Đi thăm người bạn phải nằm thoi thóp ở bệnh viện ung bướu mà kinh hoàng với cảnh quá tải, và rớt nước mắt cho người dân!
Sốc và buồn kinh khủng! Đó là cảm giác của tôi khi đọc tin ngành y tế đang thừa tiền, có mặt bằng, nhưng vẫn tự chậm trễ xây dựng bệnh viện, trong khi người dân lại đang khốn khổ vì hiện trạng cơ sở y tế đang quá tải hết sức khủng khiếp.
Buổi họp ngày 24/5/2018, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ vấn đề nghiêm trọng này: Bộ Y tế được giao 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, nhưng tiến độ giải ngân cho các dự án ngành này đều rất chậm. Tính đến cuối tháng 4, số vốn được giải ngân mới chỉ 1,3% tổng vốn được phân bổ, và trong năm 2017 cũng chỉ được 54,7%…
Nhiều dự án xây bệnh viện mới đang ì ạch thực hiện ở tình trạng “đắp chiếu”. Hệ quả là phải xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án, làm tăng vốn đầu tư so với ban đầu mà suy cho cùng đều là tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân. Nhưng điều quan trọng nhất là hàng triệu bệnh nhân đang khốn khổ vì tình trạng bệnh viện quá tải không có cơ hội được chữa trị tốt hơn.
Chắc chắn không chỉ người viết bài này, mà ngay các quan chức đầu ngành y tế cũng từng thị sát bệnh viện và chứng kiến hiện trạng khổ sở của đồng bào. Một giường bệnh ung thư phải nằm 2 người, thậm chí 3, 4 người. Không đủ chỗ, bệnh nhân còn phải chui cả gầm giường, hành lang, cầu thang, gầm cầu thang, sân bệnh viện. Bệnh nhi, đối tượng cần được ưu ái nhất, vẫn đang ngày ngày khốn khổ chen chúc trong các cơ sở chữa trị.
Chính người viết bài này cũng từng nhiều lần đưa con nhỏ vào các bệnh viện TP.HCM và hiểu quá rõ sự quá tải khủng khiếp thế nào. Cha mẹ và bệnh nhi phải chen chúc xếp hàng, mỏi mệt, đau đớn chờ đợi ở tất cả công đoạn khám chữa trị. Từ chen chúc mua sổ, đợi bác sĩ khám, chờ nhập viện, chờ mua thuốc men, đến phải chờ … thanh toán viện phí. Cảnh sản phụ, bé sơ sinh lê lết nằm cả ngoài lối đi dơ bẩn làm nhói lòng bất cứ ai! Tình trạng bức bối, căng thẳng đến mức chính bác sĩ còn phải nói: “Nếu bé bệnh không nghiêm trọng thì nên điều trị ở nhà. Đưa vào viện làm khổ bé và coi chừng lây nhiễm thêm bệnh”.
Thậm chí, bạn bè người viết là doanh nhân thường qua lại buôn bán ở Campuchia, Lào cũng khách quan nhận xét điều kiện chữa trị y tế của họ còn thuận lợi hơn mình. Khoan chưa bàn năng lực nhân viên y tế, họ khẳng định các cơ sở chữa trị ở Lào, Campuchia không hề có cảnh quá tải khủng khiếp, mấy người bệnh nằm chung một giường, kể cả dưới gầm giường như Việt Nam. Chẳng cần đâu xa, ngay các nước còn khó khăn trong khu vực, bệnh nhân họ cũng không phải đến nỗi khổ như mình!
Hiện trạng buồn rõ như ban ngày. Ai cũng thấy, cũng xót xa. Bà bộ trưởng Y tế đã hứa hẹn sớm khắc phục. Nhưng thực tế hiện nay lại là cảnh thừa tiền, có đất mà lại chậm trễ xây dựng bệnh viện. Một số lý do được Bộ Y tế đưa ra như vướng mắc… luật Xây dựng. Còn Bộ Xây dựng thì nói ngược là do chính năng lực bộ máy quản lý dự án ngành y tế yếu kém… Đổ qua đổ lại không xong, nhiều vị còn quay qua đổ lỗi cho chính… người bệnh! Cái lý do “khám chữa bệnh vượt tuyến” bị người dân hết sức phẫn nộ, bởi sự thật không còn cách nào khác họ mới phải vào những bệnh viện mà như “địa ngục trần gian” này!
Xin khẳng định dù thế nào, hàng triệu bệnh nhân đang chịu đựng khốn khổ mỗi khi đến bệnh viện cũng không cần biết những lý do này nọ. Các yếu tố cốt lõi ngành y tế đều đã có, từ đất đai, tiền bạc, chủ trương xây dựng. Còn năng lực đội ngũ hay vướng mắc quy định này nọ là do các vị tạo ra thì chính các vị phải giải quyết. Và nói như chính lời một lãnh đạo chính phủ, nếu ai không làm được hãy tránh ra để người khác làm …
Đừng để kéo dài mãi tình trạng nhân dân phải khốn khổ như hiện nay. Các vị có quyền, có tiền, âm thầm ngồi hạng VIP, bay qua Mỹ, qua Pháp, Singapore chữa trị. Còn dân nghèo bệnh tật thì có thể đi đâu?
Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Quốc Việt
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…