Categories: Xã luậnBlog

BOT và tham nhũng

Vụ việc trạm thu phí BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang từ đầu tháng 8/2017 qua một thời gian tạm lắng nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc thì đến nay lại bùng phát…

Tình hình căng thẳng tại Trạm BOT Cai Lậy (Ảnh: facebook)

Bộ Giao thông vận tải đã phải họp để giải quyết nhưng hướng “quyết” của Bộ không “giải” được vấn đề cốt lõi: vì sao trạm thu phí lại đặt ở vị trí “đón lõng” tất cả xe đi qua, bất kể có đi vào “đường tránh” hay không?

Từ vấn đề này nảy sinh thêm nhiều câu hỏi khác như, vì sao giá vé ở đây quá cao, vì sao đoạn quốc lộ 1A qua thị trấn Cai Lậy – con đường huyết mạch có từ thời xa xưa – thuộc chức trách quản lý, bảo trì, sửa chữa của nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông, mà nay lại giao cho tư nhân “nâng cấp” để rồi thu phí?…

Rất nhiều câu hỏi vì sao đã được đặt ra từ phía người dân. Nhưng về phía nhà quản lý là Bộ giao thông thì ngay một câu hỏi đơn giản nhất cũng không được đặt ra và trả lời nghiêm túc: Vì sao người dân bức xúc và phản ứng? Cụ thể là những lái xe qua đoạn đường này, dù phải chờ đợi hàng giờ dưới cái nắng nóng như thiêu hay trong cơn mưa tầm tã thì họ vẫn cùng nhau thực hiện một hành động “bất tuân dân sự”: trả phí bằng các loại tiền lẻ.

Trước đó ở miền Trung đã có một trạm thu phí bị lái xe phản ứng cũng bằng cách này, nhưng hiệu quả không cao và sự lan truyền không mạnh mẽ. Nhưng đến BOT Cai Lậy Tiền Giang thì có tác động ngay vì lưu lượng xe qua lại trên con đường này quá lớn, chỉ cần ùn tắc ít phút ở trạm BOT là tạo ra “phản ứng dây chuyền” cả đoạn đường dài.

Hiện nay quốc lộ 1A từ TPHCM về đồng bằng sông Cửu Long gần như là “độc đạo”! Thực hiện đúng BOT là làm thêm một con đường khác (nhất là những đoạn qua thành phố, thị xã)… thì vừa phá thế độc đạo rất nguy hiểm đối với tính mạng hàng trăm ngàn lượt người, xe qua lại hàng ngày, vừa tăng cường được hiệu quả giao thông qua việc rút ngắn thời gian vận chuyển. Như vậy cả lợi ích kinh tế – xã hội đều đạt được.

Nếu đường mới làm bằng phương thức BOT thì chỉ được phép đặt trạm thu phí cho đoạn đường đó. Thời gian đầu có thể các chủ phương tiện giao thông còn né tránh nhằm tiết kiệm chi phí. Nhưng nếu đường và trạm đặt ở vị trí hợp lý và mức phí phù hợp thì chắc chắn về lâu dài đó là “phương án chọn” của đa số phương tiện giao thông. Bởi vì, trong bài toán kinh tế “thời gian” không chỉ là tiền mà còn là “vàng, kim cương”, hơn nữa, độ an toàn với người sử dụng phương tiện giao thông cao hơn.

Tuy nhiên, dù chính sách BOT cho thấy “ích nước lợi nhà” nhưng trong thực tế việc thực thi BOT đã không nhằm đến “phát triển bền vững” và trước mắt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của đa số người dân mà rõ ràng chỉ vì lợi ích của một nhóm người. Bất chấp phản ứng của người dân trạm BOT vẫn đặt ở vị trí vô lý “không đi qua vẫn phải nộp tiền”!

***

Sự việc ở Cai Lậy làm lộ ra nhiều trạm thu phí BOT khác trên những con đường huyết mạch của cả nước cũng bị tình trạng tương tự. Không cần tìm đâu xa là thấy ngay có một sự tham nhũng “không hề nhẹ”, đó là những luật lệ, việc làm nhằm nhũng nhiễu và “móc túi” dân chúng. Tham nhũng không chỉ ở những dự án công trình hàng ngàn tỷ đồng mà bắt đầu từ lạm thu, thu sai chỉ từ “vài nghìn đồng” gây thiệt hại cho hàng triệu người dân.

Sai phạm ở nhiều BOT Bộ Giao thông đã thừa nhận. Vậy nhưng chính quyền những địa phương ấy lại tăng cường việc đưa cả công an ra để ngăn chặn, “xử lý” tài xế thực hiện hành vi dân sự là trả phí bằng tiền lẻ. Đây là một sự tham nhũng tồi tệ hơn: tham nhũng quyền lực – nguyên nhân của mọi loại tham nhũng. Virus gây bệnh và làm lây lan căn bệnh tham nhũng có nhiều biến thể này là một virus nguy hiểm có tên “coi thường nhân dân”.

Chống tham nhũng thực sự cần bắt đầu ngay từ việc chống lạm thu, thu sai các loại phí, thuế, bỏ ngay những trạm BOT đặt sai vị trí, xử lý ngay những người lạm quyền cố ý làm sai gây hậu quả xấu cho kinh tế và xã hội. Lập lại sự công bằng, lấy lại niềm tin trong dân chúng để ngăn chặn và tiêu diệt virus “coi thường nhân dân”.

Chống tham nhũng thực sự hãy bắt đầu từ những người đang có chức có quyền. Cắt đứt ngay cơ hội tiếp tục tham nhũng của họ chứ đừng đợi cho “hạ cánh” rồi mới “cách” cái “nguyên là” nhưng hầu như không làm tróc một cái vảy nhỏ nào ở đống tài sản khổng lồ của họ, họ và gia đình vẫn an toàn mà thụ hưởng. Xử lý như vậy khác nào dung dưỡng và khuyến khích tham nhũng!

Đừng mong bọn tham nhũng có liêm sỉ để mà xấu hổ khi bị kỷ luật, bởi nếu có liêm sỉ họ đã không tham nhũng và tham quyền đến thế! Xử lý tham nhũng theo kiểu “dơ cao đánh khẽ” chẳng qua được mắt nhân dân.

Theo nguoidothi.net.vn

Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm:

Nguyễn Thị Hậu

Published by
Nguyễn Thị Hậu

Recent Posts

TikToker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị bắt; Hoa hậu Thùy Tiên bị phạt 25 triệu đồng

Quang Linh Vlogs và TikToker Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam vì…

1 giờ ago

Trung Quốc đe dọa trả đũa Mỹ nếu ông Trump không huỷ thuế quan mới

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm (3/4) đã yêu cầu Tổng thống Donald…

3 giờ ago

Cần khoảng 70 triệu m3 cát san lấp, Cần Thơ xin thí điểm dùng cát biển

Nhu cầu cát san lấp tại TP. Cần Thơ được xác định lên tới khoảng…

6 giờ ago

Ông Trump nói ông Putin và ông Zelensky sẵn sàng hướng đến thoả thuận hoà bình

Các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine đã sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa…

6 giờ ago

Niệm đọc ‘một câu’ khi mất ngủ giúp bạn chìm vào giấc ngủ tự nhiên

Có lý do khiến bạn không ngủ được vào ban đêm. Bạn đã từng khổ…

6 giờ ago

Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không rời khỏi NATO

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã trấn an các quốc gia thành viên NATO…

6 giờ ago