Có một xu hướng “xu cát tị hung” hết sức phổ biến được thể hiện thông qua không gian văn hóa của người xưa. Dù là kiến trúc, nghệ thuật, đồ thủ công, đồ dùng sinh hoạt như ghế, cửa, giường… đều xuất hiện những con số “cát tường”, như một sự gửi gắm may mắn và hy vọng vào môi trường sống xung quanh. Điều này có thể thấy rõ qua các con số gắn liền với nghề thợ mộc thời xưa.
Thời cổ đại, nghề thợ mộc rất thịnh hành trong xã hội. Ở nông thôn đây là một nghề thủ công đắt giá. Lúc đó còn chưa có đồ gia dụng bằng nhiều chất liệu như ngày nay, cũng chưa tồn tại ngành công nghiệp sản xuất gỗ ép hiện đại, nên rất nhiều đồ vật và nội thất trong nhà đều phải mời thợ mộc về chế tác.
Nghề mộc thời ấy không chỉ là công việc chân tay, mà cũng có rất nhiều quy tắc, kinh nghiệm, không chỉ là xem xét đặc tính vật liệu của từng loại gỗ mà còn tính đến việc cao xa hơn và những văn hóa nơi thế tục. Các ghi chép lịch sử về chim gỗ, trâu gỗ, ngựa gỗ tự hành là có, nhưng cách chế tạo thì không được lưu lại.
Ngày nay, thợ mộc còn lưu giữ lại một số tri thức của nền văn minh cổ đại, ví dụ như thước Lỗ Ban, hay như những câu nói cửa miệng: “Ghế không rời 3, cửa không rời 5, giường không rời 7, quan tài không rời 8, bàn không rời 9”. Điều này có nghĩa là khi chế tác những vật gia dụng cần chú trọng về kích thước. Hầu hết những loại quy tắc này đều có nguồn gốc từ điển cố hoặc từ đồng âm, gần âm, đều mang ngụ ý về hy vọng may mắn đến với người sử dụng.
“Ghế không rời 3” nghĩa là khi đóng một chiếc ghế gỗ thường có số 3, chẳng hạn 2,3 thước, 4,3 thước… Số 3 là biểu tượng của lòng trung nghĩa, cũng là biểu tượng của huynh đệ, lấy từ điển cố “Kết nghĩa vườn đào” trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Việc này có ngụ ý mong những người ngồi trên ghế đều là bằng hữu chân thành.
“Cửa không rời 5” nghĩa là kích thước của cửa không tách rời số 5. Số 5 có trong “ngũ hành”, cũng có trong “ngũ phúc”. Người xưa nói “Ngũ phúc lâm môn”, là những loại phúc phận tốt đẹp của đời người. (Xem bài: Ngũ phúc lâm môn)
“Giường không rời 7”, kích thước chiều dài, chiều ngang không rời số 7, mà đôi khi phần tựa lưng ở đầu giường cũng có 7 đoạn. Trong tiếng Hán, từ “Thê” chỉ người vợ và từ “Thất” là từ đồng âm. “Sàng bất ly thê”, có nghĩa là vợ chồng chung giường cho tới bách niên giai lão. Con số 7 gửi gắm mong ước người ngủ trên giường không phải lo lắng sẽ cô đơn một mình, sẽ có thể tìm được nửa kia.
“Quan tài không rời 8”, “Bát” và “Phát” là từ đồng âm. Người Á Đông luôn kính trọng tổ tiên, tin rằng tổ tiên có thể phù hộ sự thịnh suy cho gia tộc, nên đặc biệt chú trọng đến nghi thức tang lễ và nghiêm ngặt tuân thủ trong từng tiểu tiết. Mặt khác, vào thời cổ đại, chiều cao của một người nhiều nhất chỉ khoảng 7 thước, nên mới có câu nói “Nam nhi 7 thước”. Vì vậy, khi đặt một số đồ vật tang lễ khác, kích thước của quan tài cần phải lớn hơn 7 thước, 8 thước trở thành kích thước chung của quan tài.
“Bàn không rời 9”. Bàn ở đây là chỉ bàn ăn, được chia thành hai loại bàn vuông đơn giản và bàn bát quái. “Cửu” đọc gần giống với “Tửu”, ngụ ý rằng chủ nhà tiếp đãi nhiệt tình, trên bàn ăn có chút rượu cũng cho thấy gia đình có nhiều khách, sung túc, hưng vượng.
Kỳ thật những điều này đều là ước vọng dân gian, mỗi con số đều mang ngụ ý cầu mong vạn sự tốt lành. Tập quán đó cũng thể hiện khát vọng của người xưa, luôn hướng về một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Vì sao Tử Cấm Thành chưa từng ngập úng suốt 600 năm?
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…