Lời người dịch: Đây là một bài ghi lại cuộc nói chuyện giữa một nhà báo Nhật với tiến sĩ Noriyori, người đạt giải Nobel hóa học năm 2001. Tôi đánh giá đây là một bài nói chuyện rất hay, thú vị và sâu sắc về giáo dục. Tôi dịch nó vì muốn đông đảo người Việt từ quản lý, giáo viên, phụ huynh tới học sinh, sinh viên đọc nó.
Nên nhớ, tiêu chuẩn của người Nhật rất cao và luôn hướng tới sự hoàn hảo, cải thiện không ngừng. Tính đến nay họ đã có hơn 20 người giành giải Nobel nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn và dừng lại.
Xin giới thiệu với các bạn bài phỏng vấn được đăng trên báo Nhật ngày 25/6/2019 (Link gốc để cuối bài).
Nguyễn Quốc Vương
*
“Vai trò tối cao của giáo dục là cống hiến cho sự duy trì văn minh nhân loại. Ngoài ra, nó còn can hệ đến vận mệnh nước ta. Tôi rất tức giận với xã hội và giáo dục hiện tại”. Tiến sĩ Noyori Ryoji, người nhận giải Nobel hóa học năm 2001 và hiện đang là giám đốc Trung tâm chiến lược phát triển nghiên cứu của Cơ quan chấn hưng khoa học kĩ thuật (JST-Japan Science and Technology Agency-chú thích của người dịch) đã bày tỏ mối lo ngại trước nguy cơ đặt ra cho Nhật Bản và nền giáo dục trong tương lai. Giờ đây, khi thời đại Reiwa mới bắt đầu, chủ nhân của giải Nobel sẽ nhìn nhận như thế nào về giáo dục Nhật Bản? Trưởng ban biên tập Kogiso Kosuke báo Giáo dục đã phỏng vấn tiến sĩ Noyori Ryoj.
Giáo dục Nhật Bản hiện nay đang đón chào thời kì cải cách mạnh mẽ. Kể từ khi thầy đảm nhận là chủ tịch Hội đồng tái sinh giáo dục[1] đã khoảng 12 năm và thời đại Reiwa đã bắt đầu, thầy nhìn nhận giáo dục hiện nay như thế nào?
Tôi không phải chuyên gia giáo dục. Tuy nhiên, tôi có rất nhiều điều muốn nói về tình trạng giáo dục xơ cứng này. Thật sự thì tôi rất tức giận. Về bản chất, tại sao lại cần có giáo dục? Trước tiên, là để từng người có được cuộc đời trăm năm phong phú. Là để đem lại sự sinh tồn độc lập và phồn vinh của đất nước. Ngoài ra việc duy trì văn minh nhân loại cũng là việc tối quan trọng và tôi nghĩ không được phép quên trụ cột đó.
Vấn đề là nếu thế thì cuộc đời, quốc gia và xã hội loài người sẽ như thế nào? Ở đó nếu như không có triết lý hay tư tưởng thì sẽ không thể nào có được giáo dục.
Tôi cho rằng vấn đề cơ bản là Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã học hỏi rất nhiều về dân chủ và nhân quyền từ Âu Mỹ nhưng đáng tiếc là vẫn duy trì nó bằng sự thụ động và không chia sẻ được “tầm nhìn quốc gia” (tiếng Anh gọi là National Vision), do tự mình nghĩ ra.
Giáo dục trường học thì như thế nào ạ?
Giáo dục trường học là thứ vì xã hội. Quyền sống tự do của cá nhân rất quan trọng nhưng giáo dục trường học nhất quyết không thể là thứ để thi đỗ trong kì thi tuyển sinh hay là để người học trở thành người lắm tiền hay người có quyền lực. Giới giáo dục, cho dù là Nhật Bản hay thế giới, đều phải giáo dục nên những người gánh vác xã hội mơ ước. Bởi vì việc tạo ra xã hội lành mạnh sẽ phản ánh hạnh phúc của từng công dân.
Nhật Bản không cần phải xếp hàng với nước khác mà từng bước phải giáo dục chu đáo thế hệ tiếp theo. Cả hành chính và cả hiện trường (chỉ trường học-chú thích của người dịch) đều phải giác ngộ điều đó.
Đồng thời phải xây dựng nên xã hội văn minh tôn trọng văn hóa đa dạng.
Xin thầy nói rõ hơn thế nào là văn hóa đa dạng?
Tôi cho rằng văn hóa được tạo thành từ 4 yếu tố. “Ngôn ngữ”, “Cảm xúc”, “Logic” và “Khoa học”.
Ngôn ngữ rất phong phú tùy theo từng khu vực nhưng khoa học chỉ có một mà thôi. Sự đa dạng của cảm xúc, logic nằm giữa ngôn ngữ và khoa học. Cần phải tôn trọng triệt để các yếu tố văn hóa này. Nhất quyết không được phá hủy chúng bằng sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế.
Tôi là nhà khoa học nhưng khi nghĩ về tương lai tôi cho rằng con người sẽ không thể sống nếu chỉ có tri thức khoa học kĩ thuật. Quả thật là nếu như không có tư tưởng lấy gốc rễ là văn hóa thì việc phác ra tương lai và thực hiện nó là không thể.
Để làm được thì phải giáo dục chăng?
Đúng như thế. Con người sống cùng với thời đại vì thế vấn đề là phải biết thời đại đòi hỏi điều gì. Giáo dục không thể là thứ giáo điều. Chắc chắn là giáo dục trong quá khứ và giáo dục hiện nay là khác nhau vì thế việc tạo ra thế hệ thanh niên sống vượt thoát thời đại bao gồm cả tương lai gần sẽ là vì cá nhân và cũng vì xã hội.
Nhìn từ lập trường của một nhà khoa học thì khoa học là gì?
Khoa học là thứ truy tìm chân lý.
Paul Gauguin có vẽ một bức tranh gọi là “Chúng ta từ đâu tới, chúng ta là ai, chúng ta sẽ đi về đâu” nhỉ. Tôi cho rằng khoa học sẽ là thứ đưa ra câu trả lời thích hợp.
Khoa học là thứ có tính khách quan cao và nó nuôi dưỡng nên những thứ chủ quan như là sự hoạt động, thế giới quan, nhân sinh quan, quan điểm về sinh tử của con người. Không phải là chuyện cống hiến cho cố gắng truy tìm lợi ích kinh tế mà đây mới chính là một trong những vai trò quan trọng nhất của khoa học với ý nghĩa thực sự của nó.
Một mệnh đề vô cùng lớn lao phải không ạ?
Đúng thế! Bởi vì khoa học có liên quan đến tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, rất khó để trả lời cho mệnh đề lớn lao đó. Vì vậy mà cá nhân con người sẽ lựa chọn vấn đề khoa học phù hợp với mình, nghiên cứu nó, và cho dù là nhỏ bé đi nữa, cũng tạo ra tài sản chung của nhân loại. Và rồi ai đó sẽ sử dụng tri thức đó.
Socrates đã từng nói về “biết cái không biết” và bản chất của giáo dục khoa học là nằm ở đó.
Con người cần phải biết khiêm tốn.
Tóm lại, phải hiểu rằng sau khi phát minh ra thứ gì đó thì phía sau lại sẽ còn thứ chưa biết lớn lao hơn.
Newton đã từng nói “Tôi có thể nhìn ra xa hơn bởi vì tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ”. Bản thân Newton cũng là nhà khoa học lớn nhưng ông đã “có thể nhìn xa hơn” là nhờ đứng trên những thành quả của Galileo và Kepler[2]. Bản chất của khoa học là tích lũy tri thức. Vì vậy, trong thời đại nào cũng vậy, thanh niên luôn là người thử thách sự không biết. Họ nghiên cứu tiêu chuẩn cao nhất và chinh phục những tri thức mới.
Học lực của thanh niên thế hệ tiếp theo thế nào, thưa thầy?
Để nói về chuyện đó thì tôi xin hỏi trước. Anh có hiểu để có được thành công trong tư cách là nhà khoa học thì cần đến những gì không?
Con mắt quan sát và cảm quan (sense) chăng?
Cái đó cũng cần nhưng mà không phải thế. Đó là việc tự mình tìm ra vấn đề hay và trả lời nó đúng đắn. Nó xuyên suốt cả lẽ sống.
Khi nói như vậy thì nhà báo cũng tương tự nhỉ. Việc tự mình tìm ra vấn đề hay là quan trọng số một.
Đương nhiên, đúng là như vậy. Nói về học lực cơ bản của thanh thiếu niên Nhật Bản thì khi nhìn vào kết quả điều tra quốc tế như PISA[3] hay TIMSS[4] thì thấy họ đang rất nỗ lực.
Tuy nhiên, vấn đề là sự học lại là sự tiêu cực. Không có việc đặt ra câu hỏi đối với giả thuyết một cách tích cực. Nếu như sách giáo khoa đã viết thì mọi chuyện dừng lại ở chỗ “A! ra là thế” và không tự mình suy nghĩ “liệu có phải thế không?” để rồi nỗ lực thử thách.
Thứ cần thiết đối với nhà khoa học sáng tạo không phải là sự thông minh mà là “bộ óc mạnh mẽ”. Phải tự mình có thể hỏi và trả lời, phải tự mình có thể tự học tự hành.
Sau đó là tới cảm quan và trí tò mò. Đấy là những thứ không thể thiếu.
Tiếp đó do phải thử thách những thứ mới mẻ cho nên phải là người chống lại quyền lực và quyền uy. Chuyện lấy lòng người trên hay thầy cô là vô dụng. Thầy cô và xã hội cần phải có cái nhìn ấm áp đối với sự tự do khoáng đạt này của thanh niên.
Vấn đề lớn hiện nay là có trí tò mò, có năng lực tự đặt ra câu hỏi, năng lực tư duy, năng lực trả lời. Những thứ này đang suy giảm. Bởi vì sao? Đó là do hệ quả của chủ nghĩa năng suất, chủ nghĩa kết quả đang bao trùm toàn thể xã hội. Thêm nữa,thực chất người ta không đòi hỏi kết quả thật sự-chế độ chỉ đánh giá hình thức không cho phép làm điều đó. Đánh giá về bản chất là để nâng cao giá trị của con người và vật nhưng nó chưa được như thế. Nếu như thiếu đi quá trình nắm bắt hình ảnh toàn thể của vấn đề, tự mình suy ngẫm và tìm ra câu trả lời thì việc nuôi dưỡng năng lực trí tuệ sẽ không thể nào làm được.
Họ có đủ năng năng lực nắm bắt hình ảnh toàn thể không?
Ví dụ như, nếu như tôi có một cuốn sách thì trước tiên tôi sẽ vừa lướt qua mục lục tuần tự từ chương 1, chương 2 đến chương 10 và chương 15 vừa tìm hiểu về cấu trúc học thuật toàn thể. Mục lục rất quan trọng.
Tuy nhiên, sinh viên đại học hiện nay nhìn vào phần chỉ mục mà không có mối quan tâm tới mục lục. Ví dụ như, khi đọc phần về lực vạn vật hấp dẫn thì họ nghĩ “Ố ồ, lực vạn vật hấp dẫn có ở chỗ này sao?”. Nếu là về tế bào chết thì họ đọc đúng phần tế bào chết và nghĩ “thế là rõ cái này rồi”. Vì thế mà tri thức không được hệ thống hóa và chỉ là các mạnh vụn lẻ tẻ.
Như vậy là chưa có cốt cách “đứng trên vai những người khổng lồ” phải không ạ?
Đúng, chưa có điều đó. Nó giống như là phóng “drone” lên và người ta chỉ xem được lác đác những chỗ họ muốn xem từ trước.
Tôi đã nói là năng lực tư duy, năng lực đưa ra câu trả lời suy giảm nhưng thứ mà tôi lo lắng nhất là chuyện “năng lực đặt câu hỏi” hầu như không có. Họ đã chìm sâu trong thói quen trả lời các câu hỏi mà người khác đã tạo ra.
Trẻ thơ tuy có trong mình trí tò mò nhưng chẳng phải là giáo dục trường học đã không cho phép chúng đặt ra sự nghi ngờ sao? Để tạo ra vấn đề hay có liên quan tới sự phát triển sẽ khó hơn rất nhiều so với việc tìm ra câu trả lời hay cho vấn đề có sẵn. Bởi vì có trả lời cho vấn đề vốn bình thường đã có thì cũng không tạo nên ý nghĩa gì nhưng không hiểu sao người ta không hiểu được chuyện đó.
Tuy nhiên, đây không phải là do học sinh kém cỏi mà chính là tư duy của quốc gia, xã hội đã làm cho nghiên cứu khoa học bị tổn hại.
Tôi đã làm việc với cương vị chủ tịch Hội đồng tái sinh giáo dục nhưng rõ ràng rằng phải tiến hành giáo dục bằng tổng thể toàn xã hội.
Không được phó mặc tất cả cho trường học. Không chỉ giáo dục trường học mà cả gia đình, hàng xóm, địa phương, giới công nghiệp, các tổ chức, con người ở tất cả các lĩnh vực đều phải có tấm lòng xây dựng giáo dục. Và rồi chính bản thân phía người dạy cũng học hỏi được nhiều điều từ đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nhìn vào giáo dục từ tiểu học đến đại học hiện nay sẽ thấy, giáo dục đang nghiêng về phía trường học. Và rồi mọi người thay vì thực hiện nghĩa vụ của mình thì kêu “Trường học tồi, giáo viên tồi” khiến cho giáo viên cô độc. Mặt khác, theo như tin tức từ phương tiện truyền thông thì có vẻ như cũng có rất nhiều giáo viên ích kỉ không xứng đáng là nhà giáo dục. Người làm giáo dục không được phép làm chuyện bất nghĩa.
Cho dù có giao phó tất cả cho giáo viên trường học đi nữa thì… Giống như người ta nói “cha nào con ấy”, họ sẽ không thể nào giáo dục nổi những trẻ em không được rèn giũa ở gia đình.
Tất nhiên tôi cũng nghĩ giáo dục trường học quan trọng và là hạt nhân của giáo dục nhưng nó lại luôn lấy môn giáo khoa làm trung tâm. Cả xã hội cần phải suy ngẫm về việc tạo ra những con người xây đắp xã hội hiện đại, tương lai và việc các cá nhân những con người đó sống hạnh húc.
Cái gì đã tạo ra sự méo mó đó? Và như vậy thì giới giáo dục nên làm gì?
Giới giáo dục của nước ta cần phải vừa tạo ra năng lực sống vượt lên trên hoàn cảnh xã hội mới mẻ cho từng cá nhân thanh niên đồng thời mở rộng tối đa tư chất, tư sản trí tuệ của toàn thể quốc gia. Do thiếu nhân tài ở tất cả các lĩnh vực cho nên tính cân bằng cần phải được chú ý.
Tôi thì cho rằng tác hại của kì thi tuyển sinh đại học là cực lớn. Sự cạnh tranh quá mức và vô ích làm tổn hại tính sáng tạo và cảm quan của lớp trẻ cần phải tránh nhưng thế lực thủ cựu trục lợi từ hiện trạng lại rất lớn.
Tất cả các lĩnh vực có liên quan đến giáo dục cần phải nhìn thẳng vào sự thay đổi của thế giới và giáo dục thanh niên gánh vác tương lai không xa.
Trước tiên, chuyện chỉ học các môn giáo khoa trong kì thi tuyển sinh là vấn đề rất lớn. Học lực rõ ràng là xương sống của việc quyết định đỗ, trượt. Tuy nhiên, căn cứ nào cho “tín ngưỡng” nghĩ rằng thành tích của kì thi viết là lời sấm truyền của thần thánh? Vị “thần” này biết một cách chính xác từng điểm trong số điểm mà từng thí sinh đạt được nhưng không hề hiểu được tí gì về nội dung con người ấy.
Trong việc lựa chọn người vào học, tôi nghĩ cần phải đưa ra quyết định tổng hợp dựa trên quan điểm khi vào học trường này, đại học này thì thanh niên sẽ trưởng thành như thế nào. Bằng kì thi viết có thể sẽ đo được lượng kiến thức mà thí sinh đã tích lũy trước đó nhưng sẽ hoàn toàn không phán đoán được sự trưởng thành khi sống trong thời đại chứa đầy sự bất định.
Trong cá nhân sẽ có cá tính và ý chí. Cả trường học cũng có cá tính và ý chí. Trường học sẽ giáo dục những thanh niên như thế nào? Tôi nói rằng các trường, trong tư cách là một pháp nhân, phải khảo sát kinh nghiệm trong quá khứ, kĩ năng, con người, chí hướng của thanh niên và lựa chọn một cách tự chủ, tổng hợp.
“Đánh giá” khác “phân tích” và về bản chất nó là chủ quan không phải khách quan. Mỗi đại học đều có nét đặc sắc riêng và chắc chắn là mỗi trường đều mong muốn các sinh viên khác nhau. Khoa văn với khoa Y, Đại học thể dục thể thao với Đại học ngoại ngữ, Đại học nghệ thuật sẽ không giống nhau.
Tất nhiên không được có sự phân biệt đối xử bất chính giống như kì thi tuyển sinh vào khoa y gần đây, khỏi cần phải nói cũng thấy các đại học có tính chất công cần phải minh bạch hóa các nội dung, quan điểm đánh giá dựa trên ý chí của mình trước và công khai chúng.
Nếu chỉ dựa vào sự chênh lệch về lượng thì sẽ không đo được bản chất của sự vật. Chắc chắn là sự vận động của thần kinh, đặc tính về văn hóa, cảm quan của con người sẽ không thể nào lượng hóa được. Vì vậy, phía trường học nơi tiếp nhận sinh viên cần phải có con mắt chu đáo riêng của mình. Khi mua bán hàng hóa nói chung thì dữ liệu khách quan có thể sẽ giúp ích. Tuy nhiên, việc giám định vẻ đẹp của tác phẩm mĩ nghệ hay tác phẩm văn hóa là rất khó khăn.
Hơn nữa, còn phải kể tới sự thú vị và lớn lao của con người. Sự lựa chọn người bạn đời yêu thương nhất đối với cuộc đời mỗi người nên được tiến hành sao đây? Sẽ không thể nào có được hạnh phúc bằng việc vật chất hóa, máy móc hóa con người và đánh giá bằng các chỉ số khách quan.
“Chủ quan thay vì khách quan” là sự xoay chuyển 180 độ trong phương pháp tuyển chọn phải không ạ?
Người ta cho rằng “chủ quan là thiên kiến vì thế không ổn”, “Kì thi viết là đánh giá khách quan công bằng nên rất tốt”. Thế nhưng có thật là cơ hội bình đẳng cho thanh niên được đảm bảo không? Người ta nói rằng việc có được kĩ thuật thi cử sẽ tốn rất nhiều tiền và nó có quan hệ nhân quả với việc năng lực kinh tế của cha mẹ chi phối việc có được cơ hội ấy. Nếu thế thì phương pháp tuyển chọn hiện hành chẳng phải là “Sự thiên kiến ở tầm chính sách” hay sao?
Đấy là sự tái xác nhận quyền thụ hưởng của một giai tầng nhất định và là một sự tổn thất lớn đối với tài nguyên con người ở tầm quốc gia. Việc quyết định vận mệnh của người trong cuộc từ giờ về sau ở thời điểm 18 tuổi bằng những nguyên nhân bên ngoài mà họ chẳng hề hay biết chắc chắn không phải là điều tốt đẹp. Ở đây tôi không thể nào hiểu được cái tốt đẹp của nó là gì. Cần phải đòi hỏi tư thế dốc lòng tấn công tạo ra cái có từ cái không thay vì tư thế thủ hiểm.
Trong khi thế giới đang hướng về sự đa dạng thì Nhật Bản tại sao lại quá quan tâm đến sự đồng màu? Có thể nó có quan hệ đến tính dân tộc nhưng tôi hoàn toàn không thể lý giải được nó.
Người ta cứ muốn nói chuyện thực tế với các hiệu trưởng ở Anh-Mĩ, nghe ý kiến của họ trong thế giới đang cạnh tranh nhân tài gay gắt. Bằng cách này liệu có đảm bảo được nhân tài ưu tú ngoài nước không? Cần phải loại bỏ sự công bằng hình thức dễ dãi và thực hiện đánh giá chủ quan có trách nhiệm.
Thêm nữa dân số 18 tuổi chỉ có 118 vạn người, so với 205 vạn người năm 1992 đã giảm đi gần một nửa. Khi nhìn vào tình hình tuyển sinh của các đại học tư thục thì cũng thấy rõ ràng sự khô cạn nhân tài trong nước. Ngoài ra nhìn vào sinh viên đại học thì do thiếu “tuần hoàn trí tuệ” (Brain Circulation) ở cả trong và ngoài nước cho nên nó đang ở trong tình trạng nguy hiểm cả về số lượng và chất lượng. Nếu cứ thế này thì chỉ còn cách ngồi chờ chết.
Nói thêm nữa thì môi trường của sinh viên đại học trong kì thi vào sau đại học rất tồi tệ. Giáo sư sau đại học lại đánh giá tuyển sinh chính những sinh viên mình đã dạy ở đại học. Chẳng bao giờ có chuyện cạnh tranh với các sinh viên tốt nghiệp các trường khác. Ở đó có sự xung đột về lợi ích. Ở Mĩ và các nước khác thì phần lớn người ta tránh chuyện sinh viên học lên sau đại học ở cùng một đại học đã học nhưng ở đây thì hoàn toàn không nghĩ đến điều đó.
Sinh viên cần phải có lòng can đảm để hoạt động, tu dưỡng như là những võ sĩ.
Ghi chú: Bài này được tái cấu trúc lại từ bài phỏng vấn đã đăng trên báo giáo dục.
Nguyễn Quốc Vương dịch
Link bài gốc tại đây
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Ghi chú:
[1] Hội đồng tái sinh giáo dục do chính quyền Abe lần 1 lập năm 2006 nhằm xem xét cải cách giáo dục. Hội đồng tuyển chọn 16 trí thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau và tiến sĩ Noyori đóng vai trò là chủ tịch. Sau khi chính quyền Abe lần 2 ra đời năm 2013, Hội đồng thực thi tái sinh giáo dục lại được tái lập.
[2] Nhà vật lý phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn. Galileo (1564-1642) là nhà vật lý người Italia đưa ra thuyết nhật tâm. Kepler (1571-1630) là nhà thiên văn học nổi tiến người Đức, người đã đề xướng “Những định luật của Kepler” đối với sự vận động của thiên thể.
[3] Điều tra về học lực của OECD
[4] Điều tra về xu hướng giáo dục toán học và vật lý quốc tế của Tổ chức đánh giá thành tựu giáo dục quốc tế (IEA)
Noryori Ryoji Sinh tháng 9 năm 1938, tốt nghiệp đại học kyoto, giáo sư Đại học Nagoya, tiến sĩ khoa học kĩ thuật. Năm 2000 nhận huân chương văn hóa, năm 2001 nhận giải Nobel hóa học. |
Ogiso Kosuke |
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…