Categories: Xã luậnBlog

Chuyện gian lận khoa học: Sato và một kết cục rất buồn

Tập san Science mới đi một bài tương đối dài về một vụ gian dối khoa học mà nhân vật chính là một giáo sư người Nhật là Yoshihiro Sato (1). Sự việc này có liên quan đến [tập san] Journal of Bone and Mineral Research, vì GS Sato từng công bố nghiên cứu trên đó, và tôi là một trong những người có liên quan. Nhưng tôi không biết và không ngờ rằng sự việc kết thúc một cách bi thảm: GS Satoh tự tử. Tôi mô tả lại sự việc để chúng ta cùng suy ngẫm.

(Ảnh minh họa/Getty Images)

Yoshihiro Sato là một giáo sư y khoa thuộc một đại học nhỏ của Nhật. Ông là một nhà nghiên cứu về loãng xương có tiếng, nhưng sự nghiệp của ông kết thúc một cách đột ngột khi ông tự tử vào năm ngoái, vì bị đồng nghiệp phương Tây cáo buộc ông ngụy tạo dữ liệu. Cái chết của GS Sato làm cho những người cáo buộc sống trong nỗi dằn vặt suốt đời. Câu chuyện là một chuỗi dài những sự kiện mang dấu ấn khoa học nhưng cái kết cục lại nói lên sự khác biệt về văn hóa giữa Đông và Tây.

Sato giữ chức giáo sư y khoa thuộc Đại học Hirosaki University từ 2000 đến 2003. Chuyên ngành nghiên cứu của ông là loãng xương, và một trong những hướng nghiên cứu ông theo đuổi là ảnh hưởng của vitamin D đến loãng xương. Trong suốt sự nghiệp khoa học, GS Sato đã công bố gần 200 công trình nghiên cứu, một số công trình được công bố trên JAMA (một tập san y học hàng đầu thế giới). Ông cũng có một số ít công trình công bố trên các tập san hàng đầu trong chuyên ngành như Journal of Bone and Mineral Research, Bone, và Osteoporosis International. Nói chung, ông là một nhân vật trong “bộ lạc” được nhiều người biết đến.

Vấn đề của những công trình nghiên cứu của ông là các kết quả quá “đẹp”. Đẹp hơn những gì giới khoa học trong chuyên ngành có thể đạt được, và đó chính là nguồn gốc của nhiều nghi vấn về số liệu của ông. Chẳng hạn như trong một bài báo trên Neurology, Sato và đồng nghiệp báo cáo rằng thuốc risedronate [một loại thuốc chống loãng xương] giảm nguy cơ gãy xương đùi đến 86% – một kết quả làm ai cũng ngạc nhiên. Trong nghiên cứu này, Sato còn báo cáo rằng nhóm nghiên cứu đã tuyển 374 bệnh nhân trong vòng 4 tháng! (Thông thường, thời gian tuyển dụng bệnh nhân kéo dài chừng 1-2 năm). Một công trình khác công bố trên Archives of Internal Medicine, Sato báo cáo rằng ông tuyển 280 bệnh nhân trong vòng 2 tháng. Tất cả các nghiên cứu này đều có độ tuân trị rất cao mà các nghiên cứu khác ở phương Tây khó có thể đạt được. Nhiều nghiên cứu khác của Sato cũng có những kết quả “dương tính” và số liệu thì lúc nào cũng đẹp hơn những gì khoa học thực nghiệm có thể đạt được.

Thoạt đầu, giới chuyên môn chỉ lịch sự nêu vấn đề qua kênh “thư đến biên tập” (Letter to the Editor). Có vài độc giả viết thư đến tập san bày tỏ sự ngạc nhiên về khả năng tuyển bệnh nhân quá nhanh, nhưng Sato trả lời một cách lịch sự rằng ông và đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu ở nhiều bệnh viện, nên tốc độ tuyển mộ như thế không có gì quá ngạc nhiên. Dù có nghi vấn, nhưng không ai nêu vấn đề mức độ ảnh hưởng của can thiệp, vì người trong chuyên ngành phải tin tưởng những gì Sato và đồng nghiệp báo cáo.

Chỉ khi kết quả của Sato đặt trong bối cảnh các nghiên cứu khác thì sự bất thường mới hiện ra. Năm 2006, một nhà nghiên cứu người Anh tên là Alison Avenell thực hiện một phân tích tổng hợp (meta-analysis) về hiệu quả của vitamin D trong việc phòng chống gãy xương. Avenell đọc vài công trình của Sato và thấy có những trùng hợp bất thường. Một công trình làm trên bệnh nhân đột quỵ, một công trình trên bệnh nhân Parkinson, nhưng nhóm chứng của hai công trình này giống y chang nhau. Giống nhau về độ tuổi, chiều cao, cân nặng, tỷ trọng cơ thể (body mass index), và nhiều chỉ số lâm sàng khác. Sự trùng hợp là một hiện tượng rất rất hiếm xảy ra trong nghiên cứu thực nghiệm.

Sau đó, Avenell liên lạc BS Mark Bolland (một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Auckland, Tân Tây Lan, có kinh nghiệm về thống kê học) và họ đã “hợp lực” tiếp tục phân tích những dữ liệu của Sato. Họ chỉ ra những bất cập trong dữ liệu của Sato mà họ nghi ngờ là giả tạo, chứ không phải kết quả từ thí nghiệm. Cách làm của Bolland rất đơn giản: anh ta xem xét những so sánh các chỉ số “baseline” trong các nghiên cứu của Sato. Thông thường, một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên có 2 nhóm bệnh nhân (nhóm can thiệp và nhóm chứng), và nếu bệnh nhân được chia nhóm ngẫu nhiên thì các chỉ số lúc ban đầu (baseline) giữa hai nhóm sẽ không có khác biệt. Cách đánh giá khác biệt là trị số P, có giá trị từ 0 đến 1. Khi có nhiều nghiên cứu lặp lại, và mỗi nghiên cứu có nhiều chỉ số lâm sàng, thì trị số P phải tuân theo luật phân bố đồng dạng (uniform distribution). Nói cách khác, nếu có 20 biến số thì trị số P sẽ phân bố đều nhau giữa 0 và 1. Chẳng hạn như trị số P so sánh hai nhóm về độ tuổi có thể 0.1 hay về cân nặng có thể 0.9, và xác suất các trị số P này như nhau. Tuy nhiên, sau khi trích ra 33 bài báo của Sato với hơn 500 biến số và trị số P, Bolland thấy hơn phân nửa có trị số P trên 0.8! Đó là một xu hướng không nhất quán với phân bố của trị số P. Do đó, Bolland và Avenell nghi ngờ rằng có thể Sato đã giả tạo dữ liệu.

Bolland và Avenell tóm lược các kết quả phân tích trong một bản thảo, và họ nộp bản thảo cho tập san JAMA. Tổng biên tập của JAMA là Howard Bauchner chỉ thị cho các phó biên tập liên lạc với Sato và bệnh viện Mitate nơi Sato công tác để xác minh sự việc. Mãi đến 2015 (tức 2 năm sau), JAMA vẫn không nhận được hồi đáp của bệnh viện Mitate! Thay vì rút lại bài báo của Sato, JAMA công bố một bố cáo nhỏ gọi là “Expression of Concern” (EoC) về công trình của Sato. Sau khi bị JAMA từ chối công bố bản thảo, Bolland và Avenell họ tiếp tục gửi bản thảo cho JAMA Internal Medicine, một tập san trong JAMA. Nhưng JAMA Internal Medicine cũng từ chối bài báo của Bolland và Avenell.

Bolland và Avenell vẫn kiên trì. Sau đó, họ gửi bản thảo cho Journal of Bone and Mineral Research (JBMR), tập san số 1 trong chuyên ngành loãng xương vào giữa năm 2015. Lúc đó, tôi ngồi trong ban biên tập JBMR và phụ trách mảng nghiên cứu lâm sàng; do đó, Tổng biên tập Tập san Journal of Bone and Mineral Research giao/nhờ tôi thẩm định bản thảo của Bolland & Avenell. (Tôi quen biết Bolland, nhưng không quen Avenell). Tôi xác định rằng Bolland đã làm đúng phương pháp và cách tiếp cận đúng. Nhưng tôi đề nghị không công bố bài báo của Bolland, vì câu kết luận quá nặng nề cho tác giả, và quan trọng nhất là khó lường trước tác động của việc công bố. Tôi đề nghị rút lại những bài báo của Sato trên JBMR, và báo cho Bolland biết quyết định của chúng tôi. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đề nghị của mình là hợp lý và rất hài lòng là bà Tổng biên tập làm theo đề nghị của tôi.

Bolland và Avenell có vẻ rất tức tối, vì họ thấy các tập san lớn không cho họ lên tiếng về một sự việc quan trọng. Họ lại nộp bản thảo cho Tập san Neurology, nơi mà Sato từng công bố một số bài báo. Nơi đây, Bolland và Avenell có may mắn hơn vì Neurology đồng ý bình duyệt bản thảo. Tháng 12/2016, Neurology công bố phân tích của Bolland và Avenell. Và, đến thời điểm này thì Sato đã rút lại 10 bài báo khoa học. Bolland và Avenell rất vui mừng khi thấy “công trình” của họ cuối cùng cũng được công bố trên một tập san có tiếng. Avenell cho biết cô đã khóc khi thấy bài báo được chấp nhận cho công bố trên Neurology (2).

Nhưng trong khi Bolland và Avenell vui mừng đến khóc, thì một sự kiện nghiêm trọng hơn xảy ra: Giáo sư Yoshihiro Sato tự tử chết chỉ sau 1 tháng bài báo của Bolland và Avenell được công bố. Tổng biên tập Neurology gửi email báo tin sốc cho Bolland và Avenell, giống như một cách nói gián tiếp: “Hai người đã hài lòng chưa?” Cả hai Bolland và Avenell (còn tương đối trẻ) đều sững sờ vì nghe hung tin, và họ không ngờ hành động của họ dẫn đến cái chết của một đồng nghiệp.

Cho đến nay, sau khi đã có điều tra của Đại học Hirosaki, cộng đồng khoa học mới biết rằng quả thật Sato đã vi phạm đạo đức khoa học. Có dấu hiệu cho thấy Sato đã giả tạo dữ liệu hơn 30 công trình nghiên cứu. Tính chung, sau khi Sato tự tử, các tập san đã rút lại 23 bài báo, và với con số này Sato đứng vào hàng những tác giả có nhiều vi phạm khoa học nhất thế giới. 

Sự việc còn nói lên tình trạng “tác giả quà” trong khoa học. Có 13 bài báo có vấn đề về đứng tên tác giả. Có đến 26 đồng tác giả đứng tên chung với Sato, nhưng những người này hoặc là không có dính dáng gì đến nghiên cứu hay chẳng có đóng góp gì về học thuật. Một trong những đồng tác giả là Kei Satoh, từng là hiệu trưởng Đại học Hirosaki. Một đồng tác giả quan trọng khác là Jun Iwamoto (tôi biết) từng phục vụ trong Hiệp hội Loãng xương Nhật Bản và là giáo sư của Đại học Keio ở Tokyo (một đại học lừng danh trên thế giới). Hai người, Sato và Iwamoto, đã hợp tác với nhau khá lâu và đồng tác giả của hơn 130 bài báo khoa học. Ấy vậy mà khi được Ủy ban điều tra về các công trình của Sato hỏi về sự việc thì Iwamoto nói rằng ông không hay biết gì về việc tên ông xuất hiện trong các bài báo của Sato! Ủy ban rất sốc khi nghe Iwamoto trả lời như thế. Ai cũng biết hiện tượng “gift authorship” (tác giả quà) rất phổ biến trong khoa học, nhưng không ai nghĩ rằng một giáo sư nổi tiếng có thể trả lời như thế. Sau này, người ta mới biết rằng hai người “tương tác” nhau trong các bài báo: cứ mỗi lần Sato đề tên Iwamoto là đồng tác giả, thì bài sau Iwamoto trả nghĩa bằng cách đề tên Sato là đồng tác giả. Họ có qua lại như thế suốt hơn 130 bài báo!

Cái chết của Yoshihiro Sato nói lên một phần về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây. Người phương Tây họ có tinh thần khoa học rất cao, và muốn duy trì các chuẩn mực khoa học. Tiêu biểu cho tinh thần này là việc làm của Bolland và Avenell. Nhưng cả hai đều còn tương đối trẻ, còn có sự háo thắng, với tinh thần quyết hạ gục đối thủ mà họ nghĩ là gian lận khoa học, bằng mọi giá. Họ không suy nghĩ đến hậu quả, và chắc chắn không bao giờ nghĩ đến nạn nhân của họ chọn cái chết. Có lẽ họ không am hiểu về văn hóa Nhật Bản vốn rất trọng danh dự và thể diện. Một người bạn Nhật của tôi, nay là giáo sư, có lần nói với tôi rằng hiếm thấy dân tộc nào trọng danh dự như người Nhật, và họ sẵn sàng chọn cái chết mà họ xem là “mỹ đức”. Võ sĩ samurai bị hạ nhục có thể chọn cái chết như tự mổ bụng để phục hồi danh dự! Ba năm trước, một nhà khoa học Nhật chuyên về tế bào gốc là Yoshiki Sasai treo cổ tự tử, vì không chịu đựng được những cáo buộc về ngụy tạo dữ liệu và gian dối trong nghiên cứu khoa học. Do đó, tôi đoán (chỉ đoán thôi) Giáo sư Sato đã chọn cái chết “mỹ đức”để phục hồi danh dự.

Khi ký giả của Science liên lạc qua điện thoại với Avenell và báo cho cô ấy biết những lá thư tuyệt mạng của Sato, Avenell im lặng trong sốc. Avenell nói rằng việc chỉ ra những sai trái trong khoa học là cần thiết, nhưng cô tự vấn có thể làm cách khác để không dẫn đến việc nạn nhân tự tử (“Could we have done it without Sato committing suicide?“). Có lẽ Avenell sẽ sống trong nỗi dằn vặt về câu hỏi đó suốt đời, vì cô ấy đã gián tiếp giết chết một người đồng nghiệp. Cuối cùng thì câu nói “Ở đời phải tử tế với nhau” của Trịnh Công Sơn xem ra rất đúng và hợp ở đây.

(1) http://www.sciencemag.org/…/researcher-center-epic-fraud-re…

(2) http://n.neurology.org/content/87/23/2391.long

Theo Facebook GS Nguyễn Văn Tuấn

Xem thêm:

Nguyễn Văn Tuấn

Published by
Nguyễn Văn Tuấn

Recent Posts

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

1 giờ ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

1 giờ ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

3 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

9 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

9 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

10 giờ ago