Nhìn lại để thấy xa hơn

Sáng qua ngồi với một chuyên gia, trời se se nên chợt nhớ Hà Nội. Anh bảo: Hà Nội những năm 70, khu nhà bà em, nhất là phố Lò Đúc, nhiều cò lắm. Chúng bay về phủ trắng hết các ngọn cây. Mặt đất cũng trắng xoá phân cò lẫn trứng.

Phố Hàng Buồm, Hà Nội Xưa (Ảnh minh họa/antuonghanoi.vn)

Những căn biệt thự kiểu Pháp quanh đó lúc bấy giờ bắt đầu được phân nhỏ ra cho nhiều hộ gia đình đến ở. Anh thường đi bộ từ chỗ ở (Lò Đúc), vòng qua Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Hàn Thuyên, Thi Sách… quan sát và đoán xem cô gái nào trong căn nhà ấy là con của chủ nhân đích thực. Trong cả một thế giới toàn đồng phục quần lụa đen áo sơ mi trắng/ xanh trứng sáo, nhận ra các nàng không khó: ngoài giọng nói nhẹ như tơ, cô nào cũng nhỏ nhắn, trắng đến xanh xao, phong thái nhẹ nhàng, miệng cười nhưng mắt thì xa vắng. Ánh mắt ấy, thần thái ấy khiến một cậu học sinh miền Nam như anh chỉ ngắm nhìn từ xa mà không dám tiến tới. Anh kể Lò Đúc thời ấy còn có một ban nhạc, chuyên chơi nhạc lãng mạn Pháp. Anh tham gia chơi guitar. “Chơi dở kinh khủng em à. Nhưng đám bạn anh thời đó cũng dám theo anh diện quần loe tóc dài. Đi ra ngoài bị công an rạch quần hoài.

Sau này nhiều lần trở lại Hà Nội, anh vẫn gặp đâu đó sự an hoà, ý nhị của người Hà Nội, anh cố tìm nhưng không còn thấy dáng vẻ đài các và không khí bình yên trên đường phố ngày ấy nữa. Nhưng hình ảnh đàn cò bay về đậu trên các tàng cây và nụ cười của các thiếu nữ luôn trở lại trong tâm trí, như thuốc an thần, những khi anh rơi vào trầm cảm. Anh tự hỏi: máy bay trên đầu, còi báo động rú liên hồi, sao người Hà Nội không ăn cuồng sống vội? Những ngày kham khó ăn thiếu mặc rét, sao người Hà Nội vẫn có một vẻ bình an, thư thái đến hiếm hoi? Hoa vẫn nở đầy ban – công, bầy cò vẫn yên tâm bay về trú ngụ và đẻ trứng? Mấy chục năm lang thang xứ người, cả những ngày tuyết trắng trời lẫn hầm hập nóng đến rồ dại nơi sa mạc, anh vẫn chưa thôi tự hỏi: điều gì tạo nên ánh mắt xa vắng và nụ cười thanh thoát ấy của các thiếu nữ Hà Nội ? Nó không u uẩn nhiều nhục cảm như đàn bà xứ Huế, không tươi tắn đầy sức sống như con gái Sài Gòn, nhưng nó cứu rỗi, trong ám ảnh.

Những cô gái Hà Nội xưa đằm thắm, thướt tha trong tà áo dài. (Ảnh minh họa/antuonghanoi.vn)

Mình bảo tinh thần mà anh thấy ở các thiếu nữ Hà Nội ngày ấy, em ngờ là do cha họ đọc Tự Lực Văn Đoàn, mẹ họ hay nghe Đoàn Chuẩn-Từ Linh mà có. Còn giờ, em thấy cả thế giới này đang tự huỷ, nhưng xứ mình tự huỷ theo kiểu riêng, nên thuốc cho người ta, mình dùng cũng không được, nói chung có vẻ vô phương. Cho nên những rối loạn lo âu nơi em, vô cảm nơi ai kia, đều là biến thể của chứng trầm cảm tập thể.

Anh bảo anh nhìn Hà Nội và Việt Nam hôm nay như một con người trong cơn bạo bệnh. Những căn bệnh nan y kèm với chứng trầm cảm, mà trầm cảm, như em thấy, nó sẽ lấy đi gần hết sức đề kháng. Em thử chết bao giờ chưa? Anh đã chết lâm sàng vài lần rồi. Vài lần, với sự canh chừng của bác sĩ. Thức dậy sau một giấc ngủ thật dài, anh thấy mọi tế bào đều như được thay mới.

Vì thế, để bình phục hoàn toàn sau cơn bạo bệnh, có lẽ cái thứ mà chúng ta yêu một cách vừa chua xót vừa đau đớn ấy cần được chết lâm sàng. Chết để xoá đi ký ức về sự hung bạo. Chết để mang xuống mồ toàn bộ những cơn rồ vật chất đã đánh đổi hết thảy bình yên bên trong. Chết để kéo theo sự cáo chung của những giá trị bị đánh tráo. Chết để phục sinh những di sản đã mất và kiến tạo hệ giá trị mới mà không cần vay mượn. Chết để khơi thông những nguồn mạch mà anh tin còn đang được cất giấu như bảo bối trong nhiều gia đình, dòng tộc và những cộng đồng trí thức tinh hoa.

Có một khái niệm tiếng Đức là anh thích: hochdeutsch, chỉ về phong cách ngôn ngữ của giới luật sư Đức, cũng hàm chỉ chuẩn mực của giới tinh hoa. Anh vẫn thấy thấp thoáng đâu đó tinh thần này, ý thức này trong giới trí thức tinh hoa ở Hà Nội hồi thập niên 70- 80-90. Có lẽ nó hình thành từ thời trước 1954 mà khi anh tới chưa kịp mất đi. Anh nghĩ, chừng nào người Việt còn tự tôn, còn kiêu hãnh, thì còn hy vọng.

Đôi khi anh hay nhìn lại, nhưng không phải để tiếc nuối mà nhìn lại để thấy xa hơn. Em hoàn toàn đúng khi nói: “người ta vượt thoát khổ đau nhờ ký ức về hạnh phúc.” Vâng, nhưng em chỉ thấy ký ức thanh nhã dường như quá xa xôi để nhắc nhớ. Sau này nếu có chăng, chỉ còn vẻ diễm lệ của sự kham nhẫn, thứ tha.

Nhiêu đó có đủ không, hỡi những thiên đường đã mất của ta?

(Ai tò mò về thần thái của các thiếu nữ Hà Nội mà anh tả, hãy xem tranh Dương Bích Liên.)

Facebook Phạm Tường Vân

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Trung Quốc đe dọa trả đũa Mỹ nếu ông Trump không huỷ thuế quan mới

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm (3/4) đã yêu cầu Tổng thống Donald…

24 phút ago

Cần khoảng 70 triệu m3 cát san lấp, Cần Thơ xin thí điểm dùng cát biển

Nhu cầu cát san lấp tại TP. Cần Thơ được xác định lên tới khoảng…

3 giờ ago

Ông Trump nói ông Putin và ông Zelensky sẵn sàng hướng đến thoả thuận hoà bình

Các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine đã sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa…

3 giờ ago

Niệm đọc ‘một câu’ khi mất ngủ giúp bạn chìm vào giấc ngủ tự nhiên

Có lý do khiến bạn không ngủ được vào ban đêm. Bạn đã từng khổ…

3 giờ ago

Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không rời khỏi NATO

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã trấn an các quốc gia thành viên NATO…

3 giờ ago

Quyền lực nhân sự của Tập Cận Bình đã bị tước bỏ? Phe chống Tập đã mất kiên nhẫn?

Phe chống Tập đã không còn kiên nhẫn và chính thức giành lấy quyền lực…

4 giờ ago