Nan đề vĩnh hằng: Lựa chọn giữa đức hạnh và cám dỗ
- Quang Minh
- •
Từ thuở bình minh của lịch sử, con người đã luôn sống trong trạng thái giằng co giữa hai lựa chọn: theo đuổi điều đúng đắn dù đầy khó khăn, hay buông mình theo cám dỗ. Đây cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều trong hội họa phương Tây.
“Nan đề vĩnh hằng của nhân loại: Lựa chọn giữa đức hạnh và cám dỗ” (Mankind’s Eternal Dilemma: The Choice Between Virtue and Vice) là một bức họa được vẽ năm 1633 bằng sơn dầu của họa sĩ Frans Francken, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Tác phẩm được cho là sáng tác nhân dịp một lễ cưới, kết hợp giữa biểu tượng trong Thần thoại phương Tây cũng như Kitô giáo, phản ánh những suy nghĩ sâu sắc của người họa sĩ về “nan đề vĩnh hằng của nhân loại”.
Về mặt tổng thể, bức tranh chia làm ba tầng rõ rệt: thiên đàng, trần gian và địa ngục. Sự sắp xếp không gian này làm người ta liên tưởng tới những kết quả khác nhau của mỗi lựa chọn sống.
Tại trung tâm bức tranh là hình ảnh nữ Thần Chiến thắng trong văn hóa Hy Lạp. Nữ Thần chiến thắng đang tôn vinh đức hạnh và vẻ đẹp đích thực của Thiên đường đằng sau những khó khăn mà con người sẻ phải trải qua nếu lựa chọn giá trị phổ quát ấy.
Từ nữ Thần Chiến thắng nhìn về phía trái là những nữ Thần khác, dường như tượng trưng cho sự Khôn ngoan, Công lý… Tiếp nữa là người anh hùng Hercules của Thần thoại Hy Lạp, nổi tiếng với 12 kỳ công. Đằng sau họ về phía bên trái là các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nhân loại, các vị vua, các anh hùng, các chiến binh. Mọi người hầu như đều đang bàn luận, suy ngẫm và dõi mắt về phía chàng trai đang ngồi nghỉ trên tảng đá phía bên phải tranh.
Chàng trai bị vây quanh bởi hai. Người phụ nữ mang cánh, đứng trên một quả cầu xanh chính là May Rủi. May Rủi dường như đang cố gắng che khuất nữ Thần Chiến thắng khỏi ánh mắt của chàng trai. Đằng sau chàng trai là một người hiện thân cho Lừa Dối. Bên phải là Tình Yêu và Khao Khát. Khao Khát đang dùng cung tên để nhắm bắn chàng.
Nhìn tiếp về bên phải, có thể thấy sự hiện thân của Dục Vọng, Tham Lam, cũng như Sung Túc. Dục Vọng nằm trên giường. Tham Lam ngồi cạnh một bàn đầy món ăn. Và Sung Túc đang cầm một cái sừng dê đầy hoa quả, biểu trưng cho sự đầy đủ về vật chất.
Ở bên phải có một cầu thang dẫn xuống địa ngục. Trên cầu thang là Thần Chết, trên đầu có một chiếc đồng hồ cát, tượng trưng cho thời gian còn lại của chàng trai. Đường đến địa ngục phía bên phải này thậm chí vẫn tràn ngập âm nhạc và vui vẻ, mãi cho đến khi người chết gặp quỷ Satan.
Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn là ngay tại phía bên trái, ta cũng thấy xuất hiện một cầu thang dẫn xuống địa ngục với một bộ xương chiến binh đang bước đi. Điều này cho thấy rằng ngay cả những người lựa chọn đức hạnh, nếu lơ là, vẫn có thể rơi xuống vực thẳm. Bởi vậy có thể thấy rằng đạo đức không phải trạng thái cố định, mà là hành trình liên tục của lựa chọn và tỉnh thức.
Vậy vì sao một người lựa chọn đức hạnh, đi theo con đường gian khổ rồi mà vẫn xuống địa ngục? Hai nhân vật đang mang trên vai một bức tượng khỉ, ngóng nhìn bức tượng, vui vẻ bước trên đường địa ngục có thể hé lộ cho chúng ta nguyên nhân: họ tin theo những điều sai lệch.
Đức hạnh là gì? Đạo đức là gì? Chúng có phải là những khái niệm tương đối không? Nếu không có ý chí đúng đắn, nếu không có sự minh ngộ, mà chỉ mù quáng tin theo một điều gì đó và xem nó là chân lý, thì con người thực chất đã đang đi trên một con đường lầm lạc.
Nếu một người không nỗ lực để cải thiện đạo đức và tâm tính của mình, cho dù họ tin vào sự tồn tại của Thần linh, cho dù họ có nói bản thân mình lựa chọn đức hạnh, thì cũng không có nghĩa là họ trở thành người đạo đức cao thượng. Đạo đức không phải là một khái niệm có thể được đánh giá đơn giản bằng cách tin vào sự tồn tại hay không tồn tại của thứ gì đó, mà nó liên quan đến các quy tắc ứng xử và chuẩn mực của con người, cũng như tổng thể các phương diện đối nhân xử thế xuyên suốt của con người như phẩm hạnh, quan niệm, tâm cảnh. Nghĩa là, nếu một người tin vào đức hạnh mà bỏ qua những yêu cầu đối với đạo đức phẩm chất của con người, thì loại “tín” này giống như thật mà thật ra là giả vậy.
Từ cái nhìn lịch sử hưng – suy – bại – vong của các nền văn minh, xét ở phương diện tín ngưỡng mà nói, việc duy trì nền văn minh của con người là luôn tuân theo những tiêu chuẩn phổ quát nhất định, nếu không sẽ bị hủy diệt. Đây là ý chí của Thần, là quy luật của lịch sử, là tất yếu của xã hội, thực ra cũng là một sự truy cầu trong sâu thẳm tâm linh con người.
Quay trở lại tác phẩm của Frans Francken, người họa sĩ không chỉ dựng nên một khung cảnh đạo đức, ông còn đặt người xem vào chính vị trí của nhân vật mà để lại những câu hỏi mở: Liệu một người có thể lựa chọn đúng đắn mà vượt qua cám dỗ không? Liệu một người có đủ sáng suốt để nhận ra Thiên thần thật và thiên thần giả không? Liệu một người có thể kiên trì thực hành đức hạnh trong suốt cuộc đời?
Ở thời đại ngày nay – khi ranh giới giữa đúng và sai ngày càng mờ nhạt – thì bức tranh gần 400 năm tuổi này vẫn giữ nguyên sức gợi mở. Nó là một tấm gương đạo đức phản chiếu nội tâm con người ở mọi thời đại.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
- Leonardo da Vinci: Người họa sĩ “nghiệp dư” tuyệt vời nhất trong lịch sử
- Ngụ ngôn đạo đức trong bức “Thần chết và kẻ bủn xỉn”
Mời xem video:
Từ khóa nghệ thuật phương Tây
