Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chiến tranh và xung đột chưa bao giờ ngừng hiện hữu. Tuy nhiên, song hành cùng nó luôn là khát vọng hòa bình và tình yêu – hai giá trị phổ quát cao đẹp. Nghệ thuật, như một tấm gương phản chiếu tinh thần thời đại, đã không ít lần truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh của tình thương vượt lên trên bạo lực. Một trong những tác phẩm tiêu biểu mang chủ đề ấy chính là “L’Intervention des Sabines” (Sự can thiệp của những người phụ nữ Sabine) của họa sĩ Tân Cổ điển nổi tiếng người Pháp Jacques-Louis David.

Hoàn thành vào năm 1799 sau gần 4 năm, bức tranh là một kiệt tác của David – người từng là họa sĩ chủ lực phục vụ cho cuộc Cách mạng Pháp đầy hỗn loạn và đẫm máu. Điều đặc biệt là “L’Intervention des Sabines” không phải là bản tuyên ngôn cách mạng như những tác phẩm trước đó của ông, mà lại là một bản hùng ca của lòng vị tha, của tình yêu và của khát vọng chấm dứt chiến tranh. Câu chuyện trong tranh được David lựa chọn không chỉ để tôn vinh người vợ xa cách đến thăm ông trong ngục tù, mà còn như một lời kêu gọi người Pháp hàn gắn sau những tổn thương và khủng bố mà Công xã Paris gây ra.

The Sabine 01
Bức “L’Intervention des Sabines” (Sự can thiệp của những người phụ nữ Sabine) của họa sĩ Tân Cổ điển Jacques-Louis David. (Public Domain)

Bối cảnh lịch sử phía sau bức tranh

Trước phân cảnh trong tranh là một sự kiện của lịch sử La Mã:

Romulus – người sáng lập thành Rome – và những người đàn ông La Mã khác khi xây dựng đô thành non trẻ đã gặp phải một tình huống khó khăn: tình trạng khuyết thiếu phụ nữ. Họ đã tìm một số biện pháp thương lượng nhưng không thành công, nên đã đưa ra quyết định bắt cóc những người phụ nữ Sabine. Dù bị bắt đi, các cô gái Sabine dần chấp nhận cuộc sống mới và kết hôn với người La Mã.

Nhưng sự việc không dừng ở đó. Những người cha, người anh Sabine phẫn nộ đã kéo quân tấn công Rome để giành lại con cháu mình, dẫn đến nhiều trận chiến đẫm máu.

Cao trào của câu chuyện được mô tả trong tranh

Trong bối cảnh chiến sự đang lên đến đỉnh điểm bên trong thành Rome, một hành động phi thường xảy ra: chính những người phụ nữ Sabine đã lao vào giữa hai đạo quân đang giằng xé lẫn nhau.

The Sabine 08

The Sabine 07

Với mái tóc rối tung, y phục rách và rối loạn, họ bất chấp gươm giáo và kêu gọi cha mình dừng tay với chồng, chồng mình buông vũ khí với cha: “Đừng nhuộm máu con cái bằng mối thù giữa cha và con rể.”

Trong bức tranh, David khắc họa khoảnh khắc vĩ đại đó bằng hình ảnh trung tâm là Hersilia – vợ của Romulus và con gái của vua Sabine – đang lao ra ngăn cản cha và chồng. Dưới chân cô là những đứa con nhỏ như minh chứng cho mối ràng buộc không thể chối bỏ giữa hai dân tộc.

The Sabine 06

Romulus tay còn cầm giáo, đang trong tư thế tấn công, nhưng ánh mắt đã dao động, tay chùn lại, bàn tay thả lỏng cây giáo. Tatius, vua của người Sabine, không còn che tấm khiên, mà mở tay ra, gươm buông xuống. Có lẽ trong khoảnh khắc đột ngột đó, chiến tranh đã kết thúc rồi.

The Sabine 04

The Sabine 05

Bức tranh không chỉ tôn vinh hành động dũng cảm của Hersilia mà còn gợi nhắc đến một nhân vật nữ khác trong cùng câu chuyện – Tarpeia. Tarpeia là người đã phản bội La Mã khi mở cổng thành cho quân Sabine để đổi lấy “những thứ mà các người mang trên tay” – ám chỉ đến trang sức của người Sabine. Nhưng kết cục bi thảm của nàng là bị đè chết bởi những chiếc khiên mà quân Sabine cầm, sau đó bị vứt xác xuống một vách đá. Vách đá đó sau này được đặt tên là vách Tarpeian.

Cũng là một người phụ nữ, nhưng sự phản bội của Tarpeia không mang đến hòa giải, mà chỉ khiến cho chiến tranh trở nên thảm thiết hơn.

The Sabine 03

David đặt cảnh tượng dưới những bức tường thành cao sừng sững, gợi liên tưởng đến pháo đài Bastille – biểu tượng bị hủy hoại khi Cách mạng Pháp nổ ra.

The Sabine 02

Với gam màu lạnh, bố cục cổ điển và những ngôn ngữ hình thể đầy kịch tính, David đã dùng hội họa để truyền tải một thông điệp: chiến tranh cần được chấm dứt bởi đức hy sinh, lòng vị tha và tình yêu thương.

Tranh cũng là sự chuyển biến trong tư tưởng của David

Jacques-Louis David là họa sĩ Tân Cổ điển nổi tiếng nhất thời kỳ này tại Pháp. Nói về David, có thể khá nhiều người biết đến ông vì bức họa “La Mort de Marat” (Cái chết của Marat). Bởi vì trong bức họa, David đã mỹ hóa tên đồ tể cổ xúy bạo lực, giết người như ngóe Marat thành một anh hùng đáng được thương xót. Công xã Paris và những hình thức cách mạng phái sinh từ nó đã từng lợi dụng bức tranh này nhằm tuyên dương “đấu tranh cách mạng”.

David là một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18 và 19. Tranh cãi về ông trong lịch sử cũng tương đối lớn, bao gồm việc đánh giá cao kỹ năng hội họa tuyệt vời của ông, và điều đáng buồn là nghệ thuật của ông đã bị biến thành công cụ tuyên truyền cách mạng bạo lực.

Khi các nhà sử học nghệ thuật nhận xét về David, họ thường đề cập đến một số điều khác ngoài nghệ thuật:

Khi Louis XVI vẫn còn nắm quyền, David cũng được chọn vào Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia. Và khi ánh đèn sân khấu nghiêng về phe cách mạng, David đã quay sang phe cách mạng vào đúng thời điểm và đạt được vị thế chính trị nhất định.

Trong Công xã Paris, David trở thành bạn thân của Maximilien de Robespierre, một thành viên của phái Jacobins, và được bầu làm đại biểu Quốc hội. Do nhu cầu chính trị, David đã bỏ phiếu cho việc hành quyết vua Louis XVI và đóng cửa Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia. Trong thời kỳ thống trị khủng bố của Công xã Paris (Terreur, 1793-1794), David từng là ủy viên của Ủy ban An ninh Công cộng (Comité de salut public), một cơ cấu thống trị khủng bố, phụ trách tuyên truyền cách mạng bạo lực.

Ngày nay với rất nhiều người, cuộc cách mạng Pháp thường được nhắc đến như là một biểu tượng của tự do, với những khẩu hiệu nổi tiếng như “liberté, égalité, fraternité” (tự do, bình đẳng, bác ái), điều này xuất hiện cả trong giới sử học dòng chính vì cách nhìn tả hóa. Nhưng Công xã Paris thực chất chất chứa đầy điên cuồng, thù hận và máu tanh. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi chưa đầy hai năm của mình, Maximilien de Robespierre đã bắt giữ hơn 200.000 người và xử tử hơn 40.000 người trên khắp nước Pháp. Trong đó có hơn 2.500 người bị xử tử bằng máy chém và khi máy chém hoạt động không kịp, hàng ngàn người khác bị đem lên những chiếc phà lớn ra giữa biển rồi nhấn chìm. Đó là chưa tính số người bị tra tấn và bỏ đói đến chết trong các tù ngục. Với khẩu hiệu “vì nền cộng hòa và người dân Pháp”, trên thực tế số lượng những kẻ “phản cách mạng” gồm quý tộc phe bảo hoàng và tăng lữ chỉ chiếm chưa tới 20% số người bị bắt và bị giết. Gần 80% nạn nhân của thời kì này là công nhân và nông dân, đối tượng mà chế độ Robespierre nhân danh để làm cách mạng.

Sự thật về phe cực tả Jacobin và cuộc cách mạng Pháp
Chiếc máy chém và cuộc cách mạng Pháp được ví như là mang địa ngục tới trần gian. Tranh “Triumph of the Guillotine” của Nicolas-Antoine Taunay mô tả chiếc máy chém dưới thời khủng bố ở Pháp. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Sau khi Công xã Paris điên cuồng kết thúc, David, người đã vẽ không ít bức tranh tuyên truyền bạo lực cách mạng trong giai đoạn đầu, có lẽ đã tự suy ngẫm lại hành vi của mình. Trong thời gian bị giam cầm sau khi mất quyền lực, ông lại cân nhắc đến hướng sáng tác của mình. “L’Intervention des Sabines” được chính thức bắt đầu sáng tác vào đầu năm 1796, và chúng ta có thể thấy sự chuyển đổi nghệ thuật với chủ đề “chấm dứt xung đột bằng tình yêu”.

The Sabine 01
Bức “L’Intervention des Sabines” (Sự can thiệp của những người phụ nữ Sabine) của họa sĩ Tân Cổ điển Jacques-Louis David. (Public Domain)

Bức tranh này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, mà còn là biểu tượng cho sự chuyển biến tư tưởng của một họa sĩ từng bị cuốn vào vòng xoáy chính trị. Nó nhắc nhở chúng ta rằng giữa khói lửa chiến tranh, đức hy sinh, tình yêu và lòng vị tha sẽ là lối thoát duy nhất để hàn gắn những vết thương. Chính vì thế, bức tranh không chỉ mang tính lịch sử – nó còn mang tính nhân văn sâu sắc, vượt qua thời đại mà nó ra đời.

Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: