Vạn sự vạn vật đều tỏa ra từ nội tâm con người. Người nhìn sự vật như thế nào thì đều cho thấy nội tâm của người đó như thế ấy. Người có nội tâm thành thục lấy lòng bao dung mà thấu hiểu người khác, nên nhìn ai cũng thuận mắt, cũng quý trọng, cũng xót thương. Đây vừa là một loại trí tuệ, cũng vừa là một loại tu hành.
Vạn sự vạn vật trong thế gian đều có lập trường của bản thân mình. Có những sự tình khi đứng ở lập trường của bản thân mà nhìn thì thấy thực sự không hợp lý, không thuận mắt. Nhưng đối với người khác thì đó lại là hợp lý, thậm chí là điều vô cùng hạnh phúc. Ở lập trường, hoàn cảnh khác nhau, cùng một sự việc, người bình thường sẽ chỉ nhìn thấy cảm nhận của bản thân mình, còn người thành thục có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm nhận, từ đó mà hiểu được cảm nhận của người khác.
Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Bầy cá nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá.”
Huệ Tử vặn lại: “Ông không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?”
Trang Tử lại nói: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?”
Có rất nhiều khi trong cuộc sống, nhìn người khác không thuận mắt chưa hẳn là bởi vì người khác có chỗ không đúng mà chỉ là chúng ta chưa hiểu họ mà thôi. Người chưa thành thục thường cho mình là trung tâm, cho rằng hết thảy những gì mình nghĩ đều là đúng nhất, cho rằng những ý kiến không hợp với mình đều là sai lầm, là thấp kém. Người thành thục không như vậy, họ tôn trọng ý kiến bất đồng của người khác, cũng không tùy tiện bình luận sự việc khi chưa tìm hiểu kỹ càng.
Trong cuộc sống, khi nhìn người khác không thuận mắt thì đừng vội vã phán đoán, đánh giá mà nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, dụng tâm hiểu đối phương thêm một chút, tiếp nhận hơn một chút, bạn sẽ thấy thế giới như được mở rộng ra, cảnh giới mà bạn đạt được cũng rộng lớn hơn rất nhiều.
Thời Khổng Tử dẫn học trò đi chu du các nước, có một dạo thầy trò hết lương thực, bị đói bảy ngày liền. Học trò Nhan Hồi của Khổng Tử ra ngoài kiếm được một chút gạo mang về nấu cơm. Khi cơm vừa chín tới, Khổng Tử bất chợt nhìn thấy Nhan Hồi nhấc cái vung lên rồi cào một chút cơm đưa vào miệng.
Khổng Tử lặng lẽ làm bộ như chưa nhìn thấy gì, cũng không chất vấn Nhan Hồi. Đến lúc cơm chín, Nhan Hồi mang cơm canh dâng lên mời Khổng Tử ăn, Khổng Tử nói: “Thầy trò ta trong cơn khó nạn vẫn có cơm ăn, chúng ta nên dùng bát cơm sạch để cúng tế trước.”
Nhan Hồi lập tức chối từ nói: “Thưa thầy không được! Nồi cơm này con vừa mới ăn một miếng rồi, không thể dùng để làm cơm cúng được!”
Khổng Tử nhìn Nhan Hồi rồi hỏi: “Vì sao lại làm như vậy?” Nhan Hồi nói: “Bởi vì khi con nấu cơm, có một chút tro bụi trên xà bếp rơi vào nồi. Con thấy rằng nếu hớt miếng cơm dính tro đó vứt đi thì quả thật rất đáng tiếc vì thế con đã ăn miếng cơm đó.”
Để hiểu rõ một người, một sự vật, sự việc không phải chuyện dễ dàng. Hàng ngày, người Khổng Tử tin tưởng nhất chính là Nhan Hồi. Nhưng nhìn thấy Nhan Hồi ăn miếng cơm, ông còn có chút hoài nghi. Điều đó cho thấy nội tâm của một người rất khó có thể ổn định. Do đó, trước khi tìm hiểu sự việc, không nên tùy tiện dùng cái nhìn của mình để đo lường người khác.
Có đôi khi, cho dù là tận mắt nhìn thấy một sự tình nào đó nhưng chưa hẳn đã chính xác như chúng ta nghĩ. Phàm là việc gì đều phải suy xét, phân tích từ nhiều góc độ, mang tâm lý thận trọng, không để bản thân tạo thành hiểu lầm.
Cũng có rất nhiều lúc, một người nhìn người khác không thuận mắt, tìm mọi điểm của người ta để châm chọc, kỳ thực là bởi vì cảnh giới của bản thân chưa đủ.
Chuyện kể rằng một ngày nọ, một học giả lên chùa và ngồi thiền cùng một vị thiền sư. Một lúc sau, học giả mở mắt ra và hỏi thiền sư: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của ta thế nào?”
Thiền sư nhìn khắp thân học giả, sau đó gật gù khen ngợi: “Ngài ngồi thiền trông thật trang nghiêm vậy!” Học giả nghe xong vô cùng mãn nguyện.
Ngay sau đó, nhà sư cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy ta ngồi ra sao?”
Vì cố tình muốn trêu ngươi thiền sư, học giả cười khà khà rồi trả lời: “Ta nhìn ngài ngồi quả giống đồ bỏ đi!”.
Thiền sư nghe xong không hề khó chịu, chỉ mỉm cười và cũng không phản bác lại điều gì. Học giả vốn quen biết thiền sư đã lâu, tự cảm thấy mình đã thắng được thiền sư một phen nên lấy làm vui mừng lắm.
Vừa về đến nhà, học giả phấn khích kể lại với em gái của ông. Không ngờ, em gái nghe xong, chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười.
Học giả thấy hiếu kỳ, khó hiểu, bèn hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”
Em gái học giả nói: “Nhà sư vì trong tâm có thiện niệm, cho nên nhìn huynh ngồi thấy trang nghiêm. Còn trong tâm của huynh có đầy đồ bỏ đi nên huynh mới nói thiền sư như vậy!”
Nhìn người khác không thấy thuận mắt thì tốt nhất đừng nghĩ cách thay đổi người khác trước, mà nên điều chỉnh tâm tính của bản thân mình trước, lấy việc tu sửa bản thân làm gốc rễ của mọi chuyện. Như vậy mới có thể phát triển lòng bao dung và sự thiện lương của một người có nội tâm thành thục.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…