Chép kinh (Sagyeong) là một hình thức nghệ thuật biểu hiện có lịch sử lâu đời của Hàn Quốc, lưu truyền đến nay đã được khoảng 1.700 năm. Các nghệ thuật gia sẽ dùng một cây bút lông, chấm vào một chất liệu bột hỗn hợp vàng và bạc để sao chép kinh Phật, còn vẽ hoa sen hay những mẫu hình tinh mỹ khác trang trí lên kinh sách, qua đó mà thể hiện một vẻ đẹp nghệ thuật siêu việt cả giới hạn tôn giáo.
Xuất hiện tại Hàn Quốc vào đầu thế kỷ thứ IV, Sagyeong đã phát triển mạnh mẽ trong suốt triều đại Goryeo (918-1392), gần 500 năm. Trong thời kỳ này, toàn bộ Tam Tạng Kinh – 3 phần cốt lõi trong kinh điển của Phật giáo với khoảng 6.000 cuốn kinh điển, đã được ghi chép hơn 10 lần. Tuy nhiên, nghệ thuật Sagyeong ở Hàn Quốc gần như bị phá hủy trong triều đại Joseon (1392-1897) do chính sách chống Phật giáo.
Ông Kim Kyeong-ho, Hội trưởng Hiệp hội Nghiên cứu sao chép kinh Phật Hàn Quốc đã dành vài chục năm để nghiên cứu loại hình nghệ thuật này, từ đó phục hồi và cải biên lại nó. Ông hiện là một nghệ thuật gia hàng đầu và chuyên gia giáo dục ở lĩnh vực này. Ông Kim Kyeong-ho sinh năm 1962 tại Jeollabuk, Hàn Quốc. Ông đã từng tìm hiểu về văn học và nghệ thuật từ khi còn học đại học. Từ 5 tuổi ông đã bắt đầu học viết thư pháp, đến nay đã có thâm niên 50 năm.
Ông không chỉ có thể chép kinh Phật một cách ngay ngắn quy chuẩn, mà còn có thể vẽ lên kinh Phật các hình như hoa sen, mây, những đường viền mảnh mai… Có những đường viền mỏng chưa đến 0,5mm, để làm được điều này thì không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn phải có sự tập trung chuyên chú cao độ, nếu không rất dễ bị sai sót.
Có thể thấy rằng, ngoài thái độ thành kính tôn trọng kinh Phật cũng như khả năng nghệ thuật, bộ môn nghệ thuật này cũng đòi hỏi tính tập trung và khắc chế bản thân cao độ.
Kim Kyeong-ho cho biết, ông có thể làm việc 10 giờ liên tục không ngừng nghỉ ở nhiệt độ lên đến 37,8 độ C để có thể hoàn thành một tác phẩm. Nhiệt độ cao chính là một trong những điều kiện cần thiết để sử dụng chất liệu vẽ đặc thù của loại hình nghệ thuật này.
Trong xã hội hiện nay, rất ít người dành thời gian để có thể chép lại kinh sách bằng tay, đa số đều được thay thế bằng các văn bản in. May mắn là vẫn còn có những người như ông Kim Kyeong-ho, nên loại hình nghệ thuật truyền thống này mới được bảo tồn cho đến hôm nay, đồng thời có thể tiếp tục truyền thừa về sau này.
Kim Kyeong-ho từng đến tham gia hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật tại New York, Mỹ năm 2012 và thể hiện một tác phẩm nghệ thuật chép kinh. Đoạn video dưới đây có thể hé lộ phần nào công phu và tài năng của người nghệ sĩ này:
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…