Bạn đã bao giờ bắt gặp một bức tranh khiến bạn dừng lại và tự hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Bức tranh “Bertuccio’s Bride” (Cô dâu của Bertuccio) của họa sĩ người Anh Edward Robert Hughes là một tác phẩm như thế.

Chuyen chang Bertuccio 02
Bức “Bertuccio’s Bride,” 1895, của họa sĩ Edward Robert Hughes. (Public Domain)

Trong tranh, một người đàn ông trẻ tuổi mặc chiếc áo cam rực rỡ quỳ gối, hai tay như muốn dâng lên những món quà quý giá ở trước mặt. Phía đối diện là một người đàn ông khác – dáng vẻ mệt mỏi, mặc bộ quần áo rách rưới, tay cầm thanh gươm sắc với vẻ mặt u ám. Ở phía xa, một cô gái trẻ – trong trang phục cô dâu – nhìn hai người đàn ông nói chuyện với vẻ mặt lo âu sợ hãi. Phải chăng đây là một vụ cướp? Một cuộc trao đổi? Hay một hành động cao cả?

Để hiểu được khoảnh khắc này, chúng ta cần quay về câu chuyện dân gian Ý thời Phục Hưng – một câu chuyện được kể lại trong tuyển tập “Những đêm của Straparola” (The Nights of Straparola) của tác giả Giovanni Francesco Straparola. Và nhân vật trung tâm của câu chuyện chính là chàng trai đang quỳ gối trong tranh. Chàng mang tên Bertuccio, một người tuy ngờ nghệch, nghèo khổ nhưng sở hữu một tâm hồn đáng quý hơn bất kỳ kho báu nào.

Bertuccio mồ côi cha từ năm 15 tuổi. Khi bước sang tuổi 25, cậu mới được phép nhận phần tài sản thừa kế – tổng cộng là 300 đồng vàng. Cậu xin mẹ 100 đồng vàng đầu tiên để đi lập nghiệp. Dù lo lắng, mẹ cậu vẫn đưa tiền với hy vọng mong manh rằng Bertuccio sẽ sử dụng số tiền một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, ngay khi rời nhà, Bertuccio bắt gặp một tên cướp đang hành hạ xác một người đàn ông đã chết sau khi đã cướp và giết ông. Quá đau lòng, Bertuccio đề nghị mua lại thi thể với giá 80 đồng vàng, sau đó dùng 20 đồng vàng còn lại để lo liệu tang lễ tử tế cho người xấu số.

Khi Bertuccio trở về nhà và kể lại những gì mình đã làm, mẹ cậu nổi giận, cho rằng con mình đã lãng phí tài sản vô ích. Nhưng Bertuccio vẫn vui vẻ và tin rằng việc mình làm là đúng đắn.

Không lâu sau, cậu xin mẹ số tiền còn lại – 200 đồng vàng. Lần này, bà mẹ không kiềm chế được tức giận và đuổi Bertuccio ra khỏi nhà. Nhưng chàng trai vẫn vui vẻ, chúc mẹ mạnh khỏe rồi lên đường.

Trên đường đi, Bertuccio thấy hai tên lính đang giằng co một cô gái trẻ, định đưa cô đi làm nô lệ. Lại một lần nữa, chàng ngỏ ý chuộc cô với 200 đồng vàng – số tiền cuối cùng mình có. Hai tên lính đồng ý ngay lập tức là phân chia nhau số tiền có được.

Bertuccio đưa cô gái về nhà giới thiệu với mẹ, nhưng người mẹ đã vô cùng tức giận, thậm chí nguyền rủa con trai.

Nhưng Bertuccio và mẹ không hề biết rằng cô gái ấy chính là công chúa Tarquinia lưu lạc, con vua Novarra. Sau khi được binh lính tìm thấy và đưa trở về, nàng cảm kích lòng tốt của chàng, và hứa rằng nếu một ngày nào đó được tự chọn chồng, nàng sẽ nhận ra chàng qua dấu hiệu đặt tay lên đầu.

Nhiều năm sau, khi nhà vua tuyên bố sẽ gả công chúa, Bertuccio cưỡi con ngựa gầy đến hoàng cung. Trên đường, cậu gặp một quý tộc giàu có và thật thà kể lại toàn bộ câu chuyện của mình.

Nghe xong câu chuyện, gã quý tộc liền đe dọa sẽ chiếm đoạt cơ hội của Bertuccio. Bertuccio lại không hề cảm thấy ủy khuất, mà còn chúc phuc cho gã quý tộc và công chúa. Trước thái độ chân thành và không hề oán trách, gã quý tộc đổi ý – tặng Bertuccio ngựa mới, quần áo mới của bản thân với điều kiện sau này khi trở về, Bertuccio phải chia cho gã một nửa những gì nhận được từ nhà vua.

Khi Bertuccio đến cung điện, vẻ ngoài bảnh bao khiến chàng nổi bật. Khi phần tuyên bố kén rẻ bắt đầu, chàng làm dấu và được nàng chọn làm chồng. Hôn lễ được tổ chức linh đình.

Trên đường trở về quê nhà cùng vợ mới cưới, Bertuccio gặp lại gã quý tộc trong bộ quần áo rách rưới mà chàng trao đổi cho gã. Gã yêu cầu nhận một nửa phần thưởng như đã thỏa thuận. Bertuccio vui vẻ đồng ý.

Nhưng sau khi Bertuccio mang hết tài sản mà vua tặng ra, gã quý tộc nửa đùa nửa thật hỏi rằng: “Cô dâu cũng là phần thưởng, chia thế nào đây? Có nên chém đôi không?”

Bertuccio không hề tức giận. Chàng lại nói rằng không nên làm tổn thương công chúa, và rằng sẽ tốt hơn nếu nàng có thể đi theo người quý tộc. Đây chính là khoảnh khắc mà họa sĩ Hughes đã chọn để ghi lại trong tranh.

Cảm động trước lòng vị tha ấy, người quý tộc nói rằng ông chính là linh hồn của người đàn ông năm xưa được Bertuccio mua xác và chôn cất. Nay ông trở lại để thử lòng và trả ơn. Ông ban tặng cho Bertuccio một khối tài sản khổng lồ.

Khi Bertuccio trở về nhà, người mẹ từng mắng nhiếc con trai giờ đây cuối cùng cũng nhận ra phẩm chất cao quý của chàng.

Bức tranh “Bertuccio’s Bride” không chỉ đơn thuần kể một câu chuyện cổ. Nó là biểu tượng cho một lối sống đối lập với lòng tham. Trong khi những nhân vật khác trong câu chuyện đều thiếu thốn một thứ gì đó: người mẹ thiếu niềm tin, kẻ cướp thiếu đạo đức, binh lính thiếu lương tri, công chúa thiếu sự tự do, vua thiếu con gái – thì Bertuccio lại sống như thể mình có tất cả, và có thể cho đi tất cả. Chính nhờ tinh thần ấy, chàng mới trở thành người thực sự “giàu có” – về vật chất và cả về tâm hồn.

Câu chuyện ấy, dù xuất phát từ thời Phục Hưng, vẫn là một bài học đương đại: Đôi khi, lòng tốt và sự cho đi chính là chìa khóa để nhận lại những điều xứng đáng nhất.

Theo “The Meek and Selfless Nobleman: Bertuccio’s Bride”
Đăng trên Epoch Times
Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: