Tuyệt chiêu tạo dáng sản phẩm: Khóa đai lưng hình rùa, cá sấu và bồ nông

Đó có lẽ là những khóa đai lưng rất độc đáo, sinh động, đầy sáng tạo và giàu tính bản địa mà tổ tiên chúng ta đã chế tạo thành công từ cách đây trên dưới 2.000 năm.

Sở dĩ dùng từ “có lẽ” vì chúng tôi chưa biết hết tất cả mọi khóa đai lưng Việt cổ trong khi vô số cổ vật đã bị phá hủy và thất thoát sau hơn 2 thiên niên kỷ bi hùng, thấm đẫm máu xương của dân tộc. Sở dĩ có cụm từ “độc đáo – sinh động – sáng tạo – bản địa” vì xem xét suốt chiều dài kỹ nghệ trang phục và giáp phục của người Việt, chúng tôi thấy dưới kỷ nguyên phong kiến độc lập – từ triều Đinh đến Nguyễn – từng có các đai lưng tướng lĩnh với hình tượng đẹp, chế tác tinh xảo… nhưng chịu ảnh hưởng nhiều từ các mẫu phương Bắc, thậm chí đã trừu tượng hóa cao độ. Trong khi đó các khóa đai lưng Đông Sơn lại mô phỏng động vật trực tiếp từ thiên nhiên nhiệt đới Việt Nam, rất sinh động và đầy thú vị. Chỉ ở thời Đông Sơn mới có các hình mẫu giàu chất bản địa đến thế!

Sau này, dù kỹ nghệ người Việt giỏi hơn nhiều nhưng họ thường lặp lại (dù đã có phần Việt hóa) các hình tượng được cách điệu bài bản từ phương Bắc (chỉ trừ biệt lệ rồng Lý và các chạm khắc đình làng Việt cổ – xin phép sẽ luận bàn sau).

1 – Những khóa đai lưng có cấu tạo phức tạp chứng tỏ
kỹ nghệ đúc đồng thời Đông Sơn đã phát triển đến trình độ cao

Chỉ cần nhìn vào hình ảnh, chúng ta có thể thấy ngay rằng việc đúc ra chúng không hề đơn giản. Có quá nhiều hình tượng kết hợp lại với các chi tiết phong phú. Cần phải chú ý: cách đây hơn 2.000 năm, hoàn toàn thủ công, mà nghệ nhân Đông Sơn đã chế tác được như vậy là cả một công trình chất lượng rất cao. Đúc thành một khối liền đã khó, đúc lắm chi tiết với nhiều khoảng trống và lỗ hổng càng khó hơn nữa. Chắc người ta đã phải kết hợp đúc và hàn – mà hàn kỹ và tốt đến nỗi sau hơn 2 thiên niên kỷ, các mối hàn vẫn không bị long hay gãy! Xét theo suốt chiều dài kỹ nghệ chế tác kim loại của người Việt, ta có thể thấy ngay rằng: có lẽ chỉ duy nhất dưới thời Đông Sơn mới có các khóa đai lưng phức tạp, giàu tính biểu tượng và đẹp đẽ đến thế. Bởi dưới thời thịnh phong kiến Việt Nam sau này, các khóa đai lưng tướng lĩnh – dù đẹp và tinh vi – cũng không mạo hiểm dùng cấu trúc tổng hợp nhiều hình tượng và lắm khoảng trống đến vậy, nó sẽ không bền, dễ gãy, hỏng! Do vậy mà chỉ riêng vấn đề về kết cấu và độ bền của các khóa đai lưng Đông Sơn này (sau 2 thiên niên kỷ) đã khiến đời sau phải suy tư và thán phục…

Trái: trích đoạn một bên khóa đai lưng (tạo hình con giải) Làng Cả (Việt Trì).
Phải: trích đoạn khớp nối – móc khóa đai lưng Làng Cả.
Khóa đai lưng Đông Sơn tạo hình 3 con cá sấu, 01 đơn nguyên nhưng chụp từ 2 phía.
Tạp chí Cổ vật tinh hoa, tháng 7-2004.

2 – Hình tượng các vật tổ thiêng liêng:
Rùa, Cá sấu và Bồ nông

Ngày nay đa số chúng ta đều biết thần Kim Quy trong chuyện cổ tích về thời An Dương Vương. Thần rút móng giúp tướng Cao Lỗ làm lẫy nỏ. Khi vua chạy giặc cùng đường thì thần hiện lên bảo: “Giặc ngồi sau lưng vua đó !”… rồi rẽ nước dẫn vua xuống thủy cung. Xin không lạm bàn vì mọi người Việt ta đều đã biết truyền thuyết buồn thảm này – chỉ xin lưu ý: rùa từng là thần hộ mệnh cho vua và quân đội Việt cổ thời đó. Bởi thế nên hình tượng rùa trên đai lưng thời Đông Sơn rất đáng chú ý.

Chiếc đai lưng nổi tiếng nhất hiện nay – được phong Bảo vật quốc gia – đào được ở Làng Cả (thành phố Việt Trì, Phú Thọ), khu vực nhiều khả năng là đất phát tích của triều đại huyền thoại Hùng Vương. Dù suy luận thế nào thì đó cũng phải là vật dụng cho loại thủ lĩnh cao cấp bởi sự tinh xảo và đẹp đẽ. Theo nhà sử học Tạ Đức (sách “Nguồn gốc và sự phát triển của Trống đồng Đông Sơn”, NXB Tri thức 2017) thì sử thi Mường và cổ tích Thái Đen cũng kể rằng thần Rùa từng dạy hai dân tộc này dựng nhà theo kết cấu hình rùa, mái hình mai rùa với 4 chân rùa thành 4 cột cái… Theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Việt và Tạ Đức thì trên các khóa đai lưng, gọi cho chính xác hơn, đó phải là hình tượng baba hay loài giải – con vật đích thực từng sống trong Hồ Gươm thuở nào – chứ không phải như ta cứ gọi chung chung và thiếu chính xác là con rùa.

Trái: Bộ khóa đai lưng khai quật năm 1976 tại di chỉ Làng Cả (Việt Trì), tổng chiều dài 21,5cm, rộng 5,5cm, 380g. Bảo tàng Hùng Vương, đền Hùng (Phú Thọ). Bảo vật quốc gia.
Phải: Bản vẽ Bộ khóa đai lưng Làng Cả, trang 152, sách Khảo cổ học Việt Nam, tập II – Thời đại Kim khí, Viện Khảo cổ học, NXB Khoa học Xã hội 1999.

Còn hình tượng cá sấu cũng xuất hiện khá nhiều trên đồ đồng cách đây hơn 2000 năm. Cá sấu trên chiếc qua đồng Núi Voi, cá sấu cặp đôi giao phối giữa 2 đầu thuyền trên thân thạp Đào Thịnh, cá sấu kết đôi thành hình tượng “Giao Long” trên nhiều tấm giáp ngực và nhiều cán rìu Đông Sơn… Từ chỗ một con vật hung tợn, ăn thịt người đến hình tượng biểu trưng cho sinh sôi nảy nở là cả một quá trình người Việt cổ đã thần tượng hóa con quái vật này.

Khóa đai lưng Đông Sơn tạo hình cá sấu và giải (rùa), nguồn gốc từ phía bắc sông Hồng, rộng ngang 5,1cm, dài 28,8cm.
Bảo tàng Barbier-Mueller, Geneve, Thụy Sĩ. Bản vẽ của Đức Hòa.

Hình tượng bồ nông cũng xuất hiện nhiều trên các trống và thạp đồng cách đây hơn 2000 năm. Và đặc biệt hơn cả vẫn là tượng bồ nông mini trên khóa đai lưng kiểu Đông Sơn, hiện trưng bày tại Bảo tàng Barbier-Mueller (Thụy Sĩ).

Khóa đai lưng Đông Sơn tạo hình chim bồ nông và ngôi sao nhiều cánh (mặt trời).
Bảo tàng Barbier-Mueller, Geneve, Thụy Sĩ. Bản vẽ của Đức Hòa.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là 3 trong số những vật tổ quan trọng đến mức trở thành biểu tượng của người Đông Sơn. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi chúng được hình tượng hóa đẹp đẽ trên những chiếc đai lưng tối cổ của tổ tiên ta.

3 – Sản phẩm đơn chiếc nhưng
hình tượng lại đông đảo, xếp theo đội hình…

Xét đơn thuần kỹ thuật, sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu người ta chỉ đúc đầu khóa thắt lưng là 1 tượng rùa hay 1 cá sấu! Nhưng nếu như vậy thì còn gì là nghệ thuật nữa? Xem xét và suy tư kỹ lưỡng, chỉ có thể nhận định rằng: Kỹ nghệ đồng Đông Sơn hồi ấy đã vượt qua giai đoạn thực dụng tối giản để triển khai theo hướng thăng hoa và biểu diễn ý đồ nghệ thuật đỉnh cao. Rất nhiều vật dụng bằng đồng thời này được thêm thắt hoa văn hình học, thậm chí ngả sang tạo hình điêu khắc hết sức sinh động. Cũng cần lưu ý thêm rằng: hồi ấy, chỉ có các sản phẩm tối giản với các góc cạnh phẳng như mũi lao, mũi tên… thì người ta mới đúc hàng loạt bằng khuôn đẽo đá 2 hoặc 3 mang. Còn các sản phẩm cao cấp và tinh xảo như trống, thạp, muôi, đèn, dao găm có cán đúc hình người, tấm giáp ngực, đai lưng hình rùa – cá sấu – bồ nông… thì người ta phải đúc kiểu khuôn đất sét – sáp ong, như nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích. Khuôn kiểu ấy buộc phải phá hủy khi đúc xong thì mới lấy được sản phẩm ra – vì thế mà các loại sản phẩm kể trên đều là đơn chiếc – không có chiếc thứ 2 giống hệt chiếc thứ nhất! Đời sau chỉ có thể tìm thấy các mảnh khuôn trống đồng đã vỡ vụn như cố tiến sĩ Nhật Nishimura lần đầu phát hiện tại Luy Lâu năm 1999. Tiếc rằng cho đến nay, người ta chưa tìm được các mảnh khuôn khóa đai lưng. Vì đơn chiếc và chất lượng tạo hình nghệ thuật đỉnh cao nên ngày nay nhà nước lần lượt công nhận các “Bảo vật quốc gia” là chính xác.

Kiểu khuôn 3 mang, tạc đá, để đúc mũi tên đồng thời Đông Sơn. Bày tại triển lãm 300 báu vật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đầu năm 2018.
Trái: Mảnh khuôn trống đồng do tiến sĩ Nhật Bản Nishimura phát hiện tại Luy Lâu, Bắc Ninh năm 1999. Phải: Mảnh khuôn trống đồng khai quật tại Luy Lâu năm 2014.

Ngược hướng với sản phẩm đơn chiếc, nghệ nhân Đông Sơn luôn thích tạo dáng các động vật bản địa theo đội hình đông đảo. Đó là các đàn chim, đàn hươu đúc nét kiểu hình học hóa trên mặt trống đồng. Đó cũng là các tượng cóc (hoặc ếch), voi, chim… được đặt theo đội hình ở vành ngoài, đối xứng qua tâm mặt trống đồng hay thạp đồng. Thậm chí tượng cóc đôi khi đặt chồng lên nhau tới 2 hay 3 con. Riêng đai lưng đúc đồng Đông Sơn thường rất thú vị vì đội hình số đông. Tối thiểu là 2 bên đầu khóa, mỗi bên 1 con rùa, khi móc vào nhau thì thành đôi rùa đang đối mặt “tâm tình”. Tối đa như đai lưng Làng Cả là cả đàn rùa 4 đối 4 con (= 8 con) hay đai lưng ở Bảo tàng Barbier-Mueller (Thụy Sỹ) có tới 3 cá sấu + 2 rùa đối nhau (=10 con) theo đội hình đối mặt khi móc 2 đầu khóa, tạo nên hiệu quả nghệ thuật đầy thú vị. Chỉ có thể thán phục rằng nghệ nhân tài hoa Đông Sơn thuở ấy đã biết sắp xếp rất thông minh và khoa học, thổi được hồn vào các sản phẩm đúc đồng khiến chúng sinh động mãi mãi.

Hai đầu khóa đai lưng Đông Sơn trong sưu tập của Samuel Eilenbeg (rao bán trên mạng).
Mảnh trái: rộng ngang 5,1cm, dài 9,7cm.
Mảnh phải: rộng ngang 4,3cm, dài 13cm.

Một khía cạnh kỹ thuật – mỹ nghệ đáng chú ý nữa là làm sao gắn kết các cá thể thành đội hình để khỏi rời rạc mà lại thành mảng đẹp: người ta đã thiết kế các thanh giằng ngang cho cá sấu tựa đầu và đặt chân, tạo mảng hoa văn xoáy tròn liên kết các cá thể rùa hay đuôi cá sấu. Kiểu hoa văn xoáy tròn cũng là một trong các mô típ hình học hóa đặc trưng nhất của nghệ thuật hoa văn Đông Sơn. Táo bạo hơn nữa, người ta đặt hẳn các khay tròn hình ngôi sao nhiều cánh (theo mẫu mặt trời giữa tâm trống đồng) thành khuôn kết nối dọc trước mặt các con bồ nông. Dù nhìn chính diện hay hoàn toàn nghiêng thì các đai lưng đồng Việt cổ này đều rất “bắt mắt” do cấu trúc đầy sáng tạo mà vẫn đảm bảo kỹ thuật: có mảng đặc xen với khoảng rỗng, có khung giằng ngang liên kết các khối tượng mini, có mảng hoa văn vui mắt liên kết các đuôi cá sấu – vốn chỉ là nét dài đơn điệu, có đội hình nhấp nhô vui mắt nếu nhìn hoàn toàn nghiêng… Và khi đội hình ấy móc nối – đối đầu thì nhóm động vật đúc tưởng như vô tri ấy bỗng như được “thổi hồn” để dường như “đối thoại” đầy biểu cảm.

Dù cỡ rất nhỏ nhưng các tượng động vật mini kể trên vẫn được nhấn mạnh các chi tiết như đôi mắt trên đỉnh đầu, chân cá sấu có 3 ngón, viền nét quanh mai rùa hay 2 bên thân cá sấu, chót mỏ phình rộng của bồ nông… để đảm bảo đặc điểm động vật và nét đẹp cho sản phẩm.

4 – Thử hình dung đai lưng tạo hình động vật bản địa
trong trang phục thủ lĩnh Đông Sơn

Từng có một thuở, khá nhiều họa sĩ khi vẽ nhân vật thời Đông Sơn thường triển khai theo 2 cách: hoặc trang phục rất nhiều vải, uyển chuyển như cuối thời phong kiến (kiểu thời Nguyễn, thế kỷ XIX-XX chẳng hạn). Hai Bà Trưng mà lại “áo dài, khăn đóng” thì than ôi! Hoặc ngược lại có người vẽ trang phục Đông Sơn khoác da thú và kết lá rừng. Tất nhiên họ thiếu tư liệu khảo cổ về trang phục tổ tiên ta cách đây 2 thiên niên kỷ. Ngày nay, các đồ đồng Việt cổ cố định trong nhiều bảo tàng (cả Việt Nam và thế giới) cũng như liên tục được khai quật và phát hiện mới dần dần cho phép chúng ta có thể hình dung đầy đủ hơn.

Nhân đây, tôi xin thử phác họa một phần trang phục thủ lĩnh Đông Sơn, nhấn mạnh vào phần đai lưng (bản phác họa đầy đủ xin trình bày sau, trong bài về Cán dao găm tượng người).

Thử phác họa Khóa đai lưng Đông Sơn trên trang phục nữ (trái) và nam (phải).

Họa sĩ Đức Hòa
Tác giả gửi Trí Thức VN

Xem thêm cùng tác giả:

Họa sĩ Đức Hòa

Published by
Họa sĩ Đức Hòa

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

20 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

58 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

2 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

2 giờ ago