Văn Hóa

Trịnh Khắc Phục và những án oan khuất của công thần nhà Lê

Trịnh Khắc Phục là công thần của nhà Lê khi góp phần đánh bại quân Minh. Vào thời bình, ông là trụ cột của nhà Lê, nhưng trong cảnh tranh đoạt quyền lực nơi triều chính, nhiều công thần bị giết oan, Trịnh Khắc Phục cũng bị oan khiên mà phải chịu tội chết.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Công thần khai quốc

Năm 1407, nhà Minh đánh bại nhà Hồ. Đến năm 1414 quân Minh đánh bại nhà Hậu Trần vốn rất được dân chúng ủng hộ lúc đó, thiết lập ách đô hộ đối với Giao Chỉ.

Trước tình thế đó, hào trưởng đất Lam Kinh ở Thanh Hóa là Lê Lợi tụ nghĩa chống quân Minh, nhiều người hưởng ứng tìm đến, trong đó có Trịnh Khắc Phục người làng Vân Đô (nay là xã Đông Minh) huyện Đông Sơn.

Trịnh Khắc Phục là cháu ngoại của bà Trịnh Thị Ngọc Thương, thân mẫu của Lê Lợi. Ông là một trong những công thần đầu tiên tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Ngay khi quân Lam Sơn vừa dựng cờ nghĩa, quân Minh đã đến đàn áp nhằm tiêu diệt ngay từ trong trứng nước, vì thế thuở đầu nghĩa quân gặp rất nhiều gian nan. Trong giai đoạn khó khăn nhất, Trịnh Khắc Phục tham gia hầu hết các trận đánh của nghĩa quân.

Khi nghĩa quân lớn mạnh hơn với những trận đánh vào nam ra bắc thì tất cả đều có dấu chân của Trịnh Khắc Phục.

Nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh, viện binh của Vương Thông đến cũng bị đánh bại. Quân Minh bị vây ở thành Đông Quan cùng các thành khác, phải cầu cứu viện binh. Nhà Minh cử Liễu Thăng và Mộc Thạnh thống lĩnh 15 vạn quân tiến sang Giao Chỉ.

Lưu Nhân Chú cùng Trịnh Khắc Phục cho quân mai phục ở ải Chi Lăng chém được Tổng binh Liễu Thăng, góp công lớn đánh bại viện binh, khiến Vương Thông cùng 10 vạn quân Minh bị vây trong thành phải đầu hàng.

Quân Minh rút về nước, Trịnh Khắc Phục lên biên giới cùng quân Minh cắm cột đồng đánh dấu phân định biên giới lãnh thổ hai nước.

Sau khi lập cột đồng thì hai bên có lời thề rằng:

“Giao Chỉ chi a, Đại Minh như hà, tự kim hướng hậu, mạc cử can qua, Thiên triều, Nam Việt, lưỡng quân tướng hòa, nhược công tiểu quốc, thiên thượng tồi phá, An Nam tiến phụng, bị lễ hương hoa, thiết lập đồng trụ, lưu truyền Lê gia.”.

Nghĩa là:

“Quận Giao Chỉ như trái núi, nhà Đại Minh như con sông, từ nay về sau không đánh nhau. Nhà Minh, Việt Nam hai nước giao hòa. Nếu đánh nước nhỏ, Trời sẽ xử phạt. Hàng năm nước An Nam tiến cống hương hoa. Nay dựng cột đồng, lưu truyền cho con cháu nhà Lê”.

Nhiều công thần nhà Lê bị giết oan

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, con trai là Lê Thái Tông còn nhỏ mới 11 tuổi lên thay, quan Đại tư đồ Lê Sát làm Phụ chính nắm mọi quyền hành. Triều đình nhà Lê bất hòa, các quan đại thần có công lớn nay bỗng quay sang tiêu diệt lẫn nhau.

Do Lê Sát có tư thù vói Lưu Nhân Chú nên sai người ngầm thuốc độc hại chết ông (Theo “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn). Mà Trịnh Khắc Phục lại là con cùng mẹ với Lưu Nhân Chú nên ông bị mất chức “Nam đạo Hành khiển”, giáng làm “Phán đại tông chính”.

Đến năm 1437, vua Lê Thái Tông đã lớn hơn, lấy lại quyền hành, trị tội chuyên quyền của Lê Sát, Trịnh Khắc Phục được phong làm “Bắc đạo quân dân bạ tịch”.

Nhưng Triều đình nhà Lê vẫn chưa yên, sau khi Lê Sát bi buộc tội phải tự vẫn, cuộc chiến các phi tần trong cung liên lụy đến công thần Lê Ngân, khiến ông phải tự vẫn tại nhà.

Đến năm 1442 xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, vua Thái Tông bị chết, vua Lê Nhân Tông nối ngôi còn nhỏ, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nắm quyền hành. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Bấy giờ Trịnh Khắc Phục cũng nắm quyền hành lớn trong Triều, được cử làm “Nhập nội thiếu phó” tham dự triều chính. Con trai trưởng của ông là Trịnh Bá Nhai được cưới An Nam công chúa.

Ứng phó ngoại bang

Chiêm Thành ở phương nam có lệ tiến công nhà Lê, nhưng hay bỏ lệ, lại thường xuyên đưa quân lấn chiếm biên giới với Đại Việt.

Năm 1443, vua Chiên là Bí Cai hai lần cho quân vây Hóa châu. Triều đình họp lại và quyết định phải đưa quân đánh Chiêm, Trịnh Khả đưa quân đi trước, Nhập nội Thiếu phó Trịnh Khắc Phục cùng Nhập nội Đô đốc Bình chương Lê Thụ đưa quân đi sau.

Trước sức mạnh của Đại Việt, vua Chiêm là Bí Cao phải xin hàng.

Những tưởng Chiêm Thành đã quy phục, nhưng khi quân Đại Việt rút về thì quân Chiêm vẫn quấy phá vùng biên giới. Triều đình liền cử Nhập nội Thiếu phó Lê Khắc Phục, Nhập nội đô đốc Bình chương Lê Thụ cùng Lê Khả đưa hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành.

Quân Đại Việt tiến vào Kinh đô bắt vua Chiêm Bí Cai, rồi đưa Maha Quý Lai (vốn hàng phục Đại Việt từ trước) là người của hoàng tộc lên ngôi Vua.

Triều đình nhiều mâu thuẫn

Dù ngoại bang đã yên ắng và tốt đẹp hơn, nhưng nội bộ trong Triều chưa bao giờ tốt đẹp. Đinh Liệt (sau được ban quốc tính là Lê Liệt) là công thần hàng đầu chống quân Minh bị vu oan, bị giam dưới hầm tối từ năm 1444. Trịnh Khắc Phục không quản hiểm nguy thuyết phục được những người khác cùng minh oan cho Đinh Liệt.

Sau 4 năm dưới hầm tối, vào năm 1448, Đinh Liệt mới được minh oan và thả ra. Đồng thời Trịnh Khắc Phục cũng tâu lên khiến kẻ chuyên xàm tấu hại công thần là Bá Viễn phải mất chức.

Sự việc này Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép:

“Mùa hạ, tháng Sáu, tha Thái phó Đinh Liệt ra khỏi ngục. Lúc này, vụ án Đinh Liệt để kéo dài đã 4 năm, không xử dứt khoát được. Đến đây, quan Tông chính Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan tâu xin lựa uốn phép nước, mở rộng ơn trên. Bèn tha cho Lê Liệt, rồi lại tha cả vợ con của ông”.

Trong cảnh Triều chính lục đục, năm 1451, đến lượt các công thần Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả cùng hai người con trai trưởng của họ bị hại chết. Lý do là Thái hậu nghe lời gièm pha hai công thần kết bè đảng. Đây là lý do rất không rõ ràng, Trịnh Khắc Phục được xem là lương thần vào lúc đó, nhiều người đều cho rằng ông bị oan.

Năm 1453 khi vua Nhân Tông 13 tuổi thì Thái hậu lui về hậu cung để Vua nắm quyền. Vua Nhân Tông minh oan cho hai ông và cấp cho con cháu mấy chục mẫu quan điền

Đến năm 1459 thì Lạng Sơn vương Nghi Dân giết cả vua Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh, rồi lên ngôi Vua. Trong chiếu lên ngôi, Nghi Dân nêu lý do mình giết mẹ con Nguyễn Thị Anh rồi lên ngôi là do vua Lê Nhân Tông không phải là con của vua Thái Tông, Thái hậu Nguyễn Thị Anh giết cả cha con Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả vì nghi hai người này biết chuyện cơ mật này. Chiếu lên ngôi của Nghi Dân có một đoạn, nhưng không rõ thực hư:

“Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng Đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục…”

Đến đời vua Lê Thánh Tông, vua ban tặng cho Trịnh Khắc Phục tước “Thái bảo Ngọc quận công”. Các đời Vua sau này đến tận thời vua Khải Định cũng có nhiều sắc phong cho ông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

35 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

4 giờ ago