Nguồn gốc tên gọi các tỉnh miền Trung là từ tiếng người Chăm, Thượng hoặc từ chữ Hán, âm Nôm, đến nay nhiều người không còn rõ ý nghĩa các địa danh này.

Nghệ An

Năm 1030, vua Lý Thái Tông đổi tên Hoan châu thành Nghệ An, tên gọi Nghệ An xuất hiện từ đây.

Danh xưng Nghệ An (乂安) thì “Nghệ” nghĩa là cai trị, (乂) là vạch bát quái, gọi là hào. Theo kinh dịch các hào trên bát quái thể hiện quy luật của vũ trụ, chính là Thiên Đạo. “Nghệ” (乂) nghĩa là cai trị thuận theo Thiên Đạo.

Nghệ An (乂安) mang ý nghĩa cai trị thuận theo thiên đạo để an dân.

Thừa Thiên – Huế

Thừa Thiên: Khi vua Gia Long lên ngôi đã chia cả nước làm 23 trấn và 4 dinh, Thừa Thiên Huế thuộc dinh Quảng Đức. Năm 1822 vua Minh Mạng đổi tên Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, tên gọi Thừa Thiên bắt đầu từ đây.

Chữ “Thừa” trong Thừa Thiên nằm trong chữ “Phụng thiên thừa vận Hoàng Đế chiếu viết” nghĩa là phụng mệnh trời Hoàng Đế chiếu viết. Như vậy “Thừa Thiên” mang ý nghĩa phụng mệnh trời, làm theo ý trời.

Huế: Chữ (化) thì chữ Nho đọc là Hóa, còn âm Nôm đọc là Huế. Như vậy Huế cùng nghĩa với Hóa. Chữ “Huế” (化) mang ý nghĩa thái cực, nhìn từ chữ gốc giáp cốt có thể thấy rõ thái cực một âm một dương biến hóa liên tục. Chứ Hóa giáp cốt, tiếng Nôm đọc là Huế

Chữ Hóa giáp cốt, âm Nôm đọc là Huế

Xưa kia nơi đây được gội là Thuận Hóa (順化) bao gồm cả Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thuận hóa (順化) với chữ “Thuận” (順) mang ý nghĩa thuận Thiên, chữ “Hóa” (化) mang ý nghĩa thái cực biến hóa liên tục. “Thuận Hóa” mang ý nghĩa thuận thiên mà hành.

Chữ Huế xuất hiện trong tập thơ “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” của vua Lê Thánh Tông, trong đó có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then.”

Năm 1899 người Pháp muốn đẩy nhanh xúc tiến việc đô thị hóa, vua Thành Thái đã phải ban dụ thành lập thị xã Huế. Đến năm 1929, Huế được công nhận là thành phố đô thị loại 3.

Sau năm 1975, Huế là thành phố của Bình Trị Thiên. Năm 1989 tách tỉnh Bình Trị Thiên, thành phố Huế trực thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Quảng Nam

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập Thừa tuyên Quảng Nam. Đây là vùng đất tận cùng ở phương nam. Từ “Quảng” mang ý nghĩa rộng lớn, “nam” là chỉ phương nam, “Quảng Nam” mang ý nghĩa mở rộng về phương nam.

Đà Nẵng

Có rất nhiều nghiên cứu về nguồn gốc tên gọi Đà Nẵng. Theo cụ Bố Thuận, con của quan Pháp Aymonier lấy vợ người Chăm, làm ở Viễn Đông Bác cổ, thì từ cổ xưa người Chăm gọi nơi đây là Daknan, với “Dak” nghĩa là nước, “nan” nghĩa là rộng. Do nơi đây có con sông Hàn rộng lớn nên người Chăm gọi là Daknan nghĩa là sông lớn, người Việt đến đây đã phiên âm thành Đà Nẵng.

Đà Lạt

phuong tim
Con đường rợp bóng phượng tím ở Đà Lạt. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Xưa kia người Lạch sống ở cao nguyên Lang Biang. Nơi đây có suối Cam Ly, người Thượng gọi là Đạ Lạch, với Đa hay Dak nghĩa là “nước”, “Đạ Lạch” nghĩa là nước suối của người Lạch, theo thời gian người Việt đọc Đạ Lạch chệch đi thành Đà Lạt.

Năm 1944, Công sứ Cunhac là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng thành phố đã trả lời cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine rằng: “Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt”.

Khi người Pháp xây dựng xong thành phố thì lấy tên Đà Lạt để đặt tên cho thành phố này.

Nha Trang

Xưa kia người Chăm gọi nơi đây là Eatrang hay Jatrang, người Việt đến đây đọc thành Nha Trang. “Ea” hay “Ja” có nghĩa là dòng sông, “Trang” là lau sậy. Eatrang hay Jatrang chỉ dòng sông Cái chảy qua thành phố lúc bấy giờ, hai bên bờ có nhiều lau sậy nở hoa trắng xóa.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: