Trong quan niệm truyền thống, Đạo gia giảng làm người phải “Chân”, cuối cùng tu thành chân nhân. Phật gia cũng dạy con người không được nói dối. Nho gia giảng “Tín”, lời một khi nói ra phải có sự thủy chung trước sau như một. Khổng Tử còn giảng: Vua quan thất tín thì đất nước suy vong. “Tín” không chỉ là thước đo của tu dưỡng mà còn là tiêu chuẩn của chính nhân quân tử, là nguyên tắc xử thế cần phải có của người cổ đại. Người có thể thủ tín thì mới được người khác kính trọng, người càng ở địa vị cao thì càng cần phải nghiêm cẩn tín nghĩa.
Khổng Tử giảng: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả”, ý nói người mà thất tín thì không làm nổi việc gì. Đối với một cá nhân, “tín” quan trọng như vậy, còn đạo lý cai trị đất nước thực ra cũng tương tự như thế.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi rằng: “Thưa thầy, xin thầy chỉ giáo cho con về biện pháp trị quốc”.
Khổng Tử nói: “Một là làm cho dân chúng được cơm no áo ấm. Hai là đất nước có quân đội cường mạnh. Ba là có được tín nhiệm của người dân”.
Tử Cống hỏi: “Thưa thầy! Nếu bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều kiện trong ấy, thì nên bỏ điều kiện nào trước ạ?”
Khổng Tử nói: “Xóa bỏ quân đội!”
Tử Cống lại hỏi: “Thưa thầy! Nếu như phải bỏ thêm một điều kiện nữa?”
Khổng Tử trả lời: “Bỏ đi ăn no mặc ấm. Thà rằng không được ‘ăn no mặc ấm’, chứ nhất định phải bảo trì chữ tín. Bởi vì, nếu không được dân chúng tín nhiệm thì đất nước sớm hay muộn cũng sẽ tiêu vong.”
Bởi vậy, có thể nói “tín” không chỉ là cái gốc để lập thân mà còn là cái gốc để lập nước. Người thất tín thì không làm nổi việc gì, dân chúng không tin vào người cai trị thì đất nước suy vong.
Xét theo chữ Hán thì “Tín” (信) là chữ Hội ý. Nó được cấu tạo bởi chữ “Nhân” (人) và chữ “Ngôn” (言). Ý nghĩa nguyên gốc của chữ “Tín” là thật lòng thật ý, trước sau như một, không thay đổi. Lời nói của con người phải là thành thật, trung thực, không hư hão, giả dối.
Trong thể chữ Giáp Cốt, bên dưới của chữ “Ngôn” là hình cái lưỡi, biểu thị rằng lời nói là theo lưỡi mà xuất ra. Trong “Thuyết văn giải tự” viết: “Trực ngôn viết ngôn, luận nan viết ngữ”, ý nói rằng trong tâm mà nghĩ cái gì thì trực tiếp nói rõ ra, như thế mới được gọi là ngôn. Còn những lời suy luận, biện luận, chất vấn… thì được gọi là “ngữ”.
Trong “Pháp ngôn nghĩa sơ” viết: “Ngôn, tâm thanh dã”, tức lời là tiếng nói của tâm. Nếu một người “nghĩ một đằng nói một nẻo”, nói lời giả dối thì khẳng định là sẽ không có uy tín.
Trong “Thi. Vệ phong. Manh” cũng viết: “Tín thệ đán đán” (Lời thề son sắt). Thời cổ đại, biểu hiện cao nhất của chữ “Tín” là lời thề, người ta một khi nói ra lời thề ấy thì quyết sẽ giữ lời, nên mới có câu “lời nói gói vàng”.
Có một câu chuyện nổi tiếng về giữ chữ Tín trong lịch sử như thế này:
Quý Trát tên thật là Cơ Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng.
Năm 544 trước Công nguyên, Quý Trát phụng mệnh triều đình đi viếng thăm nước Lỗ. Ông có mang theo một đoàn tùy tùng và xuất phát từ thủ phủ của nước Ngô. Lúc họ đến nước Từ, chứng kiến cảnh dân chúng an cư lạc nghiệp, cuộc sống giàu có thì trong lòng họ rất ngưỡng mộ.
Quý Trát nói: “Vua nước Từ trước nay nổi tiếng là dùng nhân nghĩa đối đãi với dân chúng, hôm nay được chứng kiến điều này, quả là danh bất hư truyền.”
Vì thế, Quý Trát liền nảy sinh ý muốn tới thăm hỏi vua nước Từ một chút để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình. Vua nước Từ sớm đã được nghe danh tiếng về tài đức của Quý Trát. Hôm nay lại đặc biệt được Quý Trát ghé thăm nên trong lòng ông rất vui mừng phấn khởi. Ông vội vàng sai tôi tớ tổ chức yến tiệc để chiêu đãi. Hai người họ nói chuyện thật vui vẻ. Vua nước Từ rất thích thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, mấy lần ông muốn nói nhưng lại không tiện mở miệng.
Quý Trát là người thông minh nên chỉ liếc mắt đã hiểu thấu lòng vua nước Từ. Trong lòng Quý Trát cũng muốn tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng ông đột nhiên lại nghĩ: “Mang theo bảo kiếm đi sứ nước khác, là một sự tôn trọng lại càng là lễ tiết. Nếu bây giờ đem bảo kiếm tặng lại cho vua nước Từ thì chẳng phải là bất kính với vua nước Lỗ sao?” Nghĩ như vậy nên Quý Trát đã từ bỏ ý nghĩ tặng bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng ông cũng đã tự hứa hẹn với lòng mình rằng: “Đợi lúc đi nước Lỗ trở về, nhất định ta sẽ tặng lại thanh bảo kiếm này cho vua nước Từ.”
Từ biệt vua nước Từ, Quý Trát lại dẫn đoàn người hướng về nước Lỗ. Sau khi tới nước Lỗ, ông cũng được quốc vương nước Lỗ nhiệt tình đón tiếp và chiêu đãi. Quý Trát cũng dựa vào tài hoa và trí tuệ của mình khiến cho người dân nước Lỗ bội phục và yêu kính.
Sau khi nán lại ở nước Lỗ hơn một năm, Quý Trát trở về nước. Ông không quên lời hứa tặng thanh bảo kiếm cho vua Từ mà ông đã giữ trong lòng hơn một năm qua. Lúc đi ngang qua biên giới nước Từ, ông quyết định vào thăm vua Từ để thực hiện lời hứa của mình. Nhưng khi đến nơi ông lại nhận được một tin tức bất hạnh, đó là vua nước Từ đã qua đời.
Lúc này, Quý Trát cảm thấy vô cùng buồn khổ. Ông cởi thanh bảo kiếm ra và tặng lại cho người kế thừa của vua Từ. Đoàn người tùy tùng đi theo ông vội ngăn cản và nói: “Thanh bảo kiếm là quốc bảo của nước Ngô. Sao ngài có thể tùy tiện đem tặng cho người khác? Huống hồ bây giờ vua Từ cũng đã qua đời.”
Quý Trát nghe mọi người nói vậy liền trả lời: “Lần trước trong lúc nói chuyện cùng với vua Từ, ta không tặng bảo kiếm cho ngài là vì ta còn phải có nhiệm vụ đi sứ nước Lỗ. Nhưng trong lòng ta sớm đã hứa sẽ tặng nó cho vua Từ rồi.”
Lúc ấy, người kế thừa của vua Từ cũng từ chối không nhận mà nói: “Ta không có di mệnh của người đã khuất, nên không dám tiếp nhận thanh bảo kiếm này.”
Thế là, Quý Trát liền đem thanh bảo kiếm treo trên cây liễu trước mộ của vua Từ. Hành động này của ông khiến thần dân nước Từ ai ai cũng ngợi ca. Cũng từ đó câu chuyện “Quý Trát treo kiếm” được lưu truyền cho đến nay như một bài học về giữ chữ tín của người xưa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Theo giới chức Hà Nội, diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê,…
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…