Ảnh chụp tại vùng biên giới giữa Israel và Dải Gaza ngày 1 tháng 7 năm 2025. (Ảnh: Jack Guez, AFP qua Getty Images)
Tựa gốc: “Ich bin für einen jüdischen Staat. Aber gegen diesen”
(“Tôi ủng hộ một nhà nước Do Thái. Nhưng chống lại điều đang diễn ra”)
Paul Middelhoff và Christian Staas phỏng vấn sử gia Omer Bartov. ZEIT số 25/2025
Người dịch: Nguyễn Nhật Lệ
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (DienDanKhaiPhong.org)
Nhà sử học và nhà nghiên cứu nạn diệt chủng người Israel, Omer Bartov là người chỉ trích gay gắt các chính sách của Netanyahu. Trong bài phỏng vấn này, ông nói về số người chết ở Gaza, việc lợi dụng cuộc diệt chủng Holocaust để tuyên truyền và tương lai của Trung Đông.
ZEIT: Ông Bartov, gần đây ông có trở về Israel không?
Bartov: Israel là đất nước nơi tôi lớn lên, là quê hương của tôi. Nhưng hiện tại tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ phải trở lại đó. Khi tôi đến Israel cách đây một năm, tôi đã bị sốc vì sự thiếu quan tâm tới Gaza. Ngay cả bạn bè tôi – hầu hết là những nhà trí thức cánh tả – cũng lãng qua chủ đề khác khi tôi bắt đầu nói về vấn đề đó. Vào tháng 12, khi tôi đến thăm Israel lần cuối, Gaza không còn dễ bị bỏ qua nữa, mặc dù truyền hình vẫn chưa chiếu cảnh tử vong. Nhưng tôi vẫn gặp phải sự phản kháng. Một số bạn bè của tôi đã rất khó chịu vì tôi dùng từ diệt chủng. Tôi cảm thấy thật chán nản và tuyệt vọng. Người dân muốn chiến tranh kết thúc, các con tin trở về nhà và Netanyahu biến mất, nhưng họ không biết điều gì cần được thay vào đó.
ZEIT: Ông giải thích điều đó thế nào?
Bartov: Vụ khủng bố Hamas ngày 7 tháng 10 đã gây ra một chấn thương làm cho phần lớn mọi người phản ứng bằng sự tức giận và cảm giác trả thù: con quái vật đã trốn thoát khỏi nhà tù ở Gaza phải bị tiêu diệt. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 82 phần trăm người Israel ủng hộ việc “chuyển dịch” người Palestine. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Bằng cách đuổi họ đi, giết họ và làm họ chết đói. Và mọi người đều nhắm mắt làm ngơ. Sự thật rằng 7 triệu người Do Thái cai trị 7 triệu người Palestine không được thảo luận cho đến ngày 7 tháng 10. Mọi người tin rằng họ có thể quản lý được chuyện này. Ngay cả bây giờ vẫn chưa có phe đối lập, không có đảng nào đưa ra giải pháp thay thế. Trong bối cảnh hỗn loạn này, sự tàn phá ở Gaza vẫn tiếp diễn. Ngoài những quả bom nặng 2.000 pound, Israel hiện còn nhận được xe ủi đất mới từ Hoa Kỳ để phá hủy những gì còn tồn tại.
ZEIT: Ông sinh ra tại Israel vào năm 1954 và là cha và ông của những đứa trẻ sống ở đó. Một năm rưỡi qua đã mang lại cho họ điều gì?
Bartov: Là một nhà sử học, tôi đã chứng kiến những nỗi kinh hoàng không thể diễn tả thành lời của cuộc diệt chủng Holocaust suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi không thể chịu đựng được khi nhìn thấy những hình ảnh kinh hoàng ở Gaza, cảnh trẻ em bị giết hại. Tôi vừa viết xong một cuốn sách và đề tặng nó cho cha tôi. Ông sinh ra tại Palestine vào năm 1926, là một nhà văn và nhà báo, đã chiến đấu trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948, là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái thực thụ. Trong những năm cuối đời – ông mất năm 2016 – ông gọi Netanyahu là kẻ hủy diệt vĩ đại của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Bản thân tôi không phải là người chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái hay chống Israel. Nhưng theo tình hình hiện tại, Israel đang tự tước đi tính hợp pháp của mình và đánh mất quyền sử dụng Holocaust như một luận cứ chính trị. Thật đau đớn khi phải nói điều đó. Trong lần ghé thăm gần đây nhất, tôi đang ngồi trong quán cà phê với một người bạn và hỏi anh ấy: Một xã hội phạm tội diệt chủng trông như thế nào? Chúng tôi đều đồng ý rằng, đó chính xác là hình ảnh mọi người đang ngồi trong quán cà phê. Tình hình đó cũng giống như ở Berlin năm 1943.
ZEIT: Gaza không phải là Auschwitz mới.
Bartov: Không, đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Israel không phạm tội diệt chủng Holocaust. Nhưng khả năng phớt lờ những hành động tàn bạo, vốn được thực hiện nhân danh họ, vẫn không thay đổi. Khi còn là một nhà sử học trẻ, tôi đã viết về quân đội Đức. Giống như người Đức, những người trong nhiều thập kỷ đã bám vào huyền thoại về lực lượng quân đội (Wehrmacht) “sạch”, hầu hết người Israel đều thấy rất khó chấp nhận rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang phạm tội ác chiến tranh có hệ thống. Điều này cũng khó với tôi. Tôi đã phục vụ trong quân đội này 4 năm vào những năm 1970, ở Gaza, Bờ Tây và Sinai. IDF chưa bao giờ là “đội quân có đạo đức nhất thế giới” như nhiều người vẫn nghĩ.
ZEIT: So sánh người Israel với người Đức trong thời kỳ Đức Quốc xã và Lực lượng Phòng vệ Israel với Lực lượng Vũ trang Đức – mục đích của ông khi đưa ra hành động khiêu khích này là gì?
Bartov: Đợi đã! Khi tôi viết cho Yitzhak Rabin trong cuộc Intifada đầu tiên rằng tôi lo ngại IDF có thể trở nên tàn bạo như Wehrmacht trước đây, tôi đang nói về một loạt hoạt động, một con dốc trơn trợt. Tôi cũng không so sánh Israel với Đức Quốc xã: Tôi quan ngại về những chuyện giống nhau được tái diễn. Trong trường hợp này, đó là sự sẵn lòng nhìn đi hướng khác. Làm sao chúng ta có thể học được từ lịch sử nếu không thông qua những sự thực như vậy?
ZEIT: Xã hội và chính trị Israel đã chuyển dịch đáng kể sang cánh hữu. Tại sao?
Bartov: Vào những năm 1970, khi tôi biểu tình phản đối sự chiếm đóng sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, mọi người nói: Chiếm đóng làm tha hóa chúng ta. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Khi một xã hội thống trị người khác trong một thời gian dài, từ thế hệ này qua thế hệ khác, nó sẽ để lại nhiều dấu vết rõ ràng.
ZEIT: Vấn đề còn lại là mối đe dọa từ bên ngoài, nỗi sợ về những vụ thảm sát như ngày 7 tháng 10.
Bartov: Tôi không thấy ngày 7 tháng 10 là một bước ngoặt. Đó là một cú sốc. Nhưng điều này chỉ củng cố thêm tâm trạng chung để che lấp cuộc chiếm đóng. Họ vẫn không thay đổi cách suy nghĩ của mình. Nhưng sự thay đổi lại thực sự cần thiết.
ZEIT: Điều gì có thể mang lại sự thay đổi?
Bartov: Một thảm họa quân sự, điều mà chúng ta không mong đợi. Hoặc áp lực quốc tế lớn. Các biện pháp trừng phạt kinh tế là cần thiết. Và nếu không phải là lệnh cấm vận vũ khí thì ít nhất cũng phải cắt giảm mạnh viện trợ quân sự. Điều này sẽ buộc Israel phải ngừng hành động như thể nước này đứng ngoài bất kỳ trật tự quốc tế nào.
ZEIT: Việc cắt giảm đáng kể viện trợ quân sự sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nhà nước.
Bartov: Israel không được phép mất đi khả năng tự vệ. Nhưng việc giúp họ trục xuất và tiêu diệt người Palestine cũng chẳng có ích gì. Chế độ phân biệt chủng tộc đã tồn tại ở Bờ Tây. Liệu toàn thể Israel có nên trở nên như thế này không? Một nhà nước độc tài, nhà nước thần quyền chính thống?
ZEIT: Chế độ phân biệt chủng tộc – ý ông là gì khi nói như vậy?
Bartov: Chỉ cần nêu ra một khía cạnh: Ở Bờ Tây, đối với một số người, những người định cư Do Thái, có một nhà nước dân chủ pháp quyền, trong khi đối với những người khác, người Palestine, lại sống dưới luật quân sự. Nhưng tôi xin đi thẳng vào vấn đề.
ZEIT: Vâng, xin mời ông!
Bartov: Israel đang tự hủy diệt chính mình. Bất kỳ ai thực sự muốn giúp đất nước, phải đảm bảo rằng đất nước đi theo một con đường khác. Cách này đã có hiệu quả trong quá khứ. Năm 1956, Israel đã chinh phục được Sinai. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã nói: Các ông sẽ không giữ được vùng đất này; Moscow cũng thể hiện sức mạnh và Israel đã phải nhượng bộ. Điều đó có ích cho Israel. Vào năm 1967, họ tái chiếm bán đảo và chỉ trả lại cho Ai Cập sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, trong đó có 3.000 binh lính Israel thiệt mạng, trong đó có bạn bè tôi. Giá như Joe Biden nói với Netanyahu vào năm 2023: “Ông có hai tuần để triệt hạ Hamas, sau đó ông tự lo liệu lấy”, thì chúng ta sẽ không ở tình trạng như hiện nay.
ZEIT: Vào đầu cuộc chiến, ông đã viết rằng thật vô trách nhiệm khi gọi đó là diệt chủng; Hôm nay chính ông lại nói đến nạn diệt chủng. Đây có thực sự là thuật ngữ chính xác không ?
Bartov: Đúng là thuật ngữ này khó hiểu. Nhiều người sử dụng nó như một dạng kinh dị cấp độ cao nhất. Người sáng tạo ra nó, Raphael Lemkin, muốn có điều gì đó khác biệt. Ông muốn định nghĩa một loại tội phạm cụ thể: ý định và hành động cố ý phá hoại một nhóm dân tộc. Do đó, chúng ta nên tuân thủ Công ước diệt chủng của Liên hợp quốc năm 1948 dựa trên Lemkin, công ước duy nhất có ý nghĩa trong luật pháp quốc tế.
ZEIT: Theo định nghĩa này, yếu tố quyết định là ý định phạm tội có thể xác minh được.
Bartov: Và đã có những tuyên bố ban đầu của các chính trị gia Israel: Chúng ta phải xóa sổ Gaza, người dân sẽ không có nước hay thức ăn, họ là động vật, không có sự khác biệt giữa Hamas và dân thường, v.v.. Tất cả những câu này đều có từ thời điểm ngay sau ngày 7 tháng 10. Có lẽ, tôi nghĩ, họ đã hy sinh trong lúc chiến đấu. Vì vậy, tôi tiếp tục theo dõi tình hình. Kể từ khi IDF trục xuất một triệu người khỏi Rafah vào tháng 5 năm 2024 và bắt đầu phá hủy thành phố, tôi đã có thể nhận thấy một khuôn mẫu. Mục tiêu chính không còn là tiêu diệt Hamas và giải thoát các con tin – tức là mục tiêu chính thức của cuộc chiến tranh – mà là biến Dải Gaza thành nơi không thể ở được. Nhưng việc di dời mà không có nơi trú ẩn sẽ dẫn đến đâu? Thanh trừng sắc tộc thường là bước mở đầu cho nạn diệt chủng; đó là trường hợp ở Tây Nam Phi thuộc Đức, đó là trường hợp diệt chủng người Armenia, và đó là trường hợp của thảm sát Holocaust.
ZEIT: Một số người ngay lập tức đưa ra cáo buộc diệt chủng – nhằm làm mất tính hợp pháp của Nhà nước Israel.
Bartov: Tôi đã lên tiếng phản đối rõ ràng điều đó. Lời kêu gọi “diệt chủng theo sách giáo khoa” của đồng nghiệp tôi Raz Segal vào tháng 10 năm 2023 là sai lầm. Trong suốt lịch sử, nạn diệt chủng thường không được thừa nhận ngay lập tức. Một cuộc diệt chủng cũng không nhất thiết phải giống như thảm sát Holocaust, Auschwitz hay Babi Yar.
ZEIT: Những hình ảnh ngày 7 tháng 10 gợi nhớ đến những gì người ta có thể đọc trong các tác phẩm của các nhà sử học như Christopher Browning, Saul Friedländer hoặc chính ông. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên liên hệ những hành động tàn bạo của Hamas với thảm sát Holocaust. Tại sao?
Bartov: Hamas đã phạm tội thảm sát, một tội ác chống lại loài người. Ngày 7 tháng 10 là một hành động bạo lực diệt chủng; và Hiến chương Hamas là một văn bản chống Do Thái . Nhưng việc so sánh Hamas với Đức Quốc xã là điều vô lý về mặt lịch sử. Đầu tiên, Hamas là một tổ chức khủng bố ở một khu vực do một quốc gia khác kiểm soát. Không thể nói như thế về Đức Quốc xã. Thứ hai, phép so sánh này chủ yếu phục vụ mục đích chính trị. Ở Israel, thảm sát Holocaust đã hiện diện từ những năm 1980 không chỉ là quá khứ mà còn là mối đe dọa trong tương lai. Nếu Israel hiện đang bị đe dọa bởi một cuộc diệt chủng Holocaust mới, mọi biện pháp phòng vệ đều hợp pháp, bất kể luật pháp quốc tế nói gì. Với lời lẽ hùng biện này, chính phủ Israel tự cho mình một lý do biện minh vô hạn, đồng thời cho phép họ coi mọi lời chỉ trích là bài Do Thái – một “giấy phép vô giới hạn”.
ZEIT: Đó là tựa đề bài luận gần đây ông viết cho tờ New York Review of Books, trong đó ông đưa ra một sự so sánh không kém phần gây tranh cãi: Ông liên hệ Chiến tranh Gaza với cuộc diệt chủng người Herero ở Tây Nam Phi thuộc Đức, và nguyên nhân gây ra nó, cuộc nổi dậy của người Herero năm 1904, với ngày 7 tháng 10. Điều này cũng vô lý về mặt lịch sử và cũng dễ bị khai thác.
Bartov: Tôi quan tâm đến việc thay đổi quan điểm chứ không phải hợp pháp hóa cuộc tấn công của Hamas. Không ai có quyền thực hiện hành động thảm sát. Nhưng vẫn có quyền phản kháng. Nếu không có sự chống đối, Israel sẽ không thay đổi.
ZEIT: Chắc chắn họ sẽ không mở lòng với người Palestine nếu bị khủng bố tấn công.
Bartov: Không. Nhưng người ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự thật rằng áp bức sẽ tạo ra áp lực ngược. Sự trỗi dậy của Hamas là hậu quả trực tiếp của chính sách Gaza của Israel. Netanyahu đã khuyến khích tài trợ thông qua Qatar nhằm làm suy yếu Chính quyền Palestine. Nhưng lối thoát không thể là bạo lực, điều mà cả hai bên đều đã phạm phải trong nhiều thập kỷ. Hamas thực sự bị suy yếu trong giai đoạn đầu của Hiệp định Oslo vào những năm 1990, khi người dân vẫn còn hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.
ZEIT: Vậy chúng ta nên đối phó thế nào với những kẻ khủng bố Hamas dùng thường dân như lá chắn sống?
Bartov: Sau ngày 7 tháng 10, Israel đã phải hành động. Tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Bạn có thể phá hủy toàn bộ Gaza . Đó chính là những gì Israel đang làm hiện nay. Nhưng điều đó sẽ không loại bỏ được Hamas. Cuộc chiến cần có mục tiêu chính trị. Và mục tiêu đó phải là tìm ra một tổ chức Palestine ôn hòa khác để quản lý Gaza. Nhưng điều đó đòi hỏi một chính phủ Israel muốn mở đường cho người Palestine một tương lai.
ZEIT: Quan điểm của ông liên tục bị bác bỏ. Sau cuộc phỏng vấn với Spiegel vào Ngày Auschwitz, Đại sứ Israel Ron Prosor đã gọi ông là người bài Do Thái và là “người Israel tự căm ghét bản thân”. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến ông?
Bartov: Tôi không quen người đàn ông đó. Mọi người đều có quyền nêu ý kiến, nhưng khi họ phát biểu với tư cách là đại diện của Israel, họ tự làm xấu hổ bản thân và nghề nghiệp của mình khi đưa ra tuyên bố như vậy.
ZEIT: Khi nào sự chỉ trích Israel trở thành bài Do Thái?
Bartov: Chủ nghĩa bài Do Thái là thái độ đối với người Do Thái. Nếu ai đó nghĩ tôi là người Do Thái vì tôi có chiếc mũi to hoặc đeo Ngôi sao David, và vì thế có quyền nói với tôi, “Các người Do Thái đang phạm tội diệt chủng ở Gaza!”, thì đó chính là hành vi bài Do Thái. Bởi vì người ấy sẽ gán cho tôi một số quan điểm nhất định vì anh ấy coi tôi là người Do Thái. Bản thân lời cáo buộc diệt chủng không mang tính bài Do Thái. Chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng là một vấn đề khác.
ZEIT: Phải chăng sự oán giận bài Do Thái thường ẩn sau quan điểm chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái?
Bartov: Có rất nhiều người Do Thái chống lại chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Một số người vì họ theo cánh tả, những người khác từ chối một nhà nước vì lý do tôn giáo – như một số người Do Thái Chính thống trong nội các của Netanyahu. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là một phong trào chính trị có lịch sử lâu đời và nhiều biểu hiện đa dạng. Những lời chỉ trích này không hẳn là có ý chống Do Thái.
ZEIT: Kể cả khi điều đó có nghĩa là phủ nhận quyền tồn tại của Israel?
Bartov: Bạn phải hỏi mọi người xem họ nghĩ gì. Tôi có thể tự khẳng định rằng tôi ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Nhưng tôi muốn chủ nghĩa phục quốc Do Thái đang thống trị ở Israel biến mất. Tôi ủng hộ một nhà nước Do Thái, nhưng phản đối nhà nước hiện tại. Israel nên trở thành một quốc gia khác, một quốc gia không bị cai trị bởi những kẻ cuồng tín tôn giáo và phân biệt chủng tộc, và đối xử với công dân Ả Rập như công dân hạng hai. Về lâu dài, cần phải có một ủy ban sự thật mà trước đó cả hai bên sẽ đối mặt với quá khứ và thừa nhận nỗi đau khổ của bên kia.
ZEIT: Số lượng các vụ tấn công bài Do Thái đang gia tăng trên toàn thế giới. Những sự cố như vậy cũng đã xảy ra ở các trường đại học Hoa Kỳ. Ông nghĩ gì về điều đó?
Bartov: Những cuộc tấn công vào người dân vì bản sắc Do Thái của họ phải được gọi đúng tên. Nhưng họ không đại diện cho toàn bộ cuộc biểu tình. Nỗ lực lên án mọi lời chỉ trích Israel là bài Do Thái không nhằm mục đích bảo vệ mạng sống của người Do Thái, mà đúng hơn – tôi đang nói về Hoa Kỳ – là một chủ nghĩa McCarthy phản tự do mới.
ZEIT: Ông không sợ rằng những nhà hoạt động chống Israel có thể lợi dụng ông với tư cách là một giáo sư người Israel Do Thái nếu ông sử dụng những khẩu hiệu như chế độ phân biệt chủng tộc và diệt chủng sao?
Bartov: Tất nhiên, cách an toàn nhất là không nói gì cả. Tôi cố gắng không sử dụng những thuật ngữ này như những từ thông dụng, mà sử dụng một cách phân tích và cẩn thận. Và hãy tin tôi: đối với tôi, với tư cách là một người Israel, một người Do Thái, một nhà sử học của thế kỷ 20, thật là một bi kịch cay đắng khi Israel, quốc gia được thành lập sau cuộc diệt chủng Holocaust, lại bị cáo buộc phạm tội diệt chủng vào đúng năm Liên Hợp Quốc thông qua Công ước diệt chủng.
ZEIT: Hiện nay ông đã 71 tuổi. Ông nghĩ ông sẽ được trải nghiệm một nước Israel thế nào?
Bartov: Không còn là Israel mà tôi hy vọng nữa. Vào năm 2022, tôi đã dành ba tháng để phỏng vấn người Do Thái và người Palestine ở Israel; tất cả đều cùng độ tuổi với tôi, thế hệ đã góp phần xây dựng đất nước. Nhưng nhiều người lại nói rằng, “Tôi không biết liệu tôi có muốn cháu tôi lớn lên ở đây không.” Tôi lo ngại rằng Israel sẽ trở thành một quốc gia độc tài, tôn giáo và quân phiệt. Đồng thời, tôi không hy vọng gì hơn là tôi đã sai. Và tôi cảm thấy mình có tội. Tất cả chúng tôi đều có liên quan đến những điều tội lỗi đang xảy ra.
Nguồn: “Ich bin für einen jüdischen Staat. Aber gegen diesen“. ZEIT Số 25/2025.
Giáo sư Omer Bartov giảng dạy tại Đại học Brown ở Providence, Hoa Kỳ. Tập tiểu luận “Diệt chủng, thảm sát Holocaust và Israel-Palestine” của ông vừa được nhà xuất bản Do Thái Suhrkamp xuất bản.
Xem thêm:
Tổng thống Donald Trump hôm Chủ Nhật (6/7) đã ký ban bố thảm họa lớn…
Không có bộ sạc iPhone nào được cắm vào tường đá, không có lò vi…
Cuộc sống càng hiện đại, con người càng hối hả. Nhưng hóa ra, chính sự…
Israel từ chối các đề xuất sửa đổi từ phía Hamas đối với một thỏa…
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào Chủ nhật (6/7) cho biết ông Musk…
Israel vừa phát động một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào các…