Lý Thần Tông là vị Vua thứ 5 của nhà Lý, đây là vị Vua có xuất thân đặc biệt. Ghi chép các sách sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” cho thấy ông là kiếp sau của thiền sư Từ Đạo Hạnh, còn gia phả họ Dương cũng bổ sung thêm rằng ông vốn mang họ Dương.
Theo lịch sử thì vua Lý Nhân Tông không có con trai, nên nhận con trai của em mình là Sùng Hiền hầu nối ngôi. Cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng:
“Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiều hầu (không rõ tên) cũng chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, Hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì báo cho tôi biết trước để cầu khấn với sơn thần”. Ba năm sau, phu nhân có mang sinh con trai là Dương Hoán”.
“Bính Thân, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 7 [1116] , (Tống Chính Hòa năm thứ 6). Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước là phu nhân của Sùng Hiền Hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán.”
Năm 1128 vua Lý Nhân Tông mất, Dương Hoán mới 11 tuổi lên kế vị, hiệu là Lý Thần Tông. Đến năm 1136 vua Lý Thần Tông bị bệnh nặng, các danh y đều chữa không khỏi, duy chỉ có nhà sư Minh Không là chữa khỏi bệnh cho Vua.
Theo dân gian thì sự việc sư Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Thần Tông là được thiền sư Từ Đạo Hạnh dặn trước. Vì trước đây sư Minh Không có tên là Nguyễn Chí Thành và là học trò của sư Đạo Hạnh. Khi đấy sư Đạo Hạnh đã đưa thuốc và dặn 20 năm sau dùng thuốc này cứu Vua.
Chính sử là cuốn sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng viết về việc này:
“Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này)”.
Theo dân gian thì thiền sư Từ Đạo Hạnh khi mất đã đầu thai làm con trai của Sùng Hiền hầu và sau này chính là vua Lý Thần Tông. Sư Đạo Hạnh cũng đã biết trước 20 năm sau mình bị bệnh nặng, nên đưa thuốc và dặn học trò là Minh Không dùng thuốc này để cứu mình.
Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên chọn con của em mình là Sùng Hiền hầu nối ngôi. Các nguồn sử đều nói rằng Sùng Hiền hầu là em vua Lý Nhân Tông, nhưng lại không nói rõ là em như thế nào và tên gì? Theo cuốn “Dương Tộc kỷ sử” do Thừa tướng Dương Đình Tiến ghi chép lại thì Sùng Hiền hầu là em của Hoàng hậu Dương Phương Hoài, tên là Dương Công Khanh.
Chị em Dương Phương Hoài và Dương Công Khanh đều là con của Thừa tướng Dương Đình Tiến, mà “Dương Tộc kỷ sử” do chính tay Thừa tướng Dương Đình Tiến ghi chép lại.
“Dương Tộc kỷ sử” ghi chép rằng Thừa tướng Dương Đình Tiến có người con gái vô cùng xinh đẹp là Dương Phương Hoài được gả cho vua Lý Nhân Tông. Dương Đình Tiến có người con trai và cũng là em của Hoàng hậu Dương Phương Hoài là Dương Công Khanh – được phong tước Quận Công gọi là Sùng Hiền hầu.
Như vậy Sùng Hiền hầu là em vợ của Vua chứ không phải em Vua và mang họ Dương. “Dương Tộc kỷ sử” cũng ghi nơi xuất thân của Sùng Hiền hầu là “sinh trú quán tại Long Vĩ, Cổ Pháp, xứ Kinh Bắc, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đình Bảng)”.
Ngoài nguồn tài liệu trên, còn có cuốn “Lý tộc, Dương tộc gia phả” ghi chép vào thời nhà Trần, đến thời Lê Trung Hưng được Dương Hữu Tự biên soạn lại. Đến năm 1970 có ông Dương Văn San ở Ý Yên, Nam Định có được cuốn tộc phả này, đã bị mục nát nhiều, nhưng ông San đã chép phần chữ còn lưu và dịch lại.
Cuốn Tộc phả này ghi chép họ Lý có 4 đời Vua là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Còn từ đời vua Lý Thần Tông thì thuộc về Dương tộc.
Phần vua Lý Nhân Tông cuốn Tộc phả này chép rằng: “Vua không có con nối dõi, nuôi cháu ngoại Dương Hoán là con Sùng Hiều hầu Dương Công Khanh”.
Năm 1128 vua Lý Nhân Tông mất, di chiếu cho Dương Hoán kế thừa ngôi vị. Lợi dụng vua Nhân Tông vừa mất, vua Lý Thần Tông nối ngôi chỉ mới 11 tuổi, Đế quốc Angkor huy động hơn 2 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Vua cử Thái phó Lý Công Binh đưa quân đến đánh, bắt được tướng giặc, từ đó đất đất nước yên ổn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…