Nguồn gốc tên gọi các tỉnh miền Trung là từ tiếng người Chăm, Thượng hoặc từ chữ Hán, âm Nôm, đến nay nhiều người không còn rõ ý nghĩa các địa danh này.
Khi nhà Lê mở rộng bờ cõi về phía nam, phủ Tư Nghĩa nằm trong Thừa tuyên Quảng Nam.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được giao trấn thủ vùng đất cực nam là Thuận Hóa và Quảng Nam. Năm 1602, Nguyễn Hoàng thực hiện cải tổ hành chính, trấn Quảng Nam được gọi là dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa được đổi thành phủ Quảng Nghĩa.
Tên gọi Quảng Nghĩa với ý nghĩa: “Quảng” là rộng lớn, “Nghĩa” là nghĩa khí, Quảng Nghĩa mang ý nghĩa là vùng đất tràn đầy nghĩa khí.
Sau này chúa Nguyễn Phúc Thái thường được gọi là Nghĩa vương hay chúa Nghĩa. Địa danh “Quảng Nghĩa” kỵ húy, vì thế mà Quảng Nghĩa được gọi thành Quảng Ngãi.
Năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh cho quân tiến đánh thành Quy Nhơn của quân Tây Sơn. Cuộc chiến quyết liệt diễn ra tại núi Hàm Long phía nam thành Quy Nhơn. Dù đây là nơi hiểm yếu nhưng quân Tây Sơn bị trúng kế “điệu hổ ly sơn” nên bị đánh bại, tướng Võ Đình Tú là 1 trong 7 hổ tướng (Tây Sơn thất hổ tướng) bị tử trận.
Sau khi chiếm được thành, Nguyễn Phúc Ánh cho đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định. Lý do đổi tên là do nơi đây là nơi phát tích của Triều đại Tây Sơn, vì vậy khi chiếm được vùng đất này, Nguyễn Phúc Ánh đã gọi nơi đây là “Bình Định” ngụ ý đã bình định được nơi phát tích của nhà Tây Sơn rồi.
Năm 1611, quân Chiêm Thành quấy rối vùng biên giới Hoa Anh, chúa Nguyễn cử Văn Phong đánh bại quân Chiêm đồng thời đuổi quân Chiêm Thành về phía nam đèo Cả, chiếm được vùng đất Hoa Anh, đồng thời đổi tên Hoa Anh thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân.
Hoa Anh vốn là vùng đất tranh chấp giữa người Việt và người Chăm. Tên gọi Phú Yên với mong muốn xây dựng nơi đây thành vùng đất trù phú giàu có và yên bình, không còn cảnh binh đao nữa.
Năm 1653, Chiêm Thành cho quân tấn công quấy nhiễu Đại Việt ở Phú Yên, Chúa Hiền sai Hùng Lộc đưa quân đến Phú Yên đánh bại quân Chiêm Thành, đồng thời vượt đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi theo quân Chiêm đến tận kinh thành nước Chiêm.
Vua Chiêm là Po Nraup chạy trốn khỏi kinh thành rồi sai con là Xác Bà Ân dâng thư xin hàng. Chúa Hiền đồng ý cho hàng, lấy sông Phan Rang làm biên giới, sáp nhập hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay), mở rộng thêm biên giới lãnh thổ.
Vùng đất này sau đó trải qua các tên gọi khác nhau. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên trước đó là trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hoà. Tên gọi Khánh Hoà (慶和) thì “Khánh” (慶) nghĩa là vui mừng, Khánh Hoà nghĩa là hòa cùng chung vui.
Phan Rang – Tháp Chàm là thành phố của tỉnh Ninh Thuận, được biết đến qua tòa tháp Po Klong Garai kỳ vỹ của người Chăm.
Phan Rang: Từ năm 1690 đến 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh thường cho quân vượt biên giới đến đốt phá giết hại dân Việt ở hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh.
Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại quân Chiêm Thành, đuổi theo tận đến kinh thành nước Chiêm, bắt được vua Chiêm giải về Phú Xuân.
Chúa Nguyễn cho sáp nhập đất Chiêm Thành vào lãnh thổ (nay là tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận), đặt tên là trấn Thuận Thành, lập ra phủ Bình Thuận.
Mặc dù Triều đình đặt ra tên như vậy, nhưng người Việt ở đây hay gọi theo tiếng người Chăm là Phan Rang.
Nguồn gốc tên gọi này là bắt đầu từ tiếng Phạn là Panduranga – đây là tên của một vị Thần, cũng là tên của Vương quốc Panduranga của người Chăm cổ xưa. DDịa danh này rất rộng lớn gồm từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Đồng Nai. (Xem bài: Lịch sử từ Panduranga đến Bình Thuận)
Người Chăm phát âm Panduranga là Pangdarang hay Panrang. Người Việt khi đến đây đọc thành Phan Rang.
Theo các nguồn sử liệu thì địa danh hành chính là đạo Phan Rang xuất hiện nào năm 1697.
Tháp Chàm: Để chỉ tháp Po Klong Garai hùng vỹ của người Chăm, người Việt gọi tên là Tháp Chăm hay Tháp Chàm.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Lượng mưa tại đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong vòng 48 giờ qua…
Phó Tổng thống Kamala Harris đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi thua…
CEO của TikTok gần đây đã liên hệ với chủ sở hữu của nền tảng…
Ngay cả những người được coi là anh hùng trong mắt thiên hạ, có thành…
Nguyễn Hữu Đạo là bậc danh y kỳ tài. Ông để lại 2 bộ sách…
Mới đây, một bác sĩ của Bệnh viện Trung ương số 3 Thiên Tân đã…