Trước đây khá lâu, một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện “văn hóa nhậu” thế này: Anh đã từng chứng kiến một người bạn đi du lịch cùng cơ quan. Đến bữa ăn, mọi người dùng bia, anh bạn ấy nói không uống được bia rượu và xin dùng nước ngọt. Ngay lập tức một đồng nghiệp lớn tuổi trong bàn phán một câu không nể nang gì: “Uống nước ngọt hả, vậy đi về mặc váy với vợ cho rồi”. Anh bạn bị mất mặt giữa chốn đông người, nên ăn uống qua loa và rút nhanh ngay sau đó.
Văn hóa nhậu ở Việt Nam là: Cánh đàn ông đã ngồi vào bàn là phải uống, mà đã uống là phải cạn ly, phải 100%, phải theo bàn, phải ôm chai, v.v.. Nói chung, người ta nhìn vào cách một người uống để phán rằng người đó có hết mình hay không, có nhiệt tình hay không, có tình cảm hay không, có coi thường bạn bè hay không…
Tất nhiên đôi khi cùng bạn bè ăn nhậu cũng là để kết nối và chung vui, điều đó là không sai. Thế nhưng nếu thực sự đối diện với “văn hóa nhậu” của người Việt, chúng ta sẽ phải công nhận một thực tế là rất nhiều trường hợp hai chữ “tình cảm” có vẻ hợp lý lại chỉ là cái cớ giả dối bề ngoài để che đậy cho tâm lý hiển thị, thích thể hiện bản thân, không chịu kém cạnh ai, muốn ăn miếng trả miếng ngay cả ở trên mâm cỗ.
Mặt khác, người Việt còn quen với việc làm ăn trên bàn nhậu. Có những lúc nếu nhậu không hết mình thì đừng hòng công việc trôi chảy. Rất nhiều khi người ta muốn chuốc cho nhau say để “rượu vào lời ra”, để có cớ nói ra những điều “không thể nói”, để có cớ nhận những “thứ không dễ nhận”. Những ai rượu vào không đỏ mặt, uống bao nhiêu cũng không say thì được nể phục, e dè, sợ sệt. Rượu trở thành một cái cớ để làm điều móc ngoặc như vậy đấy.
Ở đây không có ý nói rằng chúng ta không nên uống rượu hay không nên say. Nhưng hãy thử hỏi bản thân mình những câu hỏi sau khi nâng ly rượu lên: Liệu mình đang vì tình cảm hay là đang vì mặt mũi của bản thân? Liệu mình đang chung vui hay là đang ăn miếng trả miếng? Liệu khi tàn cuộc mình có phải có trách nhiệm gì hay không? Liệu mình say có ảnh hưởng đến bạn bè hay vợ con? Liệu mình làm như vậy có phải là để có một cái cớ làm điều xấu? Là tình cảm hay là giả dối, tự bản thân chúng ta hẳn là sẽ có câu trả lời chính xác.
Lão Tử nói: “Ai muốn hiển thị mình sẽ tự làm lu mờ bản thân”. Người ta không thể tính hết những hậu quả của thứ tâm lý giả dối đó. Nhẹ thì ảnh hưởng đến công việc, lâu dài thì ảnh hướng đến sức khỏe, trí não, nặng thì gây tai nạn cho bản thân mình, bét nhất là cướp đi sinh mạng của người khác trong lúc thiếu lý trí. Có nhiều bài học mà người ta chỉ có cơ hội học một lần duy nhất nhưng phải trả cái giá quá đắt đỏ…
Gần đây chuyện uống rượu lái xe cũng bớt đi kha khá. Trên mâm cỗ cũng có khá nhiều người có đủ can đảm để nói một chữ “không”. Đa số mọi người cũng không hẳn vì sợ bị phạt, mà là vì ai ai cũng có chỗ dựa là “luật giao thông” rồi, nên từ chối sẽ không tổn hại mặt mũi nhiều như trước nữa. Dù vì sao thì cũng là điều đáng mừng. Ít nhất sẽ giảm thiểu những tình huống dở khóc dở cười như đức ông chồng dưới đây…
Dẫu vậy, luật lệ và hình phạt chỉ là một khía cạnh cảnh tỉnh con người. Trời tối, đường vắng, không có ai kìm giữ thì người ta có lại vì “mặt mũi” và “ăn thua” mà đưa chén hay chăng?
Thiết nghĩ người biết ước chế bản thân, biết vượt qua những sỉ nhục và cám dỗ nhất thời, mới có thể làm được việc lớn. Vậy thì nếu cạn ly là để “hết mình”, thì biết từ chối chén rượu lúc cần mới xứng là “văn hóa nhậu”.
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…