Khởi đầu với phong cách mang tính chất của trường phái hiện đại biểu hiện trừu tượng, họa sĩ Nguyễn Minh Nam đã từng bước quay trở về với hội họa tả thực và tìm thấy sự chân tín của mình về cái đẹp trong sơn dầu tả thực mang phong vị Á Đông. Đây là cuộc trò chuyện dài với rất nhiều chia sẻ thú vị, đáng suy ngẫm về hội họa và cái đẹp từ họa sĩ Minh Nam.
Anh có biết về “Cuộc thi quốc tế vẽ tranh sơn dầu tả thực nhân vật” của đài truyền hình NTD được tổ chức hàng năm không? Anh nghĩ thế nào về cuộc thi?
Có chứ, tôi có biết. Tôi đánh giá rất cao cuộc thi này, bởi vì đây mới thực sự là sân chơi của hội họa. Nó trở về đúng hội họa chính thống, hội họa cơ bản, căn bản mà con người được truyền cấp từ thời Phục Hưng. Đó mới là điều thực sự cần thiết. Sân chơi này mới là sân chơi hay, tuyệt vời, bởi vì trên thế giới, tầm cỡ quốc tế thì chưa có, không có sân chơi nào khác. Toàn bộ người ta yêu cầu đều là tranh tả chân, tả thực.
Sao lại gọi là “tả thực”?
Bây giờ gọi là phong cách tả thực chứ ngày xưa không gọi như thế, ngày xưa chỉ có một loại thôi, đấy là hội họa là như thế, không có loại nào khác. Sau đó cứ mọc dần mọc dần ra, rồi bắt đầu phân nhánh, rồi đặt tên nào là phái này tả thực, phái kia trừu tượng…, chứ thực ra gốc ngày xưa chỉ là hội họa thôi, không có tên gọi nào khác. Nó chính là hội họa căn bản đầu tiên của con người, hội họa chính thống.
Qua mỗi một giai đoạn thì hội họa [tả thực] cũng có sự biến đổi chứ không đứng im, ví dụ thời Phục Hưng sẽ vẽ tả thực như thế này; những danh họa thời đó, cùng thời với nhau, thì cảm giác họ vẽ cũng gần tương tương như nhau, tất nhiên để ý thì cũng sẽ thấy khác biệt, nhưng không quá lớn. Đấy là nhìn chung thôi, chứ không phải bảo người này vẽ giống người kia. Phục Hưng thì vẽ như thế, rồi đến Baroque, Cổ Điển, đến thế kỷ 19 thì lại khác, cũng là tả thực nhưng lại khác đi một chút.
Đến thế kỷ 20 vẫn cũng tả thực nhưng lại khác đi một chút. Vẫn tả rất kỹ, thế nhưng cách nhìn, thẩm mỹ đã khác với thời trước rồi; ví dụ khác ở tông màu, kỹ thuật vẽ, cách nhìn, cách lựa chọn ánh sáng… cái đấy nó làm nên sự khác biệt của từng thời kỳ.
Kể cả đến giai đoạn này cũng vậy, cũng tả thực nhưng là kiểu khác, mặc dù cũng tả rất kỹ. Nhiều họa sĩ phóng to ra, có người chỉ vẽ một khuôn mặt thôi, ví dụ một khuôn mặt người chỉ có từng này thôi, 25cm, ngang 20cm, chẳng hạn như vậy; nhưng phóng to một bức tranh như thế ra, cũng khuôn mặt ấy, thì bạn hình dung nhìn rõ cả lỗ chân lông, lông mi xếp thế nào, từng sợi có thể đếm được. Thời Phục Hưng hiếm khi họ vẽ mặt to 1m, 2m như bây giờ. Cũng một khuôn mặt này nhưng phóng lên khoảng 2m, từ cằm đến đỉnh đầu là 2m, rồi bắt đầu mới tả, từng lỗ chân lông một, tả kỹ lắm, cái đấy gọi là cực thực, thực hơn cả thực. Tả được cả khối của lông mi, ánh sáng đập vào bên này, bên kia tối. Từng sợi tóc một. Nhưng thần thái lại kém hơn, bị lệ vào kỹ thuật nhiều quá.
Hiện nay có một số họa sĩ làm như vậy. Một số họa sĩ không phóng to thế, vẫn theo tỉ lệ bình thường. Nhưng một số họa sĩ, họa sĩ Trung Quốc, họ tả kỹ từng sợi áo len đan vào nhau thế nào, ánh sáng đập vào ra làm sao, từng cái tơ, trên sợi len còn có các sợi tơ nhỏ văng ra… tả kỹ thế cơ mà; mà cả một cái ao len, tả đều tăm tắp như thế, tả đúng như thế.
Thế thì có gì khác biệt với một tấm ảnh chụp?
Trong đó có cả phương pháp hội họa, cách nhìn của hội họa, chứ không hẳn là nhiếp ảnh.
Như anh nhìn thì qua mỗi thời kỳ hội họa tả thực sẽ có sự thay đổi, nhưng nó phải có cái gì chung chứ, có một nền tảng gì đấy chung, để nó vẫn là tả thực. Cái đó là cái gì?
Đầu tiên mình cứ hiểu chung nhất là: nhìn như thật thì đấy là tả thực, còn nhìn nó chưa phải là thật thì không phải là tả thực. Khi nhìn vào bức tranh thì mình bảo là, ừ ông này vẽ như thật, vẽ tả như thật, vẽ kỹ như thật… thế là xong rồi, thì đấy là tả thực. Còn sau đó, ông này tả thực như thế nào, bút pháp ra làm sao, kỹ thuật thế nào, xử lý được các kiểu, tài năng thế nào, thì tính sau. Rồi lại phân ra tiếp, tả thực kỹ, tả thực vừa, tả cực thực, tả thực hơn cả thực. Ý là như thế, cũng có phong cách ấy, là cực thực, rõ hơn cả thực.
Tả thực thì nhìn không gian đúng là không gian của bên ngoài, không bị sai. Còn bảo chưa giống lắm, không thấy giống thực, thì có nghĩa là sang trường phái khác, như là ấn tượng chẳng hạn. Ấn tượng cũng mô phỏng hiện thực, nhưng không tả kỹ như tả thực, nhìn xa cũng tưởng như thật, nhưng nhìn gần thì không thật… vì không tả kỹ, vì dùng các mảng, các nét bút to để vẽ, nhìn xa không rõ thì cũng thấy giống thật, nhưng đến gần thì hóa ra không phải.
Ánh sáng họ lược bớt đi, đơn giản đi. Đơn giản phần ánh sáng đi, không tỉ mẩn tinh tế như tả thực. Bản thân họ cũng không tả thực, nên ánh sáng bị thiếu hụt, kiểu như thế, gọi là ánh sáng thoảng qua của sự vật, đó là ấn tượng. Không tả kỹ ánh sáng nó đi từ đầu này qua đầu kia, xong vòng ra thế nào, phản quang thế nào, thì họ không làm cái điều ấy kỹ, họ chỉ tóm tắt như tóm tắt một câu chuyện.
Anh thấy hội họa tả thực ở Việt Nam hiện nay thế nào?
Theo tôi thấy thì tả thực ở Việt Nam không yếu. Tất cả họa sĩ trên thế giới cũng như Việt Nam, giai đoạn nào cũng có những người họa sĩ vẽ tả thực rất là đẹp. Không phải là không có, nhưng mà số lượng thì cũng không nhiều. Bởi vì bạn thử hình dung, giả dụ có 10 phong cách chẳng hạn, thì trong đó tả thực chỉ là 1 thôi, chỉ chiếm 10%, 10 ông họa sĩ thì có 1 ông chuyên vẽ tả thực… tương đương vậy thôi.
Nhưng họa sĩ vẽ tranh tả thực ở Việt Nam cũng nhiều dần lên đấy, không phải là ít dần đi đâu. Dường như trên thế giới cũng đang nhiều dần lên. Cảm giác như có một sự quay trở lại. Họa sĩ thế giới cũng nhiều người bắt đầu vẽ tả thực tốt lắm, Việt Nam cũng thế.
Vừa rồi ở bảo tàng mỹ thuật Việt Nam có triển lãm tranh của một nhóm họa sĩ tả thực, mình có đi xem. Nhóm này đang được coi là mạnh nhất Việt Nam, khoảng chục họa sĩ có tên tuổi.
Tên nhóm là gì nhỉ?
Nhóm Hiện thực. Trong đó có họa sĩ Phạm Bình Chương ở trường Mỹ thuật Việt Nam, thầy của mình, cũng là trưởng nhóm, thầy sinh năm 74. Các họa sĩ khác thì trẻ hơn. Họ vẽ cũng khá chỉn chu. Về mặt chỉn chu thì rất tốt. Làm việc rất nghiêm túc, vẽ rất nghiêm túc. Tả thực thì càng nghiêm túc lại càng đẹp. Đương đại thì đối lập. Tả thực càng nghiêm túc bao nhiêu, thì càng sâu, càng đằm, càng chắc. Họ cần có thời gian chuẩn bị. Không đơn thuần giống bức tranh hiện đại đâu; ví dụ vẽ bút chì trên giấy thôi, thì đầu tiên cần bố cục, cần tìm nhân vật, cần tìm tạo hình, đậm nhạt, tìm màu sắc… xong xuôi hết tất cả các khâu mới đưa lên vẽ. Không phải như kiểu như Pollock của Mỹ, không cần tìm những thứ ấy, cứ thế “vẽ” thôi, mà bằng hành động chứ không phải bằng bút… thể loại ấy thì không cần phải nghĩ, không phải chuẩn bị. Đương đại có thể một buổi sáng xong một bức tranh to, còn vẽ tả thực thì để xong bức tranh to ấy thì có khi mất cả năm, 6 tháng hay một năm, có khi còn lâu hơn, tùy theo độ kỹ, càng nhiều nhân vật thì càng lâu.
Tranh tả thực người ta hay tính theo đầu nhân vật. Ví dụ vẽ 1 người khác nhé, 2 người trong tranh đã khác rồi nhé, 3 người, thậm chí 100 người là rất khác. Tả thật lâu lắm, tả 1 người đã mất rất nhiều thời gian rồi, thời gian ấy cứ nhân với đầu người trong tranh. Hồi xưa mình đi chép tranh, thì tính tiền là tính theo đầu người trong tranh chứ không tính bức; ví dụ 2 người thì phải nhân đôi số tiền lên, 3 người nhân 3. Vẽ 1 người lâu lắm, tả rất kỹ, tả từng con mắt, gò má thế nào, đầu tóc ra làm sao, bàn tay thế nào, lồi lõm, xong rồi còn nghiên cứu xem bao nhiêu người.
Anh đã từng đạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi …
Vâng, cuộc thi Vietart Today dành cho họa sĩ trẻ chuyên nghiệp, năm 2016.
Sau đấy anh có đi triển lãm, qua 1 số gallery, bảo tàng quốc tế… tranh tả thực ở đó được trưng bày thế nào?
Thường thì các bảo tàng, bảo tàng Việt Nam hay trên thế giới cũng thế thôi, họ cũng phân luồng ra. Ví dụ tranh tả thực sẽ trưng bày cùng một chỗ, tranh hiện đại họ trưng bày một chỗ, chứ cũng không xen kẽ lung tung, không làm thế. Ở bên Singapore mình xem cũng thế, bảo tàng bên ấy họ cũng bày như vậy thôi, cũng tả thực riêng ra một chỗ. Trong lần mình đi thì thấy có một số tranh của các họa sĩ Việt Nam, trong đó có tranh của họa sĩ Victor Tardieu, hiệu trưởng đầu tiên của trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Thực ra tả thực ở Việt Nam mình cũng mạnh đấy, không phải là không mạnh.
Họa sĩ Nguyễn Minh Nam sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Đến nay, anh đã có 7 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và Đức; tham gia 13 triển lãm nhóm trong nước và quốc tế tại Berlin (Đức) và New York (Hoa Kỳ). Năm 2017, anh đoạt giải nhất cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp Vietart Today lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Tranh của Nguyễn Minh Nam nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập trong nước và quốc tế.
Vẽ tả thực cần có một nền tảng căn bản vững chắc, điều này không dễ dàng. Anh đã trải qua học tập và rèn luyện kỹ pháp cơ bản như thế nào?
Mình sinh ra trong gia đình truyền thống về mỹ thuật. Ông ngoại của mình được gọi là một nghệ nhân thêu rất giỏi ở Việt Nam, cụ tên là Nguyễn Văn Tính. Cụ được mệnh danh là “bàn tay vàng”, nhận rất nhiều giải thưởng của nhà nước về thêu. Tranh thêu bằng tay, thêu các loại chỉ màu, chỉ tơi nhuộm màu rồi mới thêu. Các bức tranh lớn lắm. Ông ngoại mình thêu đẹp lắm, vẽ cũng đẹp lắm, tranh màu nước trên giấy, vẽ xong rồi mới lấy mẫu ấy để thêu. Hồi trẻ cụ học vẽ tư nhân ở Hà Nội, không qua trường lớp. Cụ là chủ tịch hợp tác xã thêu ngày xưa. Mẹ mình cũng theo nghề của ông ngoại, cũng là một người trong hợp tác xã thêu của Bắc Ninh hồi xưa đấy. Sau thì hợp tác xã tan rã, ông và mẹ mình về nhà, vẫn làm nghề đấy thôi. Ông nhận đặt hàng thêu tay, mẹ mình thêu tranh, thêu áo len. Hồi đó thêu áo len nhiều lắm, ví dụ như có mốt thêu một bông hoa hay một chùm hoa ở đây chẳng hạn, người ta dệt áo len xong thì mang vào trong nhà cho mẹ mình thêu các bông hoa đó. Khoảng 10 năm sau thì thị hiếu đấy không còn nữa, mẹ mình không làm nghề thêu nữa mà chuyển sang nghề buôn bán.
Còn bố mình là một họa sĩ, nhưng là một họa sĩ tự học từ nhỏ không theo trường lớp; đến bây giờ bố mình vẫn vẽ tranh đều đều. Lúc mình bắt đầu tập vẽ hình họa căn bản ở nhà, bố mình cũng hướng dẫn, hơn nữa cũng nhờ các bạn họa sĩ của bố hướng dẫn mình học vẽ môn cơ bản ấy, vẽ tĩnh vật.
Ở trường Mỹ thuật Yết Kiêu mình học khoa Sư Phạm, chỉ học có 4 năm, chứ không được học 5 năm như khoa Hội họa hay Điêu khắc. Trong trường có môn gọi là môn hình họa, là một môn quan trọng nhất của hội họa, nghĩa là vẽ người bằng đen trắng ấy. Mình nhấn mạnh nhất môn ấy. Mình đặt ra tiêu chí, ví dụ thế này: bài này hôm nay vẽ người, thì mình sẽ nghiên cứu cái gì của bài này, mình đặt ra luôn chứ không vẽ chung chung như các bạn khác. Bài này thì mình nghiên cứu không gian, con người và không gian của bức tranh, mình bắt đầu nghiên cứu cái đó, mình phải vẽ ra được cái đó. Qua bài sau thì mình lại nghiên cứu chủ thể là con người, không vẽ không gian mà chỉ vẽ con người nhưng có sự liên kết từ con người sang không gian, mặc dù không vẽ không gian. Mình đặt ra như thế, để tự gây khó cho bản thân, ý muốn nói là phải đặt ra những thứ cao để vượt qua. Đến bài sau thì mình lại nghiên cứu về đường nét, chỉ nghiên cứu về đường nét thôi, đến bài tiếp thì nghiên cứu về mảng, chuyên biệt về mảng, đến bài sau nữa thì kết hợp giữa mảng và nét…Nói chung các yếu tố hội họa thì mình đều xử lý hết trong những năm học Sư Phạm.
Mình học chăm chỉ lắm, vì muốn trở thành người vẽ được tốt thì mình phải học, mình phải học nhiều, phải luyện nhiều. Không những vẽ luyện như thế, còn các môn khác như bố cục, trang trí, màu, mình cũng làm như thế, sau đó còn phải đọc sách, nghiên cứu… nói chung trong 4 năm học mình khá bận rộn trong việc nghiên cứu và học, luyện. Tự mình đặt ra sự bận rộn thôi, đặt quá lên so với yêu cầu của nhà trường.
Sau này nhìn lại thì thấy những nỗ lực ấy là có kết quả; mình vẽ hình họa, vẽ người là cũng được, nhiều người cũng chấp nhận được.
Ra trường xong là đến một bước khác, khó khăn theo kiểu khác, theo kiểu đời sống kinh tế, chứ không vướng bận vào nghiên cứu nặng nữa. Đó là giai đoạn mà người họa sĩ phải chứng minh năng lực của mình trên các bức tranh sáng tác; hồi đi học chỉ gọi là bài học thôi, chưa được tính là tranh sáng tác, hai cái đó khác nhau. Ra trường thì bắt buộc phải sáng tác; vẽ bài học thì không bán được tranh, và không ai cần mình vẽ bài học ấy.
Lúc đó mình vừa phải đi làm, rồi tối về vẽ tranh, ngày này qua ngày khác, dù chẳng bán được tranh. Đến lúc có vợ con rồi cũng vẫn chưa bán được tranh. Nói chung là ngày làm kinh tế, đêm thì vẽ tranh, vẽ đến khoảng 2h sáng; vì không có nhiều thời gian nên mình phải chắt chiu thế thôi. Ngày nào cũng thế, cứ duy trì thế, mặc dù chưa có kết quả, chỉ có tiêu tiền thôi chứ chưa kiếm được tiền về. Nhiều khi mình tự bảo mình rằng: “kiểu này có khi lại hại vợ con”, xong rồi lại tặc lưỡi, thôi vẫn phải tiếp tục.
Về vẽ thì chi phí khá cao; với một họa sĩ đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì vẽ sơn dầu này là một vấn đề lớn. Ví dụ mua sơn dầu, mua toan, mua sắt xi (khung căng tranh)… hồi đó cứ sơn dầu “tàu” là 30k một tuýp, đấy còn là loại “vét đĩa” nhất đấy, chưa phải loại cao cấp, toan nữa, rồi bút bung các kiểu, rất tốn kém chứ không đơn giản. Thử tính hồi đó 2k ly cà phê, 5k bát phở, thì “ông này” chiếm 30k/tuýp rồi, kiểu như thế. Chính vì vậy nhiều người họa sĩ sau khi ra trường không vẽ được nữa, vì chẳng có tiền mà vẽ, có người thì không còn đam mê nữa, vì đam mê cũng chẳng kiếm được tiền, nên cũng không đam mê nữa, đành phải bỏ đi làm việc khác kiếm ăn thôi. Nên nghề họa sĩ này không đơn giản, không phải cứ học xong là thành họa sĩ; học xong chỉ biết được nghề thôi, còn trở thành họa sĩ hay không thì anh phải sáng tác tranh, có nhiều bức tranh đẹp nhiều người biết đến thì mới được gọi là họa sĩ.
Những họa sĩ vẽ theo lối tả thực ở Việt Nam bây giờ, theo những gì anh biết thì tranh của họ có bán được không?
Để trở thành họa sĩ vẽ tranh tả thực phải trải qua rất nhiều công phu, rất nhiều thử thách, bởi vẽ được một bức tranh tả thực đẹp nó khó hơn hàng trăm lần vẽ một bức tranh thể loại khác. Tất nhiên đây chỉ là trong cách nghĩ của mình thôi, không phải ai cũng nghĩ như mình đâu, người ta bảo là vẽ tả thực thì vẽ làm gì, tôi phải vẽ như thế này này, ý là như thế, mỗi người thì mỗi ý thôi. Mình đang suy nghĩ theo cá nhân của mình; mình thấy rằng vẽ tranh tả thực nó rất là khó, không hề dễ đâu. Bởi vì đầu tiên người họa sĩ tả thực bắt buộc phải là người giỏi hình họa rồi đã, và phải là người có khả năng vẽ hình họa giỏi, tức là vẽ về người giỏi, chứ nếu mà vẽ người yếu … bởi vì không phải ai cũng vẽ được người giỏi mà, cho nên có người vẽ người giỏi, có người vẽ người yếu, có người còn không cả biết vẽ người mặc dù đã học rồi. Cho nên mình phải nói riêng cái khả năng vẽ người không này thôi này, con người này này, tái hiện vào trong tranh ấy; vẽ con người là khó nhất. Vẽ được một người đẹp ở trong một bức tranh đã chứng minh anh là một họa sĩ giỏi rồi, một họa sĩ rất giỏi về hình họa rồi. Còn nếu hình họa không giỏi thì không vẽ được tả thực. Vẽ cây sai có thể chẳng ai biết, vẽ người sai thì biết ngay. Ví dụ vẽ người sai, tự nhiên bàn tay to một tí, thì người giỏi họ nhìn thấy ngay, à ông này bị lỗi tay, bàn tay to quá. Hoặc là không đúng tư thế, thì đó đều là lỗi hình họa.
Người họa sĩ giỏi hình họa sẽ dễ vẽ được bức tranh tả thực giỏi, vì hình họa cũng là căn bản của hội họa. Cho nên vẽ tả thực khó ở chỗ là nó không bỏ sót một cái gì, anh không thể giấu được cái gì ở trong tả thực, bởi vì anh kém cái gì nó sẽ lộ ra cái đấy. Cho nên người vẽ tả thực, bắt buộc anh phải rèn luyện đầy đủ tất cả các yếu tố của hội họa, tức là từ hình, tả, màu, kỹ thuật, các kiểu, anh đều phải rèn luyện đều tăm tắp. Bởi vì nếu không nó sẽ lộ hết ra. Tả thực khó ở chỗ là nó có nhiều tiêu chuẩn lắm, mà một người có nghề sẽ nhìn ra chỗ hỏng, còn người không biết vẽ thì bảo “ôi đẹp quá nhỉ?”; người ấy họ không biết về hội họa nhiều, cứ thấy giống giống là họ thích thôi. Còn họa sĩ nhìn tranh của nhau thì họ khắt khe lắm. Tả thực là khắt khe nhất. Vì tả thực không giấu được cái vụng của họa sĩ. Cho nên bắt buộc người họa sĩ phải thực tập rất là tốt ở tất cả các yếu tố, phải kỹ, xong rồi mới đưa được ra. Và phải luyện tập, cái đó phải chứng minh bằng luyện tập, tức là anh phải vẽ rất nhiều bức tranh, sau rồi bắt đầu qua mỗi bức tranh mà nâng lên một chút, mỗi bức tranh nâng lên một chút… cho đến khi đạt đến một tầm nhất định, thì mọi người, [gồm cả người trong nghề], sẽ bảo, “à bức tranh này đẹp thế nhỉ”!
Cảm ơn anh… Chúng ta quay trở lại câu hỏi, các họa sĩ Việt Nam theo hướng tả thực hiện giờ có bán được tranh không? (MN: À đúng rồi, haha, quên mất câu hỏi) Khách hàng của họ là ai, ví dụ khách hàng của anh là ai?
Theo như mình thấy, bây giờ một số họa sĩ có tranh tả thực bán được giá cao. Vì sao được giá cao? Đầu tiên là thế này, bức tranh của họ phải đẹp, khách hàng của họ đều là những nhà sưu tập thôi, bởi vì phải là sưu tập thì mới dám mua, mới dám bỏ tiền ra như thế để mua một bức tranh. Chứ nếu để chơi thôi, ví dụ nhà mình thiếu một bức tranh đi ra phố mua, thì sẽ không mua tranh đó đâu; phải là những nhà sưu tập, những người hiểu về hội họa, họ hiểu kỹ, họ có tiền và họ sưu tập thì họ mới dám mua những bức tranh tả thực như thế, vì nó không ít tiền.
Nếu mà một họa sĩ vẽ tả thực không đến nơi đến chốn thì không bán được tranh. Thế thì bán ở tầng thấp thôi, giá rất thấp, lẹt đẹt, hàng chợ các kiểu; tất nhiên họ vẫn sống, nhưng mà ý mình đang nói ở cái tầng cao, chứ tầng nào thì cũng có thôi. Ở Việt Nam hiện tại vẽ tả thực ở tầng cao thì giá tranh rất cao, chứ không đơn giản, vì họ rất công phu trong việc chuẩn bị một bức tranh, nên giá tranh cũng tương ứng với những cái họ bỏ ra, họ đã luyện tập, họ đã dày công xây dựng; mình nghĩ là cũng xứng đáng thôi. Họ đã trải qua rất nhiều công phu rèn luyện, cũng có tiếng tăm và tên tuổi mới được như vậy.
Nói chung bán được một bức tranh có giá trị nó liên quan đến nhiều vấn đề: họa sĩ này có tên tuổi hay không, vẽ đẹp hay không, quá trình sáng tác thế nào, và khách hàng của họ nữa. Chứ không phải là ‘tôi vẽ tả thực đấy, tôi cứ đưa ra bán thôi, tôi cứ phát tán như thế’… chẳng ai mua đâu, vì người ta không biết anh là ai, chẳng biết ông họa sĩ này là ai, tự nhiên bây giờ xuất hiện, tranh vẽ có đẹp hay không, cũng là tả thực nhưng chưa đến nơi đến chốn… Nhưng cũng có như thế này, người ta chưa biết anh họa sĩ này là ai, nhưng anh trưng bày một bức tranh ra thôi, ai cũng phải trầm trồ vì tài năng của anh quá cao, thế thì người ta lại để ý; nhưng mà để ra được một bức tranh ấy anh đã phải hy sinh rất nhiều rồi, thì cũng là xứng đáng.
Anh bán được bức tranh đầu tiên như thế nào?
Năm 2007, mình tham gia triển lãm nhóm cùng một số anh em họa sĩ Hà Nội ở 31 Văn Miếu. Mình bán được bức tranh đầu tiên, đấy là lần đầu tiên trong đời mình bán được một bức tranh sáng tác. Mình nói về tranh sáng tác thôi, còn tranh chép, tranh làm ăn… thì không tính.
Những bức tranh hồi đầu anh đã vẽ theo lối tả thực chưa?
Chưa, mình vẫn theo lối hiện đại, chủ yếu vẽ bằng đường nét. Năm 2007 bán được bức tranh đầu tiên, hồi đó mình vẫn vẽ bằng đường nét, mang tính chất thuộc về trường phái biểu hiện trừu tượng.
Đến khi nào thì anh bắt đầu tập trung vào phong cách tả thực?
Từ khi ra trường đến năm 2010, chủ yếu là mình theo lối biểu hiện trừu tượng. Từ năm 2010 đến 2013 thì mình dần rời xa biểu hiện trừu tượng, bắt đầu nghiêng dần về hiện thực, hiện thực chứ chưa được gọi là tả thực. Lúc đó chưa đồng bộ hẳn, vẫn trà trộn trà trộn giữa đương đại và tả thực. Đến 2014 mới có ý tưởng đưa tả thực vào, khi đó nhân vật trong tranh thì mình bắt đầu tả kỹ, kỹ dần, vào các chi tiết khuôn mặt, bàn tay.
Chuyển hướng như vậy, anh có gặp khó khăn gì không?
Mình không thấy vất vả, vì hồi xưa, khi còn đi học mình đã có khả năng vẽ tả thực mà. Luyện hình họa là một, với hai nữa là vào các đợt nghỉ hè hồi đó, mình đi làm thêm, đi làm chép tranh ở các cửa hàng. Chẳng hiểu thế nào lại có duyên mà người ta toàn giao cho mình loại tả thực, chuyên chép các loại tả thực thôi. Thế là tự nhiên mình lại có cơ hội để luyện tập các loại tả thực. Ví dụ vẽ một bức tĩnh vật hoa, trong đó có khoảng 20 bông hoa, mỗi bông là một loài hoa khác nhau, tả y như thật. Lại có những bức tranh vẽ con sư tử lao thẳng vào người, tả y con sư tử như thế, râu ria lông lá như thế nào, bụi mù cuốn đằng sau ra làm sao.
Đấy cũng là một cơ hội để mình luyện tập, cũng hay. Nên khi mình vẽ tả thực sau này thì không gặp trở ngại gì, chẳng qua là mình cứ tả kỹ hơn kỹ hơn nữa thôi. Mình cứ tĩnh tâm mình tả là sẽ được thôi.
Dường như anh thích vẽ người hơn là vẽ phong cảnh? Có lý do gì trong lựa chọn ấy không?
Trước đây mình vẫn hay vẽ về người. Thực ra mình cũng thích vẽ người hơn phong cảnh, đơn giản thôi chứ không quá cầu kỳ là vì sao mình lại vẽ người. Đơn giản là mình thích vẽ về người thôi. Thích vẽ người hơn là vẽ cây, sông núi, vẽ con vật… Vẽ người có thể tả được tâm trạng của con người thông qua tư thế, tả được tình cảm tâm tư của con người. Ví dụ vẽ một cái cây buồn thì không thích bằng tả một con người buồn.
Ngày trước những nhân vật đầu tiên anh vẽ đều là biểu hiện những mặt tiêu cực của xã hội đúng không?
Đúng rồi, thường là những cô gái nghịch ngợm, rồi ăn chơi.
Vì sao lại thế? Đúng là trong xã hội có những cô gái như thế, nhưng cũng có rất nhiều những cô nương khác (MN: trong sáng) đúng không? Vì sao khi ấy anh lại chọn góc nhìn từ phía phụ diện của xã hội, mà không biểu hiện những cái tốt đẹp, cái chính diện hoặc cái Thiện…, nguyên nhân là thế nào?
Tại sao hồi đó mình lại vẽ các cô gái ở mặt tiêu cực như thế? Dường như mình thấy rằng trong xã hội, cái gì mà nghịch ngợm, nó lạ lạ đi, hoặc nó ngang ngang bướng bướng đi một tí thì lại thích hơn, hồi đấy suy nghĩ như thế. Tức là mình thích hơn kiểu như ngoan quá, hoặc lễ phép thì mình không thích, mình lại thích cứ phải bướng đi, ăn chơi, la cà sa đọa thì mình lại thấy thích.
Hồi trẻ mình học ở Hà Nội, cũng là nơi đầy đủ để cho mình thực tế; ví dụ như la cà, đêm hôm, rượu chè, quán xá, bar, sàn các kiểu, thì đấy là quá trình mình có thực tế, có trải qua, mình thâu lượm, rồi lấy đó chắt lọc vào đối tượng trong tranh của mình. Nhưng thực ra mình thâm nhập vào các môi trường như vậy chủ yếu là để quan sát thôi, chứ không phải là mình cũng thích chơi, thích nghiện những cái đó. Ý thích đó là ý thích cho nhân vật trong tranh là chính.
Trong quá trình mình giao tiếp với một số họa sĩ khác, mình thấy họ cũng bày tỏ như thế. Kiểu như là mình phải nghĩ ra cái gì quái đi một tí, bướng đi một tí, nó không giống ai.
Tức là tìm cầu cái mới lạ đúng ko?
Thường là như thế, truy cầu những cái mới lạ, tức là không giống ai. Người nào làm rồi mình không làm nữa. Ví dụ như thế; ví dụ ngày xưa người ta vẽ các cô gái hiền thục thì bây giờ thấy, à họ vẽ rồi thì vẽ làm gì nữa, bây giờ phải vẽ các cô gái khác đi.
Bây giờ anh còn nghĩ thế không?
Bây giờ thì không, bây giờ thì mình không còn suy nghĩ đấy nữa, mình vẽ kiểu khác.
Nhân vật trong tranh của anh, đến hiện tại anh thấy có sự thay đổi không?
Thực ra là cũng có sự thay đổi đấy, có nhiều sự thay đổi đấy.
Tôi cũng thấy sự thay đổi, và muốn hỏi về nó.
Thực ra, sự thay đổi lớn nhất trong giai đoạn này với giai đoạn trước… thì mình thấy rằng, ngày trước mình vẽ nhân vật nữ trong tranh sẽ thấy rõ phần cơ thể hơn, hiện tại thì sẽ lược bớt đi các đường nét cơ thể, ví dụ dùng quần áo lấp đi, còn trước thì mình vẽ xuyên qua quần áo, các đường nét cơ thể rõ. Cái khác biệt đó cũng là đáng kể. Vì sao đáng kể? Vì giữa rõ và không rõ, đã là 2 trạng thái hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ ngày xưa là một cô gái, chẳng hạn như “nghịch ngợm, ăn chơi”, giả dụ như thế. Nhưng bây giờ dường như anh đã lựa chọn chủ thể rất thay đổi, không chỉ về ngoại hình và cách anh thể hiện nhân vật ấy, mà còn là nhân vật ấy là như thế nào. Có lẽ đã khác rồi đúng không?
Đúng vậy, cái đó là bạn cảm nhận đúng về tranh của mình. Hồi xưa mình vẽ cơ thể rõ hơn bây giờ, thực ra nó chỉ là một yếu tố. Còn sự thay đổi nữa là, các nhân vật trong tranh, ngày trước các cô ấy là những cô gái ăn chơi, hút thuốc, uống rượu, cuộc sống buông thả chẳng còn ý tứ gì nữa (CM: Có cô còn giơ thẳng chân lên trời! MN: đúng, kiểu như thế), cuộc sống chẳng còn gì ngăn cấm họ… đó là những cô gái ngày xưa. Những cô gái bây giờ thì có lẽ họ đã qua được một “lớp đào tạo”, nói vui như thế, nói vui là đã qua một lớp đào tạo về phẩm hạnh, nên bây giờ các cô ấy ngồi tư thế sẽ đẹp hơn ngày xưa, giờ không hút thuốc nữa, giờ cai thuốc rồi, không hút thuốc uống rượu nữa, sống không buông thả nữa, không đi chơi thâu đêm la cà nữa.
Thực ra là do chính mình đã trải qua thay đổi, thế nên nhân vật của mình cũng trải qua, họ thay đổi thuận theo sự thay đổi của mình.
Câu chuyện là như thế nào?
Đấy là khoảng đầu năm 2019, mình bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một cách thực tu ấy, mình bắt đầu đọc cuốn Chuyển Pháp Luân nhiều; dần dần mình mới thấy là những gì mình suy nghĩ trước kia không còn phù hợp nữa, thì tự nhiên lúc ấy thay đổi thôi. Sức khỏe mình tốt lên rất là nhiều, khỏi thoát vị đĩa đệm, khỏi đau dạ dày; mình bị đau dạ dày từ bé, chữa các kiểu không khỏi, giờ thì khỏi rồi. Tinh thần cũng không còn suy nghĩ vu vơ như ngày xưa, cái đấy mới là cái hay, mà lại hay thích làm những điều tốt; như hồi xưa thì mình thích hút thuốc, đi chơi qua đêm, nhậu nhẹt với bạn bè, từ khi tu luyện thì không thích những điều ấy nữa, vì có hại cho bản thân mình và mọi người, có hại cho vợ con, mình không muốn cái đó nữa. Ngày trước mình biết có lúc mình nói dối, bây giờ thì mình không muốn nói dối nữa, có nhiều thay đổi lắm, trông thế thôi. Kể từ lúc tu luyện Đại Pháp mình có rất nhiều thay đổi trong tâm, kể ra thì không thể hết được, nhưng mà đại loại cơ bản như các tệ nạn xã hội thì mình không muốn dính dáng vào nữa. Đi chơi đêm thì không còn, ngày xưa đi chơi đêm suốt, đi thâu đêm cũng được; từ khi tu thì mình không đi chơi đêm, mình đi chơi đúng giờ thì về, mà đi chơi nó lành mạnh lắm, ngày xưa vẫn cứ vào bar, sàn các thứ linh tinh… từ khi tu luyện mình không muốn vào những nơi ấy nữa, không thích những thứ hồi xưa thích nữa, những cái tiêu cực ấy. Mà khi mình không thích vào bar, sàn nữa thì tự nhiên cũng không vẽ các cô gái vào trong bar trong sàn hút thuốc, uống rượu nữa. Trên thực tế là tính cách của mình đã thay đổi theo.
Bây giờ mình yêu mến những thứ gì thuần khiết hơn, thuần Thiện hơn, nhẹ nhàng, không gây ra cái gì quá cực đoan cho thị giác của con người; những nhân vật hiền thục, thân thiện, thuần chân hơn, sau đó mình vẽ lên tranh. Như mọi người thấy trong tranh của mình, những bức tranh nhìn vào sẽ toát ra sự nhẹ nhàng thư thái, không như hồi xưa; hồi xưa không có được thần thái đó, đó là sự khác nhau. Tranh vẽ không cần phải là câu hỏi mà bắt buộc người ta phải trả lời, không cần thiết. Ai nhìn cũng được, ai nhìn cũng hiểu, dễ hiểu, dễ xem, đặt trong môi trường nào cũng thế, hoàn cảnh nào cũng được, vẫn nhẹ nhàng làm cho người ta nhìn vào cảm thấy thư thái tinh thần của họ, đó chính là mục đích của mình.
Trong hội họa, theo anh thì lựa chọn “vẽ gì” có ý nghĩa như thế nào?
Ngày trước thì “vẽ cái gì” với mình không quan trọng lắm, vì đó là đối tượng trong tranh, đối với họa sĩ thì họ vẫn chỉ quan niệm là cái gì được vẽ trong tranh gọi là đối tượng trong tranh. Họ quan trọng nhất là người họa sĩ vẽ bức tranh ấy như thế nào, điều đó quan trọng hơn là người họa sĩ vẽ cái gì trong tranh. Trong tranh vẽ cái gì không quan trọng, quan trọng là anh vẽ như thế nào, đẹp hay không. Trong giới họa sĩ là họ đang quan niệm như thế, trước mình cũng thế.
Đến giờ thì mình thay đổi về quan niệm. Vì sao? Vì bây giờ mình bắt đầu thấy rằng, nhân vật trong tranh lại là vấn đề rất quan trọng; ví dụ như chúng ta vẽ con người hay là vẽ về Thần, về Phật, về các đức Phật. Tại sao vẽ về các vị Thần, hoặc các vị Phật lại tốt hơn là vẽ về những thứ phản diện, chẳng hạn như là về ma, về quỷ chẳng hạn. Tại sao lại tốt hơn? Bởi vì mình nghĩ là Thần vẫn luôn che chở con người, đức Phật vẫn luôn bảo hộ con người, người tốt sẽ được Thần, Phật giúp đỡ, có được năng lượng tốt, đều mang tính cứu vớt con người. Nhưng ma quỷ thì không làm như thế. Bởi vậy tôi nghĩ chúng ta nên vẽ về Thần, Phật hoặc những con người lương thiện. Vẽ như vậy thì đầu tiên nhân vật đó đã là một nhân vật đẹp rồi nhé; khi xã hội nhìn vào, thì họ thấy đó là một nhân vật đẹp, họ cũng biết là nhân vật rất đẹp; ví dụ như Thần, thì họ hiểu Thần là che chở con người, họ sẽ khởi tâm thành kính. Một bức tranh như vậy sẽ tỏa ra năng lượng rất tốt. Ai xem những bức tranh ấy cũng là điều rất tốt.
Bây giờ mình vẽ người thôi, dù cũng thay đổi rất nhiều. Những nhân vật của mình đều ăn mặc chỉn chu, thuần Thiện, thuần mỹ, là người có đức hạnh. Tương lai mình vẫn muốn vẽ về Thần, Phật, nhưng như vậy thì kỹ năng của mình cần phải tập dượt hơn, dựa trên con người trước đã, đến lúc nào mình thấy rằng, à mình đã tốt rồi, thì lúc đó mình sẽ vẽ chủ đề các vị Thần, hay các đức Phật.
Đó là quá trình đang hình thành, mình sẽ làm như vậy, đó là cách nghĩ cách đi của mình cho các bức tranh về sau.
Nghĩa là anh tin rằng, bức tranh mà nhân vật, chủ đề và cách anh thể hiện càng trong sáng càng cao thượng, thì nó sẽ mang năng lượng tích cực đến cho người mua tranh, người thưởng tranh; khiến người ta được thọ ích?
Mình nghĩ không riêng gì một bức tranh đâu, mà cái gì cũng thế. Cái gì mà trong xã hội này mà mang đến sự tích cực cho con người, mang đến vẻ đẹp, mang đến sự tốt đẹp cho con người, thì đều đóng góp sự tốt đẹp đó vào cho xã hội; không riêng gì một bức tranh. Nhưng vì mình là họa sĩ, mình vẽ tranh, mình rất muốn điều đó, tranh của mình sẽ mang đến sự tích cực, sự tốt đẹp đến cho người xem.
Vậy thì điều này có liên quan gì đến việc anh lựa chọn kỹ pháp tả thực cho nghệ thuật của mình không?
Dựa vào kỹ thuật của tả thực, người họa sĩ sẽ truyền tải được ý tưởng của mình tốt hơn. Ví dụ theo mình, muốn tả một cô gái hiền thục, đôn hậu nhu mì, thì bắt buộc phải dùng kỹ thuật tả thực, tả thực của phương Đông hay phương Tây đều ra, nhưng nếu không dùng kỹ thuật tả thực mà để vẽ ra một cô gái như thế, thì mình nghĩ rằng sẽ khó. Mỗi một phương pháp khác nhau sẽ đưa đến hiệu quả khác nhau. Nếu không phải tả thực thì khó tả được sự hiền thục đó, sự đôn hậu của một người phụ nữ, dùng kỹ pháp khác không ra được. Có khi tả một người phụ nữ đôn hậu nhưng lại hóa ra một người phụ nữ đanh đá chẳng hạn, thì nó lệch khỏi ý tưởng ban đầu
Hoặc là phải giải thích thì người ta mới hiểu đó là người phụ nữ đôn hậu?
Đúng vậy, hội họa đương đại cứ phải đọc xong mấy trang giấy bấy giờ mới xem tranh, xem tranh mới hiểu. Tranh ngày xưa có phải đọc gì đâu, cứ thế đứng xem luôn. Sự truyền đạt của phong cách tả thực vẫn là đầy đủ nhất, mình nghĩ là đầy đủ nhất trong hội họa, bởi vì chỉ cần nhìn tranh họ đã biết người họa sĩ muốn nói gì. Nhưng mà tranh hiện đại, cứ phải đọc xong thì mới hiểu tranh họ nói cái gì, thế thì hóa ra ngôn ngữ lại thay cho cả hội họa, ngôn ngữ chữ viết thay cho ngôn ngữ hội họa, thế thì đâu còn là một bức tranh hoàn chỉnh nữa; tức là họ cứ phải thông qua 1 cuốn sách mới hiểu được 1 bức tranh, thế thì 10 bức tranh phải đọc 10 cuốn sách, thế thì sẽ không thuận lợi, không đúng. Văn chương cần phải đọc, còn hội họa cần phải xem. Nên tả thực mình vẫn thấy là đầy đủ nhất.
Người ta hay nói các họa sĩ đều hướng tới cái đẹp, ví như tiêu chuẩn ngày xưa thường nói đến Chân-Thiện-Mỹ, hướng đến cái đẹp. Trong một bài phỏng vấn khác, anh có nói là anh không muốn vẽ ra một bức tranh xấu… nhưng thế nào là một bức tranh đẹp?
Bây giờ thì mỗi họa sĩ đều có tiêu chuẩn của riêng của họ. Ví dụ họa sĩ trừu tượng thì bảo một bức tranh đẹp thì phải thế này thế kia. Còn họa sĩ theo lối pop art thì lại là một tiêu chuẩn khác. Nghĩa là mỗi họa sĩ lại có một tiêu chuẩn khác nhau. Ai cũng có một tiêu chuẩn riêng của mình.
Mình cũng có một tiêu chuẩn riêng. Ví dụ, một bức tranh mình cho là đẹp thì đầu tiên phải nói đến đấy là một bức tranh tả thực cái đã. Vì nhìn nó rõ những gì tác giả muốn vẽ, và mình nhìn thấy ngay, ai nhìn vào cũng thấy đẹp, một bức tranh tả thực sẽ đến được trái tim người xem gần nhất. Một người không hiểu gì về nghệ thuật người ta nhìn vào cũng thấy đẹp, một người biết nghệ thuật, hiểu về hội họa người ta nhìn cũng thấy đẹp, như thế thích hơn là bây giờ vẽ ra một bức tranh mà chỉ có 10 người kia thích thôi, còn tất cả chẳng ai thích, chẳng ai hiểu. Một bức tranh treo lên ai nhìn cũng thấy thích thì đóng góp của nó rất là lớn, vì ai cũng được hưởng lợi ích từ bức tranh đó, vì ai nhìn vào cũng hiểu mà, hay hơn là bức tranh mà cứ phải nghĩ một tuần rồi có người ra giảng bên tai mới hiểu được, thì mình nghĩ đấy không phải là mục tiêu của hội họa. Mục tiêu của hội họa là gì? Là nó cứ truyền tải âm thầm thôi, giữa người xem và bức tranh, tự hiểu. Bây giờ để hiểu một bức tranh lại cứ phải đọc một quyển sách xong mới bắt đầu thưởng thức thì người ta không có thời gian, mình nghĩ là như thế.
Anh nghĩ có tồn tại một tiêu chuẩn khách quan cho cái đẹp không? Bởi nếu nói cái đẹp mỗi người một kiểu, tôi thích thế này gọi là đẹp, tôi thích thế kia gọi là đẹp, cuối cùng thì đã có nghệ thuật gia coi rác là đẹp, hoặc một cái vỏ chuối tùy ý là đẹp, nó trở thành như thế. Bản thân anh có tin tưởng tồn tại một cái đẹp khách quan không? Cái đẹp mà ai nhìn cũng thấy đẹp?
Có. Mình nghĩ rằng cái đẹp khách quan, cái đẹp chung nhất của hội họa ấy, cũng như các giá trị phổ quát, ví dụ Chân Thiện Mỹ ngày xưa chẳng hạn, cũng là một tiêu chuẩn, đấy là tiêu chuẩn khách quan, là cái cơ bản nhất của một bức tranh hội họa. Những bức tranh mà đạt được chuẩn những tiêu chuẩn ấy, thì đều “bắt được sóng” với người xem.
Mình vẫn hay theo sát các thông tin về mỹ thuật trên thế giới cũng như trong nước. Nhiều lúc mình đọc được các bài viết về những bức tranh thời kỳ Phục Hưng, thời kỳ Cổ Điển, những bức tranh ấy thường tả về các tích trong Kinh Thánh chẳng hạn, tả rất là kỹ. Những bài ấy không phải là ít, nhiều lắm, đôi khi mình gặp những bài ấy, mình bảo, ồ bức này đẹp quá nhỉ, mình dừng lại xem, thậm chí lưu về máy để xem lại, xem kỹ hơn.
Một bức tranh thời Phục Hưng hay Cổ Điển họ vẽ kỹ lắm; ví dụ tranh nhiều nhân vật, một bức tranh to ấy, mình xem một loáng là không xem được hết đâu, phải lưu lại vào máy, những lúc rỗi rãi lại mở ra xem tiếp. Mình thấy cái hay của tranh tả thực cổ điển là thế này: đầu tiên là họ vẽ rất kỹ, từng khối quần áo rồi khuôn mặt, không gian trong bức tranh họ vẽ rất là tốt, họa sĩ đương đại bây giờ nhiều khi không làm nổi, không vẽ ra nổi không gian như thế này đâu, thần thái như thế này. Những lúc ấy mình thấy cảm giác như bị thiếu đi cái thẩm mỹ như thế. Nhiều khi mình gặp lại bức tranh này, mình bảo, ôi bức tranh này vẽ hay thế, thì tự nhiên cái thiếu đấy chính là cái bây giờ mình lại nhìn thấy, chính là cái lâu lắm rồi mình không được thưởng thức, mình lại nhìn thấy trong một bức tranh từ xưa người ta đã vẽ như thế rồi; mình rất thích trạng thái đó. Bởi bây giờ người ta cũng vẽ tả thực nhưng không có được cái thần thái như vậy nữa.
Họa sĩ cổ điển vẽ màu rất đẹp, kể cả không gian, từ bàn tay, từ cánh tay, da thịt này với không gian nền họ vẽ… thực ra để giải thích thì khó, nhưng mình nhìn thấy là cái bàn tay, cánh tay này nó đúng là đứng ở trong không gian đấy, mà nó không bị tách bạch ra. Họ vẽ rất giỏi, cái giỏi ấy là mình phải học. Họa sĩ bây giờ có khi vẽ không ra được không gian đó, bây giờ ra một không gian kiểu khác, nhưng không gian kia mình thích hơn là vì nó luân chuyển, nó vận hành, nó rất mềm mại trong không gian, không bị cứng như bây giờ, bây giờ phần lớn cảm giác bị cứng cứng hơn. Nói chung mình thích không gian ngày xưa, họ vẽ mềm lắm, họ vẽ rất tự nhiên; con người đứng trong không gian bức tranh, cảm giác tự nhiên lắm, không gian đằng trước không gian đằng sau hòa quyện vào nhau… tài năng của họ là như vậy.
Mình cũng đang muốn tập cái đó, nhưng thực ra tranh của mình, mình cũng tạm gọi là cũng có phần tả thực trong tranh thôi. Nhưng vì sao tranh của mình không tả thực hết? Mình cũng gọi là tranh tả thực, nhưng là theo lối phương Đông. Như mọi người cũng biết, từ hồi xưa thì hội họa phương Đông thì cũng tả, nhưng dựa trên thần thái nhân vật chứ không tả như phương Tây. Phương Tây là tả theo ánh sáng, nghĩa là theo cấp độ ánh sáng và cấp độ kỹ, nhưng phương Đông mình thì chủ yếu là tả ý, tả cái thần thái, cái khái quát của nhân vật thôi. Mình thì vẫn thích theo lối phương Đông hơn, nên các bạn nhìn tranh của mình cũng thấy có phần tả, nhưng không kỹ theo lối phương Tây, mà nhẹ nhàng hơn, khái quát hơn, chủ yếu là đề cao cái thần thái, đó là cái mình thấy khó nhất trong tranh tả thực phương Đông, rất là khó, không phải cứ tả là ra. Vẫn là vấn đề của tác giả, tâm hồn của tác giả thôi, cái tính cách, đạo đức của tác giả thế nào thì sẽ ra bức tranh như thế. Anh phải là một người rất trọng đức, sống trở thành người tốt, rồi các phương diện, thì tranh của anh mới ra được cái chất ấy, cái thần thái tự nó nhập vào thôi. Thần thái ấy không vẽ ra được, mà nó chính là bản thân của người vẽ, cái năng lượng tốt hay xấu của người vẽ phản ánh lên.
Một bức tranh được gọi là đẹp theo cá nhân mình hiểu, thì mọi thứ cần hướng đến sự tích cực. Ví dụ nội dung bức tranh cũng nên cho mọi người thấy đây là nội dung rất là đẹp, không có phương hại hay xui khiến con người ta làm điều xấu. Về sử dụng màu sắc chẳng hạn, cũng như thế. Càng về gần đây, tả thực ấy, mình thấy là nhiều họa sĩ tả thực… một số thì đi vào, cũng tả thực, nhưng mà không gian và màu sắc cứ cảm giác nó bị âm u, thì cái dòng đó mình không thích lắm. Mình thích dòng tả thực nhưng nó sáng sủa lên một tí, màu sắc, không gian nó sáng hơn, mình thích hơn. Cũng có họa sĩ mà nhìn tranh tả thực nhưng mà cứ âm u, tối tối, rồi đưa thêm cả những thứ như đầu lâu, thần chết, thì những cái đó mình cũng không thích lắm, cũng là cách nghĩ ý tưởng của mỗi người.
Anh nghĩ tương lai của hội họa tả thực sẽ như thế nào?
Mình tin là phong cách tả thực, hội họa tả thực, sau này sẽ được phổ biến và phát triển mạnh. Vì qua những chứng minh thì thấy là nhiều họa sĩ đã bắt đầu chú trọng đến phong cách tả thực nhiều, đi vào tả thực nhiều, mình thấy càng ngày càng nhiều, chứ không phải càng ngày càng ít đi. Mà càng ngày càng nhiều thì chứng minh rằng phong cách tả thực sẽ được phát triển, và khi phát triển nhiều hơn nữa, thì chắc chắn sẽ có nhiều danh họa xuất hiện, những tài năng vẽ đẹp ở trong đó, thì chính là phục hưng. Khi đã nhiều lên rồi, thì trở thành phục hưng.
Vì sao lại có hiện tượng ấy, có phải như người ta nói “vật cực tất phản” không? Dường như hiện nay cứ nói đây là “nghệ thuật” thì phải chấp nhận là nghệ thuật thôi, làm thế nào cũng được, và người ta không còn biết đâu là cái đẹp thực sự nữa, nên sẽ phải quay lại các tiêu chuẩn cổ điển?
Cái đó thì mình cũng chưa biết nó là cái gì… nhưng mình thấy ở các ngành nghề khác cũng thế, dường như có sự trở lại của văn hóa truyền thống. Ví dụ trang phục của Việt Nam, bạn để ý xem, ví dụ như là thời nhà Nguyễn với áo nhật bình, bây giờ phát triển rất là mạnh. Các shop may quần áo, bán quần áo, chụp ảnh quần áo như thế nhiều lắm… ngày xưa rất ít, lác đác, sống kém. Bây giờ họ lại có một thị trường. Ảnh nghệ thuật cũng vậy, giờ nhiều người cũng bắt đầu chụp với cổ trang, cổ trang Việt Nam ấy, Trung Quốc cũng có. Các ngành nghề, làng nghề truyền thống cũng khôi phục dần. Trên thế giới cảm giác cũng như vậy, kể cả âm nhạc.
Trong tranh của anh hiện nay có nhiều chất liệu của văn hóa truyền thống Việt Nam, nó có chiếm phần nào trong tâm của anh?
Có chứ, mọi người xem tranh của mình sẽ thấy phần lớn đồ vật, cổ vật của thời kỳ truyền thống xưa như tủ chè sập gụ, y môn cửa võng, rồi thì những điêu khắc đình chùa, những đôn, cửa… đều thuộc về văn hóa truyền thống Việt Nam. Mình rất thích nghệ thuật trong đó, bản thân các cụ làm, như cái cửa sổ thôi cũng có can thiệp tính mỹ thuật trong ấy, rồi chạm khắc đình chùa rất cao siêu, không đơn giản, người bây giờ không làm nổi, hồi xưa họ đục chạm đẹp lắm, nhiều cửa võng ở trên những đình chùa mà bây giờ người ta nhìn phải lắc đầu [tán thán], rất cao siêu, về tạo hình, chạm đục ấy, rất là tốt.
Mình cũng sinh ra ở vùng Kinh Bắc, cũng là một cái nôi văn hóa của người xưa. Đình và chùa xung quanh đây nhiều lắm, hồi bé mình đi đình chùa rất là nhiều, lúc nào cũng tiếp cận được mỹ thuật truyền thống đó, ăn sâu vào tâm thức của mình, suy nghĩ của mình. Tư duy của mình cũng gắn liền với vẻ đẹp đó, vì mình đang làm về mỹ thuật, thì những thứ thuộc về mỹ thuật cũng theo nhau đi đến.
Về trang phục cũng thế, bây giờ phần lớn mình cũng thích nhân vật của mình mặc trang phục truyền thống, vì mình thấy như thế là đẹp, mình muốn ca ngợi những văn hóa đó.
Cảm ơn anh, có lẽ chúng ta đi đến câu hỏi cuối cùng rồi: Anh sẽ tham gia cuộc thi quốc tế “Vẽ tranh sơn dầu tả thực nhân vật” quốc tế của đài truyền hình NTD chứ?
Thực ra mình cũng muốn tham gia từ lâu rồi, nhưng các khâu chuẩn bị của mình chưa được tốt, nên mình đang tạm dừng lại. Mình nghĩ là đợt tới đây, gần đây nhất thì mình sẽ tham gia, vì mình rất thích cuộc thi này, thích từ lâu rồi.
Nhân dịp năm mới, anh có điều gì muốn gửi đến độc giả báo Trí thức VN không?
Chuẩn bị chia tay năm mới đón năm cũ, nói chung thì tâm trạng của mình cũng rất là vui, mình chân thành gửi lời hỏi thăm đến tòa soạn và chúc tòa soạn cùng quý độc giả của báo Trí Thức Việt Nam một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, phát triển được công việc của mình, thăng hoa trong năm mới.
Xin cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ với độc giả Trí Thức VN. Kính chúc anh và gia đình năm mới vui vẻ, thêm thành tựu!