Trung Quốc từng đóng mẫu tàu chiến Việt Nam để đối phó phương Tây

Bất lực trước những tàu chiến hiện đại của phương Tây, nhà Thanh đã nghiên cứu và cho đóng 4 loại tàu chiến theo mẫu tàu của Việt Nam để phòng thủ, bên cạnh 4 mẫu của Anh và Mỹ.

Chiến tranh nha phiến lần 1

Năm 1839 Hoàng Đế nhà Thanh là Đạo Quang cấm việc buôn bán thuốc phiện và giao cho Lâm Tắc Từ xử lý việc này. Lâm Tắc Từ đã cho tịch thu 20.000 két thuốc phiện (khoảng 1.210 tấn), phong tỏa nghiêm cấm các hoạt động thương mại buôn bán thuốc phiện.

Các thương gia của Anh vì nguồn lợi của mình nên đã tác động đến chính phủ Anh nhằm gây chiến với nhà Thanh. Viện cớ quan lại nhà Thanh tịch thu và đốt 20.000 két thuốc phiện của các thương gia, quân Anh quyết định tấn công nhằm trả đũa.

Tháng 6/1840, quân Anh gồm 41 tàu chiến và 15.000 quân tiến đánh vùng duyên hải miền nam Trung Quốc như Quảng Châu, Hạ Môn; Lâm Tắc Từ đã chỉ huy quân đội phòng thủ và đánh lui các đợt tấn công này.

Chiến tranh nha phiến lần 1. (Tranh: Edward Duncan, Wikipedia, Public Domain)

Quân Anh liền tiến đánh vào Định Hải (thuộc Triết Giang), tập kích Hạ Môn, uy hiếp Thiên Tân và Bắc Kinh.

Tháng 5/1841, quân Anh tấn công Quảng Châu, rồi chiếm Thượng Hải, Bảo Sơn. Nhà Thanh buộc phải ký điều ước Nam Kinh, bồi thường chiến phí cho Anh – Pháp mỗi nước 8 triệu lạng bạc.

Hoàng Đế nhà Thanh tìm hiểu tàu chiến Việt Nam

Quân Anh sử dụng vũ khí hiện đại của phương Tây khiến quan quân nhà Thanh không biết đối phó thế nào. Lúc này Hoàng Đế Đạo Quang nhận được bản tấu của một thương nhân Đại Nam (tên nước Việt từ 1839, nhà Thanh hay gọi tên trước đó là Việt Nam) đang đòi nợ ở Quảng Đông, biểu tấu này cho biết “nước y thuyền súng lợi hại hơn quân Anh; nếu Thiên tử gửi văn thư sang yêu cầu, vua y sẽ sẵn sàng giúp”.

Được tin Hoàng Đế Đạo Quang không rõ thực hư thế nào, qua tìm hiểu các tài liệu thời đó phát hiện rằng thủy quân Việt Nam 2 lần đánh bại và đốt cháy các tàu chiến quân Anh, thì lập tức gửi chỉ dụ cho Tổng đốc Quảng Đông là Kỳ Cống điều tra xem thực lực Việt Nam thế nào. Chỉ dụ như sau:

“Ngày 18 tháng 8 năm Đạo Quang thứ 21 (tức năm 1841) phụng nhận chỉ dụ của Thiên tử rằng:

Trẫm nghe tin lúc Di Anh Cát Lợi tại Quảng Đông quấy nhiễu; bấy giờ một dân buôn Việt Nam có lời rằng Di Anh làm loạn thiên thường, mang binh xâm phạm; lại nói nước y giỏi chế thuyền pháo, công việc hoàn thành mau, các loại hoả khí tinh xảo hơn Anh Cát Lợi chế, nếu có hịch văn ban cho, nước này sẽ thuận tình ra sức.

Di phản nghịch gần đây mấy lần hoành hành quấy phá, tất phải tìm cách trừng phạt mạnh; Việt Nam có hay không là nước làm cho bọn nghịch này sợ hãi; thuyền pháo hoả khí có khả năng chế ngự vận mệnh của Di Anh hay không? Lời nói rằng ra sức cung thuận phải chăng thốt ra từ lòng chí thành, hay có mưu đồ gì khác? Nay ra lệnh cho Kỳ Cống, Lương Chương Cự điều tra mật, do thám một cách đích xác. Lại sau khi tiếp nhận dụ, hãy thông tri mật cho Tuần phủ Quảng Tây, Chu Chi Kỳ, cùng thám thính điều tra, rồi cứ sự thực tâu đầy đủ. Sự việc trọng đại, không được hàm hồ; lại cẩn thận đừng để tiết lậu, đó là điều hết sức quan trọng. Nay ban mật dụ để hay biết.”

Nhận được chỉ dụ của Hoàng Đế, Tổng đốc Quảng Đông là Kỳ Cống điều tra sự việc và báo lên Hoàng Đế với đại ý như sau: Mấy năm trước mấy chủ thuyền ở Quảng Đông bị sóng to gió lớn khiến thuyền trôi dạt ở Việt Nam, hàng hóa bị chìm hết, phải mượn tiền của một người Việt là Nguyễn Đắc Hồng để mua hàng. Nay Nguyễn Đắc Hồng đến Quảng Đông đòi lại số tiền này.

Nguyễn Đắc Hồng đến Nha môn Quảng Đông viết khẩn trình xin Nha môn giúp đòi lại tiền. Trong lúc ở Nha môn, Nguyễn Đắc Hồng biết chuyện quân Anh ỷ có vũ khí lợi hại khiến quan quân nhà Thanh không thể làm gì, liền viết một văn thư gửi lên Triều đình nói rằng Việt Nam chế tạo được những tàu chiến tốt, nếu Hoàng Đế gửi thư nhờ Vua nước mình thì có thể được giúp, chỉ 400 lạng vàng có thể có một tàu chiến.

Trong văn bản gửi Hoàng Đế, Kỳ Cống cũng nói rằng vào năm 1808 thủy quân Việt Nam từng đánh bại các tàu chiến của Anh. Tuy nhiên từ đó đến nay đã hơn 30 năm, các tàu chiến của Anh đã mạnh hơn, lại không có tái giao chiến nên không rõ quân Anh có sợ hãi Việt Nam hay không. Còn về việc tàu pháo của Việt Nam lợi hại đến đâu, thì do Quảng Đông ở xa Việt Nam nên chưa biết rõ, nên xin được do thám thêm để biết chi tiết. Biểu tấu này từ cuốn “Hải quốc đồ chí” quyển 7 của tác giả Ngụy Nguyên.

Thủy quân nhà Nguyễn. (Tranh: Nghiencuulichsu.com, Public Domain)

Quan lại nhà Thanh cử người đi do thám Việt Nam, trong đó một người là Chu Ngạn Tài vào Việt Nam buôn bán dò la tinh hình cho biết: Việt Nam nghe tin quân Anh gây sự với nhà Thanh nên cũng đóng thêm 7, 8 thuyền chiến. Mỗi thuyền có 3 cột buồm, hơn 40 mái chèo, dùng gỗ dài ván thẳng, thân thuyền làm bằng gỗ cứng, rất chắc chắn, nhưng kém linh động. Nước này có ít pháo đồng, pháo sắt cũng không nhiều.

Khi các tàu buôn nước ngoài đến đây, hai bên thương nghị cửa khẩu, rồi súng và pháo các tàu nước ngoài đều để lại trên bờ để quan quân giữ giúp, đợi lúc thuyền quay ra thì trả lại. Xem ra từ trước đến nay chỉ có Việt Nam sợ các nước đến gây chuyện, chứ chưa hề nghe nói các nước đến đây phải sợ Việt Nam.

Một người từng là cướp biển nay đã quy thuận Triều đình được cử sang Việt Nam thám thính đã báo rằng: Ở Việt Nam có các chiến thuyền như Kim Giải, Ngân Giải tuy chắc bền nhưng nhanh nhẹn.

Đường sông thì có thuyền Nha Xoa nổi tiếng, dài hơn 10 trượng, rộng 2 trượng, 100 mái chèo, nhanh chậm tùy theo gió, từng bị tàu cướp biển Trung Hoa đánh đắm mấy chiếc, xem ra không thể đối đầu với quân Anh.

Qua đó các quan nhà Thanh đều tâu về Triều đình rằng các tàu chiến của Việt Nam không đủ sức đương đầu với quân Anh.

Các bản tấu này đều có trong cuốn “Hải quốc đồ chí” quyển 7 của tác giả Ngụy Nguyên.

Thủy quân Việt Nam 2 lần đánh bại và đốt cháy tàu chiến quân Anh

Tuy nhiên tiến sĩ Ngụy Nguyên, bạn của Tổng đốc Lâm Tắc Từ, tác giả bộ sách nổi tiếng là “Hải Quốc Đồ Chí” 100 quyển lại phê bình những những biểu tấu gửi Hoàng Đế Đạo Quang về thủy quân Việt Nam, những lời này ông đều ghi trong cuốn “Hải Quốc Đồ Chí” quyển 7 của mình.

“Việt Nam 2 lần đánh bại Di Anh đều dụ thuyền chúng thâm nhập vào trong sông, rồi dùng thuyền nhỏ vây, đánh thắng. Loát thuyền Việt Nam phá địch, được ghi tại mục Tứ di môn trong Hoàng Thanh Thông Khảo, chứ không phải chỉ là chuyện tiểu thuyết. Lại thấy việc này trong Tứ Châu Chí ghi những điều Di Anh soạn; đó là công luận trong lòng địch, tức có sự thực, không phải là lời khoa trương truyền thuyết. Bảo rằng Việt Nam không có sở trường trên đại dương, nhưng có sở trường trong sông thì đúng; còn bảo Việt Nam sở trường đánh trên bộ mà không sở trường thuỷ chiến thì không đúng.”

Chiến thuyền nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19 ở Cảng Hải Phòng. (Tranh: Dick de Lonlay, Wikipedia, Public Domain)

Ngụy Nguyên cũng nhắc lại chuyện thủy quân Việt Nam từng đánh bại và đốt cháy 7 tàu chiến của Anh, từ đó cho rằng: “Chống giữ ngoài biển không bằng giữ tại cửa biển, giữ tại cửa biển không bằng giữ trong sông.”

Ông cho rằng 2 lần Việt Nam đánh bại quân Anh đều ở trên sông, chứng tỏ trên sông là sở trường của thuyền chèo. Bằng chứng là các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến ít bị thiệt hại vì các tỉnh này quen đánh trên sông nên quân Anh kiêng dè, trong khi các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô thì bị thiệt hại nặng.

Dùng mẫu tàu chiến của Việt Nam để chống lại phương Tây

Sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất bị thất bại, Tổng đốc Lâm Tắc Từ bị cách chức. Tháng 5/1841, ông lại được giao trọng trách phòng thủ phía đông tỉnh Chiết Giang. Lâm Tắc Từ rất quan tâm đến các loại tàu chiến, cuối cùng ông đã chọn ra 8 loại mẫu tàu, trong đó có 4 mẫu tàu của Anh và Mỹ, 4 mẫu tàu của Việt Nam.

Bức họa của Lâm Tắc Từ năm 1843. (Tranh: Alexander Murray, Wikipedia, Public Domain)

Qua nghiên cứu Lâm Tắc Từ cùng Tri huyện Dư Diêu của tỉnh Chiết Giang nhận thấy các thuyền chiến Việt Nam dài, ngắn, lớn, nhỏ khác nhau nên có thể tùy theo địa hình mà bố trí rất tiện lợi. Nên đã đề nghị chế tạo 4 loại thuyền chiến này để phòng giữ tại các cửa sông của Trung Quốc.

Lâm Tắc Từ ghi chép lại rằng:

“Phân bố những thuyền này tại Hỗ Môn Quảng Đông, Hạ Môn Phúc Kiến; Sạ Phố, Trấn Hải tại Chiết Giang; Thượng Hải Giang Tô, Thiên Tân tại Trực Lệ. Tuỳ theo nơi Di Anh đến, các thuyền dài, ngắn, lớn, bé cùng bảo vệ; chỉ đánh tại cửa biển hoặc gần bờ; như vậy thì chúng làm sao có thể hoành hành, liều lĩnh xâm nhập nội địa”.

Từ đó Lâm Tắc Từ đã cho đóng các loại thuyền chiến theo mẫu của Việt Nam, đặt ở con sông cửa biển ngăn các tàu Tây dương quấy nhiễu.

Trần Hưng

Dựa theo loạt bài viết “Sau Chiến Tranh Nha Phiến thất bại, Trung Quốc có ý định dựa vào Việt Nam” của Hồ Bạch Thảo.

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

5 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

10 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

32 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

2 giờ ago