Ngẫm về chiến tranh và hòa bình qua tác phẩm phúng dụ của Pompeo Batoni
- Quang Minh
- •
Tác phẩm “Allegory of Peace and War” (tạm dịch: “Phúng dụ về Hòa bình và Chiến Tranh”) được họa sĩ người Ý Pompeo Batoni hoàn thành năm 1776, hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghệ thuật Chicago. Đây là một bức tranh mang giá trị nghệ thuật thời kỳ tân cổ điển, gửi gắm thông điệp vượt thời gian về mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình – một chủ đề luôn mang tính thời sự trong mọi giai đoạn lịch sử nhân loại.
Trong tranh, Batoni xây dựng hai nhân vật đại diện cho Chiến Tranh và Hòa bình.
Chiến Tranh là hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ, khoác trên mình bộ giáp, tay cầm gươm sắc bén và chiếc khiên phòng thủ. Trên giáp có các chi tiết trang trí hình rồng, cừu đực và sư tử – những sinh vật mang tính biểu tượng, làm liên tưởng đến quái vật Chimera trong thần thoại Hy Lạp, đại diện cho sự hỗn loạn và hủy diệt. Cả không gian quanh Chiến Tranh chìm trong bóng tối, như một điềm báo trước về sự tàn phá và nỗi đau sắp sửa xảy ra.
Trái ngược lại với Chiến Tranh, Hòa Bình hiện lên trong sự dịu dàng, dáng vẻ thư thái. Nét mặt của cô bình an, ánh mắt đầy bao dung nhìn Chiến Tranh, không một chút sợ hãi hay giận dữ. Cô nhẹ nhàng đặt tay lên thanh kiếm mà Chiến Tranh đang định giương lên – một cử chỉ tuy mềm mại nhưng đủ sức làm chùn bước bàn tay chiến binh. Trong tay cô là nhành ô-liu – biểu tượng cổ điển của hòa bình và hy vọng. Đáng chú ý, dù đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, Chiến Tranh lại bị cuốn hút bởi Hòa Bình, tạm thời quên đi ý định chiến đấu và thậm chí còn không tự biết mà đưa chiếc khiên ra che chở cho cô.
Hòa bình và chiến tranh luôn song hành trong lịch sử nhân loại, là hai thái cực gắn liền với vận mệnh nhân loại. Con người luôn mong cầu hòa bình để được sống, yêu thương và phát triển. Nhưng chính khi hòa bình kéo dài, con người lại dễ rơi vào trạng thái chủ quan, thỏa mãn, thậm chí là lãng quên sự quý giá của hòa bình. Từ đó, những mâu thuẫn, lòng đố kỵ hoặc lợi ích hay ham muốn quyền lực có thể bùng phát và dẫn đến chiến tranh.
Chiến tranh có thể được xem là một kiểu “bài học phản diện”, thúc đẩy sự thay đổi, để con người học cách thỏa hiệp và cùng nhau giải quyết xung đột. Tuy nhiên, khi con người coi mâu thuẫn là phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu, hoặc dùng chiến tranh như một cái cớ để che giấu lỗi lầm và né tránh trách nhiệm, thì chiến tranh sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn của bạo lực và hủy diệt.
Vào thời cận đại, chẳng phải nhân loại từng say mê học thuyết coi mâu thuẫn là động lực duy nhất của tiến bộ, coi đấu tranh và lật đổ thượng tầng xã hội là cách duy nhất để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn hay sao? Nhưng rồi nhân loại mới phát hiện ra rằng giai cấp thượng tầng xã hội vẫn tồn tại, mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn khoảng cách giàu nghèo vẫn luôn tồn tại. Chúng ta cũng đã giật mình hiểu ra rằng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và máu để tạo nên một khung xã hội mới, thì không chỉ không giải quyết được vấn đề ban đầu, mà món nợ trước kia còn sẽ luôn đeo đuổi và ám ảnh cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc trong một xã hội thời hậu chiến.
Trong tranh của Batoni, Hòa Bình đối diện với Chiến Tranh không phải bằng sự công kích, không đổ lỗi, không phản ứng oán giận. Cô chọn cách thể hiện chính mình bằng sự bao dung, tích cực và trao đi món quà là nhành ô-liu – hay cũng có thể hiểu là chính cô. Sự hy sinh đó đã làm cảm động và khiến Chiến Tranh bất ngờ không thể chĩa gươm hay giương khiên về phía cô được.
Trong xã hội ngày nay, khi xung đột cá nhân, xã hội hay quốc tế liên tục bùng phát, sự phân rã, mất niềm tin và sự cô lập ngày càng lớn hơn. Có bao nhiêu người, bao nhiêu nhóm người có thể biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết đặt mình vào vị trí của người khác, và quan trọng hơn cả là dám trao đi sự tử tế ngay cả khi đối diện với tổn thương?
Tác phẩm của Batoni nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình không chỉ là một trạng thái, mà là một sự lựa chọn. Đó là hành động chủ động, bền bỉ và can đảm. Chỉ khi chúng ta biết yêu thương, tôn trọng và đồng cảm với người khác, chúng ta mới thật sự hiểu được giá trị của hòa bình.
Dựa theo “Pompeo Batoni’s ‘Peace and War’ and the Gift of Peace“
Đăng trên Epoch Times
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa chiến tranh và hòa bình hội họa phương Tây
