“Nghề thầy” – Những tâm sự còn nóng hổi sau gần 80 năm

Tôi nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho cuốn “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 – 1994) giữa lúc làn sóng phê bình sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 vừa lắng xuống. Bởi thế, tôi đã đọc bản thảo cuốn sách trong một tâm trạng rất đặc biệt với không biết bao nhiêu mối liên tưởng dọc ngang giống như từng đợt sóng. Hiện thực ngổn ngang của giáo dục hiện tại và những lời gan ruột của một người thầy nổi tiếng, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên, đã làm tôi chìm đắm trong nhiều suy ngẫm và liên tưởng.

(Bìa sách “Nghề thầy”, NXB Hội Nhà Văn)

Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách “Nghề thầy” được xuất bản lần đầu tiên (1944). Tuy nhiên, chong đèn lên và đọc nó trong tâm thế không rời bỏ những ngổn ngang của hiện thực và kìm nén suy tư, ta sẽ thấy những gì cụ viết trong cuốn sách, những lời tâm sự mà cụ giãi bày trong cuốn sách mỏng này vẫn còn nóng hổi.

Tất nhiên, có người sẽ bảo “in lại một cuốn sách đã xuất bản từ 1944 có cần thiết không khi mọi thứ ở đó đã trở thành… đồ cổ?”.

Không! Nhiều thứ, kể cả những tri thức giáo dục học ở trong sách vẫn còn nóng hổi! Cho dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết hơn là một công trình khảo cứu công phu của một học giả chủ trương lập thuyết, nhưng kì lạ thay, đa số những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới, thậm chí nhiều giáo viên đương đại còn chưa với tới.

Nếu loại trừ đi cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua và tạm thay vào đó bằng một số từ ngữ đang được dùng phổ biến thậm chí là “thời thượng” ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính chúng ta, cho chính những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỉ XXI này! Dưới đây, xin được giới thiệu chút ít về những gì còn nguyên tính thời sự ấy.

Thứ nhất là quan niệm mới mẻ, đúng đắn của tác giả về mục đích – mục tiêu của giáo dục. Ngay từ 80 năm trước, cụ Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ mục đích của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Từ mục đích đó, cụ cho rằng nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” “sai lạc cả mục đích giáo dục”. Hậu quả của nó là “Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản thì nguy lắm”.

Trong bối cảnh cuộc tranh luận về triết lý giáo dục ở nước ta vẫn diễn ra lúc ồn ào trên báo chí, lúc lặng lẽ, âm thầm ở nhiều diễn đàn nhỏ khác, ta sẽ thấy quan niệm về mục đích – mục tiêu giáo dục nói trên có ý nghĩa thế nào. Giáo dục suy cho cùng là phải hướng về con người, vì con người và làm cho xã hội hiện tại tốt đẹp hơn, từng bước xây dựng nên xã hội tương lai. Mục đích của giáo dục ở đây luôn gắn với hình ảnh con người mà nền giáo dục cần hướng tới và hình ảnh xã hội tương lai cần xây dựng. Nói khác đi, giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn. Đấy là mục đích cuối cùng của giáo dục được cụ Hoàng Đạo Thúy diễn giải giản dị mà tha thiết:

“Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”.

Thứ hai là sự ý thức rất rõ về vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều, bền chặt giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Cho dù chỉ là một cuốn sách mỏng, cụ Hoàng Đạo Thúy đã dành một dung lượng đáng kể cho việc phân tích nội dung này. Theo cụ, giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, ngay từ khi đứa trẻ còn là bào thai bằng việc thực hiện phép thai giáo. Cụ khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt như “tai không nghe tiếng tục, lòng không nghĩ điều tà”. Tiếp đến, cha mẹ cần phải nuôi con bằng sữa mẹ để đứa trẻ được khỏe mạnh. Một quan điểm bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Cụ không chỉ nêu lên những lợi ích về mặt khoa học khi nuôi con bằng sữa mẹ mà còn khuyên không nên nuôi vú em (người ở vú) để họ nuôi con mình. Việc đó theo cụ vừa không thuận nhân tâm, vừa có ảnh hưởng không tốt đến tình cảm, sự trưởng thành xã hội của trẻ. Cụ phê phán những bà mẹ chỉ vì “muốn giữ vẻ đẹp hàng chợ, hay vì bị mấy cái tranh quảng cáo xúi giục, hay vì cái ý lạ lùng, muốn cho con bú một cách “Khoa học”, mà bỏ sữa mình đi, nuôi con bằng một thứ sữa hộp”. Theo ý cụ thì, “Ăn sữa hộp hay chai, dù thế nào, cũng phải coi là một cách vạn bất đắc dĩ mới dùng, người muốn cho con mình mạnh không bao giờ dùng đến”.

Khi trẻ đến tuổi đi học thì sự liên lạc mật thiết, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác vì sự tiến bộ của trẻ giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trở nên rất quan trọng. Cụ Hoàng Đạo Thúy viết về điều này rất dễ hiểu nhưng cũng rất mới:

“Suốt cả trong đời học trò, sự liên lạc của gia đình và thầy học vẫn cần mật thiết. Ở bậc tiểu học, thì việc ấy rất dễ dàng. Thầy học lại thăm cha anh học trò. Cha anh học trò thăm thầy học. Đến trung học và cao học, những việc thăm hỏi khó hơn, nhưng lúc này gia đình nên làm thế nào cho cung cách của mình không trái ngược với những cung cách của nhà học. nếu không thế, nếu gia đình coi thầy giáo như những người dưng, như những kẻ quyến rũ con mình, như những người đối với những người ấy mình phải chống chọi thì trẻ sẽ sinh ra ranh mãnh, nó làm cho hai bên không gặp nhau, cho dễ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú”.

Ngày nay, trong bối cảnh sự xung đột quan điểm giá trị giữa gia đình và nhà trường, sự va chạm thậm chí là “đối đầu” giữa phụ huynh với giáo viên, nhà trường đang trở thành một vấn đề lớn của giáo dục trường học ở nước ta, những lời trên hiển nhiên bao hàm nhiều ý nghĩa cho cả hai bên.

Thứ ba là việc nêu ra và nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện. Theo cách diễn đạt của cụ Hoàng Đạo Thúy thì nhà giáo dục phải “để tâm” đến “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”. Cụ giải thích:

“Đức dục hãy để lên đầu, như xưa kia, là phải lắm. Trí dục cần là, là việc tất phải thế rồi. Thêm với thể dục thì dễ hiểu lắm. Song chỉ bộ ba Đức, Trí, Thể dục không thì với cái trách nhiệm làm người, khó mà làm đủ được. Cần thêm Chí dục nữa mới được. Có Chí thời mới đủ gan để theo con đường của Đức vạch ra, mới đủ sức mà dùng các phương pháp của Trí chỉ vẽ. Lại nên thêm một thứ nữa là Công dục. Có quen tay làm việc thì các công trình mới mong có được kết quả tốt. Một việc làm ăn là việc rất cần để mà sống, sao nhãng khoản ấy thì nguy hiểm vô cùng”.

Để truyền tải mục tiêu toàn diện của giáo dục, tác giả dùng các chữ của Nho giáo. Nhưng khi đọc ta sẽ thấy, quan niệm của tác giả rất mới và độc đáo chứ không hề câu nệ, khuôn sáo và nặng về giáo huấn hay sa vào hình thức. Chẳng hạn trong những nội dung của “Đức” như “hiếu”, “đễ”, “trung”, “tín”, thì chữ “trung” được diễn giải thế này:

“Lòng TRUNG với nước, nên dạy từ sớm. Gần ở cái lòng trung sâu xa mà có thể đến chỗ hy sinh lớn. Như thế hơn là cái trung mồm mép, bồng bột một lúc. Hiếu ở lòng nhân ra, yêu cha mẹ. Đễ cũng thế, là lòng yêu anh em. Trung là lòng yêu người cùng nước, yêu kính người khác, lo toan cho người sau. Vì thế đọc quốc sử là một cách nuôi lòng trung. Biết thờ phụng các bậc anh hùng rồi mới nối gót mà thành anh hùng được”.

Ở thế kỉ XXI, đầy sóng gió và cũng là khi nhiều giá trị đang bị lung lay, đánh tráo này, thử hỏi, trong gần 100 triệu người Việt Nam chúng ta có ai phản đối quan niệm “Trung là lòng yêu người cùng nước, yêu kính người khác, lo toan cho người sau”?

Đặc biệt, trong khi tiến hành giáo dục toàn diện cụ Hoàng Đạo Thúy đặc biệt coi trọng “Chí”. Ngày hôm nay, trong bối cảnh chúng ta chứng kiến sự sa ngã, vô cảm của không ít thanh niên và sự phổ biến của cụm từ “con nhà giàu vượt sướng” trong xã hội, ta sẽ thấy ở cụ một sự sâu sắc và tầm nhìn lớn. Rất nhiều gia đình, nhà trường đã thất bại trong nuôi dạy trẻ thành người tử tế, rất nhiều cá nhân dù sinh ra khỏe mạnh, có tài năng nhưng trong suốt cuộc đời mình đã “sống mòn” thậm chí là gây hại cho quốc gia – xã hội, gia đình chỉ vì không có “Chí”. Người ta đã quá coi trọng việc trẻ có thông minh hay không thông minh, có học giỏi hay không học giỏi mà quên mất phải rèn luyện cho trẻ có “chí”. Cụ Hoàng Đạo Thúy ngay từ 80 năm trước đã lý giải rất tài tình về mối quan hệ giữa “Ch픓Tài” như thế này:

“Ở đời làm được việc tất phải có tài học, có khéo tay. Nhưng có cái gan để quả quyết làm, có cái gan để làm luôn luôn, có cái gan để đến được kết quả tốt, là nhờ ở chí. Có tài mà không có chí thì thế nào việc cũng hỏng, vì không dám làm, làm cũng bỏ dở. Có chí mà ít tài, thì rồi cũng cố sức tập được cho có tài, vẫn làm được việc. Chí là vị sai bảo, tài là đồ dùng. Chí quan hệ như thế. Một môn giáo dục nào mà không để ý nhiều đến chí là không dùng được”.

Cụ giải thích cụ thể “chí” là gì trong khi phân tích mối quan hệ giữa “chí” “khí”:

“Nói chí thì thường nói cả khí. Chí là ý muốn làm, khí là sức mạnh để cho chí làm được. Chí khí là sức mạnh của tâm hồn. người có chí khí thì cả quyết. Thấy việc nên làm là dám làm: bền gan, gặp nỗi khó khăn không nao núng; vững dạ, giữ được ý mà theo đuổi mãi công việc mình; bạo, dám xông pha chỗ nguy hiểm; nhiệt thành, đủ cái khí để cho việc chóng xong, cho người khác theo; táo tỉnh, chỗ khó khăn nguy nan vẫn không rối trí quẫn bách, vẫn biết được cách chống đỡ và cách lên lui; đảm nhận được công việc, không để hỏng, không bỏ dở, không chịu nhọc, không để cho người ta đè nén hay làm nhục nhã, không hèn. Người có chí khí, có khí khái, gặp trường hợp nào cũng giữ được phẩm cách mình. Người có chí khí biết sáng kiến, biết tìm được đường mới mà đi, đã tìm được đường thì lập được chí và đủ chí để theo đuổi cho đến lúc thành công”.

Đọc những dòng trên và suy ngẫm về xã hội quanh mình, nghĩ về trẻ em, thanh thiếu niên, có lẽ rất nhiều người như tôi sẽ thấy luận giải của cụ Hoàng Đạo Thúy là có lý. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, các nhà giáo dục ít nói rèn “chí” cho thanh niên mà diễn đạt nó bằng các từ như “rèn luyện nghị lực”, “giáo dục năng lực vượt khó”, “giáo dục năng lực kiểm soát bản thân”… Nhưng thực chất, những nội dung của nó về cơ bản đã nằm trong quan niệm về “ch픓khí” nói trên. Ở đây, ta cũng sẽ giật mình hơn nữa khi đọc những cảnh báo của cụ Hoàng Đạo Thúy về sự tan rã “chí khí” của thanh niên:

“Mầm chí khí đã sẵn có, nhưng cố sức vun bón thì mầm ấy lớn thành ra cây gỗ đống lương, để cho vật dục làm hại thì úa héo dần dần và mục mất cả gốc rễ.

Đời này tiến về vật chất nhiều. Cơ nguy cho chí khí ở đó. Nhiều máy móc, ít phải gắng công, nên không gắng quen. Nhiều điều tiện lợi, muốn được cái gì cũng dễ dàng, nên không hết sức mà tìm ra cho có. Các cách tiêu khiểu phần nhiều ủy mị, thế là chí khí tiêu ma, vì con dao không mài giũa, không dùng, phải gỉ. Mỗi ngày gỉ thêm một ít là con dao tiêu”.

Sau khi giật mình, chúng ta chắc hẳn sẽ đặt ra câu hỏi “mình có thể làm gì?” cho thanh thiếu niên. Cụ Hoàng Đạo Thúy gợi ý rằng

“Giảng một bài học “chí khí” thì vô ích. Chí khí không phải là một môn học. Phải rèn luyện luôn luôn thời mới có chí khí. Công việc rèn luyện phải lâu năm, phải làm hết giờ này ra giờ khác. Không phải bài học trong một giờ: mỗi lúc hễ làm được là phải làm; không ngừng lúc nào, không quên dịp nào cả mới được… Chúng ta dự vào việc rèn chí khí cho trẻ cũng khó lắm. Bảo mỏi mồm cũng vô ích. Chỉ khi nào trẻ tự nó bắt tay vào mà nhất định làm cho mình có chí khí thì công cuộc mới nên được”.

Những chỉ dẫn ấy có lẽ còn dễ hiểu hơn và gây cho ta niềm phấn chấn hơn cả những lời hô hào “học đi đôi với hành”, “học tập thông qua trải nghiệm”, “đưa đời sống vào trường học” đang ngập tràn trong các diễn ngôn cải cách giáo dục mà ta đang thấy.

Thứ tư là cuốn sách đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục độc đáo, giàu tính thực tiễn và hàm chứa triết lý sâu xa. Làm giáo dục, với người thầy, là một công việc lớn lao. Điều này đã được chính cụ Hoàng Đạo thúy chỉ ra ngay từ đầu cuốn sách là “thay đổi hẳn tương lai nòi giống”. Mục tiêu chiến lược là như vậy, nhưng giáo dục với người thầy, cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hàng ngày hàng giờ với những việc nhỏ nhặt nhất như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công… Ở từng việc, cụ Hoàng Đạo Thúy đều chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp quý giá đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình. Hãy đọc những gì cụ viết, chia sẻ về những việc rất nhỏ và mà thể nay cả ở thế kỉ XXI này nhiều gia đình, trường học vẫn chưa làm được:

“Việc nước nóng, ở trường nên có cái thạp có nắp và có gáo, giao cho trò đun nước thật sôi mới đổ vào, đừng cho uống chung chén”.

“Cũng nên làm sao cho học trò bỏ chứng khoắng đũa vào canh; cả nhà chấm chung một chén nước mắm, nên dùng cái thìa hay đôi đũa riêng mà lấy đồ ăn, cho đỡ lây các bệnh. Đi ba quãng đồng để ăn một bữa cỗ, để rồi đem một vài chứng bệnh về, là một cái nguy đáng sợ”.

“Cũng nên để ý đến vệ sinh về thần kinh. Đời này đã ồn ào hỗn độn, các luồng điện đi chằng chịt mà tối còn xem hát, xem chớp bóng thì mắt mỏi, thần kinh lung lay, rồi ốm. Mà ốm về thần kinh chữa được không dễ”.

Những việc trên nhỏ đấy mà lớn đấy! Dễ đấy mà khó đấy! Chúng ta hãy thử học theo cụ vận động người Việt chúng ta mà trước hết là chính gia đình mình không dùng chung nước chấm, không uống chung cốc chén trong gia đình, công sở, quán ăn mà xem! Những chỉ dẫn cụ thể về phương pháp rèn luyện cho trẻ có thói quen tốt, biết vệ sinh thân thể, lễ phép với thầy cô, cách chữa bệnh “đùn” (ỷ lại) ở trẻ cũng rất hữu ích, có thể bây giờ vẫn còn đắc dụng.

Cuối cùng, tác giả đã phân tích rất hay về sứ mệnh của người thầy và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho người thầy những việc cần làm để hoàn thành sứ mệnh ấy.

Nếu bạn đọc là giáo viên và chịu khó quan sát có thể bạn sẽ thấy trong những năm gần đây trong giáo giới nảy sinh và tồn tại hai hiện tượng song song rất kì lạ. Một đằng là căn bệnh “thùng rỗng kêu to”, ngồi ở đâu, nói ở diễn đàn nào người ta cũng hô lên những khẩu hiệu lấp lánh, cao siêu để ca ngợi nghề thầy với những mĩ từ như “cao quý”, “cao cả”, “cống hiến”, “kĩ sư tâm hồn”; đằng khác là một sự im lặng đến rùng mình khi người ta né tránh tự chất vấn mình và bàn luận với đồng nghiệp về sứ mệnh của người thầy, về bản chất công việc của người thầy, về ý nghĩa của công việc mình đang làm trong mối quan hệ với sự tồn vong của quốc gia dân tộc và tương lai của những thế hệ đang tiếp nối. Ta hãy lắng nghe xem có bao nhiêu nhà giáo trong những buổi họp hội đồng, trong các buổi lễ kỉ niệm ngày nhà giáo hay thậm chí trong cả lúc nhàn rỗi ngồi cùng đồng nghiệp bên chén nước trà, mâm cơm bàn về sứ mệnh của người thầy, nói về chuyện nghề trong sự rung động và suy ngẫm sâu xa? Dựa trên quan sát và trải nghiệm của tôi thì có lẽ không nhiều lắm. Nói về những điều đó, ngoài ngôn ngữ diễn văn hay chúc tụng xã giao thường thấy ra ta sẽ thấy nhiều người ngại và… ngượng! Ừ, nói về ý nghĩa, sứ mệnh của nghề mình mà lại ngại và ngượng thì thật buồn và nguy hiểm thay! Ở đó, lý luận “miếng cơm manh áo” chiếm địa vị thắng thế. Vì vậy, tôi trộm nghĩ rằng giáo viên rất nên đọc cuốn sách này. Ở đây, cụ Hoàng Đạo Thúy đã nói rất hay, rất chân thành mà đầy ý nhị sâu xa về sứ mệnh của “nghề thầy”. Trích dẫn dưới đây có thể hơi dài nhưng tôi muốn trích nguyên một đoạn cụ viết ngay đầu sách:

“Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.

Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”.

Cái huy hiệu bao nhiêu vinh hạnh thanh cao. Nhưng nó chỉ có được, khi chúng ta biết cả cái trách nhiệm nặng nề cho mình quan hệ cho tổ quốc.

Chúng ta không phàn nàn vì người ta bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm chí, thân thế vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?”

Để hoàn thành sứ mệnh ấy, theo cụ, người thầy phải có niềm tin. Niềm tin ấy theo cụ sẽ có được khi người thầy “đủ lòng yêu trẻ”, “đủ lòng tin ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được” từ đó “cả quyết rằng việc giáo dục thanh niên là việc mình, là cả đời mình”. Tất nhiên, từ nhận thức đến hành động trong thực tế và hành động cho đến tạo ra kết quả là cả một quá trình nhọc nhằn gian khổ. Bởi thế, ở phần cuối cuốn sách, cụ Hoàng Đạo Thúy đã chia sẻ những lời gan ruột với những người đồng nghiệp về đường đi nước bước của ông thầy ở hiện trường giáo dục từ cách thức nói năng, cư xử với quan lại, người dân tới cấp trên, đồng nghiệp. Ông cũng hướng dẫn người làm thầy cả cách ra đình chào các cụ, cách từ chối khi bị mời uống rượu, chơi tổ tôm và đặc biệt là hướng dẫn người thầy cách chế ngự bản thân trước cám dỗ, mài sắc bản thân, tự giáo dục mình để trở thành một tấm gương cho không chỉ học trò mà cả người dân ở xung quanh soi vào. Xem xét ở góc độ này thì người thầy – nghề thầy trong con mắt Hoàng Đạo Thúy không chỉ thuần túy là “dạy học” mà người thầy, cho dù chỉ là một thầy giáo làng đi nữa, đích thực là một nhà khai sáng kiêm nhà hoạt động xã hội. Người thầy đó có thể làm khu vườn nhà mình thật tốt, giữ gìn nhà của mình ở thật sạch để người dân học theo; người thầy đó có thể trồng cây, khai hoang, hướng dẫn người dân về đời sống, cứu giúp người nghèo khó, “lập một tủ sách cho mượn” hoặc cũng có khi trở thành người khám chữa bệnh cho học trò, người dân. Khi làm được những việc đó thì người thầy có thể “làm phúc tinh cho một vùng”, “cải tạo được cả nhân tâm một vùng, lại cải tạo được cả lý tài vùng ấy nữa”.

Sẽ còn rất nhiều điều hay và mới mẻ nữa trong tư tưởng, quan niệm và kinh nghiệm của cụ Hoàng Đạo Thúy nhưng tôi xin kết thúc bài giới thiệu ở đây bằng cách dẫn lại những lời tâm sự nhẹ nhàng mà cháy bỏng của tác giả về nghề thầy. Chúng ta hãy cùng đọc đi đọc lại và suy ngẫm:

“Kể ra thì cái nghề của chúng ta cũng như, hay là hơn các nghề khác, cũng có lắm cái nhục và lắm cái vinh.

Thầy ngồi một nơi mà trẻ xấc láo, cha mẹ học trò lại khinh khỉnh, lườm nguýt, cô ra chợ, người ta bán đắt, hàng xóm chỉ chực chửi đổng, giữ nhau từng miếng, thì cái nghề mình cực thật, thà làm cu ly đập đá còn hơn.

Những thây đã tận tụy, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: “tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy mà phải”.

Hà Nội, ngày 27/10/2020
Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

32 phút ago

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

2 giờ ago

Các nhóm nhân quyền phương Tây chỉ trích ông Biden về mìn sát thương ở Ukraine

Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…

3 giờ ago

Tổng thống Nicaragua Ortega tìm cách mở rộng quyền lực của tổng thống

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…

3 giờ ago

Xây dựng nền tảng từ khi còn trẻ để có tuổi già viên mãn

Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…

3 giờ ago

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc từ chối gặp người đồng cấp Hoa Kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã từ chối cuộc gặp với Bộ…

3 giờ ago