“Rước voi về giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà” – P4

Lịch sử Pháp không nói đến những phạm pháp tày trời của các thừa sai, mà chỉ nói đến sự bách hại các thừa sai và giáo dân của họ! Các vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị và Tự-Đức không muốn bách hại người theo đạo Công Giáo, chỉ muốn cấm “Tà Đạo” và mời các giáo sĩ ra khỏi nước Việt-Nam, nhưng càng mời họ đi, thì họ lại chui rúc về lại Việt-Nam và xúi giục dân theo đạo Công Giáo (phần đông là ít học) chống lại triều đình, nên các vị vua trên mới giết để làm gương cho quốc dân. Sau đây tôi xin dẫn chứng qua loa vài trường hợp:

a) Linh mục Marchand (tên Việt là Mác-Săng, Mã-Song, cố Du. 1803 – 1835)

Năm 1828, ba thừa sai là Taberd (tên Việt là Phú-Hoài-Nhân, Đức Cha Từ), Odorico (Tây-Hoài-Hoa) và Gagelin (Tây-Hoài-Hóa), sau khi cho làm quan với tư cách là thông dịch viên ở ty Hành Nhân, được trả tự do, nhưng cấm không cho rao giảng đạo Ki-Tô, nhưng họ vẫn cứ làm, nên đến năm 1833, vua Minh-Mạng mới ra sắc dụ tuyệt đối cấm chỉ việc hành đạo và truyền đạo [Xem NQTrị, sđd, trang 502 hay ĐNTL, tập 2, trang 414]. Taberd trốn sang Xiêm.

Marchand đến Việt-Nam từ Macao năm 1829, giả làm người “Chệt” sang Nam Kỳ. Bị bắt và bị đuổi đi, nhưng lại chui rúc về lại Việt-Nam và nhân có loạn Lê Văn Khôi, theo Khôi và ngầm thông đồng với Xiêm [Xiêm giúp 5 đạo binh], cùng xúi đông đảo giáo dân chống Triều Đình (Đất Nước) [Xem Nguyễn Quốc Trị, sđd, trang 502, lấy tài liệu ở Thực Lục, tập 3, trang 600, 708, 725, 744,765, 825, 932, 933], để có ý biến Nam Hà thành một nước, lấy Ki-Tô giáo La-Mã làm quốc giáo, như các nước ở phương Tây.

Marchand, Lê văn Viên (con của Lê văn Khôi) bị lăng trì, các thủ lãnh người Việt của đạo Ki-Tô theo Lê Văn Khôi đều bị chém [Xem NQTrị, sđd, trang 503, hay Thực Lục, tập 5, trang 782]. Còn các giáo dân khác thì bị giam, sau được thả về [Xem NQTrị, sđd, trang 506, hay Thực Lục, tập 3, trang 932].

Các thừa sai Taberd, Ollivier và Gagelin được J.B. Chaigneau, đưa sang lại Đại-Nam với chiếc tàu Larose, và đưa lén vào Huế. J.B. Chaigneau được chính phủ Pháp phong làm Lãnh Sự ở Huế, năm 1821, vì dốt chữ, cho nên Pháp lấy người cháu là Eugène Chaigneau làm Lãnh Sự ở Huế, nhưng triều đình Minh Mạng không chấp nhận [Xem Salles, BAVH, năm 1923, trang 255]).

Nói đến Lê Văn Khôi, thì cũng nên nói đến tướng Lê Văn Duyệt.

Ở đây, cũng nên nói vài hàng về quan hệ giữa vua Minh-Mạng và tướng Lê Văn Duyệt. Có thể nói là hai người là bạn thân với nhau, là hai chiến hữu. Hai người rất kính nể nhau, ngay sau khi vua Minh-Mạng lên làm vua, cũng như thế (người chống đối vua Minh-Mạng lên làm vua là Nguyễn Văn Thành, chứ không phải là tướng Lê Văn Duyệt). Tôi xin đưa vài ví dụ mà một số “sử gia” đã xuyên tạc, vì dùng những tài liệu của các thừa sai thực dân, trong đó có Trương Vĩnh Ký [Xem Thụy Khuê “Quê Hương Ngày Trở Lại”. Huế]:

Có người nói rằng vua Minh-Mạng muốn bỏ chức Tổng Trấn của tướng Lê Văn Duyệt ở Gia-Định, nhưng sợ (nghi ngờ bị hại) tướng Lê Văn Duyệt đang còn sống, nên không dám bỏ chức Tổng Trấn ở Gia-Định. Chuyện nầy là sai. Chính tướng Lê Văn Duyệt đề nghị với vua Minh-Mạng [Năm Minh-Mạng thứ 13, 1832] là nên bỏ chức Tổng Trấn ở Gia-Định và cho áp dụng chế độ phân hạt mới, với các quan Tổng Đốc, Tuần Phủ, Bố Chánh, Án Sát, trực thuộc Trung Ương, như mới ban hành từ Kinh Đô ra tới ngoài Bắc. Vua Minh-Mạng nghĩ ông có công và có tài nên dụ khuyên ông “nên cố gắng làm việc, đợi sau sẽ xuống chỉ quyết định” [Xem ĐNTL, tập 3, trang 285]. Vua Minh-Mạng chỉ áp dụng chế độ mới, vì nhu cầu phải thực hiện sự cải tổ, tuần tự từng bước, khi tướng Lê Văn Duyệt đã qua đới, chứ không phải vua Minh-Mạng “gờm” tướng Lê Văn Duyệt có lực lượng mạnh, dựa vào Ki-Tô La Mã, mà phải đợi tướng Lê Văn Duyệt mất đi, mới dám làm, như các sử gia thực dân thuộc địa đã nói [Xem Gautier, Minh Mạng, NXB La Rose, Paris, 1935].

Có người nói rằng tướng Lê Văn Duyệt, ỷ thế lộng quyền, giết quan tham nhũng Huỳnh Công Lý tại Gia-Định, mới tâu lên Triều Đình sau. Chuyện nầy là sai. Huỳnh Công Lý bị tố cáo là có hành vi tham nhũng. Theo đơn khiếu nại của một số quân lính thì ông đã lợi dụng chức quyền để vơ vét tiền của dân chúng và của họ. Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã khởi tố vụ án, vụ việc được ông chuyển ra Huế. Thực Lục, tập 2, từ trang 135 có nói:

Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), tháng 9… Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Văn Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó Tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khó rồi”.

Vụ tướng Lê Văn Duyệt xé chiếu chỉ cấm đạo của vua Minh-Mạng do học giả Trương Vĩnh Ký [người theo đạo Ki-Tô La-Mã] viết theo các thừa sai thực dân cũng là sai, vì chính giám mục Taberd nói là không có. [Xem NQTrị, sđd, trang 518].

Vua Minh-Mạng lên ngôi thì cử ngay tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia-Định cho đến lúc ông mất, và khen thưởng công lao của tướng Lê Văn Duyệt hết sức nồng hậu [Xem Nguyễn Quốc Trị, sđd, trang 522 hay Liệt Truyện, Huế, tập I, trang 396-439, hay Thực Lục, tập 2, trang 211, 280…]. Vua Minh-Mạng cũng phong cho Lê Văn Phong, cháu và là con thừa tự tướng Lên Văn Duyệt làm Phó Tổng Trấn Bắc Kỳ, và gả cho con của Phong, là Lê Văn Yến, trưởng công chúa Ngọc-Ngôn, con gái của Đức Phi Lê Thị Bình (em Công Chúa Lê Ngọc Hân) [Xem NQTrị, sđd, trang 522, hay Thực Lục, tập 2, trang 328]

b) Giám mục Gauthier (Tên Việt là Ngô Gia Hậu. 1810 – 1877)

Hãy đọc Nguyễn Charlie trong “Tuyển Tập Độc Thần Giáo” trích từ cuốn “French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914” của Patrick J.N. Tuck, (NXB Liverpool University Press Anh Quốc, 1987. Viết tắt: NCTTĐTG):

Gauthier được cử làm giám mục Nam Đàng Ngoài từ năm 1846, có 66,350 giáo dân, rải rác trong 346 xứ đạo (TSCGP, trg 528-530).

[TSCGP: “Thừa Sai Công Giáo Pháp và các chính sách của đế quốc tại Việt Nam 1857-1914”, được dịch ra tiếng Việt do UBĐKCGYNVN/TP.HCM thực hiện và phổ biến năm 1989, từ cuốn “French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914” của Patrick J.N. Tuck, NXB Liverpool University Press Anh Quốc, 1987. trên mạng Internet [http://sachhiem.net/CHARLIE/CN_TTDTG/Hoithuasai.php].]

Trong bức thư gửi đô đốc Dupré ngày 15-1-1874, giám mục Gauthier và Puginier đã thúc giục chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập một chính phủ Công giáo tại Bắc Việt [theo “Christianisme et Colonialisme au Vietnam 1857-1914 par” Cao Huy Thuần – Paris 1960, trg. 306]. Năm 1874, Gauthier khuyến khích các làng Công giáo tổ chức các đội dân quân võ trang, sau đó ra lệnh cho họ kéo quân đi đánh phá các làng không theo đạo Ki-Tô La-Mã ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Giám mục Gauthier và Puginier có nhiều tên đệ tử trung thành xuất sắc, trong số đó có Nguyễn Trường Tộ (theo hầu Gauthier 10 năm) [Xem Thụy Khuê “Quê Hương Ngày Trở Lại. Huế.”] và hai linh mục Nguyễn Hoằng và Nguyễn Điều.

c) Giám mục Pellerin (tên Việt là Phan. 1813 – 1862)

Pellerin là người Pháp, được đưa sang Đại-Nam, vào khoảng 1846. Xin đọc mấy hàng của Nguyễn Chalie trong bài viết “Tuyển Tập Độc Thần Giáo”:

“Đầu tháng 5/1857, giám mục Pellerin và linh mục Huc đến Paris trình bày kế hoạch đánh chiếm Đông Dương tại Ủy Ban Thuộc Địa Pháp. Ngày 21-5-1857, giám mục Pellerin và linh mục Huc được Napoleon III tiếp kiến tại hoàng cung. Sau đó, vào tháng 6 và tháng 8 năm 1857, Pellerin và Huc lại được Napoleon tiếp kiến thêm hai lần nữa. Toàn bộ kế hoạch xâm lược Việt Nam do hai giáo sĩ thừa sai này đề nghị đều được giáo hoàng Pio IX và Napoleon III tán thành (TSCGP, trang 554)”.

Khi liên minh Pháp-Y (Y-Pha-Nho/Tây-Ban-Nha), dưới sự chỉ huy của Rigault de Genouilly, đánh chiếm Đà-Nẵng vào những năm 1858 – 1860, do Pellerin xúi giục, cho rằng sẽ có giáo dân Ki-Tô La-Mã giúp. Vua Tự-Đức giao trách nhiệm cho tướng Nguyễn Tri Phương làm Thống Chế Quân Vụ, tướng Nguyễn Tri Phương thực hiện chính sách “Vườn không, Nhà trống”, đưa dân vào Quảng-Ngãi, làm cho quân Pháp-Y không có lương thực, thuốc men, ngay cả nước uống. Trong khi đó Pellerin xúi giáo dân đem lương thực cho liên minh Pháp-Y, và khuyên de Genouilly cầu cứu giáo dân ở Bắc Kỳ, nhưng de Genouilly không nghe theo, và đưa quân vào Nam, để chiếm Gia-Định, chỉ để lại ở Đà-Nẵng khoảng 1.000 quân và 6 tàu chiến để cho đại tá Faucon phụ trách. [Xem nhiều bài viết trên mạng Internet, như “Đà-Nẵng – Cuộc Chiến Đấu Chống Pháp Xâm Lược 1858-1860” của Nguyễn Phước Tương, hay Wikipedia tiếng Việt, v.v.]

d) Giám mục Puginier (tên Việt là Phước. 1835 – 1892)

Puginier xúi giục khoảng 60.000 giáo dân Ki-Tô giáo La-Mã chống lại Triều Đình, để lập Bắc Kỳ tự trị. Theo Nguyễn Charlie [sđd]:

“Dựa vào thế lực mạnh của hội Thừa Sai Paris đối với chính quyền Pháp, giám mục Puginier đã tỏ thái độ coi thường các quan chức thuộc địa tại Việt Nam. Vào tháng 7-1874, giám mục Puginier viết thư mắng đô đốc Dupré, đã để cho thuộc hạ là Francis Garnier rút quân khỏi Bắc Việt. Tháng 8-1885, giám mục Puginier đòi tướng Courcy phải bắt Nguyễn Văn Tường bỏ tù. Giám mục Puginier đưa ra chủ trương ổn định thuộc địa bằng cách Công giáo hoá thuộc địa. Y tuyên bố: “Khi nào Bắc Kỳ biến thành một xứ Công giáo thì nó sẽ là một nước Pháp nhỏ” (TSCGP, trang 560-562).

Puginier đòi hỏi chính quyền thuộc địa Pháp phải tiêu diệt giới nho sĩ Việt Nam (Văn Thân) vì họ được dân chúng kính trọng, họ không chấp nhận sự đô hộ của Pháp và chẳng ai trong số họ chịu theo đạo Ki-Tô La-Mã.

Năm 1886, giám mục Puginier ra lệnh cho linh mục Trần Lục ở Phát Diệm tăng viện cho Pháp 5.000 giáo dân binh để phá chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng.

Giám mục Puginier là người đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên chính sách bình định Việt Nam của thực dân Pháp. Chính ông ta đã cung cấp cho Pháp rất nhiều tin tức tình báo do giáo dân khắp nơi thu thập, báo cáo về các cuộc phản công của triều đình Huế và các cuộc binh biến của quân kháng chiến”.

e) Giám mục Taberd (tên Việt là Phú Hoài Nhân hay cố Từ. 1794 – 1840)

Khi có loạn Lê Văn Khôi, Taberd xúi giáo dân Ki-Tô giáo La-Mã giúp để chống đối triều đình. Khi quân triều đình ở Huế vào đánh, thì Taberd trốn sang Xiêm, nhưng vua Xiêm không mấy niềm nở, Taberd lại trốn sang Tân-Gia-Ba [Xem Louvet, “La Cochinchine Religieuse”, trang 79].

Theo Thụy-Khuê:

“Khi vua Minh Mạng lên ngôi, những năm đầu chưa có quyết định về đạo Gia-Tô, nhưng vua cũng không muốn đạo này bành trướng, nên không cho phép giáo sĩ vào thêm; tuy vậy giáo sĩ vẫn vào lậu. Tháng 5/1821, Chaigneau từ Pháp về, cho 4 giáo sĩ: Olivier, Gélan, Taberd, Gagelin trốn vào. Vua Minh Mạng được thông báo, biết nhưng lờ đi, không hỏi tội.

Năm 1827, Taberd trở thành Khâm sai giáo hoàng thay Labartette qua đời năm 1822.

Tháng 5/1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, khởi loạn trong Nam, cũng với sự hỗ trợ của nhóm thừa sai, trong đó có Marchand và Taberd, muốn lật đổ triều Nguyễn, lập một “nước” ở Gia Định, theo đạo Gia Tô La-Mã. Thừa sai Gagelin bị bắt vì tội đã trốn khỏi địa hạt bị quản thúc, đi khắp nơi giảng đạo, Gagelin bị xử giảo (thắt cổ) ngày 17/10/1833. Taberd, Khâm Sai của giáo hoàng, sợ quá, chạy sang Xiêm.”

[Xem Thụy-Khuê, QHH, sđd. Có dẫn chứng tài liệu.].

f) Một số người Việt Ki-Tô giáo La-Mã, đã làm tay sai cho các thừa sai và Pháp

1) Đỗ Hữu Phương. Sinh năm 1844, tại Sàigòn. Lúc trước xin đi học làm linh mục ở Penang, sau về lại Sàigòn, làm tay sai cho Pháp, chống triều đình, đánh phá Nguyễn Trung Trực. Nghe tin cụ Nguyễn Trung Trực, bị Pháp giết, vua Tự-Đức có làm bài văn tế, để tế cụ. Đỗ Hữu Phương được Pháp cho làm Tổng Đốc Sàigòn. [Xem Nguyễn Charlie – NCTTĐTG – sđd và Wikipedia tiếng Việt]

2) Trần Bá Lộc. Sinh năm 1834, tại Long-Xuyên. Là người theo đạo Ki-Tô La-Mã, gia nhập “Đoàn quân Ki-Tô La-Mã” của Charner, để đánh chiếm thành Rạch-Giá, sau đó lại được lệnh đánh phá nghĩa quân từ Quảng-Nam đến Phan-Thiết. Được Pháp cho làm Tổng Đốc Rạch-Giá. [Xem Nguyễn Charlie – NCTTĐTG – sđd.].

3) Trần Tử Ca. Sinh tại Gò-Vấp. Lúc trước theo nghĩa quân, sau đó theo đạo Ki-Tô La-Mã và theo Pháp, để đánh lại nghĩa quân ở các tỉnh miền Tây. Năm 1862, được Pháp cho làm Tri Huyện Hóc-Môn. Bị nghĩa quân giết vào đêm 09/02/1885. [Xem Nguyễn Charlie – NCTTĐTG – sđd.].

4) Huỳnh Công Tấn. Là một người theo đạo Ki-Tô La-Mã, nằm trong nghĩa quân của cụ Trương Công Định, nhưng sau đó lại ám sát cụ Trương Công Định vào ngày 20/08/1864, và ngày 19/09/1868, với lính tập người Ki-Tô La-Mã, vây bắt cụ Nguyễn Trung Trực, ở đảo Phú-Quốc. Được chính phủ Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh. [Xem NCTTĐTG, sđd.].

5) Tạ Văn Phụng hay Phêrô Lê Duy Phụng. Lúc trước, được đưa đi học để làm linh mục tại Penang, sau do Puginier xúi mượn danh nghĩa là hậu duệ nhà Lê, đánh chiếm Bắc Kỳ, muốn biến Bắc Kỳ thành một nước tự trị Ki-Tô giáo, đối đầu với triều đình [Xem phần nói về Puginier ở trên]. Triều đình phái tướng Nguyễn Tri Phương ra dẹp giặc, bắt Tạ Văn Phụng về kinh đô Huế xử tử. [Xem NCTTĐTG, sđd.].

Và còn nhiều nữa, nhưng tôi không có thì giờ để tra khảo nhiều sách vở.

Các thừa sai cùng các người Việt Ki-Tô giáo La-Mã, trình ở trên, đã giết hàng ngàn lính của triều đình và hàng vạn dân Việt Nam. Qua ba triều vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức, các vị vua cũng chỉ giết khoảng trên dưới chừng một trăm người, là những thừa sai, những linh mục Việt và những người thủ lãnh cầm quân đánh lại triều đình, còn những người dân theo đạo Ki-Tô La-Mã thì bị đánh roi, hay giao cho các quan khuyên giải, rồi tha cho về, và chỉ dụ cho các quan, nên nhẹ tay và khoan hồng, vì cho rằng họ “ngu muội, theo tà đạo”. [Xem Nguyễn Quốc Trị, sđd, tập I, trang 539, 540; 702, 703, 704; 743, 744, 745. Có dẫn chứng tài lệu đàng hoàng, như Thực Lục, v.v.].

Những điều tôi viết ở trên là chuyện lịch sử. Công bằng mà nói, theo sự quan sát của tôi, thì bắt đầu dưới triều Thành-Thái, cũng có những người Công Giáo Việt Nam thấy những hành vi bóc lột, cao ngạo, trịch thượng của thực dân Pháp, đã lên tiếng, hay gia nhập vào các đảng phái, để chống đối kịch liệt, dưới hình thức nầy hay hình thức khác, nền đô hộ của Pháp, trong đó cũng có những giáo sĩ và quan lại.

III – Canh tân Đất Nước

1) Gặp khó khăn

Các vị vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức cũng muốn canh tân đất nước, như Nhật Bản, nhưng các vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị thì lo các thừa sai, cùng giáo dân Ki-Tô giáo La-Mã, đánh phá, đòi chiếm đất tự trị (Bắc Kỳ, Nam Kỳ), như ở Trung-Quốc (Chiến tranh Na Phiến 1839-1856), thì còn thì giờ đâu để canh tân như Nhật Bản, mặc dù hai vị vua nầy cũng cho sinh viên Việt-Nam sang Tây Phương học hỏi. Chế tạo “Tàu Đồng” theo kiểu Tây Phương, cho chạy thử, từ Huế vào Đà-Nẵng… (Con dân Việt-Nam sang Tây Phương du học, nếu không phải là giáo dân Ki-Tô giáo La-Mã, thì bị các thừa sai Pháp làm khó dễ).

Thấy Anh thành công chiếm Trung Quốc, do vũ lực, trong chiến tranh nha phiến (1839-1856). Pháp muốn cạnh tranh với Anh, nên cũng dùng vũ lực tối tân, nhờ cuộc “Cách Mạng Công Nghệ” và sự cạnh tranh đi chiếm thuộc điạ của các nước Tây Phương, như đã trình trên, và cũng do các thừa sai Pháp đã dọn đường sạch sẽ cho Pháp chiếm Việt-Nam. Năm 1857, lấy cớ “bảo vệ các giáo sĩ”, Pháp tấn công Đà-Nẵng với sự đồng lõa của Pellerin, Napoléon III và giáo hoàng Pie IX, nhưng việc không thành, vì có Tướng Nguyễn Tri Phương đối đầu, mặc dù vua Thiệu-Trị không hại các thừa sai người Pháp như Lefebvre. Sau đó Pháp bỏ Đà-Nẵng, cũng do các thừa sai xúi giục, vào đánh chiếm Gia-Định – Sàigòn, vào năm 1858, và Pháp bắc đầu từ từ chiếm Việt-Nam làm thuộc địa, với Hoà Ước Nhâm-Tuất (ngày mồng 9, tháng 5, năm Nhâm-Tuất – 05/06/1862), làm cho Cụ Phan Thanh Giản phải tự vẫn. [Xem Phan Thanh Giản, Wikipedia tiếng Việt.].

Còn vua Tự Đức phải đánh nhau với Pháp trong gần 20 năm, có sự hỗ trợ của các thừa sai và giáo dân Ki-Tô giáo La-Mã, thì làm sao có thì giờ đâu để “canh tân Đất Nước”? [Xem Thụy-Khuê, QHNTL, sđd]. Vua Tự-Đức rất ưa chuộng những bài tường trình của Nguyễn Trường Tộ, nhưng Nguyễn Trường Tộ là người theo đạo Ki-Tô La-Mã, là tay say của giám mục Gauthier, và chính Nguyễn Trường Tộ xin vua Tự Đức để cho giáo sĩ tham chính, làm cho Triều Đình nghi ngờ là nếu có canh tân được thì các giáo sĩ sẽ nhảy vào tham chính. [Xem Charlie Nguyễn, TACTS, sđd, Thụy-Khuê, QHNTL. Huế. sđd].

Nhà Nguyễn cũng đã hy sinh 3 vị Hoàng Đế, do Pháp đưa lên ngôi, để rồi chống lại sự Đô Hộ của Pháp.

Những nước như Ấn-Độ, Trung-Quốc, dân số và đất đai lớn hơn gấp 10 lần nước Việt-Nam mà còn bị Tây Phương xâm chiếm, huống hồ một nước nhỏ bé của chúng ta. Cái rủi của chúng ta là không được Mỹ tiếp cận lúc bấy giờ, như Nhật Bản (lúc bấy giờ, chứ không nói đến sau nầy).

Nói tóm lại, Việt-Nam mình xui, nếu gặp được Mỹ, sớm như ở Nhật, và nước Nhật không bị các thừa sai cùng giáo dân của họ khuấy rối (lúc bấy giờ), có lẽ Việt-Nam mình cũng sẽ văn minh về khoa học, kỹ thuật như Nhật. Cũng nên nói rằng, hiệp thương buôn bán giữa Nhật và Mỹ, không nhắc đến đạo Ki-Tô giáo. Nhật là một nước cấm thừa sai rất gắt gao, và giết thừa sai và giáo dân nhiều nhất ở châu Á. Các thừa sai sống chui rúc, nếu chính quyền biết được là giết liền, không nói năng chi cả. Cũng vì thế mà hiện giờ, ở nước Nhật có ít người theo Ki-Tô giáo nhất ở Á Châu. [Xem Wikipédia: Persécution des chrétiens au Japon].

2) Củng cố trong nước

a) Khi vua Gia-Long đã thống nhất Đất Nước, thì nhà vua đã mở rộng lãnh thổ, sau đó vua “Minh Mạng còn là nhà kiến trúc, xây 23 thành trì: Hưng Hoá (1821); Sơn Tây (1822); Quảng Bình, Ninh Bình (1823); Bắc Ninh, Cao Bằng, Định Tường (1824); Quảng Yên (1827); Nghệ An (1831); Hưng Yên (1832); Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam (1833); A Giang (Châu Đốc), Hà Tiên, Lạng Sơn (1834); Hà Nội (1835); Gia Định (Sàigòn, 1836), Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Trị (1837), Biên Hoà (1838). Thiệu Trị xây thêm thành Tuyên Quang (1844).

Nếu vua Minh Mạng không chết vì ngã ngựa, chưa chắc quân Tây Dương đã dám dụng đến nước ta. Bởi tất cả những thành trì kiên cố này đã ngăn chặn quân Pháp, gây khó khăn, nên họ không thể nhanh chóng mà chiếm được. Phải mất 20 năm.” [theo Thụy-Khuê, QHNTL. Huế. sđd].

b) Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước, chính sách ngoại giao

Chính quyền trung ương cai quản cả nước, mỗi thành có một Tổng Trấn trông coi, mỗi tỉnh thì có Tổng Đốc, hay Tuần Phủ trông coi… Cho ra Hoàng Việt Luật Lệ. Lập lệ giám thuế cho dân. Lập Văn Miếu. Hoà hiếu với Bắc phương, Chân-Lạp, Xiêm-La. Năm 1817, Bá Tước De Kergarion mang quốc thơ của Louis XVIII xin thi hành Hiệp Ước Versailles?! [Xem ở trên về chuyện không thi hành hiệp ước nầy], bị vua Gia-Long đuổi về, nhưng vẫn cho hai thuyền buôn “Rose” “Le Henri” vào Đà -Nẵng, bán hàng hóa và mua chè, lụa chở về lại Pháp… [Xem Trần Trọng Kim, VNSL, sđd]

c) Xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà hiện nay Việt-Nam có chứng cớ để kiện với quốc tế về chủ quyền của mình.

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (大南一統全圖), trong đó có Hoàng-Sa – Vạn Lý Trường-Sa (黄沙 萬里長沙), năm Minh-Mạng thứ 14. (Public Domain)
Thiên Nam Tứ Chí Lộ Độ Thư. Ba chữ có gạch đỏ đứng là chữ Nôm, Bãi Cát Vàng (𪤄葛鐄). Hai chữ Hán màu đỏ, Quảng-Nam (廣南). (Public Domain)

d) Phát triển nền văn hóa dân tộc với việc để lại những di sản văn hóa: Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển về văn hóa rất nhiều. Lời bình của cố giáo sư Trần Văn Giàu cho ta thấy một đỉnh cao văn hóa dưới thời nhà Nguyễn. Như Văn tế trận vong tướng sĩ, Văn tế Châu Văn Tiếp, Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Kim Vân Kiều…

e) Hình thành những thị cảng có vai trò quan trọng, như Hội-An, Cù Lao Phố, Mỹ-Tho, Đại-Phố, Hà-Tiên và Sài-Gòn…

f) Đường Thiên Lý – Đường Cái quan là đường Quốc Lộ số 1 ngày nay, chạy suốt từ Nam-Quan đến Cà-Mâu. Và Sông Vĩnh-Tế, phương tiện giao thông rất thuận lợi, mà cả ngày nay (2022) cũng khó mà bỏ qua được! Chưa kể với hàng trăm sông đào khác, khắp cả nước Việt-Nam. [Xem Huỳnh Thiệu Phong. Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương Triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm. Trên Mạng Internet.]. Nguyễn Ánh, trong bối cảnh chiến tranh, vẫn cho xây dựng đồn điền, làng mạc, không có một mảnh đất phì nhiêu nào mà không có người đến khai thác, không có một khu rừng nào mà không chăm sóc. Cấm mê tín di đoan, v.v.. [Xem Thụy Khuê, QHNTL. Huế. Nguyễn Trung Dũng, VTC News. Internet.]

g) Chưa nói đến công lao của các Chúa Nguyễn đã mở nước, không bạo lực, từ vĩ tuyến thứ 13 Bắc (Phú-Yên) đến vĩ tuyến thứ 07 Bắc, để chúng ta ngày nay, tự hào là nước mình hình cong như chữ S, với rừng Vàng, biển Bạc.

IV – Tạm Kết Luận

Như đã trình ở trên. Eric Roulet đã nói “évangéliser pour coloniser” (Truyền giáo để chiếm Thuộc Địa). Các nước Tây Phương, nhờ các thừa sai của Vatican xúi giục, từ thế kỷ thứ XVII, đi chiếm thuộc địa, để tiện đường mang “Tin Lành” đến những nước “chậm tiến, man rợ” để “cứu rỗi linh hồn người man di”, nhưng thời cơ của các nước Tây Phương chưa thuận tiện, để rồi gần cuối thế kỷ thứ XIX, các nước Tây Phương, mới hùng mạnh, kinh tế dồi dào, vũ khí, chiến hạm tối tân, đua nhau đi chiếm thuộc địa mà các thừa sai đã dọn đường sạch sẽ. Vậy có Nguyễn-Phước Ánh, có các vị vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức, hay không có Nguyễn-Phước Ánh, các vị vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức, Pháp vẫn chiếm Việt-Nam như thường, cũng như chiếm Ấn-Độ, Trung-Quốc, những nước mà dân số cùng diện tích lớn hơn gấp 10 lần đất nước, và dân số của Việt-Nam.

Ở thế kỷ thứ XVII, Pháp đã muốn chiếm Việt-Nam, do các thừa sai thực dân xúi giục [Xin xem ở trên], khi mà Nguyễn-Phước Ánh chưa sinh ra (sinh năm 1762), và mấy “ông Tây phiêu lưu, ít học” mà Nguyễn-Phước Ánh đã lợi dụng, cũng chưa sinh ra. Các thừa sai thực dân [Xin xem ở trên], ở thế kỷ thứ XVII và ở gần cuối thế kỷ thứ XIX, không dính dáng gì cả đến Nguyễn-Phước Ánh, và mấy “ông Tây phiêu lưu, ít học” mà Nguyễn-Phước Ánh đã lợi dụng. Thế mà có người vu khống cho Nguyễn-Phước Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” cho được! Nói như vậy có phải là “Hàm Hồ” quá chăng???!

Các vị vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự-Đức, chẳng những không phải là những hôn quân mà là những vị vua minh quân. Không bế quan, tỏa cảng, giao thiệp rộng rãi với Pháp với các nước lân bang cùng các nước Tây Phương, tìm đủ mọi cách để canh tân đất nước [Xem NQTrị, sđd, tập 1, trang 463 và 480 đến 494. Xem phần “Canh Tân Đất Nước” ở trên.].

Pháp chiếm Việt-Nam, vì nhờ cuộc “cách mạng khoa học, kỹ thuật” ở Tây Phương. Vũ khí, chiến hạm của họ, hơn hẳn vũ khí, chiến hạm ở Á-Châu, cùng với phong trào đua nhau đi chiếm thuộc địa với sự đồng lõa của các thừa sai và giáo dân của họ làm nội ứng, (Pháp lấy danh nghĩa bảo vệ thừa sai và giáo dân Ki-Tô La-Mã, để đánh chiếm Việt-Nam), thì Việt-Nam mình làm sao chống nổi. Ngay cả Ấn- Độ, Trung-Quốc cũng đều bó tay.

Ở đời, những thế hệ sẽ qua đi, nhưng Lịch Sử vẫn còn đó.

Kính xin độc giả vui lòng cho ý kiến, để tôi được học hỏi thêm.

Kính,

Nguyễn Vĩnh-Tráng.
Tiết Hàn Lộ, năm con Cọp.
109 102 022 nvt*ttl*

Tài liệu tham khảo:

  • Baigent M., Leigh R., H. Lincoln, The Holy Blood and The Holy Grail, do Chabrol Brigitte dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, dưới nhan đề là L’Énigme Sacrée. Editions Pygmalion/Gérard Watelet, 1982, Paris.

  • Baigent M., Leigh R., H. Lincoln. The Messianic legacy do Hubert Tezenas dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp dưới nhan đề là Le Message. Editions Pygmalion/Gérard Watelet, 1987, Paris.

  • Cadière Léopold. Les Français au service de Gia Long – Leurs noms, titres et appellation annamites, Bulletin des Amis du Vieux Huê (BAVH) tập I, 1920.

  • Cadière, Cosserat. BAVH, 1922, tập 1; André Salles (Cadière) BAVH, 1922, tập 2.

  • Cao Huy Thuần. Christianisme et Colonialisme au Vietnam 1857-1914 – Paris 1960. Trên mạng Internet.

  • Cosserat Henri. Notes biographiques sur les Français au service de Gia-Long. BAVH, tâp III, 1917.

  • Đại Nam Liệt Truyện, 大南列傳. NXB. Thuận Hóa, Huế, 1993.

  • Đại Nam Thực Lục Chanh Biên, 大南寔錄正編. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, (Tái bản lần thứ nhất năm 2001, 10 tập). Hanoi.

  • De Gaulmyn Isabelle. Pourquoi l’Asie est-elle restée en dehors de l’influence chrétienne? Radiofrance.fr du 11/02/2017. Mạng Internet.

  • De Rhodes Alexandre. Histoire du royaume de Tunquin et des grands progrès que la prédication de l’Evangile y a faits en la conversion des Infidelles. Chez Jean Baptiste Devenet. MDCLI (1651), Lyon.

  • Đông Châu Liệt Quốc Chí. 東 周 列 國 志. Ziên Hồng, USA, 1978.

  • Dutton George. BBC. Tiếng Việt. Ý kiến nói Tây Sơn ‘giải phóng nông dân’ chỉ là huyền thoại (The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Late Eighteenth-Century Viet Nam, 1771-1802). Ngày 08/02/2019. Internet.

  • Dutton George. Rethinking the Tây Sơn Era (Nhìn lại thời Tây Sơn). Trên Internet.

  • Etude sur Nazareth et Nazaréen, trên Mạng Internet.

  • Faure Alexis. Les Français en Cochinchine au XVIIIe Siècle: Mgr Pigneau de Béhaine Evêque d’Adran. Pièces Justificatives. Editeur Augustin Challamel. Paris, 1891.

  • Gautier, Minh Mạng, NXB La Rose, Paris, 1935. Internet.

  • Guillemin Dominique. Quelle place pour le Siam dans l’Asie coloniale?, une étude au regard des relations franco-siamoises, 1893-1941, trên Mạng Internet.

  • Hoàng Lê Nhất Thống Chí, 皇黎一統志. Trên Mạng Internet.

  • Huỳnh Thiệu Phong. Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm. Internet.

  • Julien Claude. Etats Unis: L’anticolonialisme des américains et le déclin de empires traditionnels, Monde-diplomatique.fr. 04/1962. trên Internet.

  • Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, 欽定越史通鑑綱目. Trên Mạng Internet.

  • Launay Adrien. Histoire de la mission de Cochinchine. Documents historiques 1771-1823. Editeur C. Douniol et Retaux, Paris, 1925, réédité par Les Indes Savantes (Missions Etrangères de Paris). Volume 3. Paris, 2000.

  • Lê Nguyễn. Tây Sơn có phải là “phong trào nông dân” không? Trí Thức Việt Nam. 17/10/2021.

  • Lê Nguyễn. Chút suy nghĩ về chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh – Gia Long – TriThucVN. 28/08/2021.

  • Lê Nguyễn. Quan hệ giữa nhà Tây Sơn với hải tặc Trung Hoa. TríThứcVN. 23/08/2021.

  • Les raisons de l’expansion coloniale, trên Mạng Internet. CAP Concours. Internet.

  • Louvet Louis-Eugène. La Cochinchine Religieuse, tome I. Editeur Ernest Leroux. Paris, 1885.

  • Mathieu, Marc, Luc, Jean. Evangiles canoniques, trên Mạng Internet.

  • Maybon Charles B. Histoire Moderne du Pays d’Annam (1592-1820). Librairie Plon. Paris, 1919.

  • Maybon Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de M. de La Bissachère, missionnaire français (1807). Librairie ancienne Honoré Champion. Paris, 1920.

  • Messadié Gerald, L’homme qui devint Dieu. Laffont, 1988, Paris.

  • Messadié Gerald, Jésus de Srinagar. Laffont, 1995, Paris.

  • Murray Dian H. Prirates of The South China Coast 1790-1810. California, Stanford. University Press, 1987 (Ngô Bắc dịch). Internet.

  • New York, Une ville issue de l’immigration, trên Mạng Internet.

  • Nguyễn Charlie. Tuyển Tập Độc Thần Giáo. Sáchhiếm. 2007.Internet.

  • Nguyễn Duy Chính, Việt Thanh Chiến Dịch. Vai trò của Hải Phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu. Internet.

  • Nguyễn Phước Tương. Cuộc Chiến Đấu Chống Pháp Xâm Lược 1858-1860. Trên Mạng Internet.

  • Nguyễn Quốc Trị. Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc chiến chống Đô Hộ Pháp của nhà Nguyễn, 2 tập, phát hàng năm 2013 tại Maryland, USA.

  • Nguyễn Trung Dũng. Mê Tín, Dị Đoan. VTC News. Internet.

  • Nguyễn Văn Lục. Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh. Nghiên cứu lịch sử. Nguồn dcvonline.net. Internet.

  • Roulet Eric. Evangéliser en contexte colonial, trên Mạng Internet.

  • Salles André. BAVH, 1923, tập 1.

  • Salles André. BAVH, 1935, tập 2.

  • Salles André. BAVH, 1939, tập 3.

  • Sử Ký Đại Nam Việt. Tái bản lần thứ tư. Imprimerie de la Mission. Tân Định, Saigon, 1903.

  • Taboulet Georges. La Geste Française [Hỗn Xược] en Indochine. Editeur Adrien-Maisonneuve. Librairie Plon. Paris, 1919.

  • Thanh Tâm. Chút duy tư về truyền giáo. trên Mạng Internet.

  • Thụy Khuê. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long, phát hành vào tháng 09/2015, Paris. Internet.

  • Thụy Khuê. Quê hương ngày trở lại. 04/2019. Paris. Internet.

  • Tôn Thất Cổn. Hoàng Tộc Lược Biên. 1943. Huế.

  • Trần Chung Ngọc. Hành Trình và Truyền Giáo (Voyages et Missions dv P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres royaumes de l’Orient: avec son retour en Europe par la Perse & l’Armenie.). Internet.

  • Trần Gia Phụng. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, trên Mạng Internet.

  • Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. NXB. Tân Việt, Sàigòn, 1964.

  • Triệu Minh Di [Không nhớ tên bài viết]. Internet.

  • Tuck J.N. Patrick. French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914. Liverpool University Press, Royaume-Uni,1987.

  • UBĐKCGYNVN/TP.HCM thực hiện và phổ biến năm 1989, từ cuốn “French Catholic. Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914. Do Nguyễn Charlie dịch. Internet.

  • Urban population of Hanoi and Haiphong. Table 6. Trên Internet.

  • Văn Lục. 1000 năm chống Tàu, 100 năm đô hộ Tây: Thực chất và huyền thoại”. trên Mạng Internet.

  • Võ Đức Hanh Etienne, Persée. Le traité de Versailles du 28 Novembre 1787 entre Louis XVI et Nguyen Anh 1969. Internet.

  • Wikipedia 2022. Amérique Septentrionale.

  • Wikipedia 2022. Relations entre les Etats Unis et le Japon.

  • Wikipedia 2022. Liste des bases militaires américaines dans le monde.

  • Wikipedia 2022.Liste des territoires occupés par le Japon impérial.

  • Wikipedia 2022. Dominique Lefèbvre.

  • Wikipedia 2022. Missions catholiques aux XVIe et XVIIe siècles.

  • Wikipedia. Pondichéry.

  • Wikipedia 2022. Traités inégaux. Traité de Versailles.

Nguyễn Vĩnh-Tráng

Published by
Nguyễn Vĩnh-Tráng

Recent Posts

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

6 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

15 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

19 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

42 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago