Trong cuộc nội chiến nhà Nguyễn – nhà Tây Sơn (1771-1802), cũng như trong nhiều cuộc nội chiến khác trên thế giới, sự kết hợp, bổ sung lực lượng quân sự cơ hữu với những lực lượng khác từ bên ngoài là nhu cầu không thể thiếu nhằm hoàn thiện chiến lược và chiến thuật của mỗi bên. Với chúa Nguyễn Ánh, đó là sự tăng cường quân Xiêm trong một giai đoạn chiến thuật ngắn ngủi và sự thu nạp những chuyên gia quân sự người Pháp trong một mục tiêu dài hơi hơn. Với nhà Tây Sơn, đó là sự kết nạp các lực lượng quân sự của người Hoa trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy và các thành phần cư dân mà giáo sư sử học người Mỹ George Dutton, tác giả quyển The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn), gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”, trong đó đáng kể nhất là lực lượng hải tặc Trung Hoa.
Tiếp theo loạt bài:
Theo nhiều tư liệu lịch sử, vào nửa sau thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, lực lượng hải tặc tại các vùng biển phía nam Trung Hoa và phía đông nước Đại Việt hoạt động rầm rộ đến nỗi một số hòn đảo nhỏ trên các vùng biển này được các bản đồ phương Tây ghi là “đảo hải tặc”. Vào thời kỳ đó, do áp lực kinh tế phát xuất từ các chính sách sưu cao thuế nặng, một cộng đồng dân cư khá đông đúc sống trên thuyền hay dùng thuyền để kiếm sống đã dễ dàng chuyển thành hải tặc. Họ chọn việc cướp bóc trên biển là một nghề nghiệp lâu dài hoặc đơn thuần chỉ là một phương cách tạm thời để kiếm thêm thu nhập.
Ngay thời gian đầu tiên nắm lấy quyền bính, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã chú ý đến lực lượng hùng hậu này. Ông ban chỉ dụ kêu gọi họ qui phục triều đình Tây Sơn, gia nhập vào đạo quân có sẵn dưới quyền ông. Sự tuyển mộ hải tặc diễn ra dưới hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Việc tuyển mộ trực tiếp được thực hiện bởi một vài nhân vật tiếng tăm, được các nhóm hải tặc nể trọng, tuân phục, còn hình thức gián tiếp thông qua các chỉ dụ, những lời kêu gọi phổ biến trong các tầng lớp xã hội lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, việc qui phục, tham gia vào lực lượng Tây Sơn của các nhóm hải tặc không có nghĩa là chúng hoàn toàn từ bỏ hình thức kiếm sống cũ, mà chỉ có nghĩa là chúng chuyển các hoạt động theo một hướng có lợi hơn cho bản thân chúng và cho nhà Tây Sơn là tổ chức chính thống có thể vừa bảo vệ chúng (khỏi sự tróc nã của nhà Thanh), vừa tạo điều kiện để chúng hoạt động có hiệu quả hơn. Để việc thu nạp và phối hợp với các lực lượng hải tặc đạt kết quả tối đa, nhà Tây Sơn đã sử dụng một số người Hoa nổi bật trong hàng ngũ này và phong họ những chức tước cao ngất. Năm 1783, nhà Tây Sơn bắt giữ một người Hoa tên Trần Thiên Bảo, thuyết phục được ông ta theo về và phong cho chức Tổng binh, tước Đức Hầu, cho được quyền tuyển mộ hải tặc phục vụ cho mục đích chung và phong địa vị cho các lính tân tuyển. Một người Hoa khác là bạn của Trần Thiên Bảo, tên Lương Khuê Hiệp cũng được phong tước Hiệp Đức Hầu. Cả hai đã tham gia tích cực vào chiến dịch Bắc tiến của nhà Tây Sơn nhằm chiếm lấy kinh đô Phú Xuân và đất Thăng Long vào năm 1786.
Không dừng lại ở những chức tước đã vào hàng cao cấp trong quan chế lúc bấy giờ, nhà Tây Sơn còn phong tước Đông Hải Vương cho một tay cầm đầu hải tặc tên Mạc Quan Phù, trong khi một thủ lãnh hải tặc khác là Ô Thạch Nhị cũng được phong Bình Ba Vương vào năm 1797. Như vậy, thời vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản của nhà Tây Sơn là thời cực thịnh của sự hợp tác giữa phong trào này với các nhóm hải tặc Trung Hoa hoạt động ngoài biển đông. Điều này cũng dễ hiểu: từ nửa sau thập niên 1790 trở đi, quân đội của chúa Nguyễn ngày càng lớn mạnh, quân đội Tây Sơn ngày càng suy yếu.
Hải tặc Trung Hoa hoạt động rộng khắp các vùng biển Đại Việt và phục vụ nhà Tây Sơn cho đến những giây phút cuối cùng của chế độ này. Đạo quân hải tặc của Mạc Quan Phù có hơn một ngàn người; một người cầm đầu hải tặc khác là Trịnh Thất cũng có trong tay hơn 200 tàu thuyền. Khối lượng binh sĩ và tàu thuyền đó rất hữu dụng cho nhà Tây Sơn, giúp họ kiểm soát đường biển một cách hữu hiệu và tăng cường năng lực chiến đấu cho bộ binh trong những cuộc chiến khốc liệt với quân nhà Nguyễn trên đất liền. Năm 1798, hải tặc Trung Hoa theo nhà Tây Sơn đã chạm trán với quân chúa Nguyễn ở Khánh Hòa và năm sau (1799) cùng quân Tây Sơn bảo vệ Qui Nhơn, chống lại một cuộc tấn công có tính quyết định của quân nhà Nguyễn.
Sự hợp tác giữa nhà Tây Sơn và các nhóm hải tặc về mặt tài chánh là một yếu tố khá mới mẻ so với những hiểu biết đương thời. Theo George Dutton:
Được đánh giá cao do khả năng hạn chế các hoạt động của con người, bọn hải tặc cũng có ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc nơi trú ẩn an toàn trong Vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần trăm những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được. Với những nhà giàu có đi qua vùng biển này, hoạt động tuần tra có lợi rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi mùa xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến thì chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. Murray viết rằng các hải tặc sẽ nộp của cải cướp được cho nhà Tây Sơn (ít nhất về mặt lý thuyết); Tây Sơn lại mang bán chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hải tặc.
Gặp dịp hải tặc tịch thu được toàn bộ tàu, có ít nhất một trường hợp tàu được mang đến Phú Xuân, sử dụng trong đội thủy quân Tây Sơn. Đôi khi các lãnh đạo Tây Sơn ban ra những hướng dẫn đặc biệt cho đồng minh hải tặc của họ, chẳng hạn như yêu cầu chúng mở những chiến dịch cướp bóc trên đất Quảng Đông hay những tỉnh duyên hải khác của Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, nhà Tây Sơn cung cấp tàu cho hải tặc và khuyến khích chúng dùng những tàu này để tuyển mộ thêm người vào hàng ngũ của chúng.
(The Tây Sơn Upising – University of Hawaii Press 2006, trang 223 -224).
Có những lúc bọn hải tặc Trung Hoa bắt cả người để đòi tiền chuộc. Một người Pháp có tên “Savard” bị một tàu hải tặc với thủy thủ đoàn cả người Việt lẫn người Hoa bắt giữ và bị giam giữ nhiều năm sau đó trên một hòn đảo. Tùy vào mức độ phản kháng của nạn nhân, bọn hải tặc có thể tàn sát tất cả thủy thủ của những chiếc tàu mà chúng gặp phải. Cuối cùng, xin mượn một nhận định khá tinh tế của George Dutton để làm lời kết cho chủ đề mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc Trung Hoa:
Kết luận rằng trộm cướp và hải tặc giữ vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không nhằm làm mất uy tín các lãnh tụ phong trào, như ý đồ của các sử gia triều Nguyễn. Cần trung thực hơn khi miêu tả thành phần phức tạp của cuộc nổi dậy, phản ánh tính không đồng nhất của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII. Cũng như đối thủ của họ là chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn trước tiên là những kẻ thực dụng, trong việc tuyển mộ quân đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội, và kinh nghiệm, mà chỉ nghĩ đến những con số tuyệt đối. Đối với người tuyển mộ của nhà Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp biển không phải là một tên tội phạm cần tiêu diệt, mà là một người có kinh nghiệm chiến đấu, có thể tự trang bị vũ khí, sẵn sàng thách thức nhà cầm quyền…
(The Tây Sơn Uprising – sđd, trang 227-228 – LN dịch).
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả (có bổ sung hình ảnh và chú thích minh họa)
Đăng lại từ báo Trí Việt News, độc giả quan tâm có thể tham khảo tại triviet.news
Xem thêm:
Mời xem video:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…