Tu luyện không phải là một cái gì đó hoàn toàn biệt lập với xã hội đời thường, nó là một phần rất tự nhiên trong văn hóa xưa nay của nhân loại. Ngay cả ở các nền văn minh đã thành quá khứ, qua những di tích và tàn tích, người ta luôn tìm thấy dấu vết của tu luyện và việc thực hành tín ngưỡng. Nó có thể được tìm thấy trong đời sống hàng ngày như tư tưởng hài hòa giữa con người và tự nhiên, trong việc chú trọng vào đạo đức và luân lý của văn hóa truyền thống. Do vậy mới nói rằng tu luyện là một phần cốt yếu không thể tách rời của văn hóa.
*
Vậy tu luyện thực chất là gì? Bước đi thứ nhất của tu luyện tâm tính đó chính là làm người tốt, tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tam Tự Kinh (thuộc hệ tư tưởng Nho giáo) có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là bản tính con người là Thiện. Tuy vậy, nhân loại cũng có phần không thiện – nói theo cách của nhà Phật thì người ta có cả Phật tính lẫn Ma tính – nhưng cái gốc vẫn là phần Thiện. Vì vậy, khi phát huy phần lương thiện đó trong con người thì không chỉ tốt cho cá nhân thôi mà cũng là con đường đúng đắn của phát triển xã hội.
Nói cụ thể hơn, Nho giáo tuyên giảng luân thường đạo lý, ví như Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, cũng giảng tư tưởng Trung Dung. Như vậy Nho giáo không chỉ hướng dẫn con người cách làm người tốt, có ích cho xã hội, để lại một cơ sở cho sự ổn định ở xã hội Trung Hoa và những quốc gia lân cận trong hàng nghìn năm; mà cũng cho thấy bước đi thứ nhất của tu luyện chính là làm người tốt. Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín là giá trị cao hơn một bước so với chuẩn mực trung bình của nhân loại, do đó thực hành nó đến triệt để thì tức là bắt đầu tu tâm rồi.
Nhà Nho ngày xưa giảng tĩnh tâm, khi viết chữ cũng ngồi đả tọa, điều hòa hơi thở, v.v. đó không chỉ là thăng hoa tâm tính đơn thuần mà cũng là bước đầu của tu luyện. Tư tưởng Trung Dung của Nho giáo là xuất phát từ quan sát vận hành của vũ trụ mà thành. Vũ trụ này có đạo lý “vật cực tất phản”, do đó nên giảng Trung Dung. Có tiền cũng không nên dùng hết, có quyền cũng không tham cưỡng cho nhiều và không lạm dụng hết, v.v., vì vật cực tất sẽ phản. Nếu thực hành đến triệt để nguyên lý ấy thì đó không chỉ là phong cách làm người thôi, mà cũng là phương cách hòa hợp với vũ trụ, là bước đầu tiếp cận với Đạo rồi.
Người ta thường cho rằng Nho giáo là tôn giáo. Nhưng kỳ thực giá trị của nó không phải ở tôn giáo theo phương diện là một tổ chức nào đó; mà giá trị của nó là ở tư tưởng và sự cống hiến cho xã hội. Ví như Việt Nam cuối thế kỷ 19, thì coi như đã không còn tôn giáo này nữa, nhưng vẫn xuất hiện rất nhiều nhà Nho có cống hiến to lớn cho xã hội.
2.500 năm trước tại Ấn Độ cổ, vì sao thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ ngai vàng, từ bỏ người vợ thân yêu, từ bỏ vinh hoa phú quý để đi tìm Đạo? Vì Ngài muốn tìm ra con đường thoát khổ. Sau khi theo học nhiều vị thầy khác nhau, Ngài thiền định dưới gốc bồ đề và khai ngộ, hiểu ra con đường tu luyện. Ngài sau đó trở thành Phật Thích Ca, giảng ra luân hồi, nhân quả, và con đường giác ngộ giải thoát.
Đạo của Phật Đà chính là ở chữ “Thiện”, là tu Thiện, phát triển phần bản tính thiện lương trong con người, triển hiện Phật tính, ức chế Ma tính, ức chế các tâm không tốt ấy, ức chế, ức chế cho đến khi mất đi, cũng là đạt được thăng hoa về tâm linh. Khi Ma tính càng ít, Phật tính càng nhiều, thì định lực càng thâm sâu hơn. Trong Phật giáo là vô cùng chú trọng thiền định. Trong thiền định thâm sâu mà đạt được các trạng thái tham ngộ khác nhau, cuối cùng khai mở trí huệ, giác ngộ giải thoát. Cho nên cũng nói, con đường tu luyện mà Phật Thích Ca giảng là Giới-Định-Huệ. Giới luật là cách thức bỏ các tâm không tốt thông qua giới cấm, thông qua từ bỏ hành động và vật chất tương ứng. Phật giáo đưa ra nhiều giới luật cụ thể. Tuy vậy, muốn thực sự áp dụng giới luật đó mà tu luyện chân chính thì phải xuất gia, rời xa thế tục mà tu hành.
Đạo gia giảng tu Chân, trở thành Chân Nhân vô vi thanh tịnh, đắc đạo trường sinh, có liên quan mật thiết với tu luyện thân thể con người. Đạo gia thường yêu cầu độc tu, chọn nơi núi cao, thâm sơn cùng cốc. Năm đó Lão Tử không truyền rộng đạo của mình mà chỉ để lại kinh thư Đạo Đức Kinh rồi nhanh chóng rời khỏi chốn phàm tục.
Đạo Đức Kinh thể hiện niềm tin về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa con người và vũ trụ, và bao hàm cả đạo lý đối nhân xử thế. Nghĩa là cũng dạy con người từ làm người tốt, rồi thăng hoa trở thành người tu luyện, và cuối cùng mới đắc Đạo trở thành Chân Nhân. Tuy nhiên phần tu thân, dưỡng sinh, trường sinh cao thâm nhất, vốn là điều rất nổi tiếng của Đạo gia thì lại là mật truyền, không được người đời biết đến. Khi sư phụ Đạo gia thu một lứa đồ đệ thì nói chung, chỉ một người nhận được chân truyền.
Phật-Đạo-Nho, tam giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng suốt hàng nghìn năm. Đây chính là phần cốt lõi nhất của văn hóa truyền thống Á Đông chúng ta. Nó định hình nên xã hội, giáo dục đạo đức, luân thường đạo lý, đảm bảo trật tự của xã hội. Đồng thời trong đó tự nhiên cũng bao hàm nhân tố tu luyện, có khái niệm rằng vũ trụ này có nhân quả luân hồi, có con đường giác ngộ giải thoát của nhà Phật, cũng có con đường phản bổn quy chân của Đạo gia.
Xuất hiện muộn hơn vào khoảng 2.000 năm trước, tại vùng đất nằm giữa Á và Âu, đạo mà Chúa Jesus lưu lại đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống, đạo đức, văn hóa và con người phương Tây trong hàng nghìn năm sau đó. Cũng như các bậc tu hành khác, Chúa Jesus lưu lại nhiều Thần tích và truyền thuyết: biến nước thành rượu, chữa bệnh, đuổi tà ma, khiến người chết sống lại, v.v. Tương truyền rằng để chuộc tội cho những con người ông sẽ cứu độ, Jesus đã bị đóng đinh lên cây thập tự, chết, rồi sau đó phục sinh, xuất hiện trước các tông đồ trước khi quay trở về thiên giới.
Tâm điểm của tín ngưỡng Kitô cũng là tình yêu và tha thứ, đức tin, ý nghĩa của sự tồn tại và sự giải thoát dành cho con người. Những lời răn dạy của Chúa khiến con người có thể tuân theo mà làm người tốt, không bị cám dỗ bởi dục vọng mà sa đọa. Đức tin chân chính của Kitô giáo, nghĩa là hãy tin theo, làm theo răn dạy của Chúa. Như vậy, tin vào Chúa trời sẽ khiến người ta thăng hoa về tâm linh, để rồi khi chết đi thì linh hồn sẽ được cứu rỗi. Đây cũng chính là một phương thức để tu tâm.
Tựu chung lại, dù khác biệt về hình thức, điều các bậc tu hành xa xưa để lại cho nhân thế chính là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v, đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại. Người ta đến với tu luyện một cách tự nhiên. Ban đầu là làm người tốt theo giá trị văn hóa truyền thống, và ai nếu quyết tâm tiến lên bước nữa, thì chính là tu luyện.
Sau sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, rồi sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều khi chúng ta đắm chìm vào con đường phát triển theo hướng của cải vật chất, mà lãng quên rằng, con người còn có phần tâm linh: đạo đức, tình yêu bác ái, đức tin, tín ngưỡng, v.v. những giá trị phổ quát mà vốn luôn có trong mọi nền văn minh. Trong chu kỳ văn minh lần này, đã từng có Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, Nho giáo, v.v. chính là phần tâm linh ấy.
Suốt nhiều thập kỷ, nhân loại đã luôn nỗ lực tìm kiếm tri thức và khẳng định bản thân. Nhưng trong nền văn minh vật chất quá nhiều giới hạn này, chúng ta đã thất bại trong việc đạt được một nhận thức cao hơn về tồn tại của con người và vũ trụ. Đời sống tinh thần của con người trở nên mờ nhạt, khái niệm thiện ác hỗn loạn, thẩm mỹ truyền thống trở thành một giáo điều, tôn giáo biến tướng khiến con người chỉ “theo” mà không thật sự “tin”.
Tất nhiên, một lý do không thể không nói đến, đó chính là các đường lối tu luyện cổ xưa, nếu triển khai theo cách cổ xưa, thì đúng là rất khó phù hợp với xã hội hiện đại.
Các tín ngưỡng cổ xưa, bao gồm cả Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo… ở trạng thái nguyên thủy thì đều xuất hiện việc rời bỏ cuộc sống phàm tục để tu luyện, sau mới dần dần thuận theo nhu cầu làm người tốt của nhân loại mà phổ cập nơi thế gian. Nhưng thật sự muốn chân tu thì tín đồ vẫn phải vào thánh đường, chùa chiền, đạo quán. Xưa kia người xuất gia lên chùa, lên núi; sau này cha mẹ vợ con đi tìm có gặp thì chỉ được gọi là “thí chủ”. Điều ấy con người hiện đại có thể chấp nhận được chăng? Để đi tìm Đạo, cổ nhân có thể lặn lội tới nơi thâm sơn cùng cốc, chịu đựng trong tịch mịch và cô đơn đến hết đời. Để có cơ may được chân truyền, mật truyền, cổ nhân phải vứt bỏ mọi thứ vật chất, thậm chí phải cắt đứt duyên phàm tục. Những điều ấy con người hiện đại có thể chấp nhận được không? Để chân chính tu luyện đắc đạo thời xưa là khó như vậy đấy.
Trong xã hội hiện đại, nếu có một phương pháp tu luyện hoàn chỉnh có thể giúp thăng hoa đạo đức, tâm tính, đồng thời gìn giữ một thân thể khỏe mạnh, thuần khiết ngay giữa đời thường, thì đó có thể sẽ là con đường duy nhất giúp nhân loại ngày nay đạt tới sự giải thoát; không chỉ giảng về đạo đức xã hội mà còn tiến tiếp đến tu luyện tâm tính. Vậy có chăng một Đạo phổ cập, chân truyền chứ không mật truyền, mà cho phép con người ta tu luyện cả tâm lẫn thân, tính mệnh song tu? Có chăng một Đạo có thể cho phép con người ta tu giữa đời thường?
Minh Trí
Xem thêm: