Blog

5 “nút thắt chết” trong quan hệ Mỹ – Trung

Gần đây, trong vấn đề cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa tiếp tục lớn tiếng hô hào chiến đấu, vừa phát đi tín hiệu dường như muốn làm dịu quan hệ với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images)

Bloomberg ngày 2/5 đưa tin, ĐCSTQ đã âm thầm miễn thuế đối với 1/4 hàng hóa Mỹ (trị giá 40 tỷ USD). Ngày 7/5, Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố cho biết Bộ trưởng Tài chính Bessent và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Greer sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với quan chức kinh tế cấp cao nhất của ĐCSTQ kể từ khi cuộc chiến thuế quan bắt đầu, vào ngày 10/5.

Vậy thì sắp tới, cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung có thể dịu đi không? Quan hệ Mỹ – Trung có thể trở nên hòa hoãn hơn không? ĐCSTQ có thể “đối xử công bằng” với Mỹ không? Đây là những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm.

Mặc dù quan hệ Mỹ – Trung có biểu hiện nào đó của sự dịu đi, nhưng tôi cho rằng giữa hai nước vẫn tồn tại ít nhất năm “nút thắt chết” không thể gỡ được, và chính những nút thắt này sẽ quyết định hướng đi của quan hệ Mỹ – Trung.

Thứ nhất, vấn đề thuế quan

Hiện nay, Mỹ đã áp mức thuế lên tới 145% đối với phần lớn hàng hóa đến từ Trung Quốc. Đáp lại, ĐCSTQ cũng áp thuế trả đũa lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ.

Bản chất thực sự của cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung là gì? Suy cho cùng, đó là sự đối đầu giữa hai hệ thống kinh tế căn bản đối lập — kinh tế thị trường và kinh tế quyền lực. Mỹ vận hành theo mô hình kinh tế thị trường, còn ĐCSTQ thì tự xưng là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, nhưng trên thực tế lại là nền kinh tế quyền lực dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Tại Mỹ, thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực; còn ở Trung Quốc, quyền lực quyết định sự phân bổ đó.

Đây là hai hệ thống kinh tế như nước với lửa. Một bên là biểu hiện của quy luật kinh tế cơ bản; còn bên kia là sự phản lại các quy luật kinh tế, là hiện thân của chế độ toàn trị với khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo tất cả”, trong đó “Đảng can thiệp vào nhiều việc không nên, không thể và không giỏi để can thiệp”.

Ví dụ như chiến lược “tận dụng khúc cua để vượt mặt” (vượt ở khúc cua) trong công nghệ cao, vấn đề dư thừa sản xuất, vấn đề bán phá giá hàng hóa ra nước ngoài, rào cản thuế quan và phi thuế quan… đều là sản phẩm của mô hình “Đảng lãnh đạo tất cả”.

Ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) rằng: “Tôi hy vọng đạt được một thỏa thuận công bằng với Trung Quốc.”

Nhưng điều đó là không thể. Bởi vì cái gọi là “công bằng” của ĐCSTQ và “công bằng” của Mỹ không phải là cùng một khái niệm. Theo lẽ thường, thẩm phán là hiện thân của sự công bằng. Thẩm phán không đứng về phía nguyên đơn hay bị đơn, mà xử án dựa trên “sự thật và pháp luật”. Nhưng ở Trung Quốc, thẩm phán là thẩm phán của Đảng; nếu người của Đảng là nguyên đơn, thẩm phán sẽ đứng về phía nguyên đơn; nếu người của Đảng là bị đơn, thẩm phán sẽ đứng về phía bị đơn. Cán cân “công bằng” của ĐCSTQ luôn nghiêng về phía có lợi cho Đảng.

Mỹ nói chuyện “công bằng” với ĐCSTQ chẳng khác gì gà nói với vịt, mãi mãi không thể hiểu nhau.

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cựu cố vấn trưởng về vấn đề Trung Quốc của cựu Bộ Ngoại giao Mỹ, từng có những phân tích rất sâu sắc về các phát ngôn của ĐCSTQ. Ví dụ, ĐCSTQ hay nói “Trung – Mỹ song doanh” (song nghĩa là hai, doanh có nghĩa là thắng) là có ý gì? Ông Dư Mậu Xuân nói, ý tứ thật sự của ĐCSTQ là “ĐCSTQ thắng hai lần, Mỹ thua hai lần”.

Đàm phán thuế quan Mỹ – Trung có thể sẽ được khởi động lại, có thể đạt được một số kết quả nhỏ, nhưng vì sự đối lập căn bản về hệ thống kinh tế giữa hai bên, cho dù có đàm phán thế nào, “nút thắt chết” trong vấn đề thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cũng không thể gỡ bỏ.

Thứ hai, vấn đề fentanyl

Fentanyl là một loại thuốc phiện tổng hợp, có hiệu lực mạnh gấp 50 đến 100 lần so với morphine. Chỉ cần 2 miligam đã đủ để gây chết người.

Theo dữ liệu chính thức của Hoa Kỳ, fentanyl đã trở thành nguyên nhân chính gây tử vong cho người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 45. Năm 2023, có 74.702 người Mỹ thiệt mạng vì loại thuốc này.

Ngày 1/2, Nhà Trắng công bố một tuyên bố cho biết, trong năm tài chính 2024, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã thu giữ hơn 21.000 pound fentanyl tại các khu vực biên giới, “số lượng fentanyl này đủ để giết hơn 4 tỷ người”.

Đây là cuộc khủng hoảng ma túy chết người nhất mà nước Mỹ từng phải đối mặt.

Tháng 4/2024, Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đã công bố một báo cáo điều tra, trong đó cho rằng ĐCSTQ là tác nhân chính thúc đẩy cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ. Báo cáo nêu rõ: Trung Quốc không chỉ trợ cấp trực tiếp cho việc sản xuất và xuất khẩu các tiền chất fentanyl bất hợp pháp, mà còn thực hiện một chính sách hoàn thuế, thực chất là khuyến khích xuất khẩu một số tiền chất này.

ĐCSTQ thậm chí còn cho phép việc buôn bán công khai các tiền chất fentanyl và các vật liệu bất hợp pháp khác trên Internet tại Trung Quốc, mạng internet ở Trung Quốc vốn bị kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Vào ngày 20/1/2025, sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, chính quyền của ông đã coi vấn đề fentanyl do ĐCSTQ xuất khẩu sang Mỹ là trọng điểm và lấy đó làm lý do để áp thêm 20% thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ĐCSTQ tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng fentanyl là vấn đề nội tại của nước Mỹ, không liên quan gì đến Trung Quốc, và cũng áp dụng mức thuế trả đũa 20% đối với hàng hóa Mỹ.

Vậy liệu Mỹ có đổ oan cho ĐCSTQ không? Rõ ràng, không thể nói như vậy.

Bất kỳ ai hiểu rõ sự thật lịch sử của ĐCSTQ đều biết rằng ĐCSTQ là một đảng mà mở miệng ra là nói lời giả, nói dối đã trở thành thói quen.

Ví dụ, ĐCSTQ luôn nói rằng cuộc Chiến tranh thuốc phiện năm 1840 là khởi đầu của “một thế kỷ nhục nhã” đối với Trung Quốc; rằng thuốc phiện mang đến họa “vong quốc” cho Trung Quốc.

Nhưng trên thực tế, vào đầu những năm 1940, khi quân đội Quốc Dân Đảng đang chiến đấu anh dũng chống lại quân Nhật ngoài mặt trận, thì ở hậu phương, ĐCSTQ không những trồng thuốc phiện với quy mô lớn, chế biến thuốc phiện, mà còn liên tục vận chuyển và bán thuốc phiện sang khu vực do Quốc Dân Đảng kiểm soát. ĐCSTQ đã dùng số thuốc phiện này không chỉ để đổi lấy vật tư cần thiết từ vùng Quốc Dân Đảng mà còn tạo nền tảng vật chất cho việc lật đổ Trung Hoa Dân Quốc sau này.

Dù ĐCSTQ có phủ nhận việc xuất khẩu tiền chất fentanyl, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Đài BBC trong mục “kiểm chứng sự thật” đã rà soát hàng chục bản cáo trạng của Mỹ, trong đó liệt kê chi tiết cách các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng nền tảng mã hóa và tiền điện tử để hướng dẫn khách hàng chế tạo fentanyl từ các sản phẩm họ bán ra.

Tại Trung Quốc ngày nay, quân đội và bộ máy đàn áp đều nằm trong tay ĐCSTQ, và hệ thống giám sát được triển khai khắp nơi. Nếu ĐCSTQ thật sự muốn chặn đứng dòng chảy tiền chất fentanyl ra bên ngoài, thì họ có thừa cách để làm. Vậy tại sao các tiền chất này vẫn liên tục tuồn ra từ Trung Quốc?

Lý do không phải là “không thể làm”, mà là “không muốn làm”.

Bởi vì, trong cách nói của ĐCSTQ, “các thế lực thù địch nước ngoài” mà họ coi là kẻ thù hàng đầu chính là Hoa Kỳ; làm suy yếu, đánh bại và thay thế nước Mỹ — kẻ thù số một — là điều mà ĐCSTQ luôn khao khát. Có một câu nói trong ĐCSTQ: “Đối với kẻ thù phải tàn nhẫn như mùa đông”. Nếu fentanyl đang là cuộc khủng hoảng ma túy chết người nhất mà nước Mỹ từng phải đối mặt, thì ĐCSTQ sẽ làm gì?

Bề ngoài, có thể họ sẽ đưa ra vài lời lẽ hoa mỹ, thể hiện một chút “giám sát”, “cấm đoán” cho có lệ, nhưng thực tế thì chỉ là “nhân lúc ngươi gặp nạn, lấy luôn mạng ngươi”.

Vậy liệu Mỹ có thể trông chờ ĐCSTQ ngăn chặn việc xuất khẩu tiền chất fentanyl? Điều đó là không thể.

Thứ ba, vấn đề truy nguồn gốc virus

Vào đầu năm 2020, do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, đàn áp các bác sĩ đã phát ra cảnh báo, để mặc cho những người mang virus từ Vũ Hán (Trung Quốc) bay đến khắp nơi trên thế giới, dẫn đến đại dịch bùng phát toàn cầu.

Đại dịch này đã khiến hàng triệu người Mỹ thiệt mạng. Những thành tựu kinh tế quan trọng mà Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đạt được trong 3 năm đầu nhiệm kỳ đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Sau khi đại dịch bùng phát, truy tìm nguồn gốc virus đã trở thành một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng và cấp bách.

Vào thời điểm đó, Mỹ nhiều lần đề xuất cử chuyên gia đến Vũ Hán để hỗ trợ phòng chống dịch, nhưng phía ĐCSTQ không đồng ý; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất cử chuyên gia đến Vũ Hán điều tra, ĐCSTQ liên tục trì hoãn, mãi đến một năm sau khi đại dịch bùng phát mới cho phép chuyên gia của WHO đến. Chuyên gia truy tìm nguồn gốc virus của WHO, ông Dominic Dwyer, cho biết họ từng yêu cầu phía ĐCSTQ cung cấp dữ liệu gốc của 174 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận tại Vũ Hán vào tháng 12/2019, nhưng đã bị từ chối.

Nhiều hành vi bất thường của ĐCSTQ sau khi đại dịch bùng phát cho thấy: ĐCSTQ đã và đang tìm mọi cách để che giấu sự thật.

Dù vậy, các cơ quan Chính phủ Mỹ và một số chuyên gia, học giả đã cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của virus từ những manh mối nhỏ và đạt được tiến triển đáng kể. Việc virus rò rỉ đầu tiên từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã trở thành nhận định chung của không ít chuyên gia.

Ngày 18/4 năm nay, Nhà Trắng đã công bố phiên bản mới của trang web Covid.gov, trong đó cho rằng “nguồn gốc thực sự” của đại dịch COVID-19 là do “rò rỉ từ phòng thí nghiệm” tại Trung Quốc.

Nhưng ĐCSTQ kiên quyết phủ nhận. Không những vậy, họ còn phản công, tuyên bố virus có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Mỹ.

Vì sao ĐCSTQ lại kiên quyết phủ nhận? Bởi vì trách nhiệm quá lớn, họ không thể gánh nổi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay toàn cầu đã ghi nhận hơn 777 triệu ca nhiễm và hơn 7 triệu ca tử vong (không bao gồm số tử vong bị ĐCSTQ che giấu).

Điều ĐCSTQ lo sợ nhất là, một khi thừa nhận virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, trách nhiệm sẽ đổ lên đầu họ, và các yêu cầu bồi thường khổng lồ sẽ liên tiếp kéo đến.

Ngày 7/3, thẩm phán liên bang Mỹ Stephen Limbaugh đã đưa ra phán quyết trong vụ tiểu bang Missouri kiện ĐCSTQ yêu cầu bồi thường thiệt hại do đại dịch COVID-19: Chính phủ ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc che giấu sự thật trong thời kỳ đầu đại dịch và tích trữ vật tư phòng dịch trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, và phải bồi thường cho tiểu bang Missouri hơn 24 tỷ USD. Tổng chưởng lý tiểu bang Missouri cho biết, nếu phía ĐCSTQ từ chối trả tiền bồi thường, tiểu bang này sẽ tịch thu tài sản của ĐCSTQ tại Mỹ.

Về vấn đề truy tìm nguồn gốc virus, ĐCSTQ tuyệt đối sẽ không nhượng bộ dù chỉ một bước. Nút thắt chết người giữa Trung – Mỹ ở điểm này là không thể gỡ bỏ.

Thứ tư, vấn đề tái cấu trúc trật tự quốc tế

Sau khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, ĐCSTQ đã vi phạm “Tuyên bố chung Trung – Anh”, cưỡng ép thực thi Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, chấm dứt sớm 27 năm chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông, thay thế bằng chế độ “chuyên chính một đảng”.

Sau khi kiểm soát được Hồng Kông – nơi thực hiện chế độ tư bản chủ nghĩa, ĐCSTQ lập tức chuyển mũi nhọn sang Đài Loan – nơi cũng đang thực hiện chủ nghĩa tư bản, và gia tăng “áp lực cực hạn” đối với hòn đảo này. Từ Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông đến Biển Đông, ĐCSTQ đã tổ chức hàng chục cuộc tập trận, khiến tình hình eo biển Đài Loan trở nên cực kỳ căng thẳng. Tạp chí The Economist của Anh trong số ra ngày 1/5/2021 đã gọi Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất thế giới”.

Cũng trong năm 2020, ĐCSTQ nhân lúc đại dịch làm suy yếu nước Mỹ – nước đi đầu toàn cầu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa – đã phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, với 3 sự kiện mang tính biểu tượng:

  • Tháng 1–2, tàu chiến Trung Cộng tiến vào khu vực giữa Thái Bình Dương và tổ chức tập trận gần đảo Midway;
  • Tháng 3, ĐCSTQ tuyên bố đã hoàn thành xây dựng “khu vực thành lũy” cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông;
  • Tháng 6, tuyên bố đã hoàn tất việc triển khai lực lượng cho chiến tranh không gian với Mỹ.

Từ năm 2020 đến nay, ĐCSTQ không ngừng đối đầu với Mỹ trên mọi điểm nóng chiến lược toàn cầu, từ chiến tranh Nga – Ukraine, chiến sự Israel – Hamas, đến các khu vực then chốt khác, với tham vọng thiết lập một trật tự quốc tế mới do ĐCSTQ lãnh đạo.

Ví dụ vào ngày 4/3 năm nay, tập đoàn CK Hutchison của ông Lý Gia Thành lên kế hoạch bán toàn bộ tài sản cảng biển tại 23 quốc gia – tổng cộng 43 cảng – với giá 22,8 tỷ USD cho một liên danh do công ty quản lý tài sản Mỹ BlackRock đứng đầu. Trong đó bao gồm 90% cổ phần và quyền kiểm soát hoạt động của hai cảng Balboa và Cristóbal ở hai đầu kênh đào Panama.

Đây vốn là một hoạt động thương mại bình thường của một doanh nhân tư nhân như ông Lý Gia Thành. Thế nhưng, tờ Đại Công Báo – cơ quan ngôn luận do ĐCSTQ kiểm soát ở Hồng Kông – lại liên tục đăng các xã luận chỉ trích gay gắt ông.

Ngày 1/5, Đại Công Báo tiếp tục đăng bài, nói rằng các cơ quan liên quan của ĐCSTQ đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng và cảnh báo nghiêm khắc” về vụ việc bán cảng. “CK Hutchison vẫn ngoan cố phớt lờ, nếu kiên quyết đi theo con đường này đến cùng, kết cục sẽ là vỡ đầu chảy máu”.

Bài báo còn viết: “Hiện nay cuộc chiến thuế quan do Mỹ phát động là một cuộc chiến toàn diện nhằm bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc (ĐCSTQ). Ở một góc độ nào đó, Trung – Mỹ đang ở trong trạng thái chiến tranh sống còn. Mỹ là kẻ thù lớn nhất của chúng ta, ‘nó không chỉ đòi thuế, mà là đòi mạng chúng ta’. Trong thời khắc then chốt như vậy, việc CK Hutchison trao tay tài nguyên chiến lược cho một tập đoàn tài chính Mỹ, chẳng khác gì tiếp tay cho kẻ thù, là hành vi phản bội.”

Tài sản của công ty dưới quyền ông Lý Gia Thành là tài sản tư nhân của ông, ông muốn bán cho ai là quyền của ông. Việc bán cho liên danh do BlackRock dẫn đầu thì tại sao lại là “tiếp tay cho kẻ địch”, là “phản bội”?

Mỹ không phải là kẻ thù của Trung Quốc, của nhân dân Trung Quốc hay của dân tộc Trung Hoa, cũng không phải là kẻ thù của ông Lý Gia Thành. Bản thân BlackRock cũng đầu tư vào rất nhiều công ty Trung Quốc như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Bảo hiểm Bình An Trung Quốc, Tencent v.v.

Theo thống kê của Hải quan ĐCSTQ, trong năm 2024, kim ngạch thương mại Trung – Mỹ đạt 688,2 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 524,6 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ 163,6 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 361 tỷ USD.

Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Ông Lý Gia Thành làm ăn với khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, thì có gì sai? Dựa vào đâu mà ĐCSTQ cứ mãi miệt thị, chỉ trích ông?

Trên thực tế, ĐCSTQ đang xem tài sản tư nhân của ông Lý Gia Thành như tài sản “cộng sản” của chính mình; họ muốn biến 43 cảng mà ông đầu tư khắp thế giới thành căn cứ chống Mỹ, thành bàn đạp để thay thế vị trí của Mỹ.

Nhìn vào các xã luận đầy sát khí trên Đại Công Báo, có thể thấy cái “nút chết” trong mưu đồ ĐCSTQ tranh giành bá quyền toàn cầu với Mỹ, e rằng khó lòng gỡ bỏ.

Thứ năm, vấn đề giá trị quan

Nút thắt lớn nhất trong quan hệ Trung – Mỹ chính là sự đối lập về giá trị quan.

Mỹ là một quốc gia tin tưởng vào các giá trị phổ quát; trong khi ĐCSTQ là một quốc gia tôn sùng chủ nghĩa Mác – Lênin độc tôn.

Giá trị phổ quát là gì? Chính là những nguyên tắc, tình cảm, lý lẽ thông thường được phần lớn người dân trên khắp thế giới và các khu vực công nhận.

Còn chủ nghĩa Mác – Lênin là gì? Bất kể bề ngoài nó nói hoa mỹ đến đâu, thực chất chỉ gói gọn trong ba chữ: giả, ác, đấu.

Mỹ là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Dựa trên kiến thức thông thường, lẽ thường, và cái lý thông thường, Trung Quốc nhất định phải đối xử tử tế với khách hàng lớn nhất của mình là Mỹ. Nếu khách hàng lớn nhất của Trung Quốc có lời phàn nàn, thì Trung Quốc nên kiên nhẫn lắng nghe, nghiêm túc suy nghĩ và xử lý một cách thích hợp, chứ không phải nói những lời vô lý như “đấu tranh”, “trả đũa”, “không quỳ”, “không lùi”.

Tuy nhiên, ĐCSTQ lại không có tư duy của người bình thường. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với bất kỳ quốc gia nào, ĐCSTQ đều cho rằng “lỗi là ở người khác, đúng là ở ta”.

Khi Trung – Mỹ xảy ra mâu thuẫn, thì lỗi là ở Mỹ, còn ĐCSTQ luôn đúng. Vậy phải làm gì? Chính là đấu với Mỹ. Đấu bằng cách nào? Là bằng mọi giá vượt qua mọi ranh giới đạo đức và pháp luật, không từ thủ đoạn để đấu.

Trong cuộc chiến thuế quan là như vậy, trong vấn đề fentanyl cũng như vậy, trong truy tìm nguồn gốc virus cũng vậy, và trong việc tái cấu trúc trật tự quốc tế cũng vậy.

Lời kết

Tổng hợp lại những điều trên, năm nút thắt trong quan hệ giữa ĐCSTQ và Mỹ là những vấn đề không thể tháo gỡ.

Vậy triển vọng quan hệ Trung – Mỹ sẽ ra sao?

Do ĐCSTQ xem Mỹ là kẻ thù số một, trong khi Mỹ cũng đã nhận thức được rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, nên mặc dù quan hệ song phương có thể có lúc tạm thời dịu lại ở một số vấn đề, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn sẽ là đối lập, đối kháng và đối đầu.

Thêm vào đó, vì ĐCSTQ đi ngược lại với các giá trị phổ quát, nên trong cuộc đối đầu Trung – Mỹ, ĐCSTQ rất có thể sẽ đi vào vết xe đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Vương Hữu Quần
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của các nhân tác giả, bản gốc được đăng trên Epoch Times.)

Vương Hữu Quần

Published by
Vương Hữu Quần

Recent Posts

Vì sao họa sĩ cố ý thêm con ruồi trên đầu của người phụ nữ?

Bức tranh do một họa sĩ người Đức vẽ, có một chi tiết đặc biệt:…

5 phút ago

Đợt đàn áp xuyên quốc gia mới của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công

WOIPFG đã công bố "Báo cáo điều tra về làn sóng bức hại xuyên quốc…

33 phút ago

Reuters: Ông Tập cử các quan chức an ninh cấp cao tới Thụy Sĩ tham dự hội đàm Mỹ-Trung

Reuters cho biết, sự sắp xếp này cho thấy vấn đề fentanyl sẽ chiếm vị…

2 giờ ago

Video nghi ông Tập Cận Bình bị phát bệnh ở Nga, mắt và cổ mất kiểm soát

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thăm cấp nhà…

3 giờ ago

Ông Trump tuyên bố giữ mức thuế cơ bản tối thiểu 10%

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ duy trì mức thuế cơ bản tối thiểu 10%…

3 giờ ago

Tổng thống Trump: Mức thuế 80% với Trung Quốc “có vẻ hợp lý”

Tổng thống Donald Trump cho hay rằng Trung Quốc nên mở cửa thị trường cho…

3 giờ ago