Hoàng Công Chất: Lãnh chúa ghi dấu ấn với người dân Tây Bắc (P2)

Sau khi củng cố lực lượng, được sự giúp đỡ và chỉ đường của nghĩa quân người Thái, năm 1754, Hoàng Công Chất cho quân theo hai đường từ châu Sông Mã tiến đến bao vây thành Tam vạn ở phía nam thung lũng Mường Thanh nhằm đánh giặc Phẻ.

Đánh tan giặc Phẻ

Giặc Phẻ trong thành chống cự lại quân của Hoàng Công Chất, cuộc chiến vô cùng ác liệt. Cuối cùng quân của Hoàng Công Chất giành chiến thắng, cầm đầu Giặc Phẻ là Phạ Chẩu Tin Toòng thua trận, phải cho quân chạy đến Pú Vằng.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Giặc Phẻ tụ quân ở khu đồi Pú Vằng, tận dụng địa thế trên cao nhằm chống cự, tập trung nhiều vũ khí như súng to châm mồi thuốc súng, bắn đạn chì gém tầm gần.

Hoàng Công Chất cho quân tấn công lên đồi Pú Vằng, nhưng binh sĩ bị thương vong nhiều do vũ khí lợi hại của giặc Phẻ, không sao tiến lên được.

Theo “Lịch sử Điện Biên”, vào đầu tháng 5/1754, một số tham mưu người Lự, người Lào hiến kế trá hàng. Một số người Lào, người Lự xin gặp Phạ Chẩu Tin Toòng để hàng, Phạ Chẩu Tin Toòng tin là thật.

Một đêm, Hoàng Công Chất cho quân tiến đánh với sự trợ giúp của các nghĩa quân phía trong nên giành được chiến thắng, chém được thủ lĩnh giặc Phẻ.

Tàn quân giặc Phẻ chạy ra sông Nậm Nú và Nậm Rốm rồi chạy sang Lào. Hơn 2.000 giặc Phẻ bị tiêu diệt.

Dân chúng an cư lạc nghiệp

Sau khi giúp Mường Thanh thoát nạn giặc Phẻ, Hoàng Công Chất cho quân đóng tại thành Tam Vạn, chia đất cho dân chúng, truyền lại kiến thức trồng trọt của miền xuôi, bảo vệ cuộc sống của người dân nơi đây. Từ đó Mường Thanh được sống trong cảnh thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Sau khi ổn định ở Mường Thanh, Hoàng Công Chất cho quân đến Sìn Hồ, Bình Lư thu phục một số chúa người Lự trước đây chạy trốn giặc Phẻ, đồng thời mở rộng thế lực đến Tuần Giáo, Sơn La, phía Bắc Hòa Bình và sang đến miền “sông Thao nước đỏ”.

Người dân Mường Thanh đều kính ngưỡng Hoàng Công Chất, xem ông là Chúa.

Xây thành Bản Phủ

Hoàng Công Chất nhận thấy thành Tam vạn tuy rộng nhưng bố phòng còn sơ lược, không phù hợp với các vũ khí hiện đại lúc bấy giờ là súng thần công, súng hỏa mai, không phù hợp phòng thủ phía tây từ Lào đến, cũng không phù hợp để phòng thủ nếu có quân Trịnh từ miền xuôi đánh đến.

Vì thế năm 1758, Hoàng Công Chất quyết định cho xây thành mới ở Chiềng Lè (nay là xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 9 km). Thành rộng 80 mẫu, lưng dựa vào sông Nậm Rốm. Bên ngoài có hào rộng 4 – 6 mét, sâu 10 mét. Thành có 4 cửa đều đắp đồn cao với vọng tiêu và lính gác. Bên ngoài thành có trồng tre gai mang từ xuôi lên (tre ngà).

Cổng thành Bản Phủ. (Ảnh: Lê Vy, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau 4 năm xây dựng, đến năm 1762, thành được xây xong và được gọi là thành Bản Phủ. Người dân Điện Biên vẫn còn lưu truyền bài hát về thành Bản Phủ đến tận ngày nay:

Thành to, thành đẹp
Thành vững đứng giữa cánh đồng
Giặc nào chẳng khiếp vía
Hào vây quanh thành sâu hơn mười sải
Mặt thành rộng hai chục sải tay
Ngựa phi, voi chạy, lính đứng gươm trần sáng loáng
Chúa cưỡi ngựa đứng trên mặt thành uy nghiêm
Nào ta hãy lấy tre về trồng cho khắp
Tre Mường Thanh Chúa bảo đừng lấy
Hãy lấy tre có gai vàng như ngà
Tận miền xuôi về trồng mới tốt
Lấy hơn 40 ngàn khóm
Bao quanh thành, thành vững, Chúa yên lòng

(Theo sách “Điện Biên trong lịch sử ”)

Lấy lại các vùng đất từ nhà Thanh

Không chỉ bảo vệ được vùng đất Mường Thanh, Hoàng Công Chất còn cho quân tiến đánh Vân Nam, lấy lại các vùng đất mà quan lại nhà Thanh đã lấn chiếm của Đại Việt, bao gồm châu Chiêu Tấn (vùng Sìn Hồ hiện nay); châu Quỳnh Nhai; Châu Lai (Mường Lay, Mường Tè, Mường Xo tức Phong Thổ hiện nay); Luân Châu (một phần huyện Tuần Giáo hiện nay và khu vực Mường Mùn) thuộc tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên); cùng các vùng đất Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ, Khiếm Châu nay thuộc tỉnh Vân Nam.

Hoàng Công Chất cũng cho quân liên kết cùng quân của Lê Duy Mật ở núi Trình Quang khống chế suốt một dải đất kéo dài từ miền thượng Thanh Hoá, Nghệ An đến Hưng Hoá (tức Tây Bắc ngày nay). Hai cánh quân nhiều lần tấn công uy hiếp Sơn Tây.

Hoàng Công Chất cho quân chiếm 12 châu của các Tù trưởng người Thái, tức miền Sơn La, Nghĩa Lộ và phía bắc Hòa Bình.

Đến đây Hoàng Công Chất đã làm chủ hoàn toàn Tây Bắc, các chúa đất người Mường, người Thái cả một dải sông Đà, sông Thao, sông Mã đều thuần phục và không cống nạp cho Triều đình như trước nữa. Mường Thanh trở thành thủ phủ, trung tâm văn hóa của Tây Bắc.

“Dưới xuôi có Vua, trên này có Chúa”

Hoàng Công Chất xây dựng Tây Bắc phát triển vượt bậc so với trước, đánh bại mọi sự xâm lấn, dân chúng các bản làng đều yêu quý Chúa của mình. Tự hào rằng “dưới xuôi có Vua, trên này có Chúa”:

Dưới xuôi có vua
Trên này có chúa…
Chúa thật lòng yêu dân
Chúa dựng bản mường
Mọi người mới được yên ổn làm ăn…
Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ
Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la

“Keo Chất” ở đây tức là người Kinh tên Chất, chỉ chúa Hoàng Công Chất.

Cuối năm 1767, Hoàng Công Chất từ Yên Tây đánh Mộc châu (Sơn La ngày nay), Mai châu (Hoà Bình ngày nay), rồi đưa quân đến thượng du Thanh Hóa.

Các trấn thủ Thanh Hóa, Hưng Hoá cáo cấp, chúa Trịnh Sâm huy động các tướng Trịnh Phưởng, Đinh Văn Phục, Hoàng Đình Thể mang quân đi đánh. Công Chất thua trận phải cho quân rút về Xa Hổ và Nậm Ban.

Tháng 2 năm 1768, chúa Trịnh Sâm cử Nguyễn Đình Huấn và Phạm Ngô Cầu mang quân đánh Mường Thanh. Nguyễn Đình Huấn đưa quân đến Cổ Pháp thì nghe tin Lê Duy Mật đưa quân đến Mường Thanh hỗ trợ cho quân của Hoàng Công Chất thì không dám tiến đến, nói với thủ hạ rằng: “Từ hai châu Mai, Mộc trở lên núi non hiểm trở, trong khoảng trăm dặm muôn vàn gian khó. Trên đường đi phải qua 3 khúc sông, nếu gặp mưa nước lũ đến, đá sụt lở, sợ rằng lương thực không chuyển đến kịp, chi bằng đóng đồn ở lại đây, chờ dịp thuận tiện hơn” (Theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn).

Chúa Trịnh Sâm triệu Đình Huấn về khiển trách, giao quyền thống lãnh cho Giám quân Đoàn Nguyên Thục, chia quân làm nhiều cánh đồng loạt tiến đánh Mường Thanh.

Nội bộ bất hòa không chống được quân Trịnh

Đúng lúc này Hoàng Công Chất qua đời do lâm bệnh nặng, con trai là Hoàng Công Toản lên thay. Thế nhưng sau khi Hoàng Công Chất mất có sự bất hòa giữa nghĩa quân với quân của Lê Duy Mật, các tướng và các Chúa cai quản các địa phương ở Tây Bắc cũng không hòa thuận như trước, khiến nội bộ suy yếu.

Khi quân Trịnh tiến đến Tây Bắc, các Tù trưởng trước đã theo Hoàng Công Chất bị quân Trịnh ép nên đều ra hàng quân Trịnh, cung cấp lương thực, giúp quân Trịnh có đủ lương thảo. Dần dần Hoàng Công Toản chỉ còn lại Mường Thanh.

Chạy khỏi Mường Thanh

Theo sử người Thái ở Tây Bắc thì quân Trịnh từ Mường Ẳng tiến vào Mường Thanh, nghĩa quân cho đa số quân đến phòng thủ ở Nậm Cô, chọn nơi có núi non hiểm trở chặn quân Trịnh.

Quân Trịnh nhiều lần tấn công nhưng bị bẫy đá của nghĩa quân đánh lui. Còn theo “Minh đô sử” thì khi quân triều đình đến, nghĩa quân dùng hỏa đồng bắn ra loạn xạ khiến quân triều đình phải lui.

Sau đó quân Trịnh cho một cánh quân đi đường vòng đánh tập hậu, khiến nghĩa quân ở đây phải rút lui. Từ đó địa danh này được dân chúng gọi là Phú Xá Hin, nghĩa là núi bẫy đá.

Theo “Minh đô sử”, khi nghĩa quân rút lui, “Đoàn Nguyên Thục đem binh tinh nhuệ chặn đánh, chẹn đường rút chạy của giặc. Phục binh giặc cùng nổi lên, nào quân ngựa, nào quân bộ, nào giáo, nào nỏ, người hét ngựa hí, xông vào liều đánh. Quân triều đình ra sức đánh trả, phá tan được giặc, bắt sống rất nhiều”.

Thua trận Nậm Cô, Công Toản đưa quân chạy đến châu Thanh liên kết với các Chúa người dân tộc ở đây nhờ giúp đỡ, mộ quân cảm tử quyết chiến tiếp nhưng không được.

Không được giúp đỡ, Công Toản chạy về lại thành Bản Phủ, thì thấy các cánh quân triều đình đã đến đây đốt cháy thành sáng rực cả trời. Công Toản vội tìm ngựa tốt cùng các tướng như Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh cùng số quân còn lại chạy đến Trấn Ninh. Tuy nhiên theo “Đại Nam nhất thống chí” thì Công Toản chạy đến Vân Nam.

Tưởng nhớ

Quân Trịnh tiến xa đến Mường Thanh chỉ để đánh nghĩa quân chứ không phải vì dân chúng. Sau khi quân Trịnh rút khỏi Tây Bắc, quan lại Vân Nam lũng đoạn sang thôn tính, chiếm luôn 6 châu là Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hộp Phì, Lễ Toàn, Tuy Phụ, riêng Khiêm châu bị sáp nhập hẳn vào Trung Quốc.

Mường Thanh bị Lào xâm chiếm. Sau đó Lào bị hết Xiêm La rồi Miến Điện tấn công, nên bắt dân Mường Thanh phải đi quân dịch.

Sau này người dân Mường Thanh đã lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của Hoàng Công Chất cùng 6 vị tướng (trong đó có Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh) trong khu vực thành Bản Phủ.

Một nghi thức trong lễ tế tại Lễ hội đền Hoàng Công Chất. (Ảnh: Điện Biên TV, Dienbientv.vn)

Hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch (tức ngày chiến thắng giặc Phẻ), người dân Điện Biên lại tổ chức lễ hội tại Đền tưởng nhớ đến vị Chúa của mình. Sau này có thay đổi, lễ hội được tổ chức từ ngày 24 đến 28 tháng 2 âm lịch.

Ngày nay di tích thành Bản Phủ – đền Hoàng Công là di sản văn hóa quý báu, niềm tự hào của các dân tộc ở Điện Biên, của người dân Tây Bắc.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

15 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago