Kẻ đào mỏ “gold digger” (ảnh minh họa Shutterstock / Jaroslav Moravcik)
“Anh ta còn ngoan hơn cả một con chó… Ước gì có thêm vài tên đần như vậy nữa,” một nhân vật nữ khoe khoang trong một trò chơi điện tử. “Muốn biết một người đàn ông có thực sự yêu bạn hay không? Hãy xem anh ta chi bao nhiêu tiền,” lời thoại của một nhân vật nữ trong tựa game nói. Trò chơi điện tử mới được phát hành ấy đã gây ra một cuộc tranh cãi về định kiến giới tính tại Trung Quốc.
Trong trò chơi hành động tương tác mang tên “Trả Thù Kẻ Đào Mỏ”, người chơi nhập vai nhân vật nam giới tiếp xúc với những người phụ nữ. Họ tìm cách thao túng dụ dỗ anh vào các mối quan hệ, chỉ nhằm mục đích moi tiền của anh, tức là họ là những ‘kẻ đào mỏ vàng’ (gold digger). Trong trò chơi, cách mà người đàn ông phản ứng sẽ quyết định hướng phát triển của câu chuyện.
Chỉ vài giờ sau khi phát hành vào tháng Sáu, trò chơi đã leo lên đầu bảng doanh số bán chạy nhất trên nền tảng Steam.
Thế nhưng, làn sóng chỉ trích cũng nhanh chóng bùng nổ ngay sau đó. Nhiều người cáo buộc trò chơi này cổ súy cho những định kiến giới tính mang tính xúc phạm, trong khi những người bênh vực thì cho rằng trò chơi giúp cảnh tỉnh mọi người về các vụ lừa tình trá hình.
Tranh cãi dâng cao đến mức nhóm sáng tạo ra trò chơi phải âm thầm đổi tên trò chơi thành “Mô phỏng Phòng chống Lừa đảo Tình cảm” chỉ sau một ngày phát hành.
Tuy nhiên, cách làm đó không đủ để cứu vãn tình thế. Đạo diễn chính của trò chơi –đạo diễn điện ảnh Hồng Kông Mark Hu– hiện đã bị cấm hoạt động trên nhiều nền tảng truyền thông mạng xã hội tại Trung Quốc.
Nhóm phát triển trò chơi khẳng định họ không hề có ý định “tấn công nữ giới”, thay vào đó, họ chỉ mong muốn tạo ra một diễn đàn “đối thoại cởi mở về ranh giới tình cảm và những vùng xám trong các mối quan hệ hiện đại.”
Họa sĩ Xu Yikun (Từ Di Khôn), một nghệ sĩ từng trải nghiệm trò chơi và cho rằng trò chơi này hết sức xúc phạm, đã bác bỏ lời giải thích ấy.
Bà Xu cho rằng đây là một “thủ đoạn kinh doanh cũ rích: Phát triển mạnh nhờ tạo ra nội dung gây tranh luận và chia rẽ để trục lợi.” Những người chỉ trích như bà Xu cho rằng riêng cái từ “kẻ đào mỏ” (gold digger) đã mang hàm ý miệt thị phụ nữ.
“Đó là cái mũ mà người ta thường xuyên chụp vào đầu phái nữ. Những trò đùa mang tính kỳ thị giới tính cùng với những cụm từ miệt thị như vậy đang tìm đường len lỏi vào ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày của chúng ta,” bà Xu phát biểu.
“Nếu quý vị có bạn trai giàu, quý vị sẽ bị gọi là kẻ đào mỏ. Nếu quý vị cố gắng làm cho mình trông chỉn chu xinh đẹp, quý vị cũng bị gán mác kẻ đào mỏ… Thậm chí chỉ cần quý vị nhận một ly nước từ người khác, thì cũng đủ để bị gọi như thế,” bà Xu nói thêm.
Tuy nhiên, một số người chơi cho rằng những lời chỉ trích đang thổi phồng quá mức.
Ông Zhuang Mengsheng (Trương Mạnh Sinh), 31 tuổi, sử dụng mật danh thay vì tên thật phát biểu với BBC: “Trò chơi đâu có nói tất cả phụ nữ đều là những kẻ đào mỏ… Tôi không thấy nó công kích bất kỳ giới tính nào cả. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể là những kẻ đào mỏ.”
Thế nhưng, trong trò chơi, tất cả các nhân vật “đào mỏ” đều là phụ nữ. Từ những cô gái trẻ hoạt động trên mạng xã hội cho đến những nữ doanh nhân thành đạt, tất cả đều được khắc họa là những kẻ dụng mưu để khiến cánh đàn ông hào phóng chi tiền tặng quà cho họ.
“Muốn biết một người đàn ông có thực sự yêu bạn hay không? Hãy xem anh ta chi bao nhiêu tiền,” một nhân vật nữ trong tựa game nhận định.
Ngay cả các phương tiện truyền thông địa phương cũng đưa ra quan điểm chia rẽ vì trò chơi này. Một tờ báo tại tỉnh Hồ Bắc nhận định rằng trò chơi “gán cho toàn bộ cả một giới tính là những kẻ lừa đảo.”
Nhưng Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh lại khen ngợi tính “sáng tạo” của trò chơi, viện dẫn con số thiệt hại do lừa đảo tình cảm ở Trung Quốc đang tăng cao –khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (279 triệu USD) trong năm 2023– theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống Lừa đảo Quốc gia.
“Chúng ta cần phải chấm dứt ngay các hình thức lừa đảo tình cảm,” tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh nêu rõ trong bài xã luận.
Mặc kệ thiên hạ tranh cãi thế nào, doanh số trò chơi vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Hiện nay, trò chơi này đã lọt vào danh sách mười tựa game PC hàng đầu bán chạy nhất tại Trung Quốc, thậm chí còn vượt mặt cả “Black Myth: Wukong” (Hắc Thần thoại Tôn Ngộ Không), tựa game được cho là thành công nhất của Trung Quốc từ trước đến nay.
“Tôi không hiểu tại sao người ta lại tức giận về chuyện này. Nếu quý vị không phải là kẻ đào mỏ, thì sao quý vị lại cảm thấy bị xúc phạm bởi trò chơi này? Tôi thực sự nghĩ rằng những người làm tựa game này [rất dũng cảm]. Những vấn đề [như lừa đảo tình cảm] chưa được thảo luận rộng rãi ở Trung Quốc,” một người đàn ông 28 tuổi phát biểu.
Một số cư dân mạng cho rằng trò chơi này lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật về một thanh niên Trung Quốc –được biết đến với biệt danh mạng Mèo Mập (Fat Cat)— đã nhảy lầu tự tử sau khi chia tay người yêu vào năm ngoái.
Cái chết của thanh niên này đã thổi bùng lên một cuộc tranh luận dữ dội trên mạng, trong đó thuật ngữ “kẻ đào mỏ” được cộng đồng mạng sử dụng rộng rãi. Một số cư dân mạng đổ lỗi cho người bạn gái cũ đã lợi dụng tình cảm của anh khiến anh u uất mà tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cảnh sát đã bác bỏ các cáo buộc này.
Nhiều phụ nữ được BBC phỏng vấn bày tỏ lo ngại rằng trò chơi điện tử này góp phần củng cố các khuôn mẫu giới tính lệch lạc vốn đang hiện hữu trong xã hội Trung Quốc, nơi mà người ta vẫn tin rằng phụ nữ nên ở nhà, còn người đàn ông mới là trụ cột kiếm tiền của gia đình.
Bởi vậy, đối với phái nữ, việc lấy chồng tốt tuân theo truyền thống cổ truyền –“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”– đã được xem là mục tiêu quan trọng hơn thành công trong sự nghề nghiệp.
Cách tuyên truyền chính thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc –vốn do nam giới chi phối– phảng phất cũng củng cố quan điểm này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi phụ nữ phát huy vai trò làm “vợ hiền, mẹ đảm.”
Chính quyền Trung Quốc cũng đang mạnh tay đàn áp làn sóng ngày càng gia tăng của các nhà hoạt động đòi quyền bình đẳng giới tính.
“Tôi cảm thấy một trò chơi như vậy chỉ càng thổi bùng lên sự thù địch giữa nam và nữ, [khiến nam nữ càng thêm thù ghét lẫn nhau]. Nó lại một lần nữa mô tả phụ nữ như là phái yếu, phải dùng mọi cách để làm vừa lòng đàn ông để có thể mưu sinh,” một phụ nữ giấu tên phát biểu, vì lo sợ bị tấn công trên mạng.
Thiên Vân (theo BBC)
Giới chức Thái Lan đã công bố tổng số tiền trong tài khoản của các…
Tổng thống Trump thông báo rằng Mỹ sẽ gửi thêm tên lửa phòng không Patriot…
Việt Nam cam kết sẽ đẩy nhanh hơn tốc độ đăng ký thuốc và vắc…
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại…
Tham vọng bá quyền của phương Tây cùng với thái độ coi thường các mối…
Mỹ đang chật vật vì quá tải khi các trung tâm số liệu và hệ…