Nguyễn Hy Quang nhiều lần làm thầy Thế tử, gánh trọng trách trong triều đình. Ông là một vị quan thanh liêm, không bao giờ nhận quà cáp riêng, từng đảm nhận cả việc Nhiếp chính.
Theo “Thọ Xương Đông Tác Nguyễn thị Thế phả” soạn năm 1843 thì dòng họ Nguyễn Gia Miêu ngoại trang ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa đến Thăng Long vào giữa thế kỷ 15 thời kỳ Lê Sơ. Dòng họ này chọn định cư ở làng Trung Tự – Phường Đông Tác (nay thuộc phường Phương Liên – Quận Đống Đa – Hà Nội), và từ đó được gọi là dòng họ Nguyễn Đông Tác. Đây là một trong những họ dòng lâu đời ở Thăng Long cho đến nay.
Đến cuối thế kỷ 16, viên Thái phó là Việt Quận công lấy đất của họ này để lập quân doanh ở tây bắc Trung Tự. Do bị mất đất nên dòng họ phải tạm sang làng Kim Hoa ở kế bên.
Ở làng Kim Hoa được 4 đời, cũng tức là đến đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Đông Tác xuất sinh được Nguyễn Hy Quang. Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó nhưng Nguyễn Hy Quang rất cần cù học tập, thuở nhỏ có dung mạo khôi ngô, tuấn tú.
Một lần nhũ mẫu đưa Hy Quang ra hồ Dâm Đàm (tức hồ Tây ngày nay) tắm thì gặp một người nhìn Hy Quang và nói rằng: “Đây là bậc hiền năng như Trương Lương đời Hán, Ngụy Trưng đời Đường. Ngày sau tất sẽ làm việc lớn phò Vua giúp nước”.
Thuở nhỏ Hy Quang học ở nhà, sau đó được đưa đến học 2 năm với thầy Nguyễn Tự Huy ở huyện Đông Sơn – Thanh Hoá, rồi đến học với quan Trưởng sử họ Trần (huyện Chương Đức), sau đó về nhà tự học thêm 3 năm nữa.
Lúc này Nguyễn Hy Quang đã thông kim bác cổ, lại thông Nho thạo Nôm, biết y lý, phong thủy. Đề đốc Văn Phụng hầu Phạm Công Túc ở làng Kim Hoa vì mến tài mà gả con gái cho.
Năm 1657 khi đã 23 tuổi, Nguyễn Hy Quang dự kỳ thi Hương và đỗ đầu tức giải Nguyên. Vào đến thi Hội, ông vượt qua tam trường, nhưng đến trường tứ thì lại trượt. Năm 1670, ông thi đỗ kỳ thi Sĩ Vọng và được làm Giáo thụ phủ Thường Tín. 2 năm làm thầy đã khiến danh tiếng Nguyễn Hy Quang vang xa, ông không chỉ có tài năng mà còn có lối sống giản dị thanh bạch.
Danh tiếng Nguyễn Hy Quang bay đến Kinh thành. Năm 1673, chúa Trịnh Tạc mời ông vào Phủ làm tân khách. Nguyễn Hy Quang đã thể hiện được tài năng và phẩm hạnh cao quý của mình, được Chúa tin tưởng giao cho giúp cháu đích tôn là Lương Mục Công Trịnh Vịnh (con trưởng của Thế tử Trịnh Căn).
Sống trong phủ của Chúa, được biệt đãi trọng dụng, nhưng Nguyễn Hy Quang vẫn giữ lối sống giản dị khiêm nhường. Là người nặng lòng với Giang Sơn Xã Tắc, ông viết bài “Quân thần luận” nêu rõ đạo lý vua tôi, tài đức của người quân tử, làm thế nào để dùng được người có tài đức, và vấn đề yên dân, đặc biệt là vấn đề binh và hình.
Ông dâng lên chúa Trịnh Tạc “Quân thần luận”, Chúa xem xong đã khen rằng: “Bản Thập Tiệm của Ngụy Trưng cũng không hơn được”.
Nguyễn Hy Quang viết:
“Trị nước tuy có trăm đường, trị cương chẳng qua một sự. Dùng người mở lưới thu hết vào đã cho cơm gối cho áo, tùy tài đãi thấp cao đều xứng, cả làm cột bé làm rui.”
“Hiền thần là bề tôi ngay thẳng được Nghiêu Thuấn tín nhiệm như Tắc, Tiết, Cao Dao; còn trung thần là bề tôi ngay thẳng can ngăn bị Kiệt, Trụ giết như Long Bàng, Tỷ Can. Hiền thần có thể làm cho nước rạng danh, nhà vua được vinh dự, có thực danh. Trung thần thì chính mình bị tru diệt, vừa bị mang tiếng ác, chỉ có hư danh. Hai loại người đó khác nhau rất xa.”
Ông cũng trăn trở trong “Quân thần luận” rằng:
Trải xem đời trước thánh nhân
Cương cầm lấy chữ tri nhân làm đầu
Đêm ngày thức ngủ nhọc cầu
Được dùng nhân tướng mới hầu nải chuyên.
Trong “Quân thần luận”, Nguyễn Hy Quang dẫn chứng từ bài học lịch sử để Chúa không phạm phải sai lầm mà những nhân vật trong lịch sử từng mắc phải.
Nguyễn Hy Quang giúp đỡ đào tạo cháu đích tôn của Chúa là Trịnh Vịnh, tiếc rằng năm 1681 Trịnh Vịnh mất khi còn trẻ. Năm 1682 chúa Trịnh Tạc cũng mất, Thế tử là Trịnh Căn lên thay. Năm 1684, Chúa cử Nguyễn Hy Quang làm Lang trung bộ Lại kiêm Tri bộ Hộ.
Vì Trịnh Vịnh đã mất nên Trịnh Bách được chọn làm Thế tử. Trịnh Bính là con trai Trịnh Vịnh, cũng là cháu đích tôn của Chúa, được gửi gắm cho Nguyễn Hy Quang, để ông dạy dỗ.
Lúc này Trịnh Bính còn ít tuổi, Nguyễn Hy Quang tính lâu dài, muốn đào tạo Trịnh Bính thành người anh minh có thể lo cho Giang Sơn Xã Tắc, nên dạy dỗ Trịnh Bính rất cẩn thận và cặn kẽ, dùng Nho gia trị quốc.
Nhờ sự dạy dỗ chu đáo của thầy, Trịnh Bính dù tuổi nhỏ nhưng ngày càng ra dáng là bậc minh chúa. Chúa Trịnh Căn cũng ngày càng yêu quý cháu nội của mình.
Năm 1688, Thế tử Trịnh Bách mất, Trịnh Bính năm ấy 18 tuổi, nhờ Hy Quang dạy dỗ chu đáo nên thể hiện được là bậc minh chúa tương lai, được chúa Trịnh Căn chọn làm Thế tử kế thừa. Thế tử được phong tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, kiêm giữ cả chính quyền, chức thái úy, tước Tấn quốc công, mở phủ Dực quốc. Nguyễn Hy Quang được cử làm Nhiếp chính giúp Thế tử.
Gánh trọng trách quan trọng khi vừa là thầy, vừa làm Nhiếp chính cho Thế tử, Nguyễn Hy Quang gặp không ít gièm pha nghi kỵ, nhưng ông thường lấy khuôn phép của người xưa để vượt qua. Ông không bao giờ nhận quà cáp riêng, sống thanh bạch.
Sau khi đỗ Giải nguyên năm 1657, Nguyễn Hy Quang cùng dòng họ trong làng làm đơn lên quan nhằm đòi lại đất cũ ở làng Trung Tự bị lấy mất. Ông gửi gắm nỗi niềm trong bài thơ của mình:
Ngùi ngùi thương cảm tổ tông,
Dấu xưa vốn ở phường Đông truyền đời
Bây giờ đem tế đòi nơi
Hương hồn làm khách đất người bao an
Thêm buồn lòng kẻ thế gian
Thấy phiêu từng có loàn đan đôn bề
Trần tình một khải trên quỳ
Cõi phường lại được những về thôn Trung…
Tuy nhiên việc xét xử diễn ra rất nhiều lần, mãi đến năm 1674 thì họ Nguyễn Đông Tác mới được trở về đất xưa của mình ở làng Trung Tự sau 80 năm phải “ở nhờ” làng bên. Nguyễn Hy Quang cũng bỏ tiền bạc cùng người làng xây dựng làng Trung Tự đẹp hơn.
Năm 1691, Thế tử đã trưởng thành, Nguyễn Hy Quang được phong làm Công khoa Đô cấp sự trung tước Hiển Phương bá. Tuy nhiên cũng ngay trong năm ấy ông xin dược nghỉ hưu về lại làng quê của mình.
Nguyễn Hy Quang hay viết sách và làm thơ chữ nôm, cuốn “Quốc âm sự dẫn” của ông được xem là gia bảo của dòng họ Nguyễn làng Trung Tự.
Năm 1692, Nguyễn Hy Quang lâm bệnh nặng, Thế tử Trịnh Bính đến tận nơi chăm sóc thầy tận tình chu đáo, còn tự viết bài “mật đảo văn” cho thầy qua khỏi. Tuy nhiên đến ngày mùng 6 tháng 5 thì Nguyễn Hy Quan mất. Chúa thương xót cho nghỉ chầu 3 ngày.
Thế tử Trịnh Bính làm văn tế thầy mình, trong đó có đoạn:
“Học tất phải có thầy, lễ trước tiên là trọng Đạo. Chỉ có thầy giỏi mới truyền bảo cho trò tài năng và hoài bão để trị nước. Sớm được thầy dạy dỗ: học (dựa vào thầy) mới nên, đức là vốn (do mình) mà có, vận dụng những điều học được của thầy để thi hành giúp ích cho đất nước. Công lao to lớn ấy là của thầy. Nhớ đến những điều đã học xưa, nghe những lời giảng rõ ràng, được đọc những sách hay thương xót khôn cùng làm sao chịu được lễ truy điệu này. Dựa vào bình rượu Tắc làm sáng được trời dài, đất sâu, làm linh hồn thầy như còn đó. Thượng hưởng”.
Dù Nguyễn Hy Quang đã tận tụy dạy dỗ Thế tử, hy vọng tương lai sẽ có một minh chúa, nhưng tiếc thay, cũng như cha của mình, Thế Tử Trịnh Bính lại mất sớm vào năm 1703 khi mới 33 tuổi.
Con cháu của Nguyễn Hy Quang đều là những người đỗ đạt, giúp dân giúp nước. Con trai ông là Đặc tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng đỗ Tạo sĩ, sau được phong làm Thành hoàng làng. Con trai út Nguyễn Hy Hùng được phong tước Dũng Quận công. Cháu ruột là Nguyễn Trù đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Sửu, từng làm Hữu Thị lang bộ Hình và Tế tửu Quốc Tử Giám. Được trở về lại vùng đất cũ, dòng họ Nguyễn Đông Tác nhiều đời sau đều có người đỗ đạt, làm quan lớn trong Triều đình.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…