim Liên. Ai ngờ sau lần đó, rất nhiều người mới bắt đầu biết đến gốm Hiên Vân. Những buổi đi bán rong đã giúp Hiên Vân trả nợ công nhân, và tạo nền tảng để gốm Hiên Vân kết duyên với ngôi nhà cổ ở số 8 Chân Cầm.
Vừa tạm thời giải quyết được đầu ra cho sản phẩm thì cuối năm 2014, họa sĩ Bùi Hoài Mai đột nhiên gặp khó khăn về sức khỏe, khiến gốm Hiên Vân một lần nữa lao đao, không còn nguồn tài chính để duy trì.
Chàng sinh viên năm cuối hẳn còn rất lông bông chợt lúng túng khi được bố trao trách nhiệm gánh vác xưởng gốm. Bố chỉ nhắn nhủ với cậu con trai rằng: “Người ta nếu nghĩ đến nuôi sống mình thì quá dễ, nhưng nếu làm để nuôi được người khác thì hay hơn nhiều. Nó sẽ khiến mình trưởng thành lên.”
Sơn cũng tâm sự: “Bên cạnh chuyện em tham gia vào gìn giữ một cái gì đó, thì em đã học được rất nhiều bài học, bớt trẻ con đi. Công việc này đã dạy em cách làm người.”
Vay mượn được một số tiền nhỏ, Sơn và người bạn tri âm của cậu bắt đầu học cách quản lý xưởng gốm. Vô tư không tính toán, cho đến giờ cả hai bạn trẻ vẫn chưa có thu nhập ổn định. Nhưng họa sĩ Bùi Hoài Mai tự hào nói riêng với tôi: “Cả hai làm được giỏi hơn tớ. Lương công nhân gấp mấy lần thời tớ rồi.”
Lúc đầu áp lực lớn nhất đối với hai bạn chính là duy trì tinh thần và ngôn ngữ của gốm Hiên Vân: “Bố em đam mê gốm, nên tinh thần của gốm Hiên Vân là sự chắt lọc của một người yêu gốm mấy chục năm trời. Nếu bọn em làm mất đi cái tính nhất quán đó thì sẽ làm dòng sản phẩm này biến đổi mất.”
Nhưng sau một thời gian, hai bạn hiểu được rằng điều quan trọng hơn không phải là làm sao cho giống bố, mà là phải sáng tạo, phải làm việc, hiểu nhau, và chia sẻ với nhau. Dù chưa thể thực sự được như bố, nhưng cả hai hiểu tại sao gốm Hiên Vân đẹp và sẽ không làm mất đi cái đẹp đó.
Tâm sự về dòng chảy gốm cổ mà Hiên Vân muốn tiếp nối, Sơn chia sẻ: “Một sản phẩm gốm muốn có hồn Việt thì không phải là chuyện lấy hoa văn cổ gắn vào gốm. Một chiếc bình đơn giản không có hoa văn cổ xưa, nhưng lại mang đầy hồn Việt. Ngược lại, một chiếc bình với họa tiết chiếc lá đề rồng đời Lý lại trông rất đờ đẫn và không có hồn. Nếu chúng ta lấy quá khứ đóng khung lại, thì tiệm gốm sẽ trở thành bảo tàng mất.”
Sơn nhắc tôi nhớ tới ca khúc “Bonjour Vietnam” mà Phạm Quỳnh Anh biểu diễn. “Vì sao một ca khúc tiếng Pháp, biểu diễn bởi một người Việt chưa từng đặt chân tới quê hương, mà khi hát lên ai cũng biết đó là người Việt? Ai cũng xúc động?” Sơn nghĩ gốm cũng giống như vậy đó, điều quan trọng là sản phẩm có giống như mình mong muốn hay không, có hòa vào dòng chảy bên trong lòng mình – một người Việt – hay không. Đó mới là điều tạo nên tinh thần của gốm.
Cố họa sĩ Bùi Hoài Mai từng nhắn nhủ với tôi rằng: “Tớ thấy một điều rất lạ, rằng trong mỗi con người Việt Nam đều có một dòng chảy truyền thống. Chỉ cần khơi đúng dòng thôi, thì họ còn làm giỏi hơn tớ, hay hơn tớ. Các sản phẩm của họ vừa giống các cụ lại vừa hay hơn. Tay nghề tớ khéo quá, làm không được tự nhiên bằng. Các học sinh của tớ ở xưởng gốm Hiên Vân, có người đã bắt đầu mở lò gốm riêng rồi. Tớ nói Sơn hỗ trợ họ hết mức. Thế mới hay!”
Rời căn biệt thự cổ số 8 Chân Cầm, tôi bỗng muốn nghe lại ca khúc “Bonjour Vietnam” mà Sơn nhắc, ca khúc từng chạm đến trái tim của hàng triệu con người Việt Nam xa xứ:
Ký ức dân tộc vẫn luôn chảy bên trong mỗi người con của đất Việt, dù ở ngay mảnh đất này hay cách xa thiên sơn vạn lý.
Lòng phảng phất một nỗi hồi hộp có chút ngây thơ, giống như được ngắm một nụ hoa đang chớm nở, tôi thầm ước gốm Hiên Vân sẽ thành công, làng gốm Hiên Vân sẽ thành công. Nhìn thấy những người trẻ tuổi tiếp nối dòng chảy truyền thống từ xa xưa một cách vô tư đến vậy quả là một niềm vui không nhỏ trong dịp xuân về.
Minh Nhật & Hiên Vân Ceramics